Câu chuyện xảy ra vào tối 29-5-2014, tại quận Phong Ðài, Trung Quốc, ông Thôi cùng ba người bạn đến ăn lẩu ở một nhà hàng. Sau bữa ăn, Thôi và người bạn họ Chương cùng đứng vụt dậy một lần để giành hóa đơn thanh toán tiền. Trong lúc vô ý xô đẩy, ông Thôi làm đổ nồi lẩu đang sôi lên mình ông Chương và làm ông này phỏng nặng, vết bỏng làm tổn thương cơ tim, được đưa đến bệnh viện và qua đời sau một tháng điều trị.
Ðó là chuyện bên Tàu, một câu chuyện giành trả tiền ăn khác xảy ra bên Thổ, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Telegraph, sáng 24-4- 2016, ông Idris Alakus và một người bạn đang ăn ở nhà hàng tại quận Bakirkoy thì ông Hasan Erdemir bước vào cùng hai người khác và nhanh chóng được mời ngồi cùng bàn.
Sau khi ăn xong, Alakus muốn về trước nên yêu cầu nhà hàng thanh toán hóa đơn thì mới hay Erdemir đã trả tiền. Hai người bắt đầu tranh cãi và Alakus rời khỏi nhà hàng trong giận dữ, sau đó trở lại với một khẩu súng và nã đạn vào Erdemir cũng như hai người bạn đi cùng.
Ở Việt Nam thì chuyện giành nhau trả tiền bữa ăn đưa đến án mạng là chuyện thường tình. Câu chuyện xảy ra ở thị trấn Krông Kmar, Ðắc Lắc, nhóm của Tây đến nhậu ở quán thịt chó và gặp Phúc cùng Phong, ngồi bàn kế bên. Sau bữa nhậu, nghe bàn bên, nhóm Phúc góp tiền trả thì Công nói sang “đi nhậu mà cũng góp tiền, để đó tao trả cho!” Sau lời nói làm mất mặt, hai bên xảy ra tiếng lời qua lại, dẫn đến đánh nhau, khiến một người thiệt mạng và hai người bị thương.
Ở Ðà Nẵng cũng vì chuyện giành nhau trả tiền nhậu, Nhẫn gây sự và sau đó bị 3 bạn nhậu đánh liệt tứ chi, sống đời thực vật, bỏ lại vợ và con nhỏ. Ở Tân Phú, Saigon, sau khi uống hết một két bia, nhóm thanh niên gọi tính tiền, nạn nhân nói vì anh em đều là công nhân khó khăn, để cho anh ta trả. Ý kiến này bị coi là thái độ khinh rẻ người khác, và cuối cùng người đòi trả tiền bị đâm chết tại chỗ.
Ðó là chuyện bạn bè, nhưng thậm chí đến cả trai gái đang lúc yêu nhau cũng “tan nát cuộc tình” vì cái tật giành nhau trả tiền. Một buổi tối cuối tuần thơ mộng, chàng 37 tuổi, nàng 38, hẹn hò đi ăn lần đầu ở một tiệm ăn Nhật chuyên món thịt bò nướng, có tiếng tại khu Mong Kok, Hồng Kông.
Sau ba giờ ăn uống và trò chuyện tâm đắc, hai người đã nhâm nhi một ít rượu nồng với ba chai rượu sake, ba ly bia. Ðến gần nửa đêm, đôi tình nhân mới đứng dậy trả tiền, số tiền trong hoá đơn khoảng $300 đô la. Không như thường lệ khi trai gái hò hẹn thường mỗi người trả tiền phần mình ăn uống, theo lối Hòa Lan, nhưng lần này, chàng trai hào phóng, muốn trả hết. Khi thấy số tiền khá lớn, nàng xin trả một phần, và khi thấy nàng đưa ra một tấm giấy bạc $500 đô la Hồng Kông, chàng xé toang tờ giấy bạc vứt xuống đất. Trường hợp đối xử với người đẹp như thế ai mà không giận, lời qua tiếng lại và cuối cùng dẫn tới việc “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” khiến cảnh sát phải can thiệp.
Ðôi tình nhân được đưa vào phòng cấp cứu bệnh viện Kwong Wah, và cả hai đều bị phạt về tội đánh người gây thương tích, chàng bị rách mũi, nàng bị bầm tay chân.
Không biết có phải đây là nguyên nhân của sự quá chén, hay cũng chỉ vì cái tội tranh nhau trả tiền sau bữa ăn.
Tối nay, trước khi vợ chồng quần áo chỉnh tề ra xe đến quán ăn do có hẹn với bạn bè, anh chị đã biết ai sẽ là người chi trả bữa ăn tối này chưa? Anh chị mời bạn hay anh chị là người được mời, hay là theo kiểu Mỹ, anh chị đã đồng ý với bạn là “ai ăn nấy trả” theo kiểu Mỹ! Xin đừng vì sĩ diện hão hay theo thói quen làm dáng, đã được mời đi ăn, cũng đứng dậy móc túi giành với người ta trả tiền. Người mời phải là người trả tiền, và người được mời có quyền ngồi yên, và sống với nhau phải có quy tắc.
Tôi có mục kích một nhóm bạn ở Cali, khi có vợ chồng một người bạn ở tiểu bang khác về chơi, đã đồng lòng mời vợ chồng này ra tiệm ăn, nhưng khi hóa đơn thanh toán bữa ăn mang ra, nhóm người mời đã công khai, lấy giấy bút ra, cộng- trừ- nhân- chia để chia nhau số tốn phí trước mặt người được mời!
Ðừng bao giờ để xảy ra cảnh “rút súng chậm” nghĩa là kề cà chuyện móc ví ra để bị mang tiếng là keo kiệt, mà trước khi bước vào tiệm ăn, chúng ta đã biết ai sẽ là người móc ví.
Ở Mỹ này, gặp gỡ nhau ăn uống là niềm vui! Ai có khả năng cứ mời cứ trả, nhưng đừng bao giờ canh cánh bên lòng là chúng ta nợ nhau một bữa ăn, cần đáp trả lại. Ðã có trường hợp mời bạn một bữa ăn, là cứ như bữa sau, bạn mời lại cho bằng được một bữa ăn tương đương, để khỏi “nợ nó.”
Tôi biết có nhiều trường hợp “mười mươi” là được bạn mời ăn, nhưng khi trả tiền cũng có níu kéo, đòi trả cho bằng được cho ra người rộng rãi. Theo tôi điều đó không cần thiết, cái gì cũng có tình có lý của nó.
Cũng không cần theo nguyên tắc: “tôi là người địa phương nên tôi trả, lúc nào sang tiểu bang anh, tính sau,” nếu hôm nay tôi sang Texas và muốn mời anh chị đi ăn bữa cơm tối!
Văn hóa Mỹ dạy trẻ con: “ Khi đi ra ngoài ăn đều phải tự trả tiền.” Họ đều dạy con cái của mình lý do của việc tự trả tiền, đó là “cho dù có gặp phải chuyện gì thì cũng không có ai có thể trả tiền cho con, cho dù là bố mẹ, người thân hay bạn bè của con.” Tôi đã thấy cô cháu ngoại của tôi từ nhỏ không đủ tiền bao bạn, rủ bạn đi ăn, chúng gọi một tô phở, chia đôi và mỗi đứa trả tiền một nửa! Cũng dễ thương, có sao đâu!
Nhưng nếu chúng ta dung hòa được hai nếp sống đó mới là điều tốt đẹp!
Chúng ta có thể nói: “Hôm nay đi ăn phở, và người trả tiền là ông ngoại!”
Huy Phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét