Ngàn năm, giọt nước có buồn không?


Tôi nhớ mở đầu tác phẩm Ana Karenin, văn hào Leo Tolstoy viết, "Những gia đình hạnh phúc thì đều giống như nhau, nhưng trong mỗi gia đình khổ đau thì không có khổ đau nào giống với khổ đau nào hết." Tolstoy là một đại văn hào, ông có một cái nhìn rất sâu sắc về cuộc đời. Có lẽ trong cuộc đời, ông đã chứng kiến quá nhiều tình cảnh khổ đau mà hạnh phúc thì chừng như quá giới hạn. Nhưng bạn biết không, tôi không nghĩ như vậy. Tôi muốn viết là, "Trong cuộc đời này những khổ đau có thể giống như nhau, nhưng mỗi hạnh phúc đều rất đặc biệt và kỳ diệu theo một lối riêng của nó."
Bạn hãy bước ra ngoài một sáng mùa thu, sau một cơn mưa sớm, nắng lên tan sương mù, có tiếng lá rơi trên lá, màu sắc trên màu sắc, mỗi tờ lá là một vẽ đẹp thiên nhiên rất công phu và nhiệm mầu, không thể so sánh được. Nhưng cuộc đời, nhiều khi ta cứ ngỡ chúng chỉ có mỗi một màu xanh tầm thường mà thôi!

Sự sống rộng lớn

Chắc bạn cũng còn nhớ câu chuyện về cô Kisagotami. Kisagotami là một thiếu phụ còn trẻ, vừa mất một đứa con chưa đầy một tuổi. Trong cơn đau khổ cùng cực, cô cứ ôm chặt xác đứa con trong lòng và đi khắp nơi, tin rằng sẽ có một phương thuốc làm con mình sống lại. Dân làng cho rằng có lẽ cô vì quá buồn khổ nên đã hóa điên, họ trốn tránh cô. Có một người thấy vậy thương hại, đến khuyên cô hãy tìm gặp đức Phật, ngài sẽ giúp cho. Khi gặp đức Phật, Kisagotami kể lại tình cảnh của mình và cầu xin đức Phật làm cho đứa con yêu dấu được sống lại. Ðức Phật từ bi nhìn cô bảo, "Ta biết có một phương cách, nhưng cô phải xin được cho ta một hạt cải từ một căn nhà nào mà trong gia đình chưa từng có người chết. Cô xin được rồi mang về đây, ta sẽ làm cho con của cô sống lại." Cô nghe lời đức Phật, đi vào làng tìm đến mỗi nhà. Nhưng nhà nào cô gõ cửa hỏi cũng đều có người đã qua đời. Rồi một buổi sáng cô chợt hiểu! Căn nhà mà cô muốn tìm, nó không có thật trên cuộc đời này. Cô đi vào rừng chôn xác đứa con mình và trở lại gặp đức Phật. Ðức Phật nói, "Cô đừng bao giờ nghĩ là chỉ có riêng mình mới phải đối diện với những khổ đau, cho dù nó có to tát đến đâu. Vô thường là luật tự nhiên của cuộc sống, không một ai có thể tránh được." Và Kisagotami đã trở thành một nữ đệ tử lớn của Phật.
Khổ đau là một sự thật. Ta không nên và không thể nào chối bỏ sự thật. Nhưng ta cũng đừng bao giờ tự cô lập và cá nhân hóa khổ đau của ta, và giữ nó cho riêng mình. Kisagotami nhờ thôi nắm giữ khổ đau của mình, cho nó là duy nhất, là cá biệt, mà cô đã được giải thoát. Có những khổ đau rất to tát, nó có thể đè nát ta, nhưng bạn biết không, cuộc đời này rộng lớn hơn thế. Sự sống này có thể dung chứa hết tất cả mọi khổ đau, nếu ta có khả năng nhìn sâu sắc và mở rộng được con tim của mình.
Tối nay tôi có đi nghe một nguời quen nói chuyện về vấn đề sống hạnh phúc. Chị chia xẻ với chúng tôi về kinh nghiệm làm sao ta có thể sống hạnh phúc giữa một cuộc đời bận rộn và khó khăn. Có nhiều cách để ta chuyển hóa khổ đau. Ta có thể đối diện thẳng với chúng, hoặc ta có thể cứ tiếp tục vun trồng hạnh phúc của mình. Mà tôi hiểu chị, tại sao ta lại phải nói đến khổ đau trong khi ta có thể nói đến hạnh phúc, phải không bạn! Cuộc sống này to lớn hơn những khổ đau có mặt. Mặc dầu nhiều lúc ta vẫn chưa có khả năng ý thức được sự thật ấy.
Ngoài trời đã khuya. Trăng lên cao qua những nhánh cây mùa đông khô nhỏ. Tôi thắp một ngọn nến. Một ngọn lửa nhỏ vàng yên lặng. Trên đầu tôi có vạn ngàn vì tinh tú hiện hữu. Bạn biết không, người ta nói cơ thể của ta cũng được làm bằng cùng như những nguyên tố cấu tạo nên dãy thiên hà kia! Sự sống này đâu có giới hạn.

Giọt nước có buồn không?


Có lần tôi được nghe một bài hát của Trịnh Công Sơn với những ý lạ, "Biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng về đâu? Biển sóng đừng xô ta, ta xô biển lại sóng nằm đau!" Ông kể, ông viết bài đó do cảm hứng khi nghe tụng câu kinh Bát Nhã "Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha." Ông giải thích ý mình, "Tuy là do cảm hứng bắt nguồn từ câu kinh, nhưng nó không nương tựa gì câu kinh cả. Tôi muốn nói, sống trong cuộc đời, ta đừng nuôi thù hận, đừng có ác ý trong cuộc tình. Ðừng để trong tình thương có bóng dáng thù địch, của lòng sân hận. Sóng xô ta, ta xô lại sóng. Biết bao giờ mới đến được bờ bên kia của tịch lặng, của bình an!" Ông nói về những cuộc tình, mà cuộc đời cũng thế, bạn có nghĩ vậy không? Vì cuộc đời cũng được làm bằng những mối liên hệ giữa ta với người chung quanh. Mà nếu mỗi lần "sóng xô ta" rồi "ta xô lại sóng", thì biết bao giờ biển khổ này mới được yên, tâm hồn này mới được tĩnh lặng phải không bạn!
Tôi nghĩ sự tu tập trước hết là để đem lại cho ta một tấm lòng. Một tấm lòng, một con tim rộng lớn, không nhỏ nhen, không nghi kỵ, không xô đẩy nhau. Một tấm lòng không cô lập, không cố chấp. Một tấm lòng vững chãi và thảnh thơi có khả năng che chở và soi sáng ta giữa cuộc đời. Với tấm lòng rộng mở ấy, mọi khổ đau sẽ được chuyển hóa.
Tôi có thể nói cho bạn nghe về sự cần thiết của sự đổi thay và vô thường trong cuộc sống. Tôi có thể nói về một thực tại nhiệm mầu. Tôi có thể kể cho bạn nghe làm sao ta có thể tiếp xúc được với hạnh phúc, trong khi hiện tại là khổ đau.... Nhưng tôi nghĩ chữ nghĩa thì bao giờ cũng quá dễ dàng, và nhiều khi còn là thừa thãi! Tôi vẫn còn đang thực tập những gì mình đã được dạy. Có những ngày thân tôi đau, tâm tôi bất an, hạnh phúc dường như là chuyện của hôm qua. Những ngày ấy, tôi bước ra ngoài, tập đi thiền hành trên con đường nhỏ, nhìn trời xanh mây trắng, có những đàn ngỗng trời bay ngang qua kêu vang không trung. Tôi tập nương tựa vào sự vững vàng của con đường mình đi, vào trời xanh mây trắng, vào hạnh phúc của những người chung quanh. Hạnh phúc đâu phải chỉ có mặt trong một không gian hoặc thời gian nào giới hạn của riêng tôi! Nó rộng lớn hơn thế. Sự sống của tôi và bạn không có một đoạn cuối, dầu khổ đau hay hạnh phúc. Nó là một tiến trình tiếp tục mà ta có thể bắt đầu lại bất cứ một lúc nào!
Ðêm nay trăng sáng yên ngoài cửa sổ. Trong căn phòng viết nhỏ của tôi có một vùng ánh sáng nhỏ tĩnh lặng. Cho rằng cuộc đời này là khổ đau, hoặc hạnh phúc, cũng còn là vội vàng và giới hạn quá. Trên bàn viết, tôi có chép lại một bài thơ của bác Ngọc Quế in trong tập sách bác gởi tặng nhà hôm nào,

Ngàn năm,
Giọt nước có buồn không
Sao vẫn long lanh
Dưới ánh hồng
Trên cánh sen vàng
Ai biết được
Ngàn năm
Giọt nước có buồn không.


Ðêm đã khuya. Tôi thổi tắt ngọn nến trên bàn. Một làn khói tỏa nhẹ dưới ánh trăng xanh.

Nguyễn Duy Nhiên