Khi nói đến gia đình hạt nhân, người ta nghĩ ngay tới một gia đình gồm cha mẹ và con cái, không có ông bà kiểu “tứ đại đồng đường” như xưa, nhưng có lẽ gia đình hạt nhân ngày nay phải định nghĩa lại: đó là một gia đình chỉ có mẹ và con hoặc cha và con! Đa số, đến chín phần mười là mẹ và con. Cha, hoặc giấu mặt, hoặc trong bóng đêm, hoặc thỉnh thoảng được phép gặp con một lần vào cuối tuần, cuối tháng… Tình trạng gia đình đơn thân ngày càng nhiều, theo tốc độ đô thị hóa, toàn cầu hóa. Ở Mỹ, tỷ lệ gia đình đơn thân hiện nay đã là 35%, có tiểu bang đến 47%, không kể những gia đình trẻ mồ côi, con nuôi, hay có cha mẹ ghẻ. Nói khác đi cứ hai hoặc ba đứa trẻ ở Mỹ bây giờ thì có một bé sống với gia đình đơn thân.
Ở ta tình trạng gia đình đơn thân cũng đang tăng nhanh do ly dị, ly thân hoặc người phụ nữ muốn có một đứa con “hủ hỉ” tuổi già…
Xã hội ngày càng cảm thông với bà mẹ đơn thân và dần dần người ta thấy ở bà mẹ đơn thân là niềm tự hào của người… phụ nữ thời đại, bản lãnh, trí thức, kinh tế vững vàng, không cần đến bóng dáng một người đàn ông. Nhiều năm trước đây, các nhà xã hội học Pháp cũng đã báo động “Người cha đâu rồi?” khi thấy ngày càng vắng bóng người cha trong gia đình. Không còn cái cảnh mẹ là “từ mẫu” cha là “nghiêm đường” như vốn được thiên nhiên phân công trong việc nuôi dạy con như ngày xưa. Không còn chuyện: “Con có cha như nhà có nóc” hay “Còn cha gót đỏ như son/ Một mai cha chết gót con như chì” nữa! Thế nhưng, dù người mẹ đơn thân có thể tự hào chẳng cần ai, chẳng cần bờ vai, chẳng cần nơi nương tựa nhưng dù thế nào, làm sao giấu được nỗi chua xót những đêm quên ngủ những ngày quên ăn, những lúc con ốm đau quặt quẹo hay bi bô hỏi chuyện gần xa, làm sao giấu được nỗi nghẹn ngào khi một mình bươn chãi, hoặc thiếu trước hụt sau, những lúc đối diện với dèm pha, bóng gió…
Còn đứa trẻ thì sao ? Nó có bị giằng co cấu xé giữa sự chênh vênh của một gia đình đơn thân? Nó có hoang mang như thuyền không lái như ngựa không cương giữa đường đời muôn nẻo? Ngày nào ở Bắc cực, cha dạy con đi săn gấu để dành ăn suốt muà đông, ngày nào ở rừng già nhiệt đới cha dạy con làm bẫy săn mồi, bắn ná, dạy con chiến đấu với thú dữ bảo vệ mình và gia đình, ngày nào nơi sông nước, cha dạy con đánh cá, bơi thuyền, giăng câu, cày ruộng… Lúc đó cần sự mạnh mẻ, cần kỹ năng khéo léo của người đàn ông. Bây giờ thì công việc cần bộ óc, với vài cái nút bấm bấm nên vai trò người cha có vẻ như đã tắt ngấm. Kiến thức, sự thông minh, nhạy cảm… của người mẹ càng lúc càng cần thiết cho cuộc sống trong thời đại mới còn người cha nhiều khi… « có cũng như không ».
Nhưng, đứa con thì sao ? Hãy nghe tâm sự của một người trong cuộc: « Không có cha, tôi cứ khao khát được một lần gọi cha suốt tuổi thơ dài. Nước mắt cứ chảy mỗi khi thấy bạn bè có cha đưa đón đi học, còn tôi phải lủi thủi đi về một mình giữa nắng giữa mưa vì mẹ còn phải lo kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Nhìn mẹ phải làm cả những phần việc lẽ ra là của cha, tôi nghe tim mình thắt lại”. (Hải Đăng, TTO).
Các nghiên cứu cho thấy trẻ trong gia đình đơn thân vẫn thường có những khiếm khuyết khó tránh, bộc lộ dần theo lứa tuổi. Trẻ thể hiện hành vi bất thường gấp đôi trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình đủ cha đủ mẹ. Một số trở nên ích kỷ, đòi hỏi, lạnh lùng, hay đổ lỗi, thù đời, ganh tỵ… Một số khác bỏ học, nghiện rượu, nghiện ma túy, rối loạn tâm lý… cũng nhiều gấp đội trẻ có đủ cha mẹ. Đa số thiếu tự tin, học tập kém, thường vắng mặt, bỏ học, có vấn đề với thầy cô, với bạn học. Tình trạng này kéo dài suốt tuổi thiếu niên, lắng đọng trong tâm hồn đứa trẻ: “Đứa trẻ không cha rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, hay tủi thân, thường mặc cảm, luôn cảm thấy thiếu thốn tình thương, sống cô lập, khép kín, dễ bị trầm cảm… Một đứa trẻ lớn lên với đời sống tinh thần như vậy thì làm sao có đủ sự mạnh mẽ để đối diện với những sóng gió trong đời?” Hải Đăng, người trong cuộc viết.
Nhưng nếu được người mẹ (hay người cha) đơn thân hiểu biết để nuôi dạy con một cách tốt nhất phù hợp với hoàn cảnh thì cũng giúp con hạnh phúc, trưởng thành như bất cứ một đứa trẻ nào khác. Đứa trẻ của một gia đình đơn thân có khi lại là một… động lực vươn lên như một sự “bù trừ”: sớm ý thức trách nhiệm, sớm thấy thực tế, biết rèn nghị lực, biết lo việc nhà, phụ mẹ, chịu gian khổ, vượt khó, không ỷ lại…
Nguy cơ lớn nhất là “con hư tại mẹ”! Mẹ thương con gấp đôi khi sống đơn thân nên dễ làm hư con. Nhiều khi mẹ quên trẻ là một đứa trẻ, muốn nó hành xử như môt người lớn trong nhà và chẳng mấy chốc biến nó thành một ông “cụ non”. Trong mọi trường hợp người mẹ đơn thân phải đủ cương nghị, phải tạo nên một “nếp nhà”, một kỷ luật được cả mẹ con “thương thảo” và tôn trọng. Người mẹ đơn thân cũng không nhất thiết phải biến mình thành đàn ông để kiêm nhiệm vai trò người cha! Bởi còn đó có đại gia đình, còn có chú bác anh em họ hàng, những tổ chức xã hội, tôn giáo, đoàn thể… có thể giúp mình nhất là khi con bước vào tuổi dậy thì.
Trong những trường hợp ly dị, ly thân, người ta thường cho đứa trẻ được gặp cha/mẹ mỗi tuần hay mỗi tháng một lần. Những buổi như thế thường không phải là niềm vui bất tận như trong phim ảnh mà thực tế là một sự căng thẳng đối với đứa con. Trẻ nhiều khi như đi dây giữa cha và mẹ, bị lôi kéo vào bên này hay bên kia và có khi trở thành một “ điệp viên” bất đắc dĩ.
Tùy lứa tuổi, khi trẻ biết lo cho bản thân hãy để trẻ “tự lực tự cường”. Tạo môi trường cho trẻ có những tấm gương tốt để học tập. Trẻ của một gia đình đơn thân không có gì phải tự ti mặc cảm bởi thành công trên đường đời là do nghị lực cá nhân, tinh thần tự học, vượt khó. Nhìn đời với cái nhìn tích cực, sẽ có nhiều những tấm gương để noi theo. Hãy đọc những quyển sách tốt, rèn luyện trí đức như Tâm hồn cao thượng, gương danh nhân, gương kiên nhẫn v.v…Và nhớ “Một linh hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”, quan tâm rèn luyện thể chất, thể dục thể thao, không rượu, không thuốc lá…
Tôi muốn mượn một câu nữa của Hải Đăng để kết luận: “Làm mẹ đơn thân bây giờ là sự lựa chọn của nhiều phụ nữ bản lĩnh, nhưng nếu có thể được lên tiếng với tư cách là một đứa con khao khát một người cha, tôi mong mỗi phụ nữ trước khi quyết định sinh con một mình, hãy nghĩ về tương lai của con. Rằng khi lớn lên liệu đứa trẻ có được hạnh phúc trọn vẹn hay tâm hồn sẽ bị khiếm khuyết mà không gì có thể bù đắp được…”.
Nhưng trước hết người cha hãy là một người cha để gia đình “hạt nhân” thực sự có cả cha mẹ và con cái!
BS Đỗ Hồng Ngọc