Dược Vương

Khi các vị Bồ-tát thập phương xin « triển khai » Pháp Hoa ở cõi Ta-bà, Phật từ chối ngay. Vì cõi Ta-bà khó lắm, toàn “bùn” không, chỉ có hoa sen mới có thể mọc còn hoa hồng hoa huệ cắm xuống thì không xong. Cái thứ hoa sen kỳ diệu đó mới sống nổi trong bùn, mới gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
Cho nên Tú Vương Hoa Bồ-tát (vua của các loài hoa đẹp) mới thưa hỏi Phật rằng ngài Dược Vương bồ-tát kia làm sao mà có thể ung dung “dạo chơi” trong cõi Ta-bà hay quá vậy ? Ngài đó có tài cán gì, có đức độ gì mà dám ung dung “du hí” ở cõi Ta-bà đầy phiền trược để cứu độ chúng sanh vậy?

Phật bèn dẫn chuyện xưa.
Rằng thuở xa xưa kia có vị Bồ-tát tên là Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến – ai thấy cũng vui – được nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức nói kinh Pháp Hoa. Từ đó vị Bồ tát này tu tập khổ hạnh, tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, mãi lâu sau mới đặng một thứ tam muội gọi là « Nhứt thiết sắc thân tam muội ». Tức thời giữa hư không ngài « …lấy dầu thơm xoa thân, dùng y báu cõi trời quấn thân, rưới các thứ dầu thơm, dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân mình » ! Ánh sáng khắp soi cả tám mươi ức hằng hà sa thế giới… Các đức Phật đều khen đó là « món thí hạng nhứt ! ». Lửa cháy đến một ngàn hai trăm năm mới đốt hết thân Bồ-tát .
Không có cách nào khác hơn là phải loại trừ ngã chấp, phải đốt cháy đến tận cùng cái ngã để đạt đến vô ngã mới có thể thõng tay vào chợ. “Đốt” cái sắc đi, chính là phá hủy ngã tướng, ngã tướng sụp đổ rồi thì nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng… cũng sụp đổ theo. Và như vậy là đã có thể « diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh… mà chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả », bởi vì « chúng » đâu còn cơ hội để « sanh » mà phải diệt ! Chỉ có lửa tam muội – tức ở trong thiền định- mới thấy được “ngã” đang cháy dần, cháy dần ra sao. Không dễ mà “đốt” hết. Phải đến ngàn năm mới đốt hết cái «ngã tướng” chớ chẳng phải cháy bùng lên một cái là xong! Cho nên trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn vẫn là điều kiện cốt lõi. Còn “món thí hạng nhứt” ở đây chính là “bố thí thân mạng” đó vậy!
Nhưng thế vẫn còn chưa đủ. Vị Bồ-tát mà ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng đó (nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến) hẳn là có đức chân thành và trung thực, thân khẩu ý nhất quán, nhưng để có thể gần gũi được mọi người, thực sự giúp người thì phải biết thấu cảm với mọi tầng lớp xã hội – mọi chúng sanh – tức phải có “nhứt thiết sắc thân tam muội”. Đó là một thứ “tam muội” lạ lùng, có thể giúp mình hóa thân vào mọi cảnh ngộ, mọị tình huống, giúp mình “biến” thành mọi đối tượng khác nhau, đặt mình vào vị trí của họ để thấy để nghĩ như họ, hiểu được nỗi lòng họ, ngôn ngữ họ, nhờ đó mà giúp họ giải quyết vấn đề rốt ráo. Giải pháp thường khi đã sẵn có, chỉ vì bị “vô minh” che khuất mà không thấy ra, đành phải khổ đau thôi! Một vị Bồ-tát có “nhứt thiết sắc thân tam muội” thì lòng Từ mới trọn vẹn. Lúc đó mới có khả năng để làm pháp sư, để “du hí” trong cõi Ta bà mà giảng nói Pháp Hoa. Bồ-tát có thể mỗi nơi mỗi lúc « thị hiện » khác nhau tùy đối tượng tiếp xúc, nhờ vậy mà “truyền thông” có hiệu quả.
Bồ-tát bấy giờ tuy đã có được tam muội « đốt cháy » hết sắc thân – nhân vô ngã – mà vẫn còn đó pháp này pháp nọ, mười người trăm ý, nên phải thoát ra khỏi cả pháp chấp, để thấypháp vô ngã nữa mới xong. Ngón tay chỉ trăng không phải là trăng. Qua sông bỏ bè! Nếu còn phân biệt, còn chấp trước thì vẫn cứ loay hoay. Bồ tát bèn « đốt hai cánh tay » ! Phải mất bảy muôn hai nghìn năm mới cháy hết… Khó thay, giải trừ chấp thủ ! Cho nên « đốt hai tay » khó gấp trăm lần đốt sắc thân. Nói khác đi, thành kiến khó mà dẹp bỏ ! Bám hữu sai mà bám vô càng sai. Bám sắc sai mà bám không càng sai. Thành kiến bám rất chặt vào từng rễ thần kinh, chằng chịt nối nhau thành một mạng lưới, dứt dây động rừng, khó mà thay đổi. Coi bản đồ phân bố hoạt động ở võ não ta thấy vị trí của lưỡi và của bàn tay chiếm một diện tích rộng nhất.
Hai tay đã đốt, chấp thủ đã dẹp thì hiện ra hai « cánh tay sắc vàng của Phật ». Hai cánh vàng của Từ bi và Trí tuệ. « Tôi bỏ hai tay ắt sẽ đặng thân sắc vàng của Phật »…
Lúc đó cõi tam thiên đại thiên thế giới sáu điệu vang động. Trời rưới hoa báu. Bồ tát dám dùng lửa tam muội đốt sắc thân, đốt hai cánh tay, đốt tham ái, chấp thủ đó, đốt để có được thân vô ngã, pháp vô ngã mà bước vào đời ấy chính là Dược Vương. 
Vị thuốc vua.

Đỗ Hồng Ngọc
(Vu Lan, 2013)

http://www.dohongngoc.com/web/lom-bom-hoc-phat/nghi-tu-trai-tim-lom-bom-hoc-phat/duoc-vuong/