Thầy Lang – BS Phan Xuân Trung


Thầy thuốc là tên gọi chung của những người có khả năng chữa bệnh cho người khác.
Thuở còn bé thơ, khi tôi sốt, phát ban, mẹ tôi thường luộc trứng gà, lăn trên lưng của tôi. Khi tôi đau bụng, mẹ tôi xức dầu vào rún tôi. Khi tôi nhức đầu, mẹ tôi thường giựt gió. Tôi ớn lạnh, mẹ tôi cạo gió, nấu cháo gừng, ủ ấm, nấu nước nóng tắm cho tôi. Mẹ tôi đã làm thay cho một bác sĩ chuyên khoa nhi để chữa bệnh cho tôi.
Mẹ tôi kể người đỡ đẻ sinh ra tôi là bà Bảy Mụ. Bà được gọi tên như vậy là vì bà chuyện môn đi đỡ đẻ cho người ta. Ở quê, những người làm công việc này gọi là bà mụ vườn.

Mẹ tôi ốm yếu, thường hay bệnh. Cái thuở sau giải phóng, ai cũng nghèo, thuốc men không có. Người giúp được cho mẹ tôi là bà Lan giác hơi. Rõ ràng là chỉ khi mẹ tôi bệnh thật thì các vết giác hơi trở nên bầm tím, còn không bệnh thì có giác mấy cũng không đổi màu. Sau khi giác hơi, mẹ tôi nấu nồi lá xông, đổ thêm chút dầu gió, trùm mền vào xông hơi. Một hồi sau thì tỉnh táo hẳn.
Ở Sài gòn, gần nhà tôi có Thầy Năm Chích chuyên môn chữa bệnh. Thầy Năm Chích là y tá quân đội hồi trước. Ông không phải bác sĩ nhưng chích rất hay, chữa bệnh cho rất nhiều người.
Khi học tiểu học, tôi đi ngang Chùa Giác Nguyên thấy phật tử chặt, băm cành cây thành mảnh nhỏ, phơi khô, gói làm thang thuốc, chữa bố thí cho người nghèo.
Mẹ tôi, bà Bảy Mụ, Thầy Năm Chích, các phật tử chùa Giác Nguyên… thảy đều không phải là bác sĩ nhưng đã chữa bệnh cho tôi và mọi người xung quanh. Họ chính là những “Thầy Thuốc Nhân Dân”.


Thầy Lang


Thời học trung học phổ thông ở trường Ten Lơ Man, đối diện trường là rạp hát Đại Nam chiếu phim xi nê. Tôi nhớ một bộ phim tên là “Thầy Lang”. Không nhớ rõ chi tiết câu chuyện, chỉ nhớ sơ sơ rằng có một vị giáo sư y khoa bị mất trí nhớ đi lang thang rày đây mai đó. Nhìn ông rất xộc xệch và chán đời. Trong quá trình lang thang như vậy ông thường chữa bệnh cho những người nghèo mà không lấy phí. Không ai biết ông là vị giáo sư nổi tiếng. Một hôm ông gặp 1 cô gái mù. Thầy Lang đó đã dùng những dụng cụ nhà bếp như nồi nước sôi, dao chặt thịt, búa… để mổ sọ cho bệnh nhân. May thay, bệnh nhân được sáng mắt. Và hay thay đó lại chính là con gái của ông ta.
Khi tôi học y khoa, các Thầy dạy ngoại khoa kể về chuyện dùng nước dừa xiêm để truyền dịch cho lính thương binh. Không có huyết thanh, nhưng có kiến thức, các Thầy đã cứu sống nhiều thương bệnh binh bằng cách đó.
Các vị Thầy kể trên đã vận dụng trí não của mình để biến những thứ có sẵn xung quanh làm phương tiện cứu chữa bệnh nhân trong những điều kiện khó khăn.
Suy cho cùng, hành xử của Thầy Thuốc dựa vào cái Tâm và cái Trí. Tâm thôi thúc thầy thuốc hành động trước nỗi đau của người khác. Trí giúp thầy thuốc vận dụng bất cứ những gì xung quanh để làm phương tiện chữa trị hữu hiệu. Thiếu Tâm thì chẳng muốn giúp ai. Thiếu Trí thì chẳng thể giúp người hiệu quả.


Quan Đốc Tờ

Bác sĩ trước đây được gọi là “Quan Đốc Tờ” hay “Quan Đốc”.
Các Quan Đốc Tờ này được học hành bài bản để trở thành thầy thuốc có chứng nhận đào tạo. Dĩ nhiên, người được đào tạo bài bản phải biết nhiều và chữa bệnh hiệu quả hơn người tay ngang.
Quan Đốc Tờ ngày xưa uy nghiêm trong phong thái, tận tâm tận lực trong công việc, ăn năn khi lỡ gây ra sai sót, hổ thẹn khi kiến thức không đến nơi.
Có một vị Thầy ở bệnh viện Huyết Học, đầu đã bạc trắng. Thầy dấn thân trong sự nghiệp chữa ung thư máu. Thầy than thở với sinh viên rằng đã đến cuối đời rồi mà chẳng cứu giúp được cho nhiều người. Chứng bệnh ung thư ác nghiệt kia đè nặng lên tâm tư người Thầy Thuốc mong muốn tận hiến cuộc đời cho bệnh nhân. Đến nay căn bệnh ung thư chưa có bước điều trị đột phá nên hoài bão cứu người của Thầy không thành hiện thực.
Ngày nay cũng có nhiều Quan Đốc Tờ với nhiều học vị, bằng cấp. Khá nhiều vị đã vượt qua khỏi cái nghĩa Đốc Tờ là Bác Sĩ, họ khẳng định cái học vị Đốc Tờ phải có nghĩa là Tiến Sĩ. Và hơn thế nữa, phải là “Phó Giáo Sư – Tiến sĩ – Bác sĩ” như thế kia thì mới khẳng định vị thế. Có vị học chưa đến đâu cũng ráng tìm cách được chứng nhận “tương tương tiến sĩ” để in danh thiếp cho đẹp. Và không ít bằng cấp, học vị được mua bằng vài trăm triệu.
Những cái bằng cấp đó như tấm thảm bay, nâng quan đốc tờ vào những hàng ghế quản lý, lãnh đạo đầy danh vọng và tiền bạc. Về thực chất thì những vị quan này không hề có tí kiến thức chuyên môn để giúp đời. Người ta nói đùa, các vị quan đốc đó khi chết đi, mang giải phẫu tử thi thì phát hiện ra rằng họ không có tim và óc.
Thầy lang băm?
Đọc báo thấy có một ông Tiến sĩ vật lý tên Khải, là dân “y khoa ngoại đạo”, lại xắn tay vào việc chữa bệnh cho trẻ em. Ông ta xót cho 143 trẻ bị chết vì bệnh Tay Chân Miệng mà bên y tế cứ lờ đi như không có gì, nên đề xuất dùng Anolyt để chữa trị cho các cháu.
Một số Quan đốc gọi vị này là “Lang Băm”, không có kiến thức mà cũng đòi chữa bệnh.
Dưới mắt của tôi thì ông này có Tâm. Ông đau xót trước cảnh trẻ em bị mắc bệnh và chết mà không có ai của ngành y tế giúp đỡ một cách hiệu quả.
Dưới mắt cùa tôi thì ông này có Trí. Cái trí của ông không phải là kiến thức y khoa được đào tạo bài bản. Cái trí của ông chỉ cỡ bằng Mẹ tôi, bà Mụ Vườn, thầy Năm Chích… chỉ cần hiểu rằng diệt được mầm bệnh là ngăn được bệnh. Và hành vi của ông ta tương đương với Thầy Lang trong bộ phim xi nê hay của các vị Thầy quân y trong thời chiến.
Chẳng thể nào ngăn chặn bàn tay của người mẹ cạo gió cho con, chẳng thể nào ngăn chặn bà mụ vườn đỡ đẻ cho sản phụ. Thế nhưng người ta đã ngăn chặn bàn tay của ông Thầy Lang Băm kia.
Rủi mà phương pháp của ông thành công thì mấy mảnh bằng của các vị Quan Đốc Tờ bị vứt vào sọt rác.

Phan Xuân Trung

Nguồn: Ykhoa.net