Giải Nobel Hòa bình 2013 - Câu chuyện Thiếu nữ 16 tuổi, ứng viên sáng giá của Nobel hòa bình 2013

Một trong những ứng viên sáng giá năm nay là thiếu nữ 16 tuổi người Pakistan Malala Yousafzai, người dù bị Taliban ám sát vẫn tiếp tục vận động người khác đến trường.


Malala Yousafzai được xem như ứng viên sáng giá



Malala là một cô gái nổi tiếng ở Pakistan sau khi cô đứng lên vận động đòi quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Cô mong muốn những trẻ em gái ở đất nước này được tới trường, điều mà rất khó khăn ở quốc gia này.
Cô được chuyển tới Anh khi đang trong giai đoạn nguy hiểm để các bác sĩ cứu tính mạng của mình. Các bác sĩ đã phẫu thuật cho cô bé ở bệnh viện Nữ hoàng Elazabeth ở Birmingham. Cô được các bác sĩ phẫu thuật và điều trị bằng những biện pháp tiên tiến nhất. Việc làm của cô bé nhỏ tuổi đã khiến cho Taliban thực sự nổi giận và một tay súng của tổ chức này đã bắt vào đầu cô bé khi cô đang trên tuyến xe buýt tới trường vào tháng 10 năm ngoái. Vết thương khiến cho tính mạng của Malala bị đe dọa nghiêm trọng.
Malala xuất viện vào tháng 1 vừa qua và giờ đây, cô được học tập tại ngôi trường có học phí khá cao là Edgbaston ở Birmingham, ngôi trường cho những bé gái ở xứ sở sương mù. Chính phủ Pakistan sẽ trả học phí 10.000 bảng cho cô. Edgbaston High School là một trường học độc lập dành cho những cô gái có độ tuổi dưới 18 tuổi. Trường học được thành lập năm 1876 và là ngôi trường dành riêng cho nữ lâu đời nhất ở Birmingham.


Cô bé viết tiếp giấc mơ của mình tại trường trung học ở Birmingham.

Chia sẻ niềm hạnh phúc của mình, Malala cho biết: "Tôi vui mừng vì ngày hôm nay tôi đã đạt được giấc mơ của mình là trở lại trường học. Tôi muốn tất cả các cô gái trên thế giới có cơ hội tới trường, tôi nhớ các bạn mình ở quê hương rất nhiều nhưng tôi cũng mong muốn được gặp những thầy cô, bạn bè mới ở Birmingham".
Malala hiện đang sống cùng bố mẹ và hai em trai của mình sau khi họ sang định cư ở Birmingham. Bố cô, ông Ziauddin tìm được công việc liên quan tới giáo dục tại lãnh sứ quán Pakistan tại thành phố.
Malala trở thành một biểu tượng cho cuộc chiến giành quyền lợi giáo dục cho các bé gái trên toàn thế giới.
Ngoài Malala Yousafzai, những cái tên đang rất được chú ý khác là bác sỹ người Congo Denis Mukwege và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).
Theo truyền thống, vào 11 giờ trưa 11/10 theo giờ địa phương (tức 16 giờ giờ Việt Nam), chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland sẽ công bố giải thưởng tại Viện Nobel ở thủ đô Oslo.
Và cũng giống như những năm trước, đồn đoán về người chiến thắng đã “nóng” lên trước giờ trao giải. Các nhà bình luận đều cố gắng đoán xem ai trong số 259 ứng viên sẽ được vinh danh.
“Việc đưa ra lựa chọn chính xác là luôn khó khăn, nhưng Ủy ban Nobel đã không gặp khó khăn nào trong việc đạt được sự đồng thuận trong năm nay”, ông Jagland khẳng định với hãng tin AFP
Dù vậy ông từ chối tiết lộ về quyết định của Ủy ban.
Các chuyên gia cũng như các trang cá cược đã đặt Malala vào vị trí ứng cử viên số 1. Ở độ tuổi mới 16, nếu giành giải, thiếu nữ người Pakistan sẽ là người nhận giải Nobel trẻ nhất từ trước đến nay ở mọi lĩnh vực.
Malala đã không lùi bước trước những phần tử Taliban cực đoan dù bị chúng bắn vào đầu hồi năm ngoái. Sau khi may mắn sống sót, Malala tiếp tục chiến dịch vận động vì giáo dục dành cho các bé gái trên phạm vi toàn cầu.
Trong ngày hôm qua (10/10/2013) em đã được Nghị viện châu Âu trao giải Sakharov. Tuy vậy một số chuyên gia cũng cho rằng độ tuổi quá trẻ của Malala có thể khiến cơ hội giành giải thấp đi.
Giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận cùng số tiền thưởng tương đương 1,2 triệu USD có thể được chia sẻ nếu có nhiều người cùng đoạt giải.


Giải Nobel Hòa bình 2013 đã có chủ

(Dân trí) - Chiều nay (11/10), Ủy ban Nobel Na-uy đã chính thức tuyên bố trao giải Nobel Hòa bình 2013 cho tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), với mong muốn đóng góp vào nỗ lực cấm phổ biến vũ khí hóa học toàn thế giới.


Trụ sở của OPCW tại Hà Lan.

Trước giờ trao giải, hầu hết các hãng cá cược tại châu Âu cũng như các nhà phân tích đều cho rằng Malala Yousafzai, nữ sinh 16 tuổi người Pakistan là người có cơ hội giành giải cao nhất.
Khả năng này càng trở nên rõ ràng hơn khi trong ngày 10/10, Malala được nhận giải thưởng Sakharov của Nghị viện châu Âu. Đây được xem như giải thưởng về nhân quyền cao quý nhất châu lục này, với giá trị tiền thưởng 50.000 euro.
Dù vậy chỉ ít giờ trước khi giải thưởng được công bố, truyền thông Na-uy đã dự báo OPCW sẽ được trao giải.
Có trụ sở tại Hague, Hà Lan, OPCW là một tổ chức nhỏ được thành lập để thực thi Công ước 1997 về vũ khí hóa học. Công ước này cấm việc phát triển, sản xuất, mua, cất giữ, tái chiếm dụng, chuyển giao hoặc sử dụng vũ khí hóa học.
Đến nay đã có 189 quốc gia thông qua công ước này, trong đó có 7 nước gồm: Albania, Ấn Độ, Iraq, Libya, Nga và Mỹ cùng với một quốc gia giấu tên tuyên bố có kho vũ khí hóa học. Những vũ khí này bao gồm khí mù tạc và các loại khí thần kinh, ví dụ như sarin hay VX.
Vào ngày thứ Hai (14/10) tới, Syria sẽ trở thành quốc gia thành viên tiếp theo của OPCW. Những tuần gần đây, tổ chức này đã trở thành tâm điểm chú ý khi cử các thanh sát viên tới giám sát quá trình giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria, bất chấp tình hình giao tranh ác liệt.
Cho đến nay tổ chức này đã thực hiện hơn 5000 đợt thanh tra tại 86 quốc gia. OPCW khẳng định 100% các kho vũ khí hóa học được khai báo đã được kiểm kê và xác nhận. Theo đó 57.740 tấn, tương đương 81,1% các kho vũ khí hóa học đã bị tiêu hủy.
Trong tuyên bố của mình Ủy ban Nobel khẳng định OPCW được vinh danh vì “những công việc rộng khắp để loại trừ vũ khí hóa học”.
“Những sự kiện gần đây tại Syria, nơi vũ khí hóa học đã được sử dụng, đã cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh những nỗ lực loại trừ thứ vũ khí này”, Thorbjørn Jagland, chủ tịch Ủy ban Nobel Na-uy khẳng định.
Nhưng ông Jagland cũng lưu ý rằng giải thưởng được trao cho OPCW không chỉ bởi tình hình tại Syria mà bởi công việc của tổ chức này sốt những năm qua. Ông cho biết OPCW đã được đề cử trong những năm trước.
“Giải giáp vũ khí luôn là ý nguyện nổi bật của Alfred Nobel. Ủy ban Nobel Na-uy đã thông qua rất nhiều giải thưởng để khẳng định phải loại trừ vũ khí hạt nhân”, Jagland khẳng định. “Với việc trao giải cho OPCW, Ủy ban muốn đóng góp vào nỗ lực loại trừ vũ khí hóa học”.

Thanh Tùng

Tổng hợp