Tôn trọng sự sáng tạo


Thời gian vừa qua liên tiếp có những câu chuyện thú vị liên quan đến ngành giáo dục.
Chuyện thứ nhất là bài thơ “lạ” tả bà, bài thơ mang tên “Cô bắt làm văn tả bà”.
Chuyện thứ hai là clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”, một học sinh lớp 12 tự cho mình trăn trở với nền giáo dục của đất nước và nói lên sự trăn trở đó suốt một giờ đồng hồ.


1. Ở câu chuyện bài thơ “lạ” tả bà, qua những câu thơ lục bát, tác giả đã khắc họa hình ảnh bà ngoại thực tế, hình ảnh ấy đối lập hoàn toàn với hình ảnh người bà mà cô giáo hay bắt học trò tả theo văn mẫu như: tóc trắng, răng rụng, miệng nhai trầu... Ngoại trong bài thơ lạ rất hiện đại: tóc nhuộm, hát karaoke, đi xe ga… nhưng hình ảnh chân thật ấy bị phê bình và nhận điểm kém vì… “thiếu thực tế”, hay nói đúng hơn là không giống trong văn mẫu.
Bài thơ lạ này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, đa số tỏ ra rất thích thú vì nó vừa hài hước vừa thâm thúy.
Xuất xứ của bài thơ này là dựa trên câu chuyện có thật của một chị phụ huynh kể về bài văn của cô con gái học lớp 3 (tức chưa đến 10 tuổi) với đề bài “Kể về một người thân mà em yêu quý nhất”. Cô bé đã tả về bà mình: “Bà ngoại em có mái tóc tém nhuộm màu vàng. Hằng ngày bà mặc váy ngắn, mang giày cao gót, đi làm trên chiếc xe máy tay ga…”.



Chị cho biết, những miêu tả của con gái mình không hề sai vì mẹ chị sinh con gái đầu lòng lúc mới 20 tuổi. Chị thì sinh con gái đầu lòng năm 25 tuổi. Nên dù là bà ngoại nhưng vẫn chưa đến lục tuần và đương nhiên ở tuổi này bà ngoại ấy hằng ngày vẫn đi làm ở công sở và vẫn còn khỏe mạnh, yêu đời... chúng tôi xin đưa nguyên văn bài thơ như sau:

“Bà ngoại em vẫn chưa già
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường
Mắt bà vẫn rất tinh tường
Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày
Nhưng bà em vẫn rất hay
Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm
Công việc bà vẫn ôm đồm
Chăm lo con cháu sớm hôm không nề
Hôm nay cô giáo ra đề
Bắt em phải tả viết về bà em
Em tả giống hệt bên trên
Cô bắt viết lại - mắng thêm em rằng:
Đã bà là phải rụng răng
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời
Bà cũng không được ăn chơi
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu
Đã bà là phải ngồi khâu
Không được ngồi hát “ka-râu-ô-kề”
Nhất là không được ghi đề
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào
Em nghe chẳng hiểu thế nào
Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này
Tả sai thì lại không hay
Tả đúng thì lại có ngày ăn roi
Kiểu này phải bảo mẹ thôi
Hay đổi bà khác đúng lời của cô???”


Ở xã hội ngày nay thì chuyện một người phụ nữ ngoài 50 có cháu ngoại mà còn khỏe mạnh, yêu đời và đôi khi rất “sành điệu” là chuyện hết sức bình thường. Thực tế, các bà ngoại tuổi này có tóc ngắn nhuộm vàng, váy ngắn tới đầu gối hay giày cao gót, hát karaoke… là hình ảnh mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp bất cứ nơi đâu tại các thành phố lớn.
Song, cô giáo vẫn phê là bài văn tả bà ấy “thiếu thực tế” và đương nhiên là nhận điểm dưới trung bình, 4 điểm.
Vì sao “tả đúng thì lại có ngày ăn roi” như thế? Cô giáo giải thích rằng, bà ngoại như thế là không đúng với hướng dẫn, bởi theo cô: “Bà ngoại phải là tóc dài bạc trắng búi sau gáy chứ không phải tóc tém nhuộm vàng. Bà ngoại đi xe đạp hay đi bộ chứ làm sao cưỡi được xe máy tay ga. Bà ngoại mặc đồ bộ và mang dép hay guốc chứ không phải váy ngắn tới đầu gối và giày cao gót…”.



Thật ra căn bệnh áp đặt này trong ngành giáo dục không hề xa lạ, hầu như trong những năm gần đây, năm nào dư luận cũng ồn ào vì những bài văn lạ xuất phát từ cách dạy rập khuôn phải theo văn mẫu của thầy cô giáo.
Bài thơ “lạ” tả bà ngoại trên tuy rất hài hước nhưng nó đã lột tả được căn bệnh rập khuôn trong cách dạy và học văn trong thực tế hiện nay. Phương pháp giáo dục theo lối mòn này, đặc biệt là đối với môn văn, một môn học rất cần đến sự sáng tạo và cảm nhận phong phú đang phần nào hạn chế sự phát triển, triệt tiêu tư duy, sự sáng tạo của học sinh.

2. Những điều trăn trở của “một kẻ lười biếng” trong đoạn clip tung lên mạng dài 1 giờ đồng hồ xét cho cùng không mới. Những chuyện như bệnh thành tích, học vẹt, dối trá trong thi cử, nhồi sọ, áp đặt, thủ tiêu tư duy độc lập và sáng tạo đã là căn bệnh chung của ngành giáo dục gây nhức nhối xã hội những năm gần đây. Nhưng cái độc đáo “kẻ lười biếng” này là dám nói thẳng và mạnh dạn đưa ra giải pháp như hãy bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT, hãy cho học sinh học tới lớp 9 là đủ, sau đó đi học nghề để chuyên sâu về thực hành.
Em cũng cho rằng, đạo đức là điều phải đặt cao hơn việc truyền đạt tri thức. Nếu tri thức là một cỗ xe thì đạo đức là vôlăng, nếu tri thức là chiến mã thì đạo đức là dây cương. Với đạo đức, tri thức sẽ hướng thiện.
Nói về vai trò của giáo viên cũng như thực trạng dạy và học trong nhà trường, em phân tích: “Trách nhiệm cao cả của giáo viên là tìm ra con đường dẫn đến trái tim của học sinh, khơi gợi tình thương yêu giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật và thực sự có nhiều hơn một con đường như thế. Các môn văn học, xã hội khác cũng là để nuôi dưỡng tâm hồn. Nhưng chúng ta không làm được, học chỉ là miễn cưỡng, học thuộc lòng cả tiểu sử, cả một bài dài. Các giá trị nhân văn rất khó đi vào lòng người khi chỉ nói suông, tự ca như những con vẹt”.
Cuối cùng, em kêu gọi những người nắm trong tay quyền hành hãy thay đổi ngay từ bây giờ. “Hãy gạt bỏ tự ái, hãy nâng cao tự trọng mà làm… Dân tộc nào có nhà trường tốt nhất, dân tộc đó đứng trên những dân tộc khác”.
Một số quan điểm trong bài hùng biện của học sinh kia sẽ còn phải tranh luận rất nhiều và không phải những điều em nói đều chính xác, nhất là quan điểm “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ”. Tuy nhiên, nếu bỏ qua một bên sự đúng - sai thì khi nghe kỹ nội dung bài nói của học sinh này, ta thấy nhiều người trong chúng ta phải trăn trở rất nhiều!
Đó là việc những người lớn, phụ huynh, những trí thức, rồi đến đội ngũ giáo viên, cao hơn nữa là các nhà quản lý giáo dục thử hỏi có mấy ai thao thức, trăn trở với nền giáo dục đất nước như em?! Nghe đi nghe lại những lời của học sinh này trong clip, ta thấy những lời của em đều được nghiên cứu sâu sắc, kỹ lưỡng, có hệ thống và phản biện, đưa ra các giải pháp cũng có hệ thống. Chắc hẳn đó là những suy nghĩ và nghiên cứu bằng cả trái tim chứ không phải bằng lý trí.
Tất nhiên không phải chỉ một mình em học sinh lớp 12 trên có trái tim nồng nàn như thế. Song, dẫu có mong muốn tột cùng thì một học sinh hay một phụ huynh cũng không thể nào đổi mới giáo dục chỉ bằng trái tim! Nền giáo dục nước nhà đang mong chờ sự dấn thân của các nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có tâm huyết với sinh mệnh giáo dục. Và học sinh, phụ huynh muốn được tin tưởng vào trí tuệ và sự nhiệt huyết của các nhà giáo dục hơn là từ những trăn trở như cậu học sinh trên.

L.T

Theo baomoi.com