Tôi đảo mắt nhìn quanh, thấy hội trường quá ư vắng vẻ, chỉ thấp thoáng vài ba người trong ban tổ chức đang lo điều chỉnh âm thanh. Tôi lấy tấm thiệp mời ra coi lại, vì e mình lầm lẫn giờ giấc. Con số 14 giờ hiện rõ trên tấm thiệp nên không dễ gì lầm. Kéo chiếc ghế ở một góc phía cuối hội trường, tôi ngồi quan sát những diễn tiến xung quanh.Mười phút trôi nhanh, thêm một vài gia đình đã đến. Họ bước vội vàng vào bên trong cánh cửa phòng bếp và đặt dĩa thức ăn trên tay xuống bàn. Một người phụ nữ đứng tuổi bắt đầu trải bàn và pha cà phê. Hội trường dần dà đông hơn, và không khí trở nên rộn ràng. Họ bắt tay nhau, hỏi thăm và trò chuyện. Một vài người lăng xăng tìm kiếm cái này, xếp đặt cái kia cho chương trình văn nghệ.
Tôi nhớ lại năm trước, khi được mời đến dự buổi tiệc cưới của một người quen. Tôi cũng đã đến đúng giờ, và cũng đã rơi vào tình trạng đợi chờ như hôm nay. Bụng tôi cồn cào đánh trống. Đáng lẽ thì tôi đã ghé ăn trưa với một người bạn cùng sở, nhưng nghĩ mình sắp ăn tiệc nên thôi. Nói chuyện qua loa và uống vội vàng ly cà phê, tôi chia tay người bạn và đến đây, chờ đợi. Khi bụng tôi khua nhịp trống dạo hết mấy bản liên khúc thì hai họ mới bắt đầu chào quý khách. Xong phần giới thiệu, liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tay, trễ hơn giờ đã ấn định quá một tiếng.
Trên sân khấu, người giới thiệu chương trình đã tuyên bố khai mạc. Mọi người trang nghiêm đứng lên để chào quốc kỳ. Liếc vội chiếc đồng hồ trên tay, đúng 3 giờ. Bước vào phần văn nghệ, mọi người cười cười nói nói rộn rã hơn. Tôi kề tai hỏi nhỏ một người Việt Nam ngồi bên cạnh :
- Mấy giờ rồi thưa anh, vì hình như đồng hồ tôi bị chết.
- 3 giờ rồi anh ạ.
- Tôi tưởng chương trình bắt đầu lúc 2 giờ kia mà.
- Thưa vâng, thiệp mời ghi hai giờ, nhưng người Việt Nam thì hay quen xài đồng hồ dây thun.
Anh ta cười cười như nửa đùa nửa thật, và tôi cũng cười theo. Trao đổi thêm vài câu chuyện với anh ta, tôi mới hiểu ra là một số người Việt Nam có thói quen đi trễ. Nhưng lạ là ở chỗ họ không cảm thấy ngại ngùng và có lỗi khi để người khác chờ mình. Họ vẫn ung dung và mười lần như mười. Có lần tôi thắc mắc:
- Thế sao gia chủ không bắt đầu khai mạc đúng giờ, như một hình thức tôn trọng những người tới sớm, mà lại chờ những người tới trễ?
- Họ cũng muốn lắm chứ anh, nhưng đa số hơn thiểu số, và những người đến trễ lại chiếm phần đa số.
Đó là câu trả lời tôi nhận được, nhưng theo kinh nghiệm của riêng tôi thì không phải thế. Sở tôi làm cũng có vài người Việt Nam, họ luôn luôn đúng giờ và rất chăm chỉ trong công việc. Có lẽ những người này thuộc thiểu số đúng giờ chăng? Nếu đa số đều không giữ đúng giờ giấc, và trăm lần như trăm, vậy họ bị đuổi sở hết còn gì. Tôi bỗng đưa ra một kết luận cho riêng mình: khi đi làm thì họ rất đúng giờ, vì nếu không sẽ bị đuổi sở, nhưng những lúc đi đến những nơi hội họp thì chính họ lại luôn luôn đến trễ. Tôi vẫn không hiểu tại sao.
Có một lần, tình cờ trong một phòng mạch của một vị bác sĩ người Việt Nam. Một phụ nữ khá đứng tuổi tới trễ hơn giờ hẹn, thay vì hẹn giờ khác cho bà thì bác sĩ lại cảm phiền bảo tôi chờ thêm một chút. Tôi sẵn lòng, nhưng hơi tỏ ra thắc mắc thì vị bác sĩ giải thích:
- Hình như tới trễ đã trở thành thói quen của người Việt Nam, nhất là những người lớn tuổi, nên anh thông cảm cho. Đối với những người trẻ, thì tôi có thể yêu cầu chúng tôn trọng giờ giấc, nhưng với những người lớn tuổi thì tôi khó xử lắm, vì họ không quen bị yêu cầu.
Tôi bàng hoàng. Không biết từ bao giờ người Việt Nam đã có thói quen đi trễ, và không biết đi trễ có phải là văn hoá hay không...?
(Viết theo ý một người bạn bản xứ)