Tổ kiến

Hồi nhỏ, tôi đi sinh hoạt oanh vũ ở chùa Bà Năm, tỉnh Quảng Trị. Tôi thường ngồi xem chú tiểu dộng chuông, kéo thẻ tre qua bên phải sau mỗi tiếng chuông chú thỉnh. Thỉnh thoảng, chú tiểu cho tôi dộng chuông. Thích dộng chuông, thích đi chùa đến độ tôi xin mẹ tôi cho tôi đi tu. 
Tôi là con trai đầu, mẹ tôi thương, không cho. Không ngờ tình thương của mẹ là nghiệp của tôi. Tôi không được làm tu sĩ! Đến tuổi thanh niên, tôi đến thư viện Phật giáo Liễu Quán Huế đọc sách.

Trước Liễu Quán có xây tượng Phật Quan Thế Âm bằng đồng của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn. Bạn tôi nói:
- Hình mẫu ca sĩ nổi tiếng.
Tôi không đồng ý:
- Cũng hơi giống một ca sĩ thời danh, lại như vũ nữ Apsara, hay các nữ thần Laksmi hay Siva, khuôn mặt bay bổng, đài các. Mình nghĩ, tượng Phật không nên giống hình mẫu người trần, càng không nên giống ca sĩ, vì hết thảy cõi người chúng ta không ai có đức hạnh, hạnh nguyện, từ bi hỷ xả như Đức Bồ-tát Quán Thế Âm.
Tôi đọc ở Liễu Quán Phật pháp, kinh điển nhà Phật, triết học Đông Tây… Triết học tôi thích thuyết hiện sinh của nhà văn Albert Camus; “La nausée” của Jean Paul Sartre, Krishnamurti, Bùi Giáng, “Hố thẳm tư tưởng” của Phạm Công Thiện, thơ của Tuệ Sỹ… Tôi ôm cuốn kinh Kim cang, đọc chẳng hiểu gì, cứ xem đó là công phu tu tập của mình. Tôi nhầm!
Những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng giành độc lập cho dân tộc, đem hòa bình cho nhân dân, phố Huế đầy các sắc lính lừ lừ súng ống, gái bán bar bê bết phấn son cười cợt đả đớt; sinh mạng con người như ngọn đèn leo lét trước gió giông tao loạn! Phần nhiều thanh niên cùng trang lứa tôi không hoài bão lý tưởng. Riêng tôi, mê sách nên ngày hai buổi tôi đến ngồi một góc trong thư viện nhỏ, đọc và đọc từ năm 1972 đến 1975. Cũng từ đấy tôi ăn cơm gạo lứt muối mè và tập làm thơ.
Cách mạng về như cơn bão, thay đổi bao cuộc đời. Tôi vẫn nguyên vẹn niềm mê đọc sách. Là một thanh niên lâu nay chìm trong văn chương triết học Tây phương, “Áo nghĩa thư” Bà-la-môn có phần xa rời thực tế. Nhưng tôi ngộ ra một điều, trước đây viết sao cũng được, miễn hay. Giờ viết văn khó hơn, khó ở chỗ, trước hết anh phải là người tốt, viết ra những điều tốt, đừng đứng trên bục lên lớp người khác và tải được ý tưởng gì đó có thể giúp ích cho đời, dù chỉ là viên sỏi nhỏ bé. Có nghĩa, trước đây vẽ ma, muốn vẽ sao cũng đặng, miễn con ma ấy đẹp, ly kỳ, rùng rợn. Còn giờ, vẽ một cục đất tầm thường mà ngời sáng lên vẻ đẹp vô ngôn bao dung sinh nở của đất, mới tài!
Năm 23 tuổi, tôi lập gia đình. 24 tuổi có con. Bôn ba cơm áo, làm đủ việc kiếm sống, kể cả sống vất vưởng sân ga bến tàu, mua vé bán chợ đen. Đứa con đầu lòng mở cánh cửa mùa xuân cho người mẹ bước vào mùa thu để chín tới độ ngọt ngào. Vợ tôi bớt những đường cong thô mộc, nhen lên nét thon thả mặn mà. Nhưng cái khó bó cái khôn, miếng ăn đã khổ, miếng ở còn khổ trăm bề! Nhờ vả đôi bữa đã chạm cái bản mặt sưng sỉa của họ hàng. Người sống lâu ở thành thị phồn hoa, đa phần nhạt nhẽo tình người, cung cúc tư hữu một cách ích kỷ.
Vợ chồng tôi gồng gánh về vùng đất phương Nam, từ lâu nghe miệng đời ngợi ca, tính cách phóng khoáng, giàu lòng nhân ái của người Nam Bộ, và vùng đất trù phú cũng ưu đãi con người. Cuộc sống vợ chồng tôi ít khi được phẳng lặng, lâu lâu nổi lên cơn bão. Hạnh phúc chúng tôi như bếp lửa mùa đông vừa nhen giữa vùng gió xoáy. Tôi, chàng thanh niên gần ba mươi tuổi, non dại và ngù ngờ giữ lửa, lại mắc căn bệnh trầm kha của lòng hẹp hòi, ích kỷ để ngọn lửa tình khi bùng khi tắt. Tôi lao động, đi chài, đi móc sình bao ngạn, đào hộc mía nuôi con. Mười mấy năm lam lũ vùng cồn bãi. Vợ tôi cực quá chịu không nổi, bỏ tôi đi, để lại cho tôi bốn đứa con dại.
Khi đau đớn quá, tôi ngồi ôm con khóc. Khi ấy tôi mới biết rằng, hồi tôi năm sáu tuổi được đi tu lại là phước hạnh vô cùng, tôi đâu đau khổ như thế này! Khốn khó nuôi con bao nhiêu năm, bỗng duyên may hay là phước của tôi? Cũng có thể nghiệp của vợ tôi hiện nay. Vợ tôi còn con gái, nhảy vào lấy tôi và nuôi luôn chồng cùng con riêng của chồng. Vợ tôi như vị thánh đã cứu đời cha con tôi!
Ngày Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, tôi khởi công xây tịnh cốc Tây An, anh thợ đào đất đặt móng cuốc gặp ống nước của bà con xì nước, anh vừa cột lại vừa nói:
- Đặt móng mà gặp nước, anh may lắm.
Tôi chẳng mong giàu có, chỉ mong được một nơi tự tu học. Nên lặng im.
Phía bên cốc tôi có mệ Dã, mệ hơn 70 tuổi, da nhăn, mắt mờ, đi lờ đờ trôi từng bước. Ấy vậy, khi mệ lên đồng thật khá linh hoạt. Mệ nhảy đựng, hò hét, múa máy khá ngoạn mục, hoặc khi mệ nhóm bạn đánh bài bạc, thì ánh mắt mệ sáng lên khi bắt được con bài tốt. Tôi trộm nghĩ, mỗi đợt mệ đi hầu về chắc nằm bẹp mấy ngày là ít. Nhưng không, mệ vẫn đủ sức đi quanh dòm ngó chuyện này đến chuyện khác. Một đọt bí, lá đu đủ của tôi vươn qua hàng rào mệ là mệ bẻ ngang không thương tiếc!
Hồi tôi mới lên xây tịnh cốc, mệ cho người đốn mấy cây mít dọn mặt bằng sáu trăm ngàn đồng và cho tôi gửi vật liệu trước hiên nhà mệ giá một tháng sáu trăm ngàn, gỗ mít mệ bán. Giá vàng bốn số chín hồi đó 800.000 đồng/chỉ. Mới qua một tháng, mệ nói:
- Liệu mà… vác xi-măng về cả bụi nhà tui.
Anh thợ nề xây cổng nhỡ đốn cây sến to bằng cườm tay mọc ngoài đường, mệ phạt hai trăm ngàn, và vài tấc đất ba trăm ngàn đồng, tôi phải trả. Trong khi đó, đất cốc tôi 109m2. Khi thợ đo xây nhà và hàng rào thì mệ trừ lui một tấc, cổng vào trong bản vẽ 2m5, còn 2m4. Cốc chiều ngang 5m, còn 4m2. Tôi nghĩ, sao tôi lại gặp người lạ lùng như vậy, chắc kiếp trước tôi có mắc nợ mệ. Nhưng chưa đau bằng khi tôi ăn chay, tụng kinh hàng ngày, thi thoảng mệ làm gà, gà chưa chết chạy sang cốc tôi, máu tươi loang trước bàn thờ Phật. Sau này gà nhiều, mệ không chịu hốt phân, phân gặp mưa gặp nắng hôi thối không chịu nổi. Tôi ngồi thiền, phải hít thở, theo dõi hơi thở vào ra, tôi hít vào toàn mùi phân gà, đóng các cửa sổ nóng quá, qua buổi hành thiền mồ hôi ra như tắm. Tôi nói với anh Tạ, bạn mới của tôi ở phía sau cốc:
- Chắc quả báo trước đây tôi ăn thịt gà, chừ phải ngửi phân, xem máu gà. Nghĩ mà thương Đức Phật thị hiện xuống cõi ta-bà hôi thối này để độ chúng sanh. Ngay cả trời cũng không dám xuống. Tôi bị một chút phân gà đã quay quắt rồi, huống chi bao nhiêu thứ uế tạp.
Thời gian sau, anh Tạ tìm tôi, nói:
- Mừng cho anh, mụ Dã hết gà rồi, cô Gái mua gà của mụ Dã ngày một con ăn tẩm bổ khi mang thai. Tối qua, nó sang tôi nhờ tôi chở nó và người giúp việc của nó đi bệnh viện vì ngộ độc thịt gà.
Tôi mừng, tưởng đã trả xong nghiệp hít thở phân gà. Nhưng nghiệp dọn phân gà và bị bươi tanh banh vườn giậu vẫn nhận lãnh ngày ngày. Và, nghe lời chửi tục của mụ đều đều. Khi mụ chửi con gà: “Mệ nội mi”, tôi xốn xang trong lòng. Nghe lời Phật dạy, tôi cố không nhận lấy cái không phải của mình, nhưng trong lòng cũng thương mụ không chịu tu sửa, hoài phí cả kiếp người.
Đức Phật dạy: “Được làm người như con rùa mù một trăm năm mới ngoi lên mặt nước thở một lần lại gặp cái ách gỗ trôi điêu linh trên mặt biển”. Đức Dalai Lama dạy: “Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí. Sức mạnh của vua chúa là quyền uy. Sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo. Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa. Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát. Sức mạnh của Sa-môn là nhẫn nhịn”. Tôi theo lời dạy của Ngài tập nhẫn nhịn, cam nhẫn như mặt đất.
Nhiều người trong xóm bảo với tôi rằng:
- Con ruột của mụ Dã cũng không ở với mụ được. Thầy, - không biết họ gọi tôi là thầy tu hay thầy giáo - năm Mậu Thân, chồng mụ Dã đi lính chết. Mụ bơ vơ về ở với vợ chồng cô em gái. Cô em gái không có con trai. Mụ lẹo tẹo với ông em rể để có con trai nhưng sau lại sinh gái. Chồng cô em chết. Từ đó mụ đứng lên nắm chủ quyền, bán đất, trồng trọt và chăn nuôi.
Gần đây, anh Thuận mua đất của mệ để xây nhà. Đất mệ bán nhưng cây mệ lấy lại. Chỉ trong buổi sáng, cây trong vườn mệ bán xe ủi phá tan tành. Hơn bốn năm nay, tôi sống nhờ bóng mát của cây, bây giờ khô khốc trơ trọi đất lụn vụn sỏi đá. Thiệt con người không tốt bằng cây. Cây một đời chỉ cho người, nếu người thương yêu cây, cây sẽ cho gấp bội. Trên cây sến bị đốn có cái tổ kiến. Một buổi trưa nắng, tôi thấy khói. Nhìn sang thấy mệ Dã đốt tổ kiến. Tôi xách nửa xô nước, lén ra tưới nước. Kiến trong tổ bị nước ướt trào ra toàn kiến đen, con nào con ấy to gần bằng hột đậu xanh. Mấy hôm sau, tổ kiến bị phơi nắng, tôi mong nắng nóng sẽ đuổi đàn kiến bỏ tổ dời đi chỗ khác, nhưng tôi thấy chỗ bị cháy xém kiến làm một lớp tổ mới. Thấy mệ Dã dọn dẹp rác củi, tôi nghĩ mệ lại đốt tổ kiến. Tôi ra xin:
- Mệ cho tui xin cái tổ kiến. Mệ đốt như vậy là giết chết một quốc gia kiến. Sau này trả cho hết cái tổ kiến lâu lắm.
- Không! Để tui làm củi.
- Năm mười ngàn củi chớ mấy. Mệ cho tui, tui vác lên cồn mồ bỏ đó, khi kiến đi hết tôi lấy về cho mệ chụm.
Trưa ấy, thầy tôi gọi tôi đi làm việc thiện với thầy, lên cúng dường trên Trung tâm nuôi người già chùa Tịnh Đức về, tôi nhìn sang không thấy tổ kiến, lòng tôi phân vân, lo lắng bất an. Tôi cứ hận tôi không thông minh, bỏ ra hai chục bạc mua cái tổ kiến. Thường khi tôi lĩnh nhuận bút hoặc có một hai trăm bạc là mua một hoặc hai chục ngàn cá sống ra sông Hương tìm chỗ vắng phóng sanh và tập cho mấy đứa con phóng sanh. Cha con tôi lủi thủi đi phóng sanh. Nay không cứu được tổ kiến, thật tiếc và cảm thấy có tội. Tôi nói với Nguyên Phúc con trai tôi, năm nay cháu 17 tuổi, hiền lành như đất. Phúc nói:
- “Tận cùng của sự ngu dốt, là đối xử quá tốt với nhiều người”.
Tôi nói:
- Câu nói đó không biết của ai, ba đã thấy con chia sẻ trên Facebook. Câu nói đó hay! Nhưng theo ba, ba vẫn nghĩ cứ tốt với tất cả mọi người, ngay cả chúng sanh hung dữ cũng đối xử tốt với nó để cảm hóa nó. Đức Phật từng đem thân mình cho cọp mẹ ăn để cứu đàn cọp con. Khi cọp mẹ đói không mở miệng ra được, Đức Phật tự chọc trên người mình nhểu máu tươi vào miệng cọp mẹ, để cọp mẹ chóng mạnh, có sức ăn thịt Phật mà nuôi đàn con. Đức Phật đứng trước voi say hung dữ, phát lòng từ bi, từ trường của lòng từ bi của Đức Phật làm voi say thấy được kiếp trước của nó, nó quỳ xuống đảnh lễ Phật xin đi tu.
Tối hôm đó, tôi ngồi thiền để chờ đàn kiến báo mộng nhưng không thấy. Hôm sau tôi lang thang trên cồn mồ, bất ngờ thấy đọt cây sến và cái tổ kiến ai vất trên bụi rậm. Tôi mừng chảy nước mắt…


Tịnh cốc Tây An, 10-4-13
Truyện ngắn của Nguyễn Nguyên An