1.
Nhưng phần lớn cha mẹ bắt đầu đọc sách khi con đã biết nói chuyện. Một số khác đợi đến khi con biết chữ. Một số nữa tặc lưỡi nghĩ rằng, đọc sách là do tính cách, có đứa trẻ thích đọc, có đứa trẻ thích nhảy nhót, nếu nó thích nó sẽ tự đọc.
2.
Việc đọc sách sớm nói riêng và trò chuyện với con nói chung có những tác động ít được biết trong sự phát triển của trẻ và trong sự kết nối giữa cha mẹ và con.
Mình nghĩ rằng việc đọc sách nên bắt đầu sớm nhất là khi thai nhi bắt đầu đạp (hoặc sớm hơn, ai mà biết được), và muộn nhất là khi trẻ chào đời. Em bé trong video này khóc khi mẹ kể hết chuyện.
Có ông bố bắt đầu đọc khi con ở trong bụng đã nhận thấy khi con 3 tháng tuổi đã nín khóc khi nghe tiếng lật trang, và 6 tháng tuổi đã bắt bố kể đi kể lại một câu chuyện yêu thích.
Về mặt sinh học, việc cha mẹ đọc sách cho con nghe sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Ngay ở trong bụng mẹ, trẻ đã có thể nghe những âm thanh ở thế giới bên ngoài, trong đó thân quen nhất là nhịp tim của mẹ (đấy là lí do vì sao khi áp trẻ vào ngực, trẻ thường trở nên bình tâm hơn), thứ hai là giọng nói của mẹ và bố. Nếu bạn tưởng tượng bạn đang ở một nơi ấm áp, êm ái và thân thuộc, tự nhiên bị đẩy ra một chỗ sáng chói, lạnh lẽo, chẳng biết đâu vào đâu, lại còn phải tự thở và tự tiêu hóa, thì bạn có thấy căng thẳng và sợ hãi không? Nếu lúc đó bạn tìm được một dấu hiệu của sự thân quen thì bạn có mừng không? Chắc cũng như người sắp chết đuối vớ được cọc. Những ông bố bà mẹ chăm nói chuyện với con khi còn ở trong bụng thì con sẽ nhận ra giọng khi ra ngoài, và con sẽ thấy an tâm hơn. Một nghiên cứu cho các bà mẹ đọc truyện cho thai nhi 6 tháng tuổi, và khi các em bé ấy chào đời, được nghe lại truyện đó, các em tỏ ra thích hơn các truyện chưa được nghe, chứng tỏ không phải chưa ra đời là chưa có trí nhớ.
Về mặt tâm lí học, việc nói chuyện thật nhiều với con sẽ giúp thắt chặt mối dây tình cảm với bố mẹ. Trẻ sơ sinh nghe chưa được tốt, nên nghe giọng phụ nữ có tần số cao tốt hơn giọng đàn ông trầm có tần số thấp. Tuy nhiên, các ông bố cũng đừng vì thế mà tự ti về giọng nói của mình mà hãy nựng con tích cực hơn. So với tần số âm thanh của các thiết bị điện tử, giọng các ông bố vẫn dễ nghe hơn nhiều. Trẻ sơ sinh hầu như không nghe được âm thanh phát ra từ đài radio hay TV, vì vậy nếu hát thì bố mẹ hãy hát trực tiếp cho con, chứ bật nhạc thì tác động cũng bị giảm đi ít nhiều. Kết nối này sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc thích nghi với thế giới bên ngoài trong thời gian đầu. Trong quyển “The new dad’s survival guide”, tác giả viết khi con còn trong bụng mẹ, điều quan trọng là được nghe giọng của bố mẹ, nên đọc tạp chí, báo, sách hay kể chuyện bà hàng xóm mới bị chết con mèo không quan trọng. Dĩ nhiên không phải ông bố bà mẹ nào cũng nghĩ ra chuyện để nói hết ngày này qua ngày khác, nên việc đọc sách là một giải pháp, đã có nội dụng sẵn rồi, chỉ việc đọc lên thôi.
Về mặt ngôn ngữ học, trẻ biết nghe, hiểu và nhớ từ vựng rất lâu trước khi trẻ biết nói. Do đó, trẻ càng được tiếp xúc với nhiều từ thì khả năng phát triển từ vựng càng tốt và nhanh. Theo một nghiên cứu khác, khi so sánh một trẻ có cha mẹ ít nói chuyện với con và trẻ có cha mẹ chăm nói chuyện, đọc sách, chỉ trong một năm, số từ trẻ thứ hai biết nhiều hơn trẻ thứ nhất đã lên đến hàng nghìn, và qua một vài năm, có thể thấy rõ sự khác biệt trong khả năng nghe hiểu và diễn đạt. Việc đọc sách dĩ nhiên rất có lợi trong trường hợp này vì ngôn ngữ đối thoại hàng ngày của chúng ta không phải lúc nào cũng phong phú về bối cảnh và sắc thái. Ngoài ra, khi nói chuyện với con, kể cả khi con mới sinh, cha mẹ cũng nên nói cả câu, có đầy đủ chủ vị, và tuyệt đối tránh việc phát âm theo kiểu “tục tưng, con tó”, vì như vậy sẽ khiến trẻ phải học một từ đến hai lần, gây bối rối và mất thời gian vô ích.
Về mặt xã hội học, chẳng phải nói nhiều, những người ăn nói gãy gọn, trình bày mạch lạc, bao giờ cũng được chú ý và đánh giá cao hơn. Trong quyển “Unequal childhood”, tác giả theo dõi một loạt gia đình có nền tảng và địa vị xã hội khác nhau trong vài năm liên tục, rồi kết luận chính việc đối xử với con cái trong gia đình góp phần duy trì sự khác biệt giai cấp. Con cái những gia đình bố mẹ có học thức cao thường được bố mẹ giải thích, được phép tranh luận, được đưa ra ý kiến, còn con cái trong các gia đình nghèo, tầng lớp lao động, bố mẹ kiếm sống vất vả nên thường không có thời gian lí giải dài dòng, chỉ đưa ra các câu mệnh lệnh “ăn đi”, “ngủ đi”, “không được nghich”. Kết quả là những đứa trẻ ở nhóm đầu được chuẩn bị cho việc giao tiếp với người lớn, đạt được những điều mình muốn, và sẵn sàng khi bắt đầu tham gia vào thị trường lao động. Còn những đứa trẻ không được cho cơ hội để diễn đạt, trình bày thì quen với việc bảo sao nghe vậy, ít biết thương lượng với những người có quyền (là thầy cô khi còn nhỏ, hoặc sếp khi lớn) để đạt được điều mình muốn.
3.
Lợi ích thì rõ ràng rồi, nhưng môi trường gia đình có thể góp phần hình thành thói quen đọc sách cho con như thế nào?
Nhiều ông bố bà mẹ than phiền, tôi mua rất nhiều sách cho con, nhưng nó đều vứt xó. Nhiều người khác lại nói, con tôi chỉ thích xem TV, chơi điện tử, không bao giờ động tay vào quyển sách. Còn có những người lo lắng con sẽ đọc sách có nội dung xấu, hoặc vì ham đọc truyện mà bỏ bê việc học.
Trước khi trách con, phụ huynh nên tự trách mình. Người làm cha mẹ có đọc sách cho con không? Việc đọc sách có phải là nếp sinh hoạt trong gia đình không? Cha mẹ có bao giờ thảo luận với nhau về những quyển sách mình đang đọc, hay giải thích cho con những từ ngữ, lời thoại khó trong sách không? Thật là buồn cười nếu cha mẹ không bao giờ sờ đến quyển sách, nhưng lại kì vọng rằng một khi con biết chữ, nó sẽ tự động nghiền hết quyển này đến quyển khác mà mình chẳng cần cố gắng gì.
4.
Cha mẹ nên làm gì để tạo thói quen đọc sách tốt cho con?
Nhiều người coi việc đọc sách cho con là nghĩa vụ, “làm cho xong”, nhưng đây là một trong những hoạt động quan trọng cần đến sự chú tâm (mindfulness). Không phải đọc chỉ để đọc, mà đọc còn để truyền tải, để con cảm thụ. Trong bài Ted Talk này diễn giả đã chia sẻ, khi tôi không quan tâm đến thời gian, không lo cần phải đọc nhanh để làm việc khác nữa, thì thường đọc khoảng 10 phút, con tôi sẽ nói “có chuyện hôm nay ở trường khiến con không vui”, rồi hai bố con cùng nói về chuyện ấy. Dĩ nhiên bản thân việc đọc sách đã có lợi, nhưng đây cũng là một hoạt động để tăng sự kết nối giữa bố mẹ và con.
Khi con bắt đầu lớn hơn và có thể tự đọc, bố mẹ có thể cùng đọc sách VỚI con, thay vì đọc CHO con, giải thích cho con những từ khó, bàn luận về nhân vật, hay kể những câu chuyện liên quan. Đây cũng là cơ hội để con luyện tập tính phản biện. Có bà mẹ chỉ ra cho con những tình tiết bất hợp lí, những lỗi trong kết cấu câu chuyện, và từ đó về sau con hào hứng tìm lỗi trong những câu chuyện khác. Cha mẹ có thể đặt câu hỏi như, “con có đồng ý khi Bạch Tuyết không nghe lời các chú lùn rồi tự đặt bản thân vào nguy hiểm không?”, hay “con có nghĩ rằng chỉ cần nhắm mắt ngủ 100 năm là sẽ có người yêu mình tự tìm đến không?”. Các câu trả lời theo logic của trẻ có thể sẽ gây bất ngờ cho cha mẹ, điều quan trọng ở đây không phải là nhận xét câu trả lời của con sai hay đúng, mà là để trẻ thấy, không phải cứ sách là chân lí, mà trẻ hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi và nghi ngờ về những điều mình đọc.
Việc đọc sách nên được đưa thành một hoạt động cố định trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Với trẻ nhỏ, có thể là đọc sách nửa tiếng sau khi ăn, hoặc trước khi đi ngủ. Mỗi cuối tuần cha mẹ đưa con đi thư viện mượn sách, hoặc ra hiệu sách chọn một hai quyển. Với trẻ lớn, cha mẹ cùng chia sẻ cảm nghĩ về những quyển sách mình đang đọc, hay yêu cầu con tóm tắt những quyển con đang đọc. Nếu như bố mẹ đọc sách cho con liên tục và nhất quán (không phải chỉ đọc khi có hứng, hay khi rảnh), chắc chắn sẽ không có ai phải than phiền con tôi không thích đọc sách nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét