NHẤT DƯƠNG CHỈ TRONG KINH ĐIỂN PÀLI


Những ai chỉ nghiện chưởng nhưng lười đọc kinh điển Pàli có lẽ vẫn nghĩ rằng Nhất Dương Chỉ là một tuyệt chiêu độc quyền của nhiều lắm là hai nhân vật trong võ hiệp Kim Dung là Vương Trùng Dương và Đoàn Nam Đế hay nhiều hơn một tí là kể thêm chiêu Lục Mạch Thần Kiếm của Đoàn Dự hay Đàn Chỉ Thần Công của Hoàng Dược Sư (cũng đều thi triển nội lực ra đầu ngón tay). Kỳ thực, khái niệm Nhất Dương Chỉ có một nguồn gốc từ rất lâu đời, mà rõ ràng nhất là món Đại Lực Kim Cang Chỉ của Thiếu Lâm, một tuyệt chiêu kinh thiên của các bậc cao tăng có thể chỉ dùng một ngón tay như con dao nhọn theo nghĩa đen. Ngày nay, tuyệt kỹ này vẫn chưa bị thất truyền và tôi nghĩ có thể đó là môt gợi ý cho nhà văn Kim Dung nghĩ ra chiêu Nhất Dương Chỉ cùng các món tương tự. 
Trong bài kinh 37 của Trung Bộ có kể lại sự kiện tôn giả Mục Liên một hôm ghé thăm thiên chúng cõi Đao Lợi và thấy họ mãi lo vui chơi phóng dật nên đã vì lòng đại bi mà làm một việc nhỏ để nhắc nhở họ cái bèo bọt của lạc thú thiên giới. Tôn giả đã dùng một ngón chân cái dí vào một góc lâu đài Vejayanta đồ sộ của cõi Đao Lợi và khiến cả kiến trúc hùng vĩ này phải rung chuyển dữ dội như muốn đổ sụp. Ta có thể gọi đó là Nhất Dương Chỉ, dù CHỈ ở đây không phải ngón tay mà là ngón chân. Dĩ nhiên theo kinh mà nói, uy lực của ngón chân ngài Mục Liên còn dũng mãnh gấp tỉ lần Nhất Dương Chỉ của Trung Thần Thông Vương Giáo Chủ. 
Cái uy lực đó của ngón chân ngài Mục Liên dũng mãnh đến vậy vì đó không phải là thứ công phu đến từ sự tập luyện của thể lý, cũng không phải từ một tham vọng nhuốm mùi tục lụy của phàm phu. Thứ thần lực đó đến từ các khẩu quyết Vô Vi Nhi Vi, Cư Trần Bất Nhiễm. Cái thâm hậu thượng thừa ở đây là khả năng can dự càn khôn Bất Khả Tư Nghì. Ngài Mục Liên xem mọi thứ thần lực là món thừa ra phải có của một người đã vượt thoát ba cõi. Người chứng thiền định là vượt thoát các món nhục dục,  nhưng có thể còn vướng kẹt trong các tầng Tam Muội hiệp thế. Chỉ có thánh trí La-Hán là dứt tuyệt mọi tham chấp trong tất cả hình thức tế thô. Các bậc La-Hán là những người đủ tư cách gọi mọi sinh hoạt là phương tiện: Từ việc thuyết pháp, khất thực, đi đứng ngồi nằm đến việc hoá hiện các món du hí thần thông.
Khái niệm Chỉ Quán Song Tu không phải là chuyện đời sau như một số người lười tra cứu vẫn tưởng lầm. Tứ Niệm Xứ hay tức con đường Tuệ Quán (Vipassanà) là giúp hành giả đạt đến chỗ tận cùng của Trí là đoạn tận phiền não, chứng ngộ Niết-Bàn. Trong Khi đó, pháp môn Chỉ Tịnh (Samatha) là đưa hành giả đến chỗ tận cùng của Tưởng (Sannà), trước làm nền tảng cho Tuệ Quán, sau là tận dụng được khả năng cao nhất của Tưởng là biến những chuyện không tưởng thành ra có thể: Tạo ra đất bằng Địa Tưởng, tạo ra nước bằng Thủy Tưởng, ra gió bằng Phong Tưởng,…Và chỉ bằng khả năng Định Lực thâm hậu bất động mới có thể vận dụng được năng lượng cao nhất của Tưởng. Hoá ra nếu chẳng phải thánh trí giác ngộ thì cái gì trên đời cũng là trò ảo hoá. Có điều khác biệt duy nhất của các thứ ảo hoá là chúng được tạo ra bằng con đường nào: Tục lụy hay vô nhiễm, hướng thượng hay thoái đoạ, lợi tha hay vị kỷ, thế thôi ! 
Cái ảo diệu thượng thừa của Chánh Pháp là người ta chỉ có thể đạt đến đỉnh cao tuyệt đối bằng một sự vô cầu. Anh phải buông tất cả mới có được tất cả. Chỉ vì chỗ khó làm và khó hiểu này mà ngay sau khi thành đạo, đức Phật nào cũng thoáng có ý viên tịch. Vì các ngài biết rõ đạo mình vừa đạt là đi ngược dòng đời.
Tuyệt kỹ Nhất Dương Chỉ không phải chỉ có trong một trường hợp ngài Mục Liên. Vì khả năng đó chỉ là một trong vô số khả năng liệu sự (iddhi) của vị thành tựu thắng trí. Sớ giải Tiểu Bộ ghi rằng tôn giả Dabba Mallaputta chứng ngộ La-Hán từ lúc bảy tuổi và thành tựu tất cả thần lực của một vị Thinh Văn. Đức Phật từng xác nhận rằng tôn giả Dabba Mallaputta là vị đệ nhất về công hạnh tri xứ cho chúng tăng. Nghĩa là những khi có tăng khách phương xa về hầu Phật, dù đông đảo bao nhiêu bất luận, tôn giả vẫn thừa sức an bày chỗ nghỉ qua đêm bằng cách đứng giữa khuôn viên tự viện rồi an trú Hỏa Giới Tam Muội và dùng ngón tay phóng quang rọi sáng các lối đi cho chư tăng về trú xứ của mình. Hình ảnh của ngài khi đó còn đẹp mắt gấp ngàn lần hình ảnh Đoàn Nam Đế sử tuyệt chiêu Nhất Dương Chỉ hay Đoàn Dự thi triển hảo công phu Lục Mạch Thần Kiếm. 
Kinh còn kể thêm câu chuyện dễ thương của một vị La-Hán bảy tuổi chứng đạo sau ngày Phật tịch. Tương truyền vị tôn giả này đã bay lên Đạo Lợi Thiên để tái hiện kỳ tích của tôn giả Mục-Liên ngày trước là dùng ngón chân lay chuyển lâu đài Vejayanta của thiên vương Đế Thích. Chuyện lạ lùng là nội lực của ngài thì có thừa mà lâu đài bề thế kia cứ trơ ra đó như trêu ngươi vị hài đồng La Hán. Lấy làm lạ, tôn giả này đã trở về thưa chuyện với sư phụ là một vị La-Hán trưởng lão. Được thầy gợi ý bằng hình ảnh một miếng phân bò khô trôi sông, vị La-Hán bảy tuổi quay lại thiên cung an trú Thủy Giới Tam Muội để khiến lâu đài Vejayanta bị mất chân đứng như đang bềnh bồng trên nước rồi trong nháy mắt, ngài kết hợp Địa Giới Tam Muội để tăng lực ngón chân rồi thì vận dụng Phong Giới Tam Muội để khiến toàn lâu đài bị rung động. Ý nghĩa của món du hí thần thông này chỉ nhằm dạy cho thiên chúng hai chuyện rằng to lớn mấy cũng vô thường và người nhỏ tuổi đến mấy mà biết tu học đàng hoàng thì cũng có thể đoạt quyền tạo hoá. Vời vợi lắm thay chỗ dụng tâm sâu thẳm của một vị hài đồng La-Hán !
Kẻ viết bài này chỉ mong công đức viết lách hôm nay trợ duyên cho lai sinh được xách nước quét am cho những bậc hài đồng kiểu đó cũng là vạn phúc đại hạnh lắm rồi…Mong thay ! 
Nam Mô Đại Lực Vô Nhiễm Nhất Dương Chỉ Tam Thế Hiền Thánh !


TOẠI KHANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét