Tình Ngay Mà Lý Gian


Tiền mặt bất hợp pháp được che đậy trong nhiều hình thức khác nhau, bắt nguồn từ những dịch vụ thương mại bất chánh hay từ những hành động phi pháp, chẳng hạn như tiền mặt ăn cướp được của ngân hàng, tiền nhận hối lộ bằng tiền mặt, tiền mặt buôn bán kiếm lời không khai thuế v.v..

Đối với Cộng Đồng Ngưòi Mỹ đều nhận xét thấy người Việt-Nam chúng ta là những người làm việc cần cù chăm chỉ so sánh với nhiều cộng đồng thiểu số khác, nhất là tình thương của Cha Mẹ dành cho con cái ở bất cứ lứa tuổi nào, thì nói chung người Hoa Kỳ rất ca ngợi Cha Mẹ người Việt-Nam có đặc tính săn sóc lo lắng cho con cái bằng tất cả sự hy sinh vô bờ bến về tinh thần lẫn vật chất, để giúp đỡ cho con cái học hành thành tài mai sau, hay trợ giúp tạo lập những cơ sở thương mại cho con cái điều hành được thành công; mặc dầu cũng có những người Hoa Kỳ vẫn không đồng ý với lối sống hy sinh này của những bậc Cha Mẹ người Việt, cho rằng hành động như thế sẽ dễ tạo ra cho con cái có thói quen sống ỷ lại, nhờ vả vào Cha Mẹ và làm cho chúng sẽ trở nên thiếu tinh thần tự tin, tự lập khi chúng đến tuổi trưởng thành, phải ra ngoài xã hội làm việc để tự mưu sinh cho cuộc đời của chúng. Quan niệm tiêu cực này cũng có một phần hơi đúng trong vài trường hợp mà thôi, chứ trên thực tế, như mọi người đã thấy rõ, đa số các con cái thành công ở trên xứ Hoa Kỳ này, đều tùy thuộc phần lớn vào sự khuyến khích và sự giúp đỡ trực tiếp vừa cả về tinh thần lẫn vật chất của Cha Mẹ, theo từng hoàn cảnh và khả năng tài chánh của Cha Mẹ có thể giúp được, thì Cha Mẹ không bao giờ từ chối. Trong phạm vi eo hẹp của bài viết này, không cho phép chúng tôi đưa ra những chi tiết cụ thể để minh chứng cho vấn đề này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện khá thương tâm, có thể tiêu biểu cho một vài trường hợp khác, có nội dung tương tự giống nhau như câu chuyện này, đã và đang xảy ra trong Cộng Đồng người Việt tại Hoa Kỳ, đáng cho chúng ta nên lưu tâm, để đề phòng những trường hợp tương tự như thế có thể bất ngờ xảy đến cho chúng ta trong tương lai, qua những dịch vụ thương mại hay qua những hành động trao trả tiền bạc với nhau. Câu chuyện này xảy ra có liên hệ trực tiếp đến pháp luật Hoa Kỳ mà hai nhân vật chính trong câu chuyện bị truy tố trước Tòa Án về tội phạm hình sự (Criminal Offense) như sau:
Vợ chồng chị Thu Cúc gồm có 4 người con, con nhỏ nhất mới 8 tuổi sanh tại Hoa Kỳ và đứa lớn nhất 16 tuổi. Hai vợ chồng và 3 đứa con sang định cư tại Hoa Kỳ đã được 11 năm theo diện đoàn tụ gia đình (ODP). Chị Thu Cúc có tài nấu các món ăn thuần túy Việt-Nam rất ngon từ khi chị còn ở Việt-Nam và kể cả nấu một số món ăn Tàu cũng rất giỏi. Vừa mới đặt chân đến Hoa Kỳ, chị đã được nhiều nhà hàng Việt cũng như Tàu mời làm bếp chính với tiền lương trả bằng tiền mặt rất cao. Chồng chị là thợ may âu phục veston từ trước năm 1975, nhưng khi sang tới đây, trong một thời gian ngắn anh phải đi làm công cho một tiệm sửa quần áo. Công việc làm này đối với anh quá dễ dàng như một trò chơi của trẻ con nhưng lại kiếm được tiền mặt khá nhiều mà lại nhanh chóng nữa. Nên anh quyết định mở tiệm sửa quần áo ngay tại nhà. Vì anh sửa khéo tay, trông không ai biết là đồ đã sửa, trông đẹp làm vừa lòng khách hàng, người này giới thiệu cho người kia, khách hàng đông đến nỗi anh phải làm việc 7 ngày một tuần mà vẫn không hết việc. Thế rồi chỉ gần 6 năm sau, hai vợ chồng dành dụm được một số tiền khá lớn, người chồng bỏ nghề sửa quần áo để cùng hợp tác với vợ, sang luôn một nhà hàng khang trang có thể chứa tới 300 chỗ ngồi. Chị Thu Cúc là đầu bếp chính có 3 nhân công người Mễ phụ bếp, còn anh chồng làm tiếp đãi viên đứng đàng trước để tiếp đón quan khách vào bàn ngồi. Vì đầu bếp nấu đồ ăn ngon và tiếp đãi viên nói năng nhã nhặn, lịch thiệp với quan khách nên nhà hàng lúc nào cũng đông khách tấp nập đến ăn. Hai vợ chồng làm chủ tiệm mới hơn 2 năm đã thành công vượt bực về tài chánh ngoài sự mong ước của hai người, nhờ vậy đã có mấy người ngỏ ý muốn sang lại cửa tiệm của vợ chồng chị với giá cao gấp đôi so với số tiền vốn lúc ban đầu của hai vợ chồng đã bỏ ra mua nhà hàng này. Nhưng họ chỉ bằng lòng sang cửa tiệm với điều kiện là chị Thu Cúc phải ký giấy giao kèo để ở lại nấu ăn cho họ ít nhất từ 1 cho đến 2 năm mới được nghỉ việc. Thực ra hai vợ chồng đã cảm thấy quá mệt mỏi, mỗi ngày hai người phải làm việc ở tiệm từ 12 đến 14 giờ và phải mở cửa tiệm cả 7 ngày mỗi tuần, Thứ Bảy và Chủ Nhật hai đứa con lớn phải ra tiệm phụ làm những công việc lặt vặt để giúp đỡ cho Cha Mẹ đỡ tốn tiền phải mướn thêm nhân công vào hai ngày cuối tuần rất đông khách. Nhiều lúc chị Thu Cúc nhìn thấy con cái phụ giúp công việc làm ở tiệm, làm chị cảm thấy thương xót chúng muốn rơi lệ. Trong suốt hơn 2 năm trời vợ chồng chị chẳng có đến một ngày nghỉ để đưa con cái đi chơi, cũng như những ngày cuối tuần chị phải đưa đi gửi 2 đứa con còn nhỏ đến ở với gia đình người em gái của chị. Vậy nhân cơ hội cửa tiệm đang đông khách đến ăn nên có nhiều người muốn sang lại cửa tiệm với giá tiền được lời gấp đôi, trong khi hai vợ chồng đã cảm thấy quá mệt mỏi rồi thì tội gì mà không sang cho khỏe cái thân như đã mấy tháng nay anh chị đã dự định bán cửa tiệm, nhưng khổ một nỗi người nào muốn mua lại cửa tiệm thì đều đòi hỏi chị Thu Cúc phải ký giao kèo như đã nói ở trên. Vì điều kiện như thế nên hai vợ chồng đành cứ phải tiếp tục mở tiệm vậy. Nhưng trong tương lai, nếu có ai bằng lòng sang cửa tiệm mà chỉ trả giá được lời gấp rưỡi, thay vì lời gấp đôi như họ đã trả giá trước đây, thì anh chị cũng sang cho xong với điều kiện chị Thu Cúc không bị bắt buộc ký giao kèo phải ở lại nấu ăn cho họ. Ý nghĩ này mới nảy sinh trong đầu của hai anh chị chưa đầy một tháng, bất thình lình có một ông khách hàng quen biết, thường xuyên đến tiệm ăn và thỉnh thoảng chồng chị vẫn tiếp chuyện xã giao với ông ta, thì hôm nay ông quay trở lại tiệm tỏ ý muốn được nói chuyện riêng với chồng của chị. Sau khi tiếp chuyện ông ta xong, chồng chị cho biết là ông ta có một người bạn muốn sang cửa tiệm ăn này với giá cả là 120 ngàn, trả bằng tiền mặt, không bắt buộc chị phải ở lại tiệm để nấu ăn nếu chị không muốn và chồng chị đã hẹn ngày giờ để ông ta dẫn người bạn đó đến giới thiệu với vợ chồng chị, để xem người bạn của ông còn cần đặt điều kiện gì khác nữa không? Nghe chồng kể lại xong, cả hai người đều cảm thấy sung sướng quá như mình vừa mới trúng số độc đắc một triệu đồng.
Đúng theo ngày giờ hẹn gặp tại tiệm, ông môi giới này dẫn đến một thanh niên khoảng chừng trên 30 tuổi, mặc bộ đồ vest màu đen xám trông rất sang trọng, đeo kính cận gọng vàng, có đeo sợi giây chuyền vàng bề ngang to bằng nửa đốt ngón tay, có gắn một miếng cẩm thạch màu xanh lá cây. Anh này ăn nói rất nhỏ nhẹ lễ độ, anh cúi đầu một cách trang trọng chào chị Thu Cúc và dơ tay ra bắt tay chồng của chị một cách khiêm tốn lễ độ. Vợ chồng chị liền kéo ghế mời anh ta và người môi giới ngồi xuống ghế. Chị Thu Cúc chưa kịp gọi hai đứa con bưng nước ra mời khách thì anh ta đã lên tiếng nói: “Để khỏi làm mất thì giờ quý báu của ông bà chủ, tôi tên là Hùng, nhờ ông bạn tôi dẫn tôi đến đây hôm nay là để tôi xác nhận với ông bà chủ những điều kiện và giá tiền sang nhượng tiệm ăn này là 120 ngàn đồng như lời ông bạn tôi đã kể cho tôi biết, tôi xin hoàn toàn đồng ý chấp nhận với giá cả đó và ông bạn tôi cũng đã dẫn tôi đến gặp người chủ đất và người chủ đất cũng đã bằng lòng cho tôi ký giao kèo để tiếp tục thuê mướn căn nhà này cho đến ngày hết hạn giao kèo mà ông bà chủ đã ký với họ trước kia. Vậy xin ông bà chủ cho biết ngày giờ nào tôi có thể đến trao số tiền sang cửa tiệm và ông bà sẽ ký giấy chuyển nhượng lại cửa tiệm này cho tôi. Còn một điều chót nữa là nếu bà chủ muốn ở lại tiếp tục làm việc cho chúng tôi, thì chúng tôi rất mong muốn được như vậy, không cần phải ký giấy giao kèo, lúc nào bà chủ cảm thấy mệt mỏi không muốn làm nữa, thì bà chủ cứ tự động nghỉ, chúng tôi sẽ không gây khó dễ gì cho bà chủ hết.”
Sau 2 tuần lễ thu dọn dẹp sạch sẽ nhà hàng và giấy tờ sang nhượng đã được đánh máy sẵn để trao lại tiệm cho người chủ mới là anh Trần Hùng. Đến đúng ngày giờ hẹn, anh Trần Hùng cùng đi với người bạn môi giới tên là Hoàng đến tiệm để trao số tiền mặt này cho hai vợ chồng chị Thu Cúc và vợ chồng chị cũng ký vào giấy tờ xác nhận đã nhận đầy đủ số tiền này, trong giấy tờ có ghi rõ số tiền này là để trả tiền sang nhượng nhà hàng của chủ mới là anh Trần Hùng, mọi sự việc diễn tiến này kéo dài chưa đầy 30 phút là hoàn tất thủ tục sang nhượng và vợ chồng chị Thu Cúc vừa bỏ 120 ngàn tiền mặt vào trong cái túi sách tay lớn của chị, thì chồng chị nghe thấy tiếng gõ cửa, anh liền ra mở cửa để xem ai, vừa mở cửa ra thì thấy 2 người đàn ông mặc thường phục, bước vào trong tiệm và một người rút trong túi áo ra tấm thẻ hành sự, nói cho chồng chị Thu Cúc biết hai người là nhân viên cơ quan FBI, không cần giải thích gì thêm nữa, hai nhân viên FBI còng hai tay hai vợ chồng chị lại, xong rồi hai nhân viên FBI đi thật nhanh vào nhà bếp, lúc đó anh Trần Hùng còn đang đứng trong cái walking freezer để kiểm soát đồ đông lạnh, thì hai nhân viên này tiến tới còng tay hai người này lại với nhau, không có một lời giải thích nào hết. Liền ngay sau đó, hai nhân viên này dẫn 4 người tới một cái xe Van đậu sẵn ngay trước cửa nhà hàng, trên xe đã có sẵn 2 nhân viên khác mặc thường phục đang ngồi đợi trong xe, vừa trông thấy những người tiến tới gần xe, họ liền mở cửa xe bước xuống, đưa hai tay nâng 4 người bị còng tay bước vào trong xe và 4 người được đưa thẳng vào trại tạm giam của quận hạt, gọi là County Jail. Khi tới trại tạm giam, 4 người được tách rời nhau ra và mọi người được giam riêng trong từng xà lim chung với một hai ba can phạm khác, riêng chị Thu Cúc là đàn bà thì được giam chung với can phạm đàn bà. Thế là vợ chồng chị Thu Cúc phải ngủ qua 2 đêm 3 ngày trong trại tạm giam mới được thả ra về vì phải chờ cho luật sư riêng của hai người hoàn tất thủ tục pháp lý, đóng tiền thế chân để cho vợ chồng chị được tại ngoại hầu tra, chờ ngày ra tòa hỏi cung.
Ngay khi vợ chồng chị Thu Cúc bị bắt, nhờ có đứa con trai lớn 16 tuổi đang ở trong nhà cùng với 3 đứa em, thì có 2 người mặc đồng phục cảnh sát đến gõ cửa, nó ra mở cửa để cho họ bước vào trong nhà. Một người cảnh sát nói cho đứa anh cả biết là Cha Mẹ của chúng nó đang ở trong trại tạm giam và họ hỏi nó có bà con ruột thịt nào ở trong thành phố này không? Nếu có thì họ sẽ đưa tất cả 4 anh em chúng nó đến tạm trú tại nhà người bà con trong khi Cha Mẹ không có ở nhà. Vì luật lệ ở đây không cho phép những trẻ em dưới vị thành niên được ở nhà nếu không có mặt người lớn tuổi ở trong nhà. Đứa anh cả trả lời là có Cô Chú ở trong thành phố này. Hai người cảnh sát liền đưa 4 anh em đến nhà Cô Chú của chúng và yêu cầu Cô Chú của chúng nó hãy săn sóc chúng nó cho tới ngày Cha Mẹ của chúng nó trở về nhà.
Sau khi chị Thu Cúc và chồng chị được tại ngoại hầu tra, luật sư riêng của chị cho biết, là anh Trần Hùng và người môi giới đều nằm trong đường giây buôn bán cần sa ma túy của một tổ chức rất qui mô và cả hai đã bị FBI theo dõi gần một năm nay, số tiền mặt 120 ngàn này đã được FBI ghi ám số, do hai nhân viên FBI giả dạng làm thường dân, đến tiếp xúc với một số những người nằm trong đường giây này dưới quyền điểu khiển của anh Trần Hùng và anh Hoàng để mua cần sa ma túy nhiều lần bằng những đồng tiền có ghi ám số trước mà cho tới giờ phút này, FBI mới có đầy đủ bằng chứng hiển nhiên anh Trần Hùng và anh Hoàng là hai kẻ chủ chốt đứng đầu đường giây buôn bán bất hợp pháp này. Luật sư của chị còn cho biết về thủ tục pháp lý để truy tố những người được coi là có liên hệ trực tiếp cũng như gián tiếp trong đường giây buôn bán bất hợp pháp này mà trong đó anh chị Thu Cúc cũng bị coi như là đồng lõa.
Công Tố Viện không cần đòi hỏi anh chị phải trưng bằng cớ là anh chị không hề biết gì về số tiền mặt khổng lồ này, là số tiền bất hợp pháp của người mua lại tiệm của anh chị, miễn sao số tiền mặt bất hợp pháp đó đang nằm trong tay anh chị, là bằng chứng hiển nhiên để Công Tố Viện truy tố anh chị ra Tòa về một trọng tội hình sự gọi là tội Money Laundering mà chúng tôi xin tạm dịch nôm na ra tiếng Việt là Tội Rửa Tiền, có nghĩa là dùng số tiền mặt bất hợp pháp để mua bán dịch vụ với nhau qua nhiều hình thức khác nhau hầu mong che mắt chính quyền, để hoán chuyển số tiền mặt bất hợp pháp này trở thành hợp pháp mà chính quyền có thể không hề hay biết. Luật sư còn cho anh chị Thu Cúc biết thêm, đôi khi có những trường hợp tội phạm tương tự như hai anh chị đang bị cáo buộc mà can phạm có thể bị truy tố ra Tòa Án Liên Bang lẫn Tòa Án Tiểu Bang, mặc dầu cùng một tội trạng nhưng vì tội phạm có liên hệ đến hai chủ quyền pháp luật song hành với nhau “Dual Sovereignty” doctrine. Xin đừng lầm cho rằng tại sao cùng một tội trạng lại bị xử đến 2 lần (Double Jeopardy). Luật sư còn cho biết, căn cứ vào Hình Luật Liên Bang, Đạo Luật mang số 18 điều số 1956 nói về Tội Phạm Rửa Tiền (Money Laundering) là một trọng tội (Felony) và quy định tiền phạt tối đa lên tới 500 ngàn Mỹ kim hoặc số tiền phạt có thể tăng gấp đôi giá trị hiện kim của bất động sản của người mua hay của người bán, hoặc có thể lãnh án tù ở tối đa là 20 năm, hoặc có thể vừa bị phạt vạ bằng hiện kim mà lại vừa lãnh án tù ở cùng một lúc, tùy theo từng tội trạng nặng hay nhẹ.
Trong phiên tòa xét xử lần cuối, luật sư của vợ chồng chị đã cố gắng hết sức để bênh vực cho 2 thân chủ của mình bằng cách đưa ra những dẫn chứng xác thực trên giấy tờ, là thân chủ của ông chưa bao giờ có một tiền án nào vi phạm luật tiểu hình lẫn đại hình của Hoa Kỳ, chưa bao giờ bị giam giữ hay vi phạm luật tiểu hình của Tiểu Bang, luật lệ vi cảnh của thành phố, mỗi năm thân chủ của ông đều khai thuế lợi tức với chính phủ Liên Bang cũng như Tiểu Bang, ngay những năm đầu mở tiệm ăn, có nhiều chủ tiệm thường khai thuế bị lỗ, trái lại thân chủ của ông ngay năm đầu mở tiệm đã khai tiền lời, trong giấy tờ nhận tiền mặt của người mua cửa tiệm, thân chủ của ông cũng ghi rõ đúng số tiền bán của tiệm là bao nhiêu, trong tờ biên bản lấy khẩu cung của 2 can phạm là ông Trần Hùng và anh Hoàng là người môi giới, đều khai rõ là cả hai người không hề quen biết trước gì với hai thân chủ của ông, chỉ riêng người môi giới mới quen biết người chồng của thân chủ ông, qua sự giao tiếp xã giao khi ông này đến tiệm ăn một vài lần tại ngay trong tiệm, chứ không hề đến gặp nhau tại tư gia của thân chủ ông. Những điều này chứng tỏ là thân chủ ông không hề liên hệ gì hay không hề biết gì về những việc làm bất hợp pháp của 2 can phạm chủ mưu. Nhưng sau 30 phút Tòa vào nghị án, phiên Tòa được tái nhóm và Quan Tòa tuyên án hai vợ chồng chị Thu Cúc lãnh án 4 năm tù ở và truyền dậy cho những đứa con dưới tuổi vị thành niên được phép giao cho Cô Chú em chồng được quyền nuôi dưỡng chúng cho đến khi Cha Mẹ mãn hạn tù trở về nhà. Chị Thu Cúc không thấy đề cập đến vấn đề chị và chồng chị có bị phạt vạ tiền hay không nên chúng tôi không biết rõ.
Theo luật lệ của mỗi Tiểu Bang một khác, nếu ở tù mà có hạnh kiểm tốt, thì ở một ngày được cộng thêm một ngày, tức là chỉ phải ở tù 50% của tổng số những ngày phải ở tù, có nghĩa là ở trong tù được 50 ngày thì lại được cộng thêm 50 ngày nữa thành 100 ngày, nhưng còn tùy theo tội trạng nguy hiểm nhiều hay ít, tội nặng hay nhẹ. Tuy nhiên có những Tiểu Bang dù can phạm có hạnh kiểm tốt trong những ngày ở tù mà vẫn phải thi hành thời gian cho đủ 85% của tổng số những ngày phải ở tù, có nghĩa là ở tù được 85 ngày thì chỉ được cộng thêm 15 ngày nữa để trở thành 100 ngày, thay vì được cộng thêm 50 ngày của một số Tiểu Bang cho phép. Như vậy, nếu thời gian sớm nhất để được phép đoàn tụ với con cái, thì anh chị Thu Cúc phải ở trong tù tới 2 năm nữa mới mãn hạn tù. Lần đầu tiên anh chị Thu Cúc được đoàn tụ với gia đình từ Việt-Nam sang Hoa Kỳ, anh chị vẫn còn nhớ là đã phải chờ đợi tới gần 9 năm mới sang được tới đây. Người ta vẫn thường hay nói câu “Quá Tam Ba Bận”, có nghĩa là sự việc tốt hay xấu có thể xảy ra tới 3 lần, nhưng trường hợp đoàn tụ của anh chị Thu Cúc xảy ra lần thứ hai như thế này, thì đã làm cho anh chị chết hơn quá nửa đời người rồi. Tuy thế anh chị Thu Cúc vẫn còn một chút may mắn, là có anh chị em ruột sinh sống ở đây nên 4 đứa con còn nhỏ tuổi của anh chị mới được Tòa cho phép người thân trong gia đình săn sóc nuôi dưỡng chúng, chứ nếu không, 4 đứa con đều bị Tòa Án giao cho Bộ An Sinh Xã Hội nuôi dưỡng thì anh chị Thu Cúc còn buồn khổ biết bao.
Cách đây 2 năm cũng có một trường hợp xảy ra tương tự như trường hợp của anh chị Thu Cúc, cũng bị cáo buộc vào tội Rửa Tiền vì bán một cửa tiện nail cho một người với giá 65 ngàn Mỹ Kim tiền mặt mà tiền này cũng là tiền bất hợp pháp của người mua nên người bán và người mua đều phải đi ở tù. Chúng ta cần nên nhớ rằng tiền mặt bất hợp pháp không phải chỉ là tiền bán cần sa ma túy mới bị coi là tiền bất hợp pháp đâu. Tiền mặt bất hợp pháp được che đậy trong nhiều hình thức khác nhau, bắt nguồn từ những dịch vụ thương mại bất chánh hay từ những hành động phi pháp, chẳng hạn như tiền mặt ăn cướp được của ngân hàng, tiền nhận hối lộ bằng tiền mặt, tiền mặt buôn bán kiếm lời không khai thuế v.v.. Nếu có thời gian trong tương lai, chúng tôi sẽ đề cập đến những món tiền nào đưọc coi là bất hợp pháp mà luật pháp Hoa kỳ đã quy định. Nói riêng, người Việt chúng ta quen với lối buôn bán bằng tiền mặt hoặc trả tiền nợ nần cho nhau cũng bằng tiền mặt, nhất là trong thương trường về các dịch vụ thương mại của người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ, chúng ta cũng thanh toán trả những món nợ đó với nhau bằng tiền mặt, cho dù số tiền đó nhiều hay ít. Chúng ta rất ít khi nào trả tiền cho nhau bằng ngân phiếu, thẻ tín dụng, chi phiếu cá nhân như hầu hết người Hoa Kỳ vẫn thường dùng hàng ngày, ngoại trừ khi phải trả một số tiền ít ỏi dưới 20 Mỹ kim để mua thức ăn lặt vặt hàng ngày, thì người Mỹ mới trả bằng tiền mặt (Cash), vì họ không muốn cất giữ trong người hay trong nhà một số lượng tiền mặt quá nhiều, có thể gây ra sự nguy hiểm đến mạng sống của họ. Trên thực tế điều lo sợ này rất chính xác mà người Mỹ đã áp dụng triệt để câu nói của chúng ta, là Phòng Bệnh Hơn Chữa Bệnh trong đời sống thường nhật của họ.
Chị Thu Cúc đã tâm sự với tôi là một phần vì muốn sang lại cửa tiệm để vợ chồng chị có nhiều thì giờ săn sóc con cái còn nhỏ tuổi, một phần khác cũng vì hai vợ chồng phải làm việc vất vả từ 12 cho đến 14 tiếng mỗi ngày trong suốt cả tuần lễ nên quá mệt mỏi. Nay có người bằng lòng sang tiệm với giá cao, có lời gấp đôi mà lại không bắt buộc chị phải ở lại tiếp tục nấu ăn cho tiệm nên vợ chồng chị vội vàng sang tiệm ngay cho họ, chứ hoàn toàn không phải vì ham mê được trả tiền mặt để có thể che dấu không phải khai thuế. Vì ngay sau khi nhận số tiền mặt này, hai vợ chồng đang định mang số tiền này đến ngân hàng để bỏ vào chương mục tiết kiệm đã mở sẵn từ lâu, nhưng chưa kịp đi thì bị bắt. Chị nức nở nghẹn ngào trong nước mắt, than thở với tôi rằng, chỉ còn 2 tuần lễ nữa là hai vợ chồng phải từ giã đàn con nhỏ, từ giã họ hàng bạn bè thân thuộc để cùng nhau lên đường đi ở tù, người ta nói của đi thay người, đằng này trường hợp của vợ chồng chị, thì của và người cũng đi theo luôn, đã thế vợ chồng chị đi vào tù cũng không được ở bên cạnh nhau, mỗi người mỗi nơi, cách xa nhau cả hàng trăm dặm. Ngồi im lặng nghe chị nói xong, tôi ân cần an ủi chị, là mọi chuyện đau thương xảy ra trên đời này rồi cũng qua đi theo giòng thời gian lâu hay mau mà thôi, hãy nên nhớ thời gian trôi đi cộng với những lời cầu nguyện ơn trên hằng ngày là một liều thuốc thần tiên nếu ai có đức tin mạnh vào Thiên Chúa hay vào đấng Thượng Đế. Tuy anh chị phải xa cách nhau trong một thời gian, nhưng chỉ có xa mặt chứ không xa cách lòng, điều này mới đáng quý nhất trên đời, dù có tiền nhiều cũng không thể mua được tình yêu chung thủy của con người vì tiền hết thì tình cũng hết. Biết bao nhiêu đôi vợ chồng sống cạnh bên nhau thật đấy, nhưng con tim của người chồng đã bỏ quên ở Việt-Nam khi lần đầu anh về thăm quê cũ, được những bông hoa hồng tươi thắm biết nói, dịu dàng chào đón anh đậm tình quê hương, trong khi con tim của người vợ cũng đã bị bỏ quên ở Las Vegas khi cô nàng đến đây lần đầu để thử thời vận đỏ đen, đã bị quyến rũ bởi những đồng bạc rơi xuống ào ào, kêu leng keng của người ngồi bên cạnh kéo máy đang trúng lô độc đắc. Rốt cuộc hai vợ chồng sống cạnh bên nhau như hai người máy Robot không có trái tim, thì làm sao có thể cùng nhau rung động trong tình yêu lứa đôi như tình yêu của hai anh chị được. Vậy tôi xin đưa ra ý kiến với chị và xin chị nói lại với chồng của chị, là hai người hãy cố gắng quên đi những gì đang xảy ra cho anh chị, hãy tưởng tượng như anh chị sắp sửa phải tạm biệt chia tay nhau để đi tu, chứ không phải để đi tù, chị thì đi vào Nhà Dòng Nữ, còn anh thì đi vào Nhà Dòng Nam. Cho tới ngày hết hạn thời gian trải qua những sự thử thách nỗi cô đơn, cả hai thấy lòng mình không còn có thể chịu đựng nổi nỗi cô đơn này được nữa, thì hai người lại xin ra khỏi Nhà Dòng để tái hợp lại với nhau trở thành đôi chim uyên ương khắng khít bên nhau như thuở ban đầu anh chị mới gặp nhau, để yêu nhau như đã yêu nhau lần đầu. Không hiểu sao vừa nghe tôi nói tới đây, bất chợt tôi nhìn thấy đôi môi chị khẽ mỉm cười trong khi những giọt nước mắt vẫn từ từ lăn trên đôi má chảy dài xuống cổ chị. Trở lại câu chuyện đau thương này của hai vợ chồng chị Thu Cúc mà tôi có thể tóm tắt gọn tất cả ý nghĩa của câu chuyện này bằng một câu: “Tình Ngay Mà Lý Gian.” Đây là lý do làm anh chị Thu Cúc phải lãnh nhận một bản án ở tù khá nặng theo luật pháp Hoa Kỳ đã quy định như chúng tôi đã trình bày ở phần trên. Thiết tưởng đây cũng là một bài học kinh nghiệm đáng để cho chúng ta phải quan tâm và phải suy xét kỹ càng trước khi nhận một số tiền mặt của bất cứ ai trả cho mình trong vấn đề làm dịch vụ thương mại với nhau hoặc cho nhau vay mượn một số tiền mặt nhiều hay ít, lấy tiền lời hay không lấy tiền lời không thành vấn đề. Có như thế chúng ta mới tránh không bị liên lụy đến pháp luật Hoa Kỳ như câu chuyện của vợ chồng chị Thu Cúc mà chúng tôi vừa kể trên đây.

Sưu tầm