Khám phá thành phố Ai Cập huyền thoại chìm dưới đáy biển


Đây từng là một đô thành sầm uất của văn minh Ai Cập cổ đại, được ví như một thành phố Atlantis huyền thoại…
Nhắc tới nền văn minh bên bờ sông Nile, người ta nghĩ ngay tới các Pharaoh, kim tự tháp, tượng Nhân Sư, hay thành phố Alexandria cổ xưa… Nhưng ngoài những điều thú vị ấy, Ai Cập còn nổi danh với một đô thành ven biển, chìm xuống đáy đại dương một cách bí ẩn hệt như thành phố cổ Atlantis. Đó là đô thành Thonis-Heracleion…Từ một thành phố nửa thật nửa truyền thuyết…

Thonis-Heracleion là một thành phố Ai Cập cổ đại, hình thành vào khoảng thế kỷ thứ VIII TCN. Nó nằm bên cửa sông Nile, gần với thành phố cảng Alexandria nổi tiếng và là trung tâm thương mại, hàng hải sầm uất của đế chế Ai Cập. Thonis-Heracleion thực chất là danh xưng ghép bởi người Ai Cập, chủ nhân thành phố gọi đây là Thonis, trong khi người Hy Lạp dùng Heracleion để chỉ nó.
Cho tới cách đây vài năm, Heracleion luôn được gọi là thành phố nửa thật nửa truyền thuyết. Bởi trên thực tế, Heracleion chỉ xuất hiện trong một vài thư tịch cổ Ai Cập và Hy Lạp, còn người ta không biết cụ thể hình hài, mặt mũi hay những dấu tích còn lại của thành phố ở nơi đâu. Đã có lúc, người ta cho rằng, Heracleion chắc là một thành phố mà người xưa mơ về mà thôi.


Bản đồ nơi mà người ta nghi ngờ rằng, Heracleion tọa lạc.

Trong lịch sử, nhà sử học Hy Lạp Herodotus (sống ở thế kỷ V TCN) là người đầu tiên đề cập tới thành phố này. Theo ghi chép của ông, trước khi Alexandria được thành lập năm 331 TCN, Heracleion là thành phố mà mọi con tàu Hy Lạp muốn thông thương với Ai Cập phải cập bến.
Vị á thần nổi danh Heracles khi tới Ai Cập đã đặt chân tới đây đầu tiên. Để tưởng nhớ sự kiện này, người dân trong thành đã xây dựng một ngôi đền thờ Heracles, đồng thời thành phố mang tên Heracleion, phỏng theo tên của người anh hùng.


Heracles từng đặt chân tới thành phố Heracleion sầm uất, xinh đẹp.


Một bản thư tịch cổ Ai Cập ghi lại chiến công của Heracles.

Ngoài ra, Herodotus còn kể rằng, Heracleion chính là nơi mà nàng Helen xinh đẹp cùng người tình của mình Paris đi thăm thú, du lịch ngay trước khi trận chiến thành Troy nổ ra. Cũng theo một số văn tịch cổ Ai Cập, Thonis - Heracleion vô cùng sầm uất, giàu có, không chỉ là trung tâm thương mại mà còn là một thành phố tôn giáo với những đền thờ lớn, nhất là đền thờ thần Amun và con trai của ông Khonsu.


Đây cũng là thành phố ghi dấu cuộc tình Helen - Paris trước đại chiến thành Troy.


Song tất cả những thông tin trên chưa từng được kiểm chứng. Bởi đơn giản, thành phố này đã biến mất một cách bí ẩn, giống như trường hợp của thành phố Atlantis. Giới khoa học cho rằng, Heracleion có thể đã chìm xuống biển Địa Trung Hải do sự sụt lở của trầm tích và sự dâng cao của nước biển thế kỷ VIII.
Nhưng điều kỳ lạ ở chỗ, những cuộc tìm kiếm dấu tích của Heracleion chưa thu được kết quả quý giá nào cả. Tất cả làm dấy lên sự lo ngại, tò mò về trường hợp của một Atlantis thứ hai.

… tới bí ẩn được tháo gỡ…

Trời chẳng phụ lòng người. Bí ẩn tưởng chừng mãi mãi bị che phủ kia cuối cùng cũng được vén màn một cách tình cờ, ngẫu nhiên. Năm 2001, nhà khảo cổ học dưới nước Franck Goddio cùng đoàn thám hiểm của mình trong chuyến tìm kiếm những tàu chiến Pháp bị đắm thế kỷ XVIII ở sông Nile, đã vô tình phát hiện ra thành phố ẩn dưới nước Địa Trung Hải này.


Đoàn thám hiểm tình cờ phát hiện những dấu tích dưới đáy biển của thành phố truyền thuyết.


Tượng hoàng hậu của vua Ptolemaic bằng đá granite đỏ nặng 4 tấn.

Dưới lớp cát biển, các dấu tích của Heracleion được bảo tồn tuyệt hảo trong 1.200 năm. Chỉ riêng khu vực thành phố này chìm, đoàn của Goddio đã phát hiện 64 tàu thuyền các loại, 700 mỏ neo - số lượng tàu lớn nhất được khám phá chỉ ở một vị trí khai quật. Điều này chứng tỏ sự sầm uất trong giao thương trên biển ở Heracleion là có thật, giống như trong các văn tịch cổ Ai Cập nhắc tới.



Một chiếc đèn bằng đồng giống cây đèn thần của Aladdin vậy.



Một bản thư tịch bằng vàng.


Một chiếc đĩa bằng vàng dùng cho quý tộc thời xưa.

Chưa hết, người ta cũng tìm ra rất nhiều tiền vàng, đồng, đá được cho là phương tiện trao đổi buôn bán ở Heracleion. Cùng với đó là rất nhiều bức tượng khổng lồ thờ các vị thần, chứng tỏ Heracleion là một biểu tượng tôn giáo của đế chế Ai Cập cổ đại.



Những bức tượng thần và bia đá được khai quật dưới đáy Địa Trung Hải.



Đầu tượng thần Hapi - thần sông Nile dài tới 5,4 m là biểu tượng của thành phố Heracleion.


Quá trình trục vớt các biểu tượng tôn giáo.


Tượng đồng của Pharaoh, được cho là từng trưng bày tại đền thờ thần Amun ở Heracleion.


Theo thời gian, tới nay, những lớp màn cuối cùng của bí ẩn thành phố Heracleion đang được hé lộ. Giờ đây, các chuyên gia đã xây dựng được một bản đồ 3D mô tả sự tồn tại vốn có của thành phố cảng này.


Bản đồ Heracleion 3D được giới chuyên gia tái tạo bằng vi tính.

Theo đó, thành phố này nằm trên khu vực rộng khoảng 11 - 15km2, cách đường bờ biển ngày nay khoảng 6,5km, phía Tây vịnh Aboukir. Kết luận được đưa ra hiện nay cho rằng, đây là một thành phố cổ có thật, giàu có, sầm uất và là trung tâm tôn giáo thời kỳ cuối cùng của đế chế Ai Cập.

* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Dailymail, The Collectiveint, Franck Goddio, Environmental Graffiti...