Vọng tưởng mùa đông

... Mùa đông thường được cho là mùa của sự tàn hoại, của sự chấm dứt và chết chóc. Cây cối đã trụi hết lá, chỉ còn trơ những cành xác xơ, khô cằn như đã cạn kiệt hết nguồn sinh lực. Như cây cỏ trong vũ trụ, con người sinh ra rồi đi qua cuộc đời trong những chặng Thành, Trụ, Hoại, Không, và dường như đến tuổi già, qua mùa đông khí lực hao mòn, khó chống trả được những khắc nghiệt của thời tiết, cũng dễ trở về điểm chung cuộc của một đời người.
Tuy nhiên, mùa đông không phải là sự chấm dứt tất cả, mà chỉ là sự trở về với cội nguồn nguyên thủy. Sự sống trong thiên nhiên không có khởi đầu, không có chấm dứt, mà hằng luân chuyển qua những vòng sinh diệt nối tiếp vô tận. Cổ nhân nói:
Hãy xem cây cỏ vạn vật, những tàng lá cây nẩy mầm xanh tươi rồi héo rụng đi vào mùa thu, trở về với cội gốc như một quy trình tự nhiên. Trở về với cội gốc rồi, chúng không chết đi mà lại tái sinh khi mùa xuân tới. Từ nguyên lý này ta có thể thấy sự sinh hóa vô tận là Đạo của thiên nhiên trời đất, và trở về với cội nguồn là quy trình cố hữu của chúng sanh. Những người biết quy trình cố hữu này và không làm những điều nghịch lý phạm đến Đạo thiên nhiên của trời đất là những vị chân nhân. Trong ba tháng mùa đông, tức là khi đến thời trở về với cội nguồn, ta phải yên lặng mà hàm dưỡng như vậy.
Như vậy, mùa đông, hay sự trở về với nguồn cội, chính là thời điểm để nuôi dưỡng, hình thành cho một sự sống mới. Trong thế giới vũ trụ này, Vô Thường là một quy luật chuyển hóa cần thiết, cho sự sống luôn luôn đổi mới, cho con người được thăng tiến và phát triển. Không có gì tồn tại mãi mãi với thời gian, một lúc nào đó cái cũ sẽ phải bị đào thải để thay thế bằng cái mới tốt đẹp hơn. Kinh Kim Cương nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Tất cả những gì do duyên hợp, như thân ngũ uẩn của chúng ta, một lúc nào đó sẽ theo duyên tan, tàn hoại và tan rã như một chiếc xe cũ đổ nát. Nếu biết thân này chỉ là huyễn hóa giả tạm thì chẳng có gì phải lo buồn và nuối tiếc. Con người ta ai cũng muốn sống trăm tuổi, nhưng nếu kéo dài cuộc sống trong sự yếu đuối, tàn tạ thì có nên không? Ngay cả khi có sức khỏe sống đến hơn trăm tuổi, nhưng nếu không có một tinh thần vững chắc cũng khó vượt qua những nỗi buồn và cô đơn của một người đã sống quá lâu, lạc loài trong những đổi thay của các thế hệ mới, mà không còn những người thân cùng thời với mình để chia xẻ.
Trong thiên nhiên có những cây đã sống đến mấy ngàn năm, như những cây cổ thụ cao vút trời xanh trong rừng Sequoia, hay Redwood thuộc California. Những cây này có thân rộng lớn đến nỗi có thể đục ra làm một căn phòng, hay làm đường hầm cho xe đi qua. Con người cũng có những cao nhân sống rất lâu, như Hòa Thượng Hư Vân đã sống đến gần 120 tuổi, trải qua bao nhiêu thời đại từ thời phong kiến nhà Thanh cho đến chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông. Thiền sư Nhật Bản Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku) trong bản tự truyện có nhắc đến một vị tiên ông tên là Bạch U (Hakuyu) sống trong hang núi vùng Shirakawa có tuổi thọ đến 360 tuổi, đã giúp ngài chữa khỏi căn bệnh nan y trong tu tập thiền. Trong truyền thuyết dân gian của Trung Hoa, có ông Bành Tổ sống lâu đến gần 800 tuổi. Gần đây, tôi nghe kể lại ở một vùng nào đó trên đất Kampuchia có mấy ông đạo sống lâu đến vài trăm tuổi, và ngay cả vị tổ của họ cũng còn sống đến 500 tuổi, vẫn khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường.
Cho tới ngày nay, những trường hợp sống lâu như vậy vẫn là ngoại lệ, nhưng cũng không ra ngoài lý nhân duyên của đạo Phật. Những cây sequoia và redwood sở dĩ tồn tại lâu dài như vậy là nhờ môi trường thích hợp do trời, đất và khí hậu tạo nên, cũng vậy con người sống lâu vì tiềm năng sống lâu đã có sẵn, nhưng chỉ được phát triển nếu biết cách sống thuận theo quy luật của trời đất thiên nhiên. Thường những người tu đạo mới biết cách sống như vậy, nghĩa là biết buông bỏ, xa rời những yếu tố làm nên sự xáo trộn trong thân và tâm, trong đó quan trọng nhất là tính tham ái, sân si, ngã mạn. Những vị ẩn sĩ sống xa lánh thế gian là để khỏi vướng vào những duyên trần gây rối rắm và phiền não, trói buộc con người trong sinh lão bệnh tử.
Nhưng dù sống lâu bao nhiêu cũng không thể nào đạt được sự bất tử. Có sanh là phải có diệt, dù sống đến 800 năm như Bành Tổ, cũng có lúc phải trở về với cội nguồn nguyên thủy. Có những người chúng ta muốn họ được bất tử, như Đức Phật Thích Ca, hay những vị thánh cứu nhân độ thế. Nhưng Đức Phật Thích Ca chỉ sống đến 80 tuổi, và các vị thánh nhân cũng không có ai còn sống mãi để cứu nhân độ thế. Như vậy, phải chăng Đức Phật Thích Ca không biết cách sống lâu? Đó là cách suy nghĩ ngông cuồng, vì chính sự tịch diệt của Đức Phật Thích Ca là bài học dạy cho chúng ta sự vô thường vô ngã của kiếp người, để chúng ta biết thức tỉnh mà tìm con đường giải thoát, xa lìa những khổ não của luân hồi sinh tử. Thật sự ra, sự bất tử không ở nơi thời gian của kiếp sống, mà ở những gì con người để lại cho thế gian. Đức Phật Thích Ca, hay con người Gautama đã mất đi từ mấy ngàn năm nay, nhưng ngài vẫn bất tử vì giáo lý của ngài vẫn tồn tại cho đến ngày nay, thắp sáng ngọn đuốc của tình thương và trí tuệ cho nhân loại, không bao giờ chấm dứt.
Con người chúng ta thường nuối tiếc mùa xuân của tuổi trẻ và rất sợ bước vào mùa đông của tuổi già. Nhưng giai đoạn nào của cuộc đời đều có những nét đẹp, cũng như những sự đen tối của nó. Nét đẹp của tuổi trẻ ở nơi vóc dáng tươi thắm và sức sống tràn đầy, có nhiều hi vọng nơi tương lai nhưng cũng không thiếu những bất an, những áp lực và thử thách đôi khi khó vượt qua. Không ít người còn trong tuổi thanh xuân đã sớm chấm dứt mùa xuân của mình trong sự đau khổ và tuyệt vọng. Tuổi già có những mối âu lo và nỗi buồn cô đơn, nhưng đời sống đã ổn định, có thì giờ để lo cho bản thân nhiều hơn, và không còn những ảo tưởng mong cầu, nên có nét đẹp tinh thần của trí tuệ minh triết rút từ những kinh nghiệm đã trải qua. Mỗi thời điểm trong cuộc đời đều dành cho một việc nào đó mà ta phải nắm bắt, nếu không sẽ lỡ làng và hối tiếc. Một thời để học, một thời để chơi. Một thời để xây dựng, một thời để phá bỏ. Một thời để được, một thời để mất. Một thời để sống, và một thời để chết. Dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, chỉ có giây phút hiện tại mới là lúc chúng ta có thể thực sự cảm nhận sự sống, làm những gì cần làm, bởi vì khi giây phút ấy qua rồi, có muốn quay trở lại cũng không được nữa. Mùa đông là lúc thích hợp nhất để an trú trong tĩnh lặng, hồi quan phản chiếu nhìn lại cuộc đời của mình, để nhận diện những lỗi lầm đã qua, những gì còn lại để tu sửa. Nhưng quan trọng nhất là tìm lại ở nơi gốc rễ con người nguyên thủy thực sự của mình, con người không hình không tướng vẫn hằng hiện diện, vượt trên những biến đổi vô thường của sinh lão bệnh tử.
Có người sợ mùa đông, ước gì mùa đông đừng đến. Nhưng nếu mùa đông không đến, làm sao có mùa xuân? Chính trong sự chung cuộc của mùa đông mà những hi vọng mới được lập nên cho mùa xuân. Chúng ta nên bắt chước người xưa tập sống tiêu dao tháng ngày mà vỗ tay đón tiếp mùa đông với câu hát của thiền sư Nhất Hạnh:

“Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi, quay về nương tựa”


Quay về nương tựa Phật hay một niềm tin tâm linh nào đó. Mùa đông trải tọa cụ ngồi thiền, trở về nương tựa mái nhà xưa trong tâm bất sinh, còn gì ấm cúng hơn?

Ngọc Bảo
Cuối tháng 12, 2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét