Suy ngẫm nhỏ từ một bài tựa Kinh Lăng già


Tôi đọc lời tựa Lăng Già của Tô Đông Pha nhiều lần và không lần nào lại không thấy kính phục tầm nhìn thăm thẳm xuyên suốt đến cả ngàn năm sau của thiên tài Tô Thức. Cặp mắt đó đúng là “cặp mắt trong nghìn xưa”, như lời tán thán của Lâm Tây Trọng đối với ông trong phần bình về thiên Liệt ngữ Khấu của Nam hoa kinh. Kinh Lăng Già gắn liền với Thiền là một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Thiền tông, khi Sơ tổ Đạt Ma đem bộ kinh bốn quyển này phó chúc cho Nhị tổ Huệ Khả, xem như là tâm ấn của chư Phật. Điều này đã được ghi chép trong kinh điển, dù có nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ tính xác thực của nó. Song một điều không ai phủ nhận rằng Thiền chỉ trở nên cực thịnh khi kinh Lăng Già được thay bởi kinh Kim Cương, và điều này được đánh dấu bằng sự kiện Lục tổ Huệ Năng, khi còn là người đốn củi, nhờ nghe câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” mà phát minh tâm địa.

Từ sau thời Lục tổ, ngọn Thiền phong đã vươn lên đỉnh cao chót vót trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc với những gương mặt chói lọi của chư Tổ như Mã Tổ, Bách Trượng, Lâm Tế, Triệu Châu, Vân Môn… Nhưng cũng như mọi trào lưu theo lẽ sinh trụ dị diệt, sau một thời gian cực thịnh "Bách hoa nộ phóng, bách điểu tề minh” vào đời Đường, Thiền tông dần dần bị suy vi và biến tướng vào thời mạt pháp. Ngay từ thời Tống, trong lời tựa cho kinh Lăng Gia ấn bản Kim sơn thường trụ, nhà thơ Tô Đông Pha đã nói lên thực trạng đau xót của kinh điển Phật giáo và Thiền tông. Bài tựa rất ngắn nhưng cực kỳ hàm súc, mà gần một ngàn năm sau, mỗi khi đọc lại, chúng ta không khỏi thán phục cho đôi mắt quán tuyệt thiên thu của ông.
Trước 1975, ở miền Nam, từ ảnh hưởng của bộ Thiền luận của Suzuki, phong trào nghiên cứu Thiền rộ lên ở miền Nam trong giới trí thức. Đi đâu cũng nghe đến Thiền, đến Zen, đi đâu cũng nghe đến Suzuki, đến Krishnamurti. Không ít người đua nhau tìm đến với Thiền bằng thái độ tìm đến với tác phẩm tiểu thuyết của Quỳnh Dao, xem như món "thời trang trí thức” cần phải có. Và có một dạo trong khoảng hai thập niên gần đây, các từ "vô sở đắc”, vô ngôn”, "vô thường”, "vô tâm”, "vô sở trụ”… với nội hàm ngôn ngữ cực kỳ vi diệu cũng đôi khi bị lạm dụng thành những thuật ngữ dễ dãi được sử dụng khắp nơi.



Chương đầu kinh Lăng Già

Tình cảnh trên không khác gì hiện tượng vào thời Tống, mà nhà thơ Tô Thức đã nói đến trong bài tựa kinh Lăng Gia:
"Gần đây, các học giả người nào cũng tôn sùng riêng thầy mình, nhằm điều giản tiện. Hễ được một câu kinh một bài kệ, đã tự cho là liễu chứng. Cho đến hạng đàn bà con nít cũng vỗ tay mà cười nói, đua nhau luận đàm thiền duyệt. Kẻ cao thì vì danh, kẻ thấp thì vì lợi. Cái dư ba mạt lưu đó, không nơi nào là không chảy tới, mà Phật pháp vẫn còn ẩn khuất vậy”. (Cận tuế học giả các tông kỳ sư, vụ tòng giản tiện, đắc nhất cú nhất kệ, tự vị tử chứng. Chí sử phụ nhân nhụ tử đề chưởng hy tiếu, tranh đàm thiền duyệt, cao giả vị danh, hạ giả vị lợi. Dư ba mạt lưu, vô sở bất chí, nhi Phật pháp vi hỷ!).
Đoạn văn trong bài tựa trên đã điểm đúng tâm bệnh trầm kha của không ít người tìm đến Thiền tông và Phật giáo vào thời đạo pháp suy vi. Theo thiển ý của tôi, tinh hoa Phật pháp - yếu tố quyết định sự tồn vong của Phật giáo vốn đã tỏa sáng từ gốc cây Bồ Đề cách đây hơn hai ngàn năm và tỏa rợp những chân trời tư tưởng của nhân loại - không bao giờ nằm trong các phong trào nghiên cứu rầm rộ mang tính văn hóa đại chúng, hoặc bởi số lượng sách vở in ấn hay số lượng đông đảo của tín đồ đến chùa, mà nằm ở chỗ: phần tinh yếu trong diệu nghĩa của chư Phật có được lĩnh hội hay không và được lĩnh hội đến mức độ nào, hay đó chỉ là những lời bàn bạc luận giải suông, như học phong mang tính từ chương phù phiếm của Trung Quốc vào thời tổ Đạt Ma qua Đông độ?
Bất cứ luận điểm triết học hay tư tưởng nào, khi được trình bày bằng ngôn ngữ, cũng đều hàm ẩn nguy cơ biến thành con dao hai lưỡi. Một khi được sử dụng bởi những kẻ sơ cơ, thì nó dễ trở thành vũ khí nguy hiểm và gây hại trở lại cho kẻ lập ngôn. Ðạo Chích trong Nam hoa kinh đã từng dùng các khái niệm Nhân- Nghĩa của Khổng Tử để đả phá Khổng Tử và biện hộ cho hành vi cướp bóc của mình. Nhân- Nghĩa trong tay của Khổng Tử là Thiên kiếm, nhưng khi rơi vào tay của Ðạo Chích, thì chúng lập tức biến thành Tuyệt đao. Tư tưởng của Nietzsche cũng bị sử dụng để biện minh cho phong trào diệt chủng của Phát xít Đức. Cõi đời này đâu thiếu những người suốt đời không đọc nổi những kháng thư Đại thừa thâm áo, song lại lên giọng cao đạo, dựa vào tông chỉ "bất lập văn tự" của Thiền tông để bài xích việc đọc kinh sách. Đó là bi kịch và hiểm họa của sự lập ngôn. Như vậy thì ta không lạ gì khi từ một tông phái đã hàm dưỡng tâm linh của dân tộc với đỉnh cao vòi vọi về mặt tâm linh trong các thời Lý Trần, có nhiều giai đoạn Thiền lại phải đối mặt với nguy cơ trở thành quái Thiền, loạn Thiền bởi những người chưa một lần trải nghiệm với kinh điển, ngoài những kiến thức góp nhặt đó đây theo lối “Đạo thính đồ thuyết”, mà đức Khổng Tử đã phê phán là hạng "Đức chi khí dã”!
Phật pháp tuy mênh mông vi diệu nhưng chỉ độ cho những người có duyên. Cây Thiền tông chỉ có thể bén rễ vào những mảnh đất đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ về mặt tâm linh. Hạt mầm mà Sơ tổ Đạt Ma đem từ quê hương của chư Phật đến gieo xuống miền Đông độ cũng chỉ thực sự lớn mạnh để trở thành đại thụ kể từ sau thời Lục tổ. Kinh nghiệm tâm linh được đổi bằng cánh tay của Nhị tổ Huệ Khả trong một đêm tuyết lạnh trên đỉnh Tung Sơn, hoặc bằng những khắc khoải trằn trọc thậm chí bằng cả mạng sống của chư Tổ đâu phải là thứ mà ai ai cũng được phép luận bàn bằng thái độ dễ dãi và hời hợt?
Tôi đọc lời tựa Lăng Già của Tô Đông Pha nhiều lần và không lần nào lại không thấy kính phục tầm nhìn thăm thẳm xuyên suốt đến cả ngàn năm sau của thiên tài Tô Thức. Cặp mắt đó đúng là "cặp mắt trong nghìn xưa”, như lời tán thán của Lâm Tây Trọng đối với ông trong phần bình về thiên Liệt ngữ Khấu của Nam hoa kinh(1). Ý nghĩa lời tựa của Tô Đông Pha đối với kinh Lăng Già giống như ý nghĩa lời tựa của chủ nhân Mộng liên đường đối với Truyện Kiều. Nếu trước khi đọc Truyện Kiều, ta cần phải đọc bài tựa của Phạm Quý Thích, thì trước khi đọc kinh Lăng Già hay tìm hiểu Thiền tông, ta cần phải nghiền ngẫm lời tựa của Tô Đông Pha.

Bàn về Truyện Kiều, chủ nhân Mộng liên đường nói:


"Ta nhân lúc đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”. (Trần Trọng Kim dịch).

Còn Tô Đông Pha nói về kinh Lăng Gia:

"Kinh Lăng già ý nghĩa sâu xa u áo, văn tự súc tích mà cổ kính. Người đọc khó lòng chấm câu cho đúng, còn nói gì đến chuyện bỏ văn để được nghĩa, quên nghĩa để ngộ tâm ru?” (Lăng Già nghĩa triếp u diễu, văn tự giản cổ. Độc giả hoặc bất năng cú, nhi huống di văn dĩ đắc nghĩa, vong nghĩa dĩ liễu tâm giả hồ?).
Giữa hai lời tựa nghe như bàng bạc một mối hòa thanh tương ứng. Nếu lời tựa của Phạm Quý Thích là cánh cửa dẫn vào phương trời u áo của thơ ca Nguyễn Du, thì lời tựa của Tô Đông Pha là cánh cửa dẫn vào cảnh giới huyền ẩn của tư tưởng Phật môn. Tôi xin dịch toàn bộ lời tựa của Tô Đông Pha viết cho kinh Lăng Gia để bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo, như là hành trang cần thiết để đi vào cõi “Nhất thiết Phật ngữ tâm”.

***

Lời tựa kinh Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh

Tô Thức

Kinh Lăng Già A Bạt Đa La Bảo kinh là sở thuyết của chư Phật đời trước, vi diệu đệ nhất, chân thật liễu nghĩa. Cho nên mới gọi là Phật ngữ tâm phẩm. Tổ sư Đạt Ma trao cho Nhị Tổ, nói: “Ta thấy trong tất cả kinh sách ở miền Chấn Đán(2), chỉ có kinh Lăng Già bốn quyển này có thể dùng để ấn tâm, tổ tổ tương truyền, lấy làm tâm pháp”.
Như cuốn Nạn kinh của nghề thuốc, mỗi câu đều là lý, mỗi chữ đều là pháp. Bậc đạt đạo đời sau đều cho là thần diệu mà soi sáng đạo lý, như mâm tròn chứa hạt châu, như hạt châu chạy quanh trong mâm tròn, chẳng có gì là không trọn vẹn. Còn như có người đưa ra ý mới, cho rằng nền cựu học là đồ vô dụng đáng bỏ đi, nếu đó không phải là hạng ngu xuẩn vô trí thì là kẻ cuồng vọng vậy. Gần đây, các học giả người nào cũng tôn sùng riêng thầy mình, nhằm điều giản tiện. Hễ được một câu kinh một bài kệ, đã tự cho là liễu chứng. Cho đến hạng đàn bà con nít cũng vỗ tay mà cười nói, đua nhau luận đàm thiền duyệt. Kẻ cao thì vì danh, kẻ thấp thì vì lợi. Cái dư ba mạt lưu đó, không nơi nào là không chảy tới, mà Phật pháp vẫn còn ẩn khuất vậy. Cũng như thầy thuốc trong thôn xóm, chẳng theo kinh luận, cứ cho thẳng các bài thuốc để chữa bệnh, cũng có khi đúng bệnh. Chứ đến lúc gặp cơn bệnh ngặt nghèo, sống chết lửng lơ thì làm sao có thể bàn luận cùng các bậc hiểu kinh học cổ cho được? Thế nhân chỉ thấy họ có một điểm thành công bèn cho là họ giỏi hơn cổ nhân, nhân đó nói rằng không cần học Nạn kinh cũng được, há chẳng sai lầm lắm ru?
Kinh Lăng Già ý nghĩa sâu xa u áo, văn tự súc tích mà cổ kính. Người đọc khó lòng chấm câu cho đúng, còn nói gì đến chuyện bỏ văn để được nghĩa, quên nghĩa để ngộ tâm ru? Vì thế cho nên mới vắng lặng trên cõi đời, hầu như bỏ phế mà rất ít khi nghe đến.
Thái tử Thái Bảo là Lạc Toàn tiên sinh Trương Đạo An, dùng quảng đại tâm mà được thanh tĩnh giác. Năm Khánh Lịch, ông thường đến Từ Châu, tới một Tăng xá, tình cờ thấy được kinh này, cầm vào tay mà trong lòng hoảng hốt như tìm lại được vật xưa. Trang kinh chưa lật mà túc chướng đều tan. Xem kỹ nét chữ, bút tích hãy còn như mới, bao nhiêu vui buồn đều dứt bặt. Nhân đó mà được ngộ nhập, thường lấy bốn bài kệ ở đầu kinh để phát minh điều tâm yếu.
Thức chơi ở cửa nhà ông được ba mươi năm. Tháng hai năm nay đi qua Nam Đô, gặp ông ở nhà riêng. Lúc đó ông đã bảy mươi chín tuổi, bao huyễn diệt đều dứt tận, huệ quang hồn nhiên sáng rỡ, mà Thức cũng đã trải qua ưu tư hoạn nạn quá nhiều, trăm ý nghĩ đã thành tro nguội, ông cho là có thể dạy được, nên trao cho kinh này. Ông lại đem tiền ba ngàn vạn lượng cho in kinh này để phố biến khắp vùng Giang, Hoài. Kim Sơn trưởng lão là Phật Ấn đại sư Liễu Nguyên nói rằng: “In kinh cho lưu hành cũng có lúc hết, viết để khắc thì vô tận”. Thức bèn viết lại, Liễu Nguyên đại sư sai thị giả là Hiểu Cơ đến vùng Tiền Đường tìm thợ giỏi để khắc bản in, lấy đó làm bản Kim Sơn thường trụ.

Nguyên Phong thứ tám (tức năm 1085, H.N.C), ngày mồng chín tháng chín.

***

Mọi kiến giải và luận bàn về Phật pháp đều phù phiếm nếu như nó không dựa trên sự thực chứng. Điều đó thường xuyên được nhắc nhở trong kinh điển, đặc biệt là Thiền tông với chủ trương: "Giáo ngoại biệt truyền”. Qua lời tựa của Tô Đông Pha, chúng ta hãy tự hỏi tại sao một thiên tài với trí tuệ siêu việt như Tô Đông Pha mà phải ba chìm bảy nổi trên đường công danh, phải kinh lịch hết cuộc bể dâu, phải "trải qua ưu tư hoạn nạn quá nhiều, trăm ý nghĩ đã thành tro nguội” (lão ư ưu hoạn, bách niệm khôi lãnh) mới tạm đủ điều kiện để Lạc Toàn tiên sinh dạy cho về kinh Lăng Già sau ba thập kỷ giao du? Thái độ của cổ nhân đối với Chánh pháp thật đáng là lời cảnh tỉnh để những kẻ hậu học chúng ta phải suy ngẫm, để tìm đến kinh điển Phật giáo hay bàn đến Thiền bằng tất cả sự cẩn trọng của một người đi trên băng mỏng.

Sài Gòn 11-2008

Huỳnh Ngọc Chiến

(1) Xem Nam hoa kinh, bản dịch của Nhượng Tống, NXB Tân Việt, 1962, tr.496.(2) Ngày trước, người Ấn Độ gọi Trung Quốc là Chấn Đán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét