TÂM SỰ CÙNG … CHỜ
Tôi vốn là người say mê môn bóng đá. Tờ báo tôi hay đọc là tờ Thể Thao Văn Hóa, nội dung chứa 6 phần về thể thao, 4 phần về văn hóa nghệ thuật. Thỉnh thoảng, tờ báo này cho đăng những bài thơ rất hay, rất độc. MỘNG MỊ của Phạm Phú Hải là một thí dụ. Bài thơ CHỜ của Nguyễn Quang Minh mà tôi đề cập đến ở đây lại là một trường hợp độc đáo khác nữa.
Bài thơ CHỜ của Nguyễn Quang Minh
Cũng là tâm sự 2 người yêu nhau, ngày xưa có lần nàng đã đến, nhẹ tay mở cửa, rồi nàng đã đi, nhẹ tay khép cửa. Cánh cửa mở ra và khép lại thật nhẹ ấy, rón rén như sợ khua động ấy, đã để lại một kỷ niệm lưu luyến mãi mãi không thể nào quên.
Dòng đời mãi trôi, vì một hoàn cảnh nào đó mà họ phải xa nhau, không được trông thấy nhau nữa, nàng cũng không bao giờ đến nữa. Nhưng giữa họ không phải chỉ có một khoảng không vắng lặng, mà đã xuất hiện một nhân vật vô hình thứ ba : CHỜ!
CHỜ, một tiếng đơn độc, 3 ký tự, bao hàm nỗi niềm mong, đợi, thương, nhớ, vốn là một khái niệm trừu tượng, vô hình, vô thanh. CHỜ tồn tại trong tâm linh, chiếm hữu cả vô thức lẫn ý thức, CHỜ ngự trị cả khi thao thức trắng đêm lẫn trong giấc ngủ chập chờn đầy những cơn chiêm bao hoảng hốt, CHỜ thể hiện ra ngoài bằng những cơn đau nhói quặn thắt trái tim, bằng thái độ bồn chồn, bàng hoàng, ăn ngủ không được, đứng ngồi không yên.
Trong bài thơ CHỜ, Nguyễn Quang Minh, rất độc đáo, đã nhân cách hóa nỗi chờ vô hình ấy thành một nhân vật thứ ba cụ thể, chen vào giữa 2 người. Lúc thì anh tâm sự với người yêu (có lẽ tên …Thu), lúc thì anh tâm sự với chính nỗi CHỜ vô hình ấy. Thật và ảo đan xen vào nhau, xoắn xuýt vào nhau … như một mớ bòng bong, nhưng lại là một mớ bòng bong đầy tính nghệ thuật, đậm chất thi vị.
Bối cảnh mở đầu bài thơ là một đêm mưa lạnh, nơi con phố vắng :
Phố vắng đêm sâu mưa lạnh
Nhập đề trực khởi bằng thủ thuật ngắt mạch 2,2,2 mà không cần dùng đến dấu phẩy khiến câu thơ thứ nhất bất chợt trở nên lung linh và rất giàu hình ảnh, chỉ với 6 chữ gọn ghẽ: “Phố vắng, đêm sâu, mưa lạnh” đã nói lên được đầy đủ cả không gian (Đường phố vắng), thời gian (Đêm đã khuya), và bối cảnh (Trời mưa lạnh…)
Vụt khuất xa em để lại tiếng...chờ
Câu thứ hai, sắc lạnh không kém, đi thẳng vào chủ đề: Em đã khuất xa rồi. Khuất xa một cách bất ngờ, nhanh chóng, ngoài sức tưởng tượng, như một tia chớp. Chữ VỤT nói lên điều ấy: Khuất xa nhanh và bất ngờ đến nỗi đối tượng không kịp ý thức về việc em đã khuất xa nữa. Và khi em đã khuất xa, em còn để lại một nỗi mong chờ vô biên, vô hạn.
Bây giờ thì em đã xa rồi, xa hẳn rồi, muốn nói chuyện với em, tâm sự với em cũng không thể được nữa. Quanh ta chỉ còn hiện hữu một nỗi CHỜ vô vọng, quanh quẩn thường trực mà thôi. Có tiếng động ở cửa, tất nhiên là không phải em đến, cũng không phải em về, chỉ là nỗi chờ mong được ngọn gió đêm hay chiếc lá khuya va đập, hay giọt mưa xao xác hắt nhẹ vào khuôn cửa, vào thềm nhà thể hiện ra tượng hình, tượng thanh đó thôi. Và tác giả trong sự cô quạnh buồn tênh đó, đã bất chợt quay sang tỉ tê tâm sự với … “CHỜ”, xin CHỜ đừng động mạnh, vì sợ làm phai nhạt mất dư hương của người yêu:
Chờ ơi xin em đừng động mạnh
Anh sợ tan hương thu
Còn gì đau buồn hơn khi biết chắc rằng dẫu cửa có động, thì cũng không phải là người yêu đến, chỉ có thể là nỗi CHỜ vừa quay lưng đi đã vội trở lại tiếp tục khuấy đảo đó thôi. Thật tuyệt vọng khi căn dặn nỗi mong chờ ấy: Nếu có về, thì hãy mở cửa bước vào nhè nhẹ. Nhẹ như thể là chưa về vậy!
Chờ ơi nếu em mở cửa
Xin nhẹ tựa như chưa
Tâm sự với CHỜ xong, tác giả lại quay sang tâm sự với người yêu bằng những lời vô cùng tha thiết:
Anh muốn mình đan tay
Hương thu đan hơi thở
Anh muốn em uống say
Cho hương thu rạn vỡ
Thật là những thương yêu thiết tha, những khát vọng cháy bỏng vậy. Lại dặn người yêu: Hãy cởi mở tâm hồn ra, hãy bao dung, độ lượng, để mãi mãi mùi hương xưa còn nguyên đó, để ta mãi mãi còn có thể yêu người.
Anh muốn hồn em mở
Cho hương thu nằm im
Người đã xa rồi! Bây giờ muốn nói chuyện với người, chỉ còn cách độc thoại một mình mà thôi. Độc thoại mãi cũng chỉ buồn thêm, lại nói chuyện cùng CHỜ nữa vậy, không chỉ nói chuyện, mà là XIN, mà là thỉnh cầu CHỜ can thiệp:
Chờ ơi xin hãy níu ta lại
Chờ ơi đừng để em đi qua
Sao phải níu ta? Vì ta đau khổ quá, trái tim ta bị bóp nghẹt, ta có thể chết, ta có thể ra đi vĩnh viễn. Vậy nỗi mong chờ dạng khủng kia ơi, xin hãy níu giữ hồn ta lại, đừng để ta mất đi, đừng để em đi qua, đừng để em bơ vơ, đừng để em phải trọn đời lẻ loi, cô độc. Yêu người thiết tha như thế đấy!
Cuối cùng lại trở lại cùng những tiếng khua động ở cửa, cũng là sự tuyệt vọng không cùng:
Chờ ơi nếu em mở cửa
Xin nhẹ tựa bao giờ
Hãy mở cửa mà vào nhẹ nhàng thôi, như ngày xưa khi người đã đến. Và nhất là hãy nhẹ tay, hãy để ta yên! Đau khổ lắm rồi, đừng khuấy động lên nữa!!!
Bản nhạc CHỜ
Như một thói quen … lành tính, khi gặp một bài thơ hay và độc đáo như vậy, tôi không thể không hì hục với phím đàn, như bị ma lực của bài thơ ấy cuốn đi vậy … Đây là ca từ của bài ấy :
Chờ
Chờ ơi nếu đêm về mở cửa
Thì xin nhẹ tựa bao giờ
Phố vắng đêm sâu mưa lạnh
Vụt khuất xa em để lại tiếng...chờ
Chờ ơi xin em đừng động mạnh
Anh sợ tàn hương thu
Chờ ơi nếu đêm về mở cửa
Thì xin nhẹ tựa như chưa
Anh muốn mình đan tay
Hương thu hòa hơi thở
Anh muốn cùng em say
Cho rạn vỡ đêm này
Anh muốn hồn em mở
Cho nỗi nhớ nằm im
Chờ ơi hãy níu hồn ta lại
Chờ ơi đừng để em lẻ loi
Chờ ơi nếu đêm về mở cửa
Thì xin nhẹ tựa bao giờ
Nguyễn Quang Minh
HSN-18-515
(Nhạc HSN-Tập 18-Bài thứ 515)
Chúc tất cả luôn vui. Vui và không phải trải qua những nỗi CHỜ tuyệt vọng, xót xa, đắng nghét như Nguyễn Quang Minh và như … tôi, đã từng nếm trải!
Hàn Sĩ Nguyên
17 July 2012