GANH TỊ


 Kính thưa Thầy. Hôm trước con có hỏi Thầy về tâm ganh tỵ. Thầy có khuyên con nên trở về trọn vẹn với tâm ganh tỵ là sao thưa thầy? Vì mỗi lần thấy người đó được sự thương yêu và quan tâm hơn là tâm con khởi lên sự ganh tỵ, nó nhanh lắm Thầy ạ! Tâm con có cảm giác buồn, thân con khó chịu. Con có dùng như lý tác ý nhưng không thành công. Trong tâm con giữa thiện và bất thiện như muốn tranh giành nhau.
Con kính mong Thầy từ bi chỉ dạy con cụ thể hơn. Con cám ơn Thầy.

Trả lời:
Khi ganh tị là con đã để tâm hướng ra đối tượng bên ngoài, rồi sau đó con lại cố gắng hướng về tâm ganh tị như một đối tượng khác để loại bỏ nó, do đó tâm con không trọn vẹn với thực tại mà luôn xem mọi sự như đối tượngđể chọn lựa: thích hay ghét, lấy hay bỏ... nghĩa là con luôn phân đôi ngã với pháp để đối lập hay thỏa hiệp với nhau. Đó chính là thiết lập mối quan hệ giữa ngã với pháp. Mối quan hệ này dựa trên sự phân biệt nhị nguyên của cái ta ảo tưởng nên nó đánh mất tính trọn vẹn trong sự tương giao vốn bất nhị của pháp.
Trở về trọn vẹn trong sáng ngay nơi ganh tị để cảm nhận từ bên trong chính nó chứ không phải cái ta đứng ra ngoài để đối kháng hay kiểm duyệt ganh tị. Khi con hướng tâm đến đối tượng của lòng ganh tị thì ganh tị sẽ sinh khởi, và khi con trở về đối kháng lại ganh tị thì con vô tình bồi dưỡng nó bằng thức ăn có yếu tố sân, như vậy ganh tị ngày càng lớn hơn. Nhưng nếu lúc đó vắng bóng bản ngã thì chỉ còn lại trạng thái ganh tị trong tánh biết của tâm mà thôi, đó chính là sự trọn vẹn của thực tại, chỉ có hiện trạng đang là không có phân chia ngã và pháp . Trong tánh biết, ganh tị chỉ là ảo do bản ngã dựng lên nên nó tự tan biến mà không cần đối kháng hay kiểm duyệt của cái ta ý chí. Đó chính là sự trọn vẹn của thực tại.


***

Không chấp nhận cũng không loại bỏ, đơn giản là con chỉ trở về với cơn ganh tỵ đó, lắng nghe trọn vẹn nó mà không khởi lên ý đồ lấy hay bỏ gì cả. Lúc đầu hơi khó vì cái ngã lăng xăng cứ nhảy vào can thiệp theo ý nó, nhưng rồi càng thấy rõ cơn ganh tỵ con sẽ thấy nó khi mới khởi lên, thậm chí thấy lúc nó chưa sinh khởi... Bấy giờ con mới biết thế nào là mầu nhiệm. Thiếu kiên nhẫn con không thể cảm thông, thương yêu và dung thứ cho mình và người.