Bốn nhóm thực phẩm giàu sắt rất cần thiết cho cơ thể

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt chất sắt có thể nguy hại cho sức khỏe trẻ em. Khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt trầm trọng, trẻ có thể chậm phát triển trí não, giảm chỉ số thông minh và thiếu máu…
Nhiều bậc cha mẹ đã nỗ lực rất nhiều nhằm tăng cường chất sắt bằng cách cho trẻ ăn các loại sữa chế biến đã được làm giàu và các loại ngũ cốc nhưng vẫn không cải thiện được nhiều tình trạng thiếu chất sắt ở trẻ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, hiện có tới 15% trẻ em bị thiếu chất sắt.Những đứa bé từ 6-12 tháng tuổi cần cung cấp vào cơ thể 11 miligram (mg) chất sắt/ngày, những đứa trẻ từ 1-3 tuổi cần 7mg chất sắt/ngày. Và để cung cấp đủ chất sắt cho trẻ, ngoài việc cho trẻ bú sữa mẹ - là nguồn giàu chất sắt, các chuyên gia dinh dưỡng đề nghị các bậc phụ huynh nên thường xuyên cho trẻ ăn 4 nhóm thực phẩm sau:

1. Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu và gan là những nguồn dồi dào chất sắt được cơ thể trẻ hấp thu dễ dàng.




2. Các loại đậu, bao gồm đậu lăng, đậu xanh, đậu nành là các loại thực phẩm giàu sắt, rất hữu ích cho những đứa trẻ không thích hoặc không có điều kiện ăn thịt.



3. Các loại rau lá xanh như cải bó xôi, cải xoăn là những nguồn bổ sung sắt tuyệt với. Bên cạnh đó, các loại rau xanh này còn cung cấp chất xơ, canxi và vitamin C, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.



4. Nước trái cây. Tuy không chứa chất sắt, nhưng theo các chuyên gia, việc tiêu thụ vitamin C kết hợp với các loại thực phẩm giàu chất sắt sẽ giúp cơ thể tăng cường quá trình hấp thu chất sắt. Hầu hết các loại nước trái cây dành cho trẻ em như nước cam, nước táo và nước nho có thể cung cấp đủ lượng vitamin C cần cho cơ thể trẻ mỗi ngày. Bên cạnh đó, các loại trái cây thuộc họ quýt, trái kiwi, dưa đỏ và dâu tây cũng là những nguồn tự nhiên giàu vitamin C.




Lưu ý: Trẻ em cần được kiểm tra máu thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời tình trạng thiếu sắt trong cơ thể vào thời điểm chúng được 12 tháng tuổi. Việc kiểm tra này là rất quan trọng, vì những đứa trẻ bị thiếu chất sắt thường không có triệu chứng gì rõ rệt cho đến khi chúng bị chứng thiếu máu nghiêm trọng. Các triệu chứng của bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt bao gồm tình trạng cơ thể mệt mỏi và yếu ớt, da nhợt nhạt, tim đập nhanh, không có cảm giác thèm ăn và hay chóng mặt.
Để tránh mắc phải bệnh thiếu máu, theo các bác sĩ nhi khoa, mọi đứa trẻ cần phải được kiểm tra công thức máu xem có bị thiếu chất sắt hay không để có hướng xử lý kịp thời.
Tăng cường sự hấp thụ chất sắt (chú ý cho người ở độ tuổi trưởng thành)
- Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt non - heme trong thực vật. Vitamin C có nhiều trong rau, hoa quả, và nên ăn cùng lúc với các thực phẩm chứa chất sắt.
- Hạn chế dùng các sản phẩm từ sữa bởi vì các sản phẩm từ sữa ngăn chặn sự hấp thụ chất sắt từ thực phẩm, đặc biệt là đối với phụ nữ.
- Nên tăng cường lượng chất sắt trong cơ thể bằng các sản phầm không từ sữa như là các loại hạt, đậu và các loại rau lá xanh.
- Chất caffeine cũng kìm hãm sự hấp thụ chất sắt từ thực phẩm. Không uống trà, cà phê, coca trong bữa ăn và chỉ uống sau ăn 2 tiếng.

Theo Health.usnews