Trong những ngày vừa qua, tôi cảm thấy như chính mình bị xúc phạm mỗi khi nghĩ đến những phản ứng của một số người Anh trước sự ra đi của cựu thủ tướng Margaret Thatcher. Người reo hò, kẻ mở rượu champagne để ăn mừng. Không thiếu những người chửi bới, nguyền rủa. Bài ca “Ding-Dong! The Witch is dead” (Ding-Dong, mụ phù thủy đã chết) lại được dịp cho phát đi phát lại, ngay cả trên đài BBC. Có người còn tuyên bố sẽ nhảy nhót trên mộ của bà.Dù có bị nguyền rủa đến đâu, trong sự yên giấc nghìn thu, có lẽ bà Thatcher chẳng còn màng đến lời khen tiếng chê. Nhưng quan tài của bà còn đó. Con cháu và người thân của bà còn đó. Họ đau khổ biết chừng nào! Trước sự ra đi của bất kỳ con người nào, người Việt Nam chúng ta vẫn luôn bày tỏ sự tôn trọng qua câu nói “nghĩa tử nghĩa tận”. Người Tây Phương cũng có một cách cư xử tương tự. Ngay từ thế kỷ thứ Tư trước Công Nguyên, ngạn ngữ Latinh mà người Tây Phương vốn thấm nhuần cũng nói rằng “Về người chết, nếu có nói điều gì thì chỉ nên nói tốt mà thôi” (De mortuis nil nisi bene dicendum). Nhiều người Anh có lẽ đã quên mất câu nói tương tự trong Anh Ngữ: “Speak no ill of the dead”.
Sở dĩ tôi cảm thấy buồn về cách cư xử “thiếu văn minh” của một số người Anh là vì, cho dẫu không tôn bà Thatcher lên hàng “thần tượng”, tôi vẫn thấy nơi bà có nhiều điều đáng tôn trọng và học hỏi. Hẳn phải là một chính trị gia có thực tài, bà mới được dân chúng Anh tín nhiệm để bầu làm thủ tướng đến 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Người ta có thể không đồng ý về đường lối cai trị và các chính sách của bà. Người ta cũng có thể không đồng ý trước sự cứng rắn của bà. Nhưng không ai dám bảo bà là một nhà độc tài. Chính bà đã can đảm đối đầu với nhà độc tài Galtieri của Argentina khi ông này ngang nhiên đưa quân xâm chiếm đảo Falkland của Anh Quốc. Chính bà là người đã tích cực hợp tác với Hoa Kỳ dưới thời cố tổng thống Ronald Reagan và chấm dứt chiến tranh lạnh.
Bà xứng đáng để được mệnh danh là “Bà Đầm Sắt”. Như cựu ngoại trưởng Úc Alexander Downer đã giải thích về thái độ cứng rắn của bà, “cứng rắn không phải là một đức tính nếu bạn sai lầm và bất tài. Cứng rắn như thế là ích kỷ và cứng đầu” (x.The Sydney Morning Herald 13-14/4/2013). Theo ông Downer, cứng rắn nơi bà Thatcher là một đức tính, bởi vì bà đưa ra những chính sách đúng đắn. Đa số người Anh đã biểu đồng tình với các chính sách của bà cho nên mới tín nhiệm bà và để bà lãnh đạo đất nước trong ba nhiệm kỳ liên tiếp.
Cứng rắn nơi bà Thatcher cũng đồng nghĩa với can đảm. Bà không bao giờ đưa lá bài “phái tính” của bà ra mỗi khi bị tấn công. Bà chưa một lần gọi các đối thủ của mình là những người kỳ thị và khinh miệt phụ nữ. Bà chỉ nói rằng họ sai lầm. Vậy thôi.
Với tôi, sau thủ tướng Winston Churchill, bà Thatcher là một trong những thủ tướng vĩ đại nhứt trong lịch sử Anh Quốc. Vĩ đại là bởi lúc còn sống bà chấp nhận bị chống đối miễn là hành động theo sự thật, lẽ phải và lương tri, chứ không mị dân để tìm kiếm sự ủng hộ nhất thời.
Tôi thích nhận định của ký giả Catherine Mayer trên tạp chí Time số ra 22 tháng 4 này: Bà Thatcher“am hiểu điều mà người dân thường chờ đợi nơi các lãnh tụ chính trị: đó là họ phải ý thức rằng sống cuộc sống tử tế là điều đáng sống”.
Di sản mà cố thủ tướng Thatcher để lại sẽ được người dân Anh và thế giới tiếp tục mang ra mổ xẻ, tranh luận và ngay cả bôi bác. Nhưng riêng tôi, nếu có một bài học mà tôi cần rút ra từ triết lý sống, cách hành xử của người đàn bà này, thì bài học đó là: trong cuộc sống, chẳng ai có thể làm vừa lòng mọi người. Thánh thiện như Chúa Giêsu hay Đức Thích Ca vẫn có người thù ghét. Từ bi nhân ái như Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng không thiếu người không ưa thích. Có suốt một đời hy sinh phục vụ cho những người nghèo cùng khốn khổ nhứt như Mẹ Terexa Calcutta mà cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích. Có khi càng sống theo lương tâm thì lại càng bị chê ghét và bỏ rơi. Bá nhân bá tính. Làm sao có thể làm vừa lòng mọi người một lúc. Có ai trên trần gian này mà chẳng có kẻ thù. Người Việt Nam nào mà chẳng thuộc lòng câu ca dao:
“Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
Cao chê ngỏng thấp chê lùn,
Béo chê béo trục béo tròn,
Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra”.
Chợt nhớ lại điển tích về cha con người buôn ngựa:
“Nhà họ Mã ngày trước chuyên nghề nuôi dạy ngựa và bán ngựa. Có một dạo gia đình ông suy sụp vì con ông bị bệnh nặng, đã vét hết tiền trong nhà mà con ông vẫn không khỏi. Ông bán hết số ngựa nuôi để thang thuốc cho con. Con ông sống được. Từ đó ông bắt đầu dành dụm, tằn tiện được một số tiền.
Ngày nọ Mã ông nghe ở Hương Lâm có bán một giống ngựa quý, ông đến nơi đó xem tướng ngựa thật kỹ, biết đó là giống ngựa hay, thuộc loại Hoàng Phiêu, mặc dù nó có phần hơi gầy. Mã ông thích quá, nên chịu mua với giá đắt. Ông về nhà bàn lại với con:
-Phụ thân xem biết nó rất quý, dù hơi gầy, thuộc giống Hoàng Tuyết Phiêu của người Khương. Nhà ta gây được giống này sẽ làm giàu không mấy hồi. Ngặt vì xa ngót ngày đường, qua đèo truông e có cướp, nên cha con ta cùng đi.
Hai cha con họ Mã thử ngựa và ngả giá xong, tra yên cương, cha con đồng lên ngựa ra về, lòng thấy hoan hỉ.
Họ đi qua một xóm nhà, Mã ông khiêm tốn cho ngựa đi nước kiệu, dân làng đón ông lại nói:
- Mã lão! Ông là người nuôi ngựa, sao không biết thương ngựa? Con ngựa gầy thế kia, còn cha con ông cọp ăn bảy ngày không hết, nỡ nào cả hai lại đè trên mình nó?
Ông Mã nói với con mình:
- Họ nói phải đấy con ạ! Vậy cha nhường cho con cưỡi. Cha cầm cương cho.
Thế là một mình Mã công tử ngồi ngựa, ông Mã đi bộ theo. Họ yên tâm đi xóm nhà khác, bây giờ trời đã khá trưa, những người ngồi mát trên đường thấy cảnh cha con họ Mã như vậy, họ kéo ra đón đầu ngựa, xỉ vả người con:
- Ai dạy công tử về cách hiếu đạo như thế? Con thì ngồi ngựa kênh kiệu, để cha chạy bộ theo đổ mồ hôi! Qua cánh đồng kia có học hiệu Khổng Môn, chắc họ đánh công tử trào máu ra mất!
Mã công tử lật đật nhảy xuống ngựa, chắp tay thưa với cha:
- Họ nói phải đấy cha ạ! Nãy giờ con cũng khỏe rồi, cha hãy cưỡi nó cho đỡ mệt. Người cha lên ngựa đi, ngang qua "Khổng Môn học hiệu", một số học trò ở đó biết mặt ông già, chúng chạy lại đón ông nói:
- Mã lão bá! Lão bá lâu nay mạnh giỏi chứ? Nghe nói lệnh lang lâu nay bệnh thập tử nhất sinh, nay mới vừa hơi bình phục lão bá để lệnh lang nhọc nhoài cho đành.
Mã lão nhảy xuống ngựa nhìn con rồi thì thầm:
- Kể ra họ nói cũng phải. Kể không còn bao xa, ta dắt ngựa đi vậy.
Hai cha con xuống ngựa dắt bộ, hồi lâu đến xóm khác, có ai đó nhìn ngựa rồi chửi:
- Đúng là cha con một lão vô học. Đây là giống Hoàng Tuyết Phiêu, một loại thiên lý mã, mua về để cưỡi hoặc làm giống, nào phải mua về để thờ, sao có ngựa lại không cưỡi?
Cha con họ Mã thiếu điều muốn khóc. Lão nói với con:
- Cưỡi ngựa cũng bị chửi, mà không cưỡi cũng bị chửi! Ta chịu hết nổi! Thôi thả quách cho xong!
Hai người dắt đi một đoạn cho khuất mắt mọi người, rồi tháo cương, cởi yên, đánh một roi, ngựa dong tuốt vào rừng mất dạng. Về đến nhà, bà cụ nghe đón đầu ngõ. Ông cụ thuật lại mọi chuyện. Bà cụ nghe qua đấm vào đầu bình bịch, vừa khóc vừa nói:
- Ngu sao là ngu! Có bao nhiêu vét đi mua ngựa, rồi thả ngựa đi! Xưa nay miệng lưỡi thế gian. Việc mình mình cứ làm, chiều ý, nghe lời họ làm gì? Rồi đây lấy gì mà sinh sống, lấy gì mà cưới vợ cho con? Ngu ơi là ngu!...”
(Theo Ngô Nguyên Phi, Thuật Xử thế của Người Xưa)
Dư luận thường hà khắc và ngay cả độc ác. Các chính trị gia đều biết rõ điều đó. Hầu như tuần nào kết quả các cuộc thăm dò về phản ứng của dân chúng đối với chính phủ và các đảng phải chính trị cũng đều được công bố. Trong một mức độ nào đó, đây là thước đo lòng dân. Các chính trị gia không thể nhắm mắt bịt tai trước sự phán xét của dư luận. Nhưng cũng có khi dư luận chỉ là một phản ứng “bầy đàn”: con người bị lèo lái và chạy theo đám đông hơn là suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình. Nếu muốn thấy điển hình của một phản ứng bầy đàn và có điều kiện, có lẽ chúng ta chỉ cần nhìn vào tiếng khóc hay tiếng hoan hô ngợp trời của một đám đông ở Bắc Hàn. Trong trường hợp này, đạp trên dư luận mà bước tới quả là một thái độ can đảm. Chó sủa mặc chó, đường ta ta cứ đi!
Thực ra, lời khen và tiếng chê sẽ không có giá trị nếu như thiếu sự chính xác. Mà mức độ chính xác thì chỉ có thâm tâm của người nhận mới phán đoán được. Vì vậy, khen chưa hẳn tốt mà chê chưa hẳn xấu. Sự phê bình của người khác không phải để tôi kiêu ngạo hay dằn vặt chính mình mà để giúp tôi nhìn lại chính mình. Bởi lẽ, phê bình đúng giúp tôi kiện toàn những gì đang có trong khi phê bình sai giúp tôi trưởng thành hơn. Và trong một cách nhìn lạc quan với chút khôi hài thì khi còn là đối tượng để bị phê bình, thì có nghĩa là người khác còn “nhớ” đến mình, và mình vẫn còn có một chỗ “đứng” trên trái đất này.
Nói cho cùng, khi con người luôn sống cho sự thật, lẽ phải và lương tri, họ chẳng phải sợ người đời xa lánh, khinh chê hay thù ghét. Ở cốt lõi của lối sống ấy chính là tấm lòng từ bi và bác ái. Chỉ có lối sống ấy mới giúp cho ta được bình tâm trước tiếng đời thị phi hay khen chê của người khác.
Tôi thường đọc lại và suy ngẫm về lời kêu gọi của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chương cuối cùng của cuốn sách “Đạo lý cho Thiên Niên Kỷ Mới” (Ethics for the New Millennium). Nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng nhắn nhủ: “Cách tốt nhất để bảo đảm rằng khi cận kề cái chết chúng ta sẽ không hối tiếc là hãy làm sao để trong phút giây hiện tại ta hành xử với trách nhiệm và với tâm từ bi đối với tha nhân…Từ bi là một trong những điều thiết yếu mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Đó là suối nguồn của mọi thứ hạnh phúc và niềm vui lâu bền. Đó là nền tảng của tâm thiện lành, tâm của một người hành xử từ ước vọng được giúp đỡ tha nhân. Qua lòng hảo tâm, qua sự thân ái, qua tánh liêm khiết, qua chân lý và công lý dành cho tất cả mọi người khác, chúng ta tạo được phúc lợi cho bản thân. Đây không phải là chuyện lý thuyết xa vời. Hạnh phúc của chúng ta ràng buộc vào hạnh phúc của tha nhân. Xã hội đau khổ, chúng ta đau khổ. Khi tâm và trí ta càng bị phiền nhiễu bởi tà ý, thì ta càng khốn khổ”.
Tôi rất tâm đắc với lời khẳng định của nhà lãnh đạo tinh thần này: “Do đó, chúng ta có thể ném bỏ mọi thứ khác: tôn giáo, lý tưởng, tất cả mọi thứ mà trí tuệ có thể lãnh hội được. Nhưng chúng ta không thể tránh khỏi sự cần thiết của tình thương và tâm từ bi. Đây chính là tôn giáo thật sự của tôi. Đây là đức tin đơn thuần của tôi”.
Xét cho cùng đây cũng chính là Đạo của tình thương vô vị lợi, Đạo của vô chấp. Nếu tôi luôn sống vô vị lợi và vô chấp, không những tôi sẽ biết cảm thông trước những yếu đuối bất toàn của người khác, mà tôi cũng sẽ “bình chân như vại” trước những lời khen hay tiếng chê của người đời. Bởi chính khi có thể “vô cảm” trước những tiếng chê và nhứt là lời khen, thì tôi mới có thể sống cho đến cùng trong tâm tình từ bi nhân ái. Tâm của tôi sẽ an bình biết chừng nào nếu tôi đạt được sự “vô cảm” đích thực ấy!
Chu Thập
Sở dĩ tôi cảm thấy buồn về cách cư xử “thiếu văn minh” của một số người Anh là vì, cho dẫu không tôn bà Thatcher lên hàng “thần tượng”, tôi vẫn thấy nơi bà có nhiều điều đáng tôn trọng và học hỏi. Hẳn phải là một chính trị gia có thực tài, bà mới được dân chúng Anh tín nhiệm để bầu làm thủ tướng đến 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Người ta có thể không đồng ý về đường lối cai trị và các chính sách của bà. Người ta cũng có thể không đồng ý trước sự cứng rắn của bà. Nhưng không ai dám bảo bà là một nhà độc tài. Chính bà đã can đảm đối đầu với nhà độc tài Galtieri của Argentina khi ông này ngang nhiên đưa quân xâm chiếm đảo Falkland của Anh Quốc. Chính bà là người đã tích cực hợp tác với Hoa Kỳ dưới thời cố tổng thống Ronald Reagan và chấm dứt chiến tranh lạnh.
Bà xứng đáng để được mệnh danh là “Bà Đầm Sắt”. Như cựu ngoại trưởng Úc Alexander Downer đã giải thích về thái độ cứng rắn của bà, “cứng rắn không phải là một đức tính nếu bạn sai lầm và bất tài. Cứng rắn như thế là ích kỷ và cứng đầu” (x.The Sydney Morning Herald 13-14/4/2013). Theo ông Downer, cứng rắn nơi bà Thatcher là một đức tính, bởi vì bà đưa ra những chính sách đúng đắn. Đa số người Anh đã biểu đồng tình với các chính sách của bà cho nên mới tín nhiệm bà và để bà lãnh đạo đất nước trong ba nhiệm kỳ liên tiếp.
Cứng rắn nơi bà Thatcher cũng đồng nghĩa với can đảm. Bà không bao giờ đưa lá bài “phái tính” của bà ra mỗi khi bị tấn công. Bà chưa một lần gọi các đối thủ của mình là những người kỳ thị và khinh miệt phụ nữ. Bà chỉ nói rằng họ sai lầm. Vậy thôi.
Với tôi, sau thủ tướng Winston Churchill, bà Thatcher là một trong những thủ tướng vĩ đại nhứt trong lịch sử Anh Quốc. Vĩ đại là bởi lúc còn sống bà chấp nhận bị chống đối miễn là hành động theo sự thật, lẽ phải và lương tri, chứ không mị dân để tìm kiếm sự ủng hộ nhất thời.
Tôi thích nhận định của ký giả Catherine Mayer trên tạp chí Time số ra 22 tháng 4 này: Bà Thatcher“am hiểu điều mà người dân thường chờ đợi nơi các lãnh tụ chính trị: đó là họ phải ý thức rằng sống cuộc sống tử tế là điều đáng sống”.
Di sản mà cố thủ tướng Thatcher để lại sẽ được người dân Anh và thế giới tiếp tục mang ra mổ xẻ, tranh luận và ngay cả bôi bác. Nhưng riêng tôi, nếu có một bài học mà tôi cần rút ra từ triết lý sống, cách hành xử của người đàn bà này, thì bài học đó là: trong cuộc sống, chẳng ai có thể làm vừa lòng mọi người. Thánh thiện như Chúa Giêsu hay Đức Thích Ca vẫn có người thù ghét. Từ bi nhân ái như Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng không thiếu người không ưa thích. Có suốt một đời hy sinh phục vụ cho những người nghèo cùng khốn khổ nhứt như Mẹ Terexa Calcutta mà cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích. Có khi càng sống theo lương tâm thì lại càng bị chê ghét và bỏ rơi. Bá nhân bá tính. Làm sao có thể làm vừa lòng mọi người một lúc. Có ai trên trần gian này mà chẳng có kẻ thù. Người Việt Nam nào mà chẳng thuộc lòng câu ca dao:
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
Cao chê ngỏng thấp chê lùn,
Béo chê béo trục béo tròn,
Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra”.
Chợt nhớ lại điển tích về cha con người buôn ngựa:
“Nhà họ Mã ngày trước chuyên nghề nuôi dạy ngựa và bán ngựa. Có một dạo gia đình ông suy sụp vì con ông bị bệnh nặng, đã vét hết tiền trong nhà mà con ông vẫn không khỏi. Ông bán hết số ngựa nuôi để thang thuốc cho con. Con ông sống được. Từ đó ông bắt đầu dành dụm, tằn tiện được một số tiền.
Ngày nọ Mã ông nghe ở Hương Lâm có bán một giống ngựa quý, ông đến nơi đó xem tướng ngựa thật kỹ, biết đó là giống ngựa hay, thuộc loại Hoàng Phiêu, mặc dù nó có phần hơi gầy. Mã ông thích quá, nên chịu mua với giá đắt. Ông về nhà bàn lại với con:
-Phụ thân xem biết nó rất quý, dù hơi gầy, thuộc giống Hoàng Tuyết Phiêu của người Khương. Nhà ta gây được giống này sẽ làm giàu không mấy hồi. Ngặt vì xa ngót ngày đường, qua đèo truông e có cướp, nên cha con ta cùng đi.
Hai cha con họ Mã thử ngựa và ngả giá xong, tra yên cương, cha con đồng lên ngựa ra về, lòng thấy hoan hỉ.
Họ đi qua một xóm nhà, Mã ông khiêm tốn cho ngựa đi nước kiệu, dân làng đón ông lại nói:
- Mã lão! Ông là người nuôi ngựa, sao không biết thương ngựa? Con ngựa gầy thế kia, còn cha con ông cọp ăn bảy ngày không hết, nỡ nào cả hai lại đè trên mình nó?
Ông Mã nói với con mình:
- Họ nói phải đấy con ạ! Vậy cha nhường cho con cưỡi. Cha cầm cương cho.
Thế là một mình Mã công tử ngồi ngựa, ông Mã đi bộ theo. Họ yên tâm đi xóm nhà khác, bây giờ trời đã khá trưa, những người ngồi mát trên đường thấy cảnh cha con họ Mã như vậy, họ kéo ra đón đầu ngựa, xỉ vả người con:
- Ai dạy công tử về cách hiếu đạo như thế? Con thì ngồi ngựa kênh kiệu, để cha chạy bộ theo đổ mồ hôi! Qua cánh đồng kia có học hiệu Khổng Môn, chắc họ đánh công tử trào máu ra mất!
Mã công tử lật đật nhảy xuống ngựa, chắp tay thưa với cha:
- Họ nói phải đấy cha ạ! Nãy giờ con cũng khỏe rồi, cha hãy cưỡi nó cho đỡ mệt. Người cha lên ngựa đi, ngang qua "Khổng Môn học hiệu", một số học trò ở đó biết mặt ông già, chúng chạy lại đón ông nói:
- Mã lão bá! Lão bá lâu nay mạnh giỏi chứ? Nghe nói lệnh lang lâu nay bệnh thập tử nhất sinh, nay mới vừa hơi bình phục lão bá để lệnh lang nhọc nhoài cho đành.
Mã lão nhảy xuống ngựa nhìn con rồi thì thầm:
- Kể ra họ nói cũng phải. Kể không còn bao xa, ta dắt ngựa đi vậy.
Hai cha con xuống ngựa dắt bộ, hồi lâu đến xóm khác, có ai đó nhìn ngựa rồi chửi:
- Đúng là cha con một lão vô học. Đây là giống Hoàng Tuyết Phiêu, một loại thiên lý mã, mua về để cưỡi hoặc làm giống, nào phải mua về để thờ, sao có ngựa lại không cưỡi?
Cha con họ Mã thiếu điều muốn khóc. Lão nói với con:
- Cưỡi ngựa cũng bị chửi, mà không cưỡi cũng bị chửi! Ta chịu hết nổi! Thôi thả quách cho xong!
Hai người dắt đi một đoạn cho khuất mắt mọi người, rồi tháo cương, cởi yên, đánh một roi, ngựa dong tuốt vào rừng mất dạng. Về đến nhà, bà cụ nghe đón đầu ngõ. Ông cụ thuật lại mọi chuyện. Bà cụ nghe qua đấm vào đầu bình bịch, vừa khóc vừa nói:
- Ngu sao là ngu! Có bao nhiêu vét đi mua ngựa, rồi thả ngựa đi! Xưa nay miệng lưỡi thế gian. Việc mình mình cứ làm, chiều ý, nghe lời họ làm gì? Rồi đây lấy gì mà sinh sống, lấy gì mà cưới vợ cho con? Ngu ơi là ngu!...”
(Theo Ngô Nguyên Phi, Thuật Xử thế của Người Xưa)
Dư luận thường hà khắc và ngay cả độc ác. Các chính trị gia đều biết rõ điều đó. Hầu như tuần nào kết quả các cuộc thăm dò về phản ứng của dân chúng đối với chính phủ và các đảng phải chính trị cũng đều được công bố. Trong một mức độ nào đó, đây là thước đo lòng dân. Các chính trị gia không thể nhắm mắt bịt tai trước sự phán xét của dư luận. Nhưng cũng có khi dư luận chỉ là một phản ứng “bầy đàn”: con người bị lèo lái và chạy theo đám đông hơn là suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình. Nếu muốn thấy điển hình của một phản ứng bầy đàn và có điều kiện, có lẽ chúng ta chỉ cần nhìn vào tiếng khóc hay tiếng hoan hô ngợp trời của một đám đông ở Bắc Hàn. Trong trường hợp này, đạp trên dư luận mà bước tới quả là một thái độ can đảm. Chó sủa mặc chó, đường ta ta cứ đi!
Thực ra, lời khen và tiếng chê sẽ không có giá trị nếu như thiếu sự chính xác. Mà mức độ chính xác thì chỉ có thâm tâm của người nhận mới phán đoán được. Vì vậy, khen chưa hẳn tốt mà chê chưa hẳn xấu. Sự phê bình của người khác không phải để tôi kiêu ngạo hay dằn vặt chính mình mà để giúp tôi nhìn lại chính mình. Bởi lẽ, phê bình đúng giúp tôi kiện toàn những gì đang có trong khi phê bình sai giúp tôi trưởng thành hơn. Và trong một cách nhìn lạc quan với chút khôi hài thì khi còn là đối tượng để bị phê bình, thì có nghĩa là người khác còn “nhớ” đến mình, và mình vẫn còn có một chỗ “đứng” trên trái đất này.
Nói cho cùng, khi con người luôn sống cho sự thật, lẽ phải và lương tri, họ chẳng phải sợ người đời xa lánh, khinh chê hay thù ghét. Ở cốt lõi của lối sống ấy chính là tấm lòng từ bi và bác ái. Chỉ có lối sống ấy mới giúp cho ta được bình tâm trước tiếng đời thị phi hay khen chê của người khác.
Tôi thường đọc lại và suy ngẫm về lời kêu gọi của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chương cuối cùng của cuốn sách “Đạo lý cho Thiên Niên Kỷ Mới” (Ethics for the New Millennium). Nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng nhắn nhủ: “Cách tốt nhất để bảo đảm rằng khi cận kề cái chết chúng ta sẽ không hối tiếc là hãy làm sao để trong phút giây hiện tại ta hành xử với trách nhiệm và với tâm từ bi đối với tha nhân…Từ bi là một trong những điều thiết yếu mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Đó là suối nguồn của mọi thứ hạnh phúc và niềm vui lâu bền. Đó là nền tảng của tâm thiện lành, tâm của một người hành xử từ ước vọng được giúp đỡ tha nhân. Qua lòng hảo tâm, qua sự thân ái, qua tánh liêm khiết, qua chân lý và công lý dành cho tất cả mọi người khác, chúng ta tạo được phúc lợi cho bản thân. Đây không phải là chuyện lý thuyết xa vời. Hạnh phúc của chúng ta ràng buộc vào hạnh phúc của tha nhân. Xã hội đau khổ, chúng ta đau khổ. Khi tâm và trí ta càng bị phiền nhiễu bởi tà ý, thì ta càng khốn khổ”.
Tôi rất tâm đắc với lời khẳng định của nhà lãnh đạo tinh thần này: “Do đó, chúng ta có thể ném bỏ mọi thứ khác: tôn giáo, lý tưởng, tất cả mọi thứ mà trí tuệ có thể lãnh hội được. Nhưng chúng ta không thể tránh khỏi sự cần thiết của tình thương và tâm từ bi. Đây chính là tôn giáo thật sự của tôi. Đây là đức tin đơn thuần của tôi”.
Xét cho cùng đây cũng chính là Đạo của tình thương vô vị lợi, Đạo của vô chấp. Nếu tôi luôn sống vô vị lợi và vô chấp, không những tôi sẽ biết cảm thông trước những yếu đuối bất toàn của người khác, mà tôi cũng sẽ “bình chân như vại” trước những lời khen hay tiếng chê của người đời. Bởi chính khi có thể “vô cảm” trước những tiếng chê và nhứt là lời khen, thì tôi mới có thể sống cho đến cùng trong tâm tình từ bi nhân ái. Tâm của tôi sẽ an bình biết chừng nào nếu tôi đạt được sự “vô cảm” đích thực ấy!
Chu Thập