Sự tích người phạm điều giới sát sinh





Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế gian, một cận sự nam tên Mahākāla là bậc Thánh Nhập Lưu, bị vu oan giá họa là kẻ trộm cắp, với tang chứng rõ ràng, và ông bị đánh chết. Câu chuyện được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khi ấy một người cận sự nam Mahākāla([3]) là bậc Thánh Nhập Lưu có ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn; ông thường thọ bát giới (uposathasīla) vào những ngày giới hằng tháng. Hôm ấy, nhằm vào ngày giới (uposathasīla), ông cận sự nam Mahākāla đến ngôi chùa Jetavana xin thọ bát giới xong, rồi ở lại chùa nghe pháp, hành thiền suốt đêm, gần sáng ông mới trở về nhà. Khi ra khỏi chùa Jetavana, ông đến hồ nước trước cổng chùa để rửa mặt. Trong đêm ấy, bọn trộm cắp lén vào một nhà trong thành lấy trộm của cải, tài sản. Người chủ nhà hay biết thức dậy, bọn trộm cắp liền mang theo của cải chạy trốn thoát. Người chủ nhà cho người đuổi theo bọn trộm cắp khắp các ngõ đường. Một tên trong bọn chạy dọc theo ven đường đến chùa Jetavana, biết đằng sau có người đuổi theo mình và không thể mang theo gói của cải đã lấy trộm, nên liền ném gói đồ xuống hồ nước, để nhẹ người chạy thoát thân cho nhanh. Chẳng may gói đồ lấy trộm ấy lại rơi đúng gần bên cạnh ông cận sự nam Mahākāla đang ngồi rửa mặt lúc rạng đông. Khi ấy, nhóm người chủ nhà đến, nhìn thấy gói của cải lấy trộm nằm bên cạnh ông cận sự nam Mahākāla, chúng bắt ông cận sự nam Mahākāla rồi bảo rằng:
─   Đêm qua, ngươi vào nhà lấy trộm của cải của chúng tôi, có tang chứng rõ ràng, ngươi đừng giả vờ, đêm qua đã ở chùa giữ giới, nghe pháp, hành thiền trở về.
Người cận sự nam Mahākāla bị đánh đập đến chết, rồi chúng bỏ thây bên hồ nước.
Buổi sáng hôm ấy, một số Tỳ khưu trẻ và Sadi mang nồi đi lấy nước ở hồ, nhìn thấy tử thi của ông cận sự nam Mahākāla, rồi bảo nhau rằng:
─   Ông cận sự nam Mahākāla giữ bát giới, nghe pháp, hành thiền suốt đêm hôm qua tại chùa; nay ông bị đánh đập chết oan, thật không công bằng.
Chư Tỳ khưu đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch về cái chết oan của ông cận sự nam Mahākāla.
Đức Phật dạy rằng:
─   Này chư Tỳ khưu, người cận sự nam Mahākāla bị chết như vậy là không công bằng ở kiếp hiện tại này, nhưng lại công bằng theo ác nghiệp sát sinh của người cận sự nam Mahākāla đã tạo trong kiếp quá khứ.
Chư Tỳ khưu, Sadi lắng nghe Đức Phật dạy như vậy, liền đảnh lễ Đức Thế Tôn, kính thỉnh Ngài thuyết giảng về ác nghiệp sát sinh nào của người cận sự nam Mahākāla đã tạo trong kiếp quá khứ.
Tiền kiếp của người cận sự nam Mahākāla đã tạo ác nghiệp sát sinh như thế nào?
Trong thời kỳ quá khứ, trong nước của Đức vua Bāraṇāsi, vùng biên giới có bọn cướp ẩn náu thường quấy nhiễu dân chúng qua lại, cướp của giết người; nên Đức vua truyền phái một đội binh lính đến vùng biên giới, đặt trạm canh phòng làm phận sự dẫn đường đưa dân chúng đi lại từ vùng này đến vùng khác, để bảo vệ dân chúng được an toàn cả sinh mạng lẫn của cải.
Một hôm, có đôi vợ chồng trẻ, người vợ rất xinh đẹp đi trên một chiếc xe bò nhỏ đến trạm canh phòng lúc về chiều. Người trạm trưởng nhìn thấy người vợ trẻ xinh đẹp đem lòng thương yêu, và ganh tỵ với người chồng trẻ. Hai vợ chồng trẻ yêu cầu người trạm trưởng cho lính dẫn đường sang vùng bên kia. Người trạm trưởng đang có mưu đồ đen tối xấu xa, nên đã từ chối một cách khéo léo rằng:
─   Này anh chị, trời sắp tối rồi, đợi sáng mai tôi sẽ cho lính đưa anh chị đi sớm.
Hai vợ chồng trẻ khẩn khoản năn nỉ nhờ người trạm trưởng cho lính dẫn đường đi ngay lúc đó, bởi vì, thời gian còn đi lại được, hai vợ chồng trẻ cũng có công việc gấp, nên không muốn về nhà trễ. Người trạm trưởng có mưu đồ đen tối xấu xa, nên vẫn tiếp tục khuyên hai vợ chồng trẻ rằng:
─   Này anh chị, tối nay xin mời anh chị về nhà tôi nghỉ lại, sáng sớm tôi sẽ cho lính dẫn đường đưa anh chị đi.
Hai vợ chồng trẻ không còn cách nào khác, nên đành phải đến nhà người trạm trưởng, tạm ở lại qua đêm.
Người trạm trưởng mời hai vợ chồng trẻ nghỉ trọ trong nhà khách, tiếp đãi cơm nước rất đàng hoàng, tử tế. Ban đêm, khi hai vợ chồng đang ngủ say, người trạm trưởng lén đem viên ngọc maṇī giấu vào chiếc xe nhỏ của họ. Gần rạng đông, người trạm trưởng kêu la lên là có kẻ trộm lén vào nhà lấy viên ngọc maṇī quý giá, rồi cho người nhà đi lục soát tìm khắp mọi nơi. Lúc ấy, hai vợ chồng trẻ thức dậy đang sửa soạn chiếc xe bò nhỏ để đi sớm, người trạm trưởng bảo người nhà lục soát trong chiếc xe bò nhỏ, nhìn thấy viên ngọc maṇī giấu trong chiếc xe. Chúng bảo với hai vợ chồng trẻ rằng:
─   Ngươi lấy trộm viên ngọc maṇī quý của chủ ta, rồi sáng sớm định sửa soạn chạy trốn thoát hay sao!
Chúng liền bắt người chồng trẻ đem đến trình chủ là người trạm trưởng rồi thưa rằng:
─   Thưa ông chủ, chúng tôi bắt được người này lấy trộm viên ngọc maṇī của ông, đây là viên ngọc maṇī tang chứng rõ ràng.
Người trạm trưởng quở mắng người chồng trẻ rằng:
─   Ta đã cho vợ chồng ngươi đến nghỉ đêm nhà ta, cho ăn uống tử tế, thế mà ngươi không biết ơn, còn lén vào nhà lấy trộm viên ngọc maṇī quý giá của ta.
Ông chủ trạm sai bảo người nhà đánh đập người chồng trẻ đến chết, đem thây vào bỏ trong rừng…, rồi bắt người vợ trẻ xinh đẹp làm vợ của mình.
Người trạm trưởng sau khi chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh vào đại địa ngục Avīci, bị thiêu đốt, bị hành hạ chết đi rồi tái sinh trở lại trong địa ngục, chịu bao nỗi khổ cực suốt thời gian trong cõi địa ngục, do ác nghiệp mà mình đã tạo, cho đến khi mãn quả ác nghiệp mới thoát ra khỏi cõi địa ngục. Do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người, kiếp nào cũng bị vu oan giá họa, rồi bị đánh đập đến chết suốt 100 kiếp.
Người trạm trưởng phạm điều giới sát sinh trong thời quá khứ, chính là tiền kiếp của người cận sự nam Mahākāla. Do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, người cận sự nam Mahākāla đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, song quả của ác nghiệp sát sinh còn có năng lực dư sót, nên kiếp hiện tại này bị vu oan giá họa, rồi bị đánh đến chết như vậy.
Do đó, người cận sự nam Mahākāla bị đánh chết là công bằng theo ác nghiệp sát sinh của ông đã tạo trong kiếp quá khứ (khi làm người trạm trưởng).
Sự tích người phạm điều giới sát sinh và gây oan trái

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, khi ấy Đức Thế Tôn thuyết giảng đề cập đến nữ Dạ xoa Yakkhinī([4]), được tóm lược như sau:
Một đôi vợ chồng không có con, người vợ lớn đi tìm một người đàn bà về làm vợ nhỏ cho chồng, để sinh con nối dòng và giữ gìn của cải, tài sản gia đình. Khi tìm được người vợ nhỏ cho chồng, người vợ lớn lại nghĩ rằng: “Nếu người vợ nhỏ có con, thì tất cả của cải, tài sản đều thuộc về người vợ nhỏ”. Nên bà vợ lớn bảo với bà vợ nhỏ rằng:
─   Khi nào em có thai, hãy báo cho chị biết.
Vâng lời bà vợ lớn, khi có thai, bà vợ nhỏ liền báo cho bà vợ lớn biết. Bà vợ lớn làm thuốc phá thai trộn lẫn vào thức ăn, đồ uống cho bà vợ nhỏ dùng, nên người vợ nhỏ đã bị hư thai lần thứ nhất. Người vợ nhỏ có thai lần thứ nhì, cũng như lần trước người vợ nhỏ liền báo cho người vợ lớn biết, người vợ lớn làm thuốc phá thai làm cho người vợ nhỏ bị hư thai lần thứ nhì. Người vợ nhỏ có thai lần thứ ba, bà nghĩ rằng: “Ta đã bị hư thai hai lần là bởi do bà vợ lớn, lần này ta không báo cho bà vợ lớn biết”. Cái thai trong bụng của bà vợ nhỏ càng ngày càng lớn dần; bà vợ lớn biết vậy, liền quở trách bà vợ nhỏ rằng:
─   Tại sao em có thai, mà không báo cho chị biết!
Bà vợ nhỏ thưa rằng:
─   Hai lần trước em có thai, báo cho chị biết, chị cho uống thuốc làm cho em hư thai hai lần, cho nên, lần này em không dám báo cho chị biết.
Bà vợ lớn sẵn có mưu đồ đen tối xấu xa, nên bà tìm cơ hội lúc bà vợ nhỏ sơ hở, bà trộn thuốc vào thức ăn, đồ uống; bà vợ nhỏ không biết nên ăn uống vào, làm cho bào thai bị hư. Lần này bào thai không thể ra ngoài được, làm cho bà vợ nhỏ phải chết.
Trước khi chết, bà vợ nhỏ nguyện kết oan trái với bà vợ lớn rằng: “Kiếp này, ngươi đã hại ta hai lần bị hư thai, lần thứ ba này, ngươi không chỉ làm cho ta bị hư thai, mà còn sát hại sinh mạng của ta nữa. Kiếp sau ta sẽ sát hại con của ngươi và cả ngươi nữa”.
Sau khi bà vợ nhỏ chết, với tâm oan trái trả thù, do ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm con mèo cái trong gia đình ấy.


Oan trái gây oan trái lẫn nhau

Người chồng biết được người vợ lớn là thủ phạm đã hai lần làm người vợ nhỏ bị hư thai, lần này không chỉ làm hư thai, mà còn làm người vợ nhỏ chết; ông nổi giận đánh đập người vợ lớn đến chết. Sau khi người vợ lớn chết, ác nghiệp sát sinh cho quả tái sinh làm con gà mái cũng ở trong gia đình ấy.
Khi gà mái đẻ trứng ra, cả hai lần đều bị con mèo cái đến ăn trứng; đến lần thứ ba, sau khi ăn trứng xong, con mèo cái vồ con gà mái cắn cổ chết rồi ăn thịt gà luôn. Con gà mái trước khi chết nguyện gây oan trái với con mèo cái rằng: “Kiếp này, ngươi đã ăn trứng của ta hai lần, lần thứ ba này, ngươi không chỉ ăn trứng của ta mà còn giết ta ăn thịt nữa. Kiếp sau ta sẽ sát hại con của ngươi và cả ngươi nữa”.
Con gà mái sau khi chết, ác nghiệp oan trái trả thù cho quả tái sinh làm con cọp cái. Còn con mèo cái sau khi chết, do ác nghiệp sát sinh cho quả tái sinh làm con nai cái. Khi con nai cái sinh con lần thứ nhất, con cọp cái tìm đến ăn thịt nai con; khi con nai cái sinh con lần thứ nhì, con cọp cái cũng tìm đến ăn thịt nai con; khi con nai cái sinh con lần thứ ba, lần này con cọp cái tìm đến không chỉ ăn thịt nai con, mà còn bắt nai mẹ giết chết ăn thịt nữa.
Con nai mẹ trước khi chết, nguyện kết oan trái với con cọp cái rằng: “Kiếp này, ngươi đã ăn thịt con của ta hai lần, lần thứ ba này, ngươi đã ăn thịt con ta lại còn giết ta ăn thịt nữa. Kiếp sau, ta sẽ sát hại con của ngươi và cả ngươi nữa”.
Con nai cái sau khi chết, thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm nữ Dạ xoa Yakkhinīở phương Bắc thuộc cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Còn con cọp cái sau khi chết, thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm con gái của một gia đình trong kinh thành Sāvatthi. Khi nàng trưởng thành khôn lớn có chồng, và sống ở bên gia đình chồng. Lúc nàng sinh đứa con thứ nhất, nữ Dạ xoa theo dõi biết rõ, rồi biến hóa thành người bạn thân đến thăm nàng. Nhìn thấy con nàng, nữ Dạ xoa liền bắt đứa con của nàng để ăn thịt. Nàng sinh đứa con lần thứ nhì, nữ Dạ xoa theo dõi biết, liền xuất hiện đến bắt đứa con của nàng để ăn thịt như lần trước. Khi nàng có thai lần thứ ba, gần đến ngày sinh, nàng bàn tính với chồng, xin về nhà cha mẹ của nàng để sinh con; bởi vì nếu nàng sinh ở đây, thì nữ Dạ xoa sẽ đến bắt con của nàng để ăn thịt như hai lần trước. Người chồng đồng ý, hai vợ chồng cùng đưa nhau về bên nhà cha mẹ nàng để sinh con.
Khi nàng sinh đứa con và làm lễ đặt tên cho con xong, hai vợ chồng bồng đứa con trở về lại bên nhà chồng. Trên đường đang trở về nhà, khi đi ngang qua ngôi chùa Jetavana, nàng nhìn thấy nữ Dạ xoa đang đi tìm nàng, để bắt đứa con của nàng; nàng hoảng sợ quá, liền bồng đứa con chạy vào chùa trốn thoát.
Khi ấy, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp tế độ chúng sinh, nàng bồng đứa con đến gần Đức Thế Tôn rồi đặt đứa con phía dưới đôi bàn chân của Ngài, bèn bạch rằng:
-   Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin kính dâng đứa con này đến Ngài, cầu xin Ngài rải tâm đại bi cứu mạng đứa con của con.
Lúc này, bên ngoài cửa ngôi chùa, chư thiên giữ cửa cấm không cho nữ Dạ xoa đi vào trong ngôi chùa Jetavana. Đức Thế Tôn truyền dạy Ngài Đại đức Ānanda cho gọi nữ Dạ xoa được phép vào hầu Ngài. Khi nữ Dạ xoa đi vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn. Nhìn thấy nữ Dạ xoa, nàng hoảng sợ vô cùng, khóc la bèn bạch rằng:
─   Kính bạch Đức Thế Tôn, nữ Dạ xoa.
Đức Thế Tôn khuyên dạy, trấn an tâm của nàng rằng:
─   “Này con! Con đừng sợ, không có điều tai hại nào xảy đến cho đứa con của con và con đâu!”
Khi ấy, Đức Thế Tôn khuyên dạy nữ Dạ xoa rằng:
─   “Này các con! Nếu các con không đến gặp Như Lai, thì sự oan trái giữa các con sẽ tiếp diễn mãi mãi. Tại sao các con oan trái trả thù lại bằng oan trái? Sự thật, sự oan trái được dập tắt bằng sự không oan trái, chứ không phải dập tắt bằng sự oan trái”.
Đức Phật thuyết câu kệ rằng:
Na hi verena verāni,    
sammantīdha kudācanaṃ.
Averena ca sammanti,  
esa dhammo sanantano”([5]).
Trong đời này những sự oan trái,
Chẳng bao giờ dập tắt oan trái,
Bằng hành động oan trái đáp lại.
Sự oan trái chỉ được dập tắt,
Bằng sự không oan trái mà thôi.
Đó là pháp có từ ngàn xưa,
Của chư bậc thiện trí cao thượng.
Sau khi lắng nghe câu kệ xong, nữ Dạ xoa liền chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu,và các hàng đệ tử cũng được nhiều lợi ích, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo trí tuệ ba-la-mật của mỗi người.
Bắt đầu từ khi ấy, sự oan trái hoàn toàn bị dập tắt, tâm từ và nhẫn nại phát sinh giữa nữ Dạ xoa và nàng có đứa con, họ thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau thương yêu đứa con nhỏ.



Tóm lược tiến trình thay đổi qua mỗi kiếp và gây oan trái

Vấn: Sự khác nhau giữa oan trái và ác nghiệp như thế nào?

Đáp: Người gây oan trái chắc chắn tạo ác nghiệp.
Người tạo ác nghiệp, có khi có oan trái, có khi không có oan trái.
Oan trái có thể dập tắt bằng sự không oan trái; còn ác nghiệp không thể dập tắt bằng thiện nghiệp, song thiện nghiệp có khả năng làm giảm bớt tiềm lực cho quả của ác nghiệp.
Vấn: Hai người đàn bà gây oan trái với nhau, những đứa con của mỗi người có liên quan gì mà phải chịu khổ?

Đáp: Cái thai (của người vợ nhỏ), trứng gà (của gà mái), nai con (của nai cái), đứa con (của người đàn bà) không liên quan trực tiếp đến oan trái của người mẹ, mà chịu ảnh hưởng gián tiếp về quả của ác nghiệp của mẹ mình.
Những người con còn nhỏ thường chịu ảnh hưởng quả của thiện nghiệp, ác nghiệp của cha mẹ. Nếu cha mẹ giàu có, thì đứa con sinh ra được sống sung túc; nếu cha mẹ nghèo khổ, thì đứa con sinh ra chịu cảnh thiếu thốn.
Ngược lại có trường hợp đặc biệt, cha mẹ chịu ảnh hưởng quả của thiện nghiệp, hoặc ác nghiệp của người con, từ khi mới đầu thai hoặc khi sinh ra đời rồi.
Ví như:
*   Trường hợp Ngài Đại đức Sīvali, khi Ngài đầu thai vào lòng mẹ là bà Suppavāsa, công nương dòng Koliya; trong nhà các kho của cải lúc nào cũng đầy đủ, sung túc, không bao giờ thấy bị hao hụt, giảm bớt chút nào. Đó là quả của thiện nghiệp của Ngài làm ảnh hưởng tốt lành đến gia đình cha mẹ của Ngài và những người thân trong dòng họ.
*   Trường hợp Ngài Đại đức Losaka, khi Ngài đầu thai vào một gia đình trong xóm dân chài gồm 500 gia đình; từ khi Ngài đầu thai, không chỉ gia đình cha mẹ của Ngài phải chịu cảnh đói khổ thiếu thốn, mà còn ảnh hưởng đến 500 gia đình trong xóm dân chài ấy cũng phải chịu cảnh đói khổ thiếu thốn nữa. Đó là quả của ác nghiệp của Ngài gây ảnh hưởng đói khổ đến gia đình cha mẹ của Ngài và những gia đình trong xóm dân chài.
*   Bậc Thánh Arahán không tránh khỏi quả ác nghiệp sát sinh
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha, đề cập đến sự tích Ngài Đại đức Mahāmoggallāna, bị bọn cướp sát nhân đánh đập Ngài cho đến gần chết, phải tịch diệt Niết Bàn. Câu chuyện được tóm lược như sau:
Nhóm ngoại đạo tà giáo hội họp lại với nhau, cùng nghĩ rằng: “Sở dĩ chúng ta mất nhiều lợi lộc cúng dường là vì Đại đức Mahāmoggallāna xuất hiện lên cõi trời hỏi các chư thiên, khi ở cõi người đã tạo thiện nghiệp nào, mà nay được hưởng mọi sự an lạc như thế này; hoặc gặp các loài ngạ quỷ hỏi kiếp trước đã tạo ác nghiệp nào, mà nay phải chịu khổ như thế này v.v… Ngài tường thuật lại cho dân chúng nghe và họ tin theo Ngài, nên phần đông họ chỉ làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng đệ tử của Đức Phật mà thôi. Do đó chúng ta càng ngày càng mất nhiều lợi lộc cúng dường. Chúng ta nên tìm cách giết hại Đại đức Mahāmoggallāna, rồi chúng ta sẽ có lại những lợi lộc cúng dường như trước đây”.
Nhóm ngoại đạo tà giáo đều đồng tâm nhất trí, họ thuê mướn bọn cướp sát nhân với số tiền trên 1.000 (một ngàn) đồng kahāpana (tiền Ấn Độ thời xưa) để giết hại Đại đức Mahāmoggallāna. Bọn cướp đồng ý làm theo sự yêu cầu của nhóm ngoại đạo tà giáo.
Bọn chúng kéo nhau đến vây hãm chỗ ở của Ngài Đại đức Mahāmoggallāna tại làng Kāḷasila. Ngài vốn là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, đệ nhất xuất chúng về thần thông. Khi biết bọn cướp đến vây hãm, Ngài bay lên hư không, cho nên bọn chúng vào không thấy Ngài. Những ngày kế tiếp, bọn chúng cũng đến vây hãm chỗ ở của Ngài, khi thì Ngài bay lên hư không, khi thì Ngài biến mất; bọn chúng không sao tìm gặp được Ngài, cứ như vậy kéo dài cả tháng mà bọn chúng vẫn không sao bắt được Ngài. Đến cuối tháng, khi bọn chúng kéo đến vây hãm chỗ ở của Ngài, lần này quán xét thấy đến lúc hết tuổi thọ, đồng thời ác nghiệp xưa cũng đến lúc cho quả, nên Ngài không dùngthần thông thoát ra khỏi chỗ ở. Bọn cướp xông vào bắt Ngài, rồi đánh đập Ngài tan xương nát thịt, bọn cướp tưởng Ngài đã chết nên đem bỏ thây ở bụi cây.
Ngài Đại đức Mahāmoggallāna nghĩ rằng: “Ta nên đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép tịch diệt Niết Bàn”.
Nghĩ xong, Ngài dùng năng lực thiền định và thần thông gắn liền xương thịt lại rồi bay lên không trung đến hầu đảnh lễ Đức Phật xong, bèn bạch rằng:
─   Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài cho phép con tịch diệt Niết Bàn ngay trong ngày hôm nay. Bạch Ngài.
Đức Thế Tôn cho phép Ngài Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn tại làng Kāḷasila xứ Magadha.
Như vậy, 1 tháng sau hạ thứ 45 của Đức Phật, vào rằm tháng 10, Ngài Đại đức Sāriputta, bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử, tịch diệt Niết Bàn tại làng Nālākagāma xứ Magadha; cuối tháng 10 (30 tháng 10) Ngài Đại đức Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn tại làng Kāḷasila xứ Magadha. Thế là hai vị Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật đều đã tịch diệt Niết Bàn.
Sau khi Ngài Đại đức Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn, Đức vua Ajātasattu truyền lệnh truy tìm kẻ chủ mưu sát hại Ngài Đại đức Mahāmoggallāna. Quân lính điều tra biết rõ bọn cướp sát nhân đã nhận tiền thuê mướn của nhóm ngoại đạo, để sát hại Ngài Đại đức Mahāmoggallāna.Đức vua truyền lệnh bắt bọn cướp sát nhân và nhóm ngoại đạo tà giáo 500 người để xét xử, tất cả đều nhận tội. Đức vua truyền lệnh đem tất cả bọn chúng chôn một nửa người xuống đất, phủ rơm lên trên thiêu sống, dùng cày sắt cày xới, làm cho bọn cướp sát nhân và nhóm ngoại đạo chết tan xương nát thịt cả thảy. Đó là quả của ác nghiệp sát sinh, đánh đập bậc Thánh Arahán đến chết (tịch diệt Niết Bàn).
Ngài Đại đức Mahāmoggallāna đã tịch diệt Niết Bàn, chư Tỳ khưu bàn luận rằng:
─   Thật đáng động tâm, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử đệ nhất thần thông xuất chúng trong hàng đệ tử, thế mà Ngài tịch diệt Niết Bàn như vậy, thật không công bằng chút nào!
Khi ấy, Đức Phật vừa ngự đến, bèn hỏi rằng:
─   Này các con, các con đang hội họp bàn luận chuyện gì vậy?
Chư Tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn rằng:
─   Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang bàn luận về Ngài Đại đức Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn như vậy là không công bằng chút nào. Bạch Ngài.
Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:
─   Này chư Tỳ khưu, Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn không công bằng trong kiếp hiện tại này, song Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn lại công bằng xét theo ác nghiệp sát sinh mà tiền kiếp của Mahāmoggallāna đã tạo trong quá khứ xa xưa.
Chư Tỳ khưu đảnh lễ kính thỉnh Đức Phật thuyết giảng về ác nghiệp sát sinh trong tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahāmoggallāna như sau:
Trong thời quá khứ xa xưa, trong xứ Bārāṇasi, một người con trai có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ mù lòa, có lòng biết ơn và đền đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình.
Hằng ngày, người con trai lo cơm nước, giặt quần áo, phụng dưỡng cha mẹ. Sau khi xong công việc trong nhà mới đi làm việc ngoài như vào rừng, ra ruộng,… để kiếm tiền bạc của cải đem về nuôi dưỡng cha mẹ già một cách rất chu đáo, với tấm lòng hiếu thảo và tôn kính cha mẹ.
Một hôm, cha mẹ nói với đứa con yêu quý của mình rằng:
─   Này con yêu quý, một mình con chịu làm lụng vất vả ngoài đồng, về nhà còn phải lo bao nhiêu công việc trong nhà. Cha mẹ muốn tìm cho con một người vợ, để giúp đỡ con lo công việc trong nhà, nghe con!
Người con trai một mực từ chối, xin với cha mẹ rằng:
─   Thưa cha mẹ, con không muốn lấy vợ, con muốn chỉ một mình con lo phụng dưỡng cha mẹ mà thôi.
Mỗi ngày, cha mẹ khẩn khoản năn nỉ, người con trai đành phải chiều theo ý của cha mẹ, chịu cưới vợ để làm cho cha mẹ hài lòng.
Người vợ giúp đỡ chồng lo công việc trong nhà, lo phục vụ cha mẹ chồng mới chỉ được 2 - 3 ngày mà thôi, rồi những ngày tiếp theo nàng tỏ vẻ bực dọc cảnh cha mẹ chồng mù lòa, không muốn sống chung với cha mẹ chồng nữa.
Người vợ than vản với chồng rằng:
─   Này anh, em không muốn sống chung với cha mẹ mù lòa của anh nữa.
Nàng đặt điều nói xấu cha mẹ chồng. Ban đầu người chồng không tin theo lời người vợ.
Một hôm, khi người chồng đi ra ngoài làm công việc, người vợ ở nhà bày đồ đạc, đổ vỡ rải rác trong nhà. Người chồng đi làm về hỏi người vợ:
─   Tại sao đồ đạc đổ vỡ rải rác như thế này?
Người vợ nói với người chồng là do hai ông bà mù lòa làm đồ đạc đổ vỡ rải rác, nàng phải dọn dẹp mệt nhừ cả người, mà vẫn không làm hết việc; nàng không thể nào chịu nổi. Bây giờ nàng không muốn sống chung với hai ông bà già mù lòa đó nữa.
Mỗi ngày, từ đồng ruộng trở về, người chồng nghe vợ than vãn, không sao chịu nổi. Người con trai liền lập mưu kế nói lừa dối cha mẹ rằng muốn đưa cha mẹ đi thăm người bà con. Người con thưa rằng:
─   Thưa cha mẹ, người bà con bên làng ấy muốn mời cha mẹ đến thăm viếng, để con đánh xe đưa cha mẹ đi.
Cha mẹ tin con nói thật, nên đồng ý đi thăm, người con sửa soạn chiếc xe bò rồi bồng cha mẹ đặt ngồi lên xe và đánh chiếc xe bò chở cha mẹ đến một khu rừng rậm; tại đây người con thưa với cha mẹ rằng:
─   Thưa cha mẹ, nơi đây thường có bọn cướp sát nhân, xin cha mẹ hãy giữ lấy dây và roi, để con xuống xe xem xét.
Người con bước xuống xe bò, rồi một lát sau giả làm bọn cướp sát nhân hung ác la hét chạy đến đánh đập cha mẹ mù lòa. Tuy thân già yếu mù lòa chịu đánh đập đau đớn, nhưng vẫn luôn nghĩ thương đứa con thân yêu, nên hai ông bà la lớn bảo rằng:
─   Này con yêu quý, con hãy chạy thoát thân, cha mẹ già yếu mù lòa có chết cũng cam phận.
Mặc dù cha mẹ gào thét như vậy, nhưng người con vẫn giả giọng kẻ cướp sát nhân đánh đập cha mẹ già cho đến chết, và đem thây cha mẹ ném trong rừng, rồi đánh xe trở về nhà.
Đức Phật thuyết thuật lại, người con giả làm bọn cướp sát nhân đánh đập cha mẹ đến chết, bỏ thây trong rừng trong thời quá khứ ấy, chính là tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahāmoggallāna.
Người con ấy đã tạo ác nghiệp giết cha mẹ thuộc ác nghiệp vô gián(anantariyakamma), chắc chắn cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt, chết đi tái sinh trở lại trong địa ngục suốt thời gian lâu dài, đến khi mãn quả ác nghiệp, mới được thoát ra khỏi cõi địa ngục. Do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh làm người, đã tạo mọi phước thiện, tạo mười pháp hạnh ba-la-mật. Nhưng do năng lực của ác nghiệp giết cha mẹ còn dư sót có cơ hội cho quả trong kiếp người, nên bị bọn cướp sát nhân đánh đập tan xương nát thịt chết như vậy, suốt hằng trăm kiếp. Đến kiếp chót này Ngài Đại đức Mahāmoggallāna đã trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử, đệ nhất thần thông trong hàng Thanh Văn đệ tử Phật, thế mà do năng lực của ác nghiệp giết cha mẹ từ tiền kiếp trong quá khứ xa xưa ấy vẫn có cơ hội cho quả lần cuối cùng, Ngài bị bọn cướp sát nhân đánh đập tan xương nát thịt gần chết, phải tịch diệt Niết Bàn.
Do đó, Đức Phật dạy:
─   Này chư Tỳ khưu, Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn không công bằng trong kiếp hiện tại này, song Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn ấy, lại công bằng xét theo ác nghiệp sát sinh mà tiền kiếp của Mahāmoggallāna đã tạo trong quá khứ xa xưa.
Còn bọn cướp sát nhân và nhóm ngoại đạo tà giáo đã có tác ý bất thiện thuê mướn sai khiến bọn cướp sát nhân đánh đập Ngài Đại đức Mahāmoggallāna, bậc Thánh Arahán đến chết, tất cả đều phạm ác nghiệp giết hại bậc Thánh Arahán thuộc ác nghiệp vô gián, nên chúng đều bị hành hình theo lệnh truyền của Đức vua. Sau khi chết, ác nghiệp vô gián cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Āvici, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy.
*   Sự Chết Của Chúng Sinh

Tất cả mọi chúng sinh trong ba giới([6]) bốn loài(2) đều phải chết. Sự chết có 4 trường hợp.
1-    Chết vì hết tuổi thọ.
2-    Chết vì mãn nghiệp hỗ trợ.
3-    Chết vì hết tuổi thọ và mãn nghiệp hỗ trợ.
4-    Chết vì tai nạn (chưa hết tuổi thọ, chưa mãn nghiệp hỗ trợ).

*   Người có phước tránh được tai nạn

Không đề cập đến 3 trường hợp trên, mà chỉ đề cập đến trường hợp thứ tư: Chết vì tai nạn. Người có phước thoát khỏi mọi tai nạn một cách mầu nhiệm tự nhiên, ngoài khả năng của con người, dù người khác có tác ý ác, cũng không thể giết được người có phước, bởi vì phước thiện hộ mệnh người ấy.
Như trường hợp phú hộ Ghosaka:
Trong Chú giải bộ Pháp Cú(1), Đức Phật đang ngự tại ngôi chùa Ghositārāma trong xứ Kosambi, Ngài thuyết pháp đề cập đến cuộc đời ông phú hộ Ghosaka một đoạn trong sự tích Sāmāvativatthu, được tóm lược như sau:
Trong thời quá khứ, vùng Allakappa xảy ra nạn đói khát và bệnh dịch làm nhiều người chết. Người chồng tên Kotuhalika dẫn người vợ và đứa con đi đến xứ Kosambi để lánh nạn. Hai vợ chồng đi đường đồ ăn uống đã hết, bệnh đói khát làm rã rời tay chân, bồng đứa con cũng không nổi nữa, người chồng bàn với vợ rằng:
─   Này em, vợ chồng chúng ta còn sống, hy vọng sẽ có con nữa, bỏ đứa con này ta đi thôi.
Người mẹ thương yêu con không đành bỏ con khi nó đang còn sống. Hai vợ chồng đồng ý thay phiên nhau bồng đứa con, mỗi người một đoạn đường. Sự đói khát lại càng làm bủn rủn tay chân; người chồng lại bàn tính với vợ bỏ đứa con; người vợ một mực năn nỉ chồng đừng bỏ đứa con. Đứa con nhỏ được trao từ tay chồng sang tay vợ, rồi trao từ tay vợ sang tay chồng làm cho đứa trẻ như ngất xỉu trên tay người cha. Người cha biết đứa con mệt ngủ thiếp đi, nên đặt nó nằm trên đống lá cây khô, ở dưới bóng mát gốc cây, rồi bỏ đi theo vợ ở phía trước. Người vợ nhìn lại không thấy đứa con bèn hỏi:
Con của chúng ta đâu rồi?
Người chồng trả lời:
─   Anh để nó nằm dưới bóng mát ở gốc cây kia.
Người vợ khóc lóc, van xin chồng bồng đứa con lại cho mình, người chồng trở lại bồng đứa con, thì đứa trẻ đã chết(1).
Hai vợ chồng tiếp tục đi đến một vùng nọ và gặp một gia đình nuôi bò.
Hôm ấy, gia đình nuôi bò làm lễ cầu an cho bò. Hằng ngày, nhà ấy có thỉnh Đức Phật Độc Giác đến độ vật thực, nhưng đặc biệt hôm ấy là ngày lễ cầu an, nên người nuôi bò nấu cơm sữa bò nhiều. Người chủ nhà nhìn thấy hai vợ chồng đói khát từ nơi xa đến, nên tiếp đãi rất tử tế và cho hai phần cơm sữa bò. Người vợ nói với chồng:
─   Này anh, có anh thì em sống được an lạc; đã 7 ngày qua, anh chịu đói khát nhiều, vậy anh nên dùng thêm phần cơm sữa bò của em cho no đủ.
Người vợ nhường một phần cơm của mình thêm cho chồng ăn, còn mình chỉ dùng một ít cơm với bơ thôi. Người chồng chịu đói khát đã 7 ngày qua, nay gặp món cơm sữa bơ ngon miệng nên ăn quá no, nhìn thấy người chủ nhà cho con chó nằm dưới ghế, ăn cơm sữa bơ, người ấy ngồi nghĩ rằng: “Con chó này có quả phước tốt thật, được ăn những đồ ăn ngon lành đến thế!”. Đêm ấy, người chồng ăn vật thực quá no, không tiêu hóa được, nên bị chết. Sau khi chết, do tâm tưởng đến con chó, nên tái sinh vào bụng con chó cái của chủ nhà. Người vợ lo làm lễ hỏa táng cho chồng xong, xin ở lại làm công trong nhà người chủ nuôi bò ấy. Người góa phụ làm công được một ít gạo, nấu cơm để bát cúng dường Đức Phật Độc Giác, rồi bạch rằng:
─   Kính bạch Ngài, cầu xin phước thiện này được thành tựu đến người chồng của con vừa qua đời.
Người góa phụ suy nghĩ rằng: “Ta nên ở lại làm công nơi này, hằng ngày Đức Phật Độc Giác đến đây khất thực, dù ta không có gì để bố thí, đặt bát cúng dường làm phước, nhưng ta cũng có cơ hội để đảnh lễ Ngài, có đức tin trong sạch ở nơi Ngài, ta cũng có được nhiều phước thiện”.
Mấy tháng sau, con chó mẹ sinh ra một con chó con, người chủ nuôi con chó con bằng sữa bò, nên chó con mau lớn khôn. Mỗi khi Đức Phật Độc Giác độ vật thực xong, Ngài cho chó con ăn vật thực còn thừa. Vì vậy con chó rất kính yêu Đức Phật Độc Giác. Mỗi ngày nó đi theo người chủ nuôi bò đến hầu Đức Phật Độc Giác. Trên đường đi đến nơi rừng cây rậm rạp, e sợ có thú dữ rình mồi, người chủ lên tiếng “sù! Sù”  3 lần, nếu có thú dữ thì chúng lánh đi nơi khác.
Một hôm, người nuôi bò bạch với Đức Phật Độc Giác rằng:
─   Kính bạch Ngài, ngày nào con không có cơ hội đến kính thỉnh Ngài được, con sẽ cho con chó này đến kính thỉnh Ngài đến nhà con.
Từ đó trở về sau, khi nào người chủ nhà nuôi bò không có cơ hội đến hầu Đức Phật Độc Giác được, thì người chủ nuôi bò sai bảo con chó rằng:
─   Này con, con hãy đến kính thỉnh Đức Phật Độc Giác nhé con!
Nghe xong, con chó liền vẫy đuôi chạy thẳng đến cốc của Đức Phật Độc Giác. Trên đường đi, đến nơi rừng cây rậm rạp, chó phát tiếng sủa 3 lần để cho thú dữ lánh đi nơi khác. Con chó đến cốc lá của Đức Phật Độc Giác, nhẹ nhàng đến trước cửa nằm mọp xuống ngẩng đầu sủa 3 tiếng, để báo tin cho Đức Phật Độc Giác biết, rồi nằm im lặng chờ Đức Phật Độc Giác đi ra. Con chó đi đằng trước dẫn đường, Đức Phật Độc Giác đi theo đường về nhà, nó rất kính yêu Đức Phật Độc Giác.
Về sau y của Đức Phật Độc Giác cũ quá, người chủ nuôi bò dâng vải, để cho Đức Phật Độc Giác may y mặc. Đức Phật Độc Giác nói với người chủ nuôi bò rằng:
─   Một mình may y rất khó, cho nên Như Lai phải tìm bạn đồng phạm hạnh cùng giúp may.
Người chủ nuôi bò bạch rằng:
─   Kính thỉnh Ngài đi may y xong, kính thỉnh Ngài trở lại.
Con chó đứng nghe Đức Phật Độc Giác và người chủ nuôi bò nói chuyện với nhau. Tại nơi ấy, Đức Phật Độc Giác dùng thần thông bay lên hư không hướng về núi Gandha-mādana. Con chó đứng nhìn theo Đức Phật Độc Giác bay lên hư không, và sủa theo với tất cả tấm lòng kính yêu Đức Phật Độc Giác, cho đến khi không còn nhìn thấy bóng dáng nữa, thì con chó chết ngay tại nơi ấy.
Con chó chết với lòng kính yêu vô hạn nơi Đức Phật Độc Giác, nên sau khi chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời Tam Thập Tam Thiên, có lâu đài nguy nga, có 1.000 (một ngàn) nữ chư thiên hầu hạ, hưởng mọi sự an lạc ở cõi trời. Khi thiên nam này nói nhỏ bên tai chư thiên nào, thì tiếng nói ấy vang xa đến 16 do tuần (1 do tuần khoảng 20 km), nếu thiên nam này nói bình thường, tiếng nói vang rộng xa đến 10.000 (mười ngàn) do tuần; vì vậy, vị thiên nam này có tên là “GhosakadevaputtaThiên nam có giọng nói vang”. Đó là quả của phước thiện kiếp chó sủa với lòng kính yêu vô hạn đối với Đức Phật Độc Giác. Vị thiên nam Ghosaka hưởng mọi sự an vui ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên.
Vị thiên nam Ghosaka say mê trong ngũ trần, quên dùng vật thực, thể xác không thể duy trì được, nên phải chết từ cõi trời, do thiện nghiệp cũ cho quả tái sinh đầu thai vào lòng một kỹ nữ xinh đẹp ở thành Kosambi.
*   Cuộc đời Ghosaka có phước thoát chết 7 lần

1-   Trẻ sơ sinh Ghosaka bị bỏ rơi trong đống rác

Ngày Ghosaka chào đời, người kỹ nữ hỏi người tớ gái rằng:
─   Bé trai hay bé gái?
Người tớ gái thưa rằng:
─   Bé trai.
Người kỹ nữ bảo người tớ gái đem đứa bé trai ấy bỏ nơi đống rác, vì kỹ nữ chỉ nuôi con gái, không nuôi con trai, bởi vì con trai không kế nghiệp nghề kỹ nữ được. Đứa bé trai sơ sinh bị bỏ nơi đống rác, bầy quạ, diều, chó vây quanh đứa bé, mà không con nào dám ăn thịt. Đó là quả của phước thiện kiếp chó sủa với lòng kính yêu vô hạn đối với Đức Phật Độc Giác. Khi ấy, một người thấy bầy quạ, diều, chó vây quanh đống rác, liền đi lại xem có gì lạ thường, thì thấy một đứa bé trai; người ấy vui mừng hớn hở bồng đứa bé như đứa con của mình, sung sướng kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!”, rồi người ấy bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế.


2-   Bé Ghosaka bỏ trước cổng chuồng bò

Khi ấy, phú hộ thành Kosambi đi đến chầu Đức vua, giữa đường gặp vị quân sư nhà vua chuyên môn xem sao đoán số. Ông phú hộ hỏi vị quan rằng:
─   Thưa vị quân sư, hôm nay có điều lành dữ thế nào?
Vị quân sư thưa:
─   Hôm nay Đức vua và triều đình, Hoàng gia cho đến thần dân thiên hạ đều bình an và có một việc lành: “Đặc biệt, đứa bé nào sinh ra đời ngày hôm nay, về sau, nó sẽ trở thành một phú hộ trong xứ này”.
Lúc này, phu nhân của phú hộ đang mang thai, già ngày già tháng rồi; phú hộ cho người trở về nhà xem phu nhân đã sinh hay chưa. Người nhà báo tin phu nhân chưa sinh. Ông phú hộ đến chầu Đức vua xong, vội vàng trở về, gọi bà tớ gái thân tín tên Kāḷi và trao cho bà 1.000 đồng (một ngàn đồng) kahāpana (tiền Ấn Độ thời xưa), để bà đi tìm kiếm trong kinh thành có đứa bé nào sinh trong ngày, thì bà trao cho họ số tiền 1.000 đồng kahāpana ấy, rồi bồng đứa bé về.
Bà Kāḷi đi tìm hỏi khắp nơi, lần lượt đến nhà một người, nhìn thấy có đứa bé bèn hỏi người nhà ngày sinh của đứa bé ấy. Người nhà bảo đứa bé vừa mới sinh trong ngày.
Bà Kāḷi trao cho người chủ nhà 1.000 đồng kahāpana, rồi bồng đứa bé về cho ông phú hộ. Ông phú hộ nghĩ rằng:
Nếu phu nhân ta sinh con gái, ta sẽ cho con gái của ta làm vợ nó, rồi cho nó chức tước phú hộ; nếu phu nhân ta sinh con trai, thì ta sẽ giết nó .
Ông phú hộ bảo người nuôi nấng săn sóc đứa bé ở trong nhà. Về sau, phu nhân của phú hộ sinh con trai, ông phú hộ tính kế giết đứa bé này, để con mình lớn lên được chức tước phú hộ. Ông phú hộ gọi bà Kāḷi đến sai bảo rằng:
─   Sáng sớm này, bà hãy bồng đứa bé Ghosaka này bỏ trước cổng chuồng bò, để khi bò ra sẽ đạp chết đứa bé này. Bà đứng xem đứa bé chết hay sống thế nào rồi về trình cho ta biết.
Bà Kāḷi làm theo lời của phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka bỏ trước cửa cổng chuồng bò. Người chăn bò mở cổng, thường ngày con bò đầu đàn đi ra sau chót, nhưng hôm ấy nó đi ra trước, bốn chân đứng như bốn trụ cột, đứa bé nằm ở giữa, đàn bò hằng trăm con lấn hai bên sườn con bò đầu đàn đi ra. Người chăn bò thấy điều lạ thường, nghĩ rằng: “Bò đầu đàn này hằng ngày đi ra sau cùng, hôm nay ra trước đứng yên một chỗ, có chuyện gì lạ vậy!.
Đến xem thấy đứa bé đang nằm giữa bốn chân bò đầu đàn, người chăn bò sung sướng vui mừng bồng đứa bé, kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế.
Bà Kāḷi trở về trình cho ông phú hộ biết tất cả sự việc đã xảy ra. Ông phú hộ liền trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người chăn bò và bồng đứa bé trở về.
3-   Bé Ghosaka bị bỏ trên đường
Khi ấy, ông phú hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng:
─   Này Kāḷi, sáng sớm hôm nay sẽ có đoàn xe bò 500 chiếc chở hàng hóa đi bán. Bà bồng đứa bé Ghosaka này đặt nằm ngang trên đường bánh xe lăn, để cho bò đạp chết, hoặc xe cán nó chết. Bà đứng đó theo dõi nó sống chết thế nào rồi về trình cho ta biết.
Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka đặt nằm ngang trên đường bánh xe. Khi ấy, người trưởng đoàn xe đi trước, khi đi đến gần chỗ đứa bé nằm, con bò đứng sững lại, không chịu bước tới trước, dù người trưởng đoàn la bảo thế nào hai con bò vẫn không chịu bước, chỉ đứng sừng sững tại một chỗ. Chờ đến gần sáng, người trưởng đoàn nghĩ rằng: “Tại sao hai con bò này lại đứng sừng sững như vậy?.
Người trưởng đoàn bước xuống xe xem đường, nhìn thấy đứa bé nằm ngang trên đường bánh xe lăn, người trưởng đoàn vui mừng sung sướng kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế.
Bà Kāḷi về trình lại sự việc đã xảy ra cho ông phú hộ nghe. Ông phú hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người trưởng đoàn xe, rồi bồng đứa bé trở về.

4-   Bé Ghosaka bị bỏ nơi nghĩa địa

Khi ấy, ông phú hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng:
─   Này Kāḷi, bà bồng đứa bé Ghosaka này bỏ nơi nghĩa địa, cho nằm giữa bụi cây, để cho chó rừng, quạ, diều ăn thịt, hoặc hạng phi nhân sát hại nó chết. Bà xem xét nó sống chết thế nào, về trình cho ta biết.
Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka bỏ nơi nghĩa địa, cho nằm giữa bụi cây, bà đứng ở một nơi theo dõi xem xét. Bầy quạ, diều, chó rừng, phi nhân v.v… không con nào dám đến gần đứa bé, vì phước thiện của đứa bé trong tiền kiếp hộ mệnh nó.
Khi ấy, người chăn dê thả đàn dê vào nghĩa địa ăn lá cây, một con dê mẹ đi ăn vào giữa bụi cây, nhìn thấy đứa bé, dê mẹ quỳ gối xuống để cho đứa bé bú sữa. Người chăn dê la bảo dê mẹ không chịu ra, nên đi vào bụi cây đuổi dê mẹ thì nhìn thấy dê mẹ đang quỳ gối cho đứa bé bú sữa. Người chăn dê sung sướng vui mừng kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế.
Bà Kāḷi trở về trình lại sự việc đã xảy ra cho ông phú hộ nghe, ông phú hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người chăn dê, rồi bồng đứa bé về.

5-   Bé Ghosaka bị ném xuống hố sâu

Khi ấy, ông phú hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng:
─   Này Kāḷi, bà bồng đứa bé Ghosaka này lên đỉnh núi nơi ném bọn cướp, rồi ném đứa trẻ xuống hố sâu để thân hình nó đụng vào đá tan xương nát thịt rơi xuống đất. Bà theo dõi xem xét nó sống chết thế nào, về trình cho ta biết.
Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka lên đỉnh núi rồi ném đứa bé xuống. Đứa bé rơi xuống nằm trên bụi tre có dây tơ hồng chằng chịt như nằm trên tấm thảm làm bằng lông thú êm ấm. Hôm ấy, người thợ đan tre và đứa con lên núi đốn tre. Khi đốn cây tre xong, lôi cây tre ra, làm cho bụi cây rung chuyển, đứa trẻ phát ra tiếng khóc, người thợ nói rằng:
Giống như tiếng khóc của một đứa bé”.
Người thợ đi vòng quanh, nhìn lên ngọn bụi tre, thấy đứa bé nằm trên ấy, người thợ sung sướng kêu lên rằng: “Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế.
Bà Kāḷi trở về trình lại sự việc xảy ra cho ông phú hộ nghe, ông phú hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người thợ đan tre, rồi bồng đứa bé về.

6-   Nghĩ hại người, lại tự làm khổ mình

Ông phú hộ nghĩ mưu kế nào cũng không sát hại được đứa bé Ghosaka, đành nuôi nấng chờ tìm mưu kế khác. Đứa bé Ghosaka càng ngày càng khôn lớn trưởng thành, ngây thơ và tưởng mình là con của ông phú hộ, không hề hay biết ông phú hộ tìm mưu kế sát hại mình. Khi ấy, phú hộ nghĩ ra mưu kế sát hại cậu Ghosaka, ông phú hộ đến chỗ làm đồ gốm, gặp người thợ đồ gốm quen thân, hỏi rằng:
─   Khi nào anh sẽ đốt lò.
Người thợ trả lời:
─   Ngày mai, thưa ông!
Ông phú hộ bảo rằng:
─   Như vậy, anh nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana này, rồi giúp tôi một việc.
Người thợ hỏi:
─   Thưa ông việc gì?
Ông phú hộ bảo rằng:
─   Tôi có một đứa con ngỗ nghịch, vong ơn, tôi sẽ sai nó đến chỗ anh, anh dẫn nó vào trong phòng chặt nó làm nhiều đoạn, bỏ vào trong hũ, rồi đem đốt trong lò. Tôi xin thưởng cho anh trước 1.000 đồng kahāpana, khi nào anh làm xong, tôi sẽ hậu tạ xứng đáng cho anh.
Người thợ đồ gốm nhận lời.
Hôm sau, ông phú hộ gọi cậu Ghosaka đến rồi bảo rằng:
─   Này Ghosaka, hôm qua, cha có gặp người thợ đồ gốm nhờ làm một việc, con hãy đến nơi ấy, gặp người thợ đồ gốm nói rằngCha tôi sai tôi đến hỏi ông, công việc cha tôi nhờ ông làm hôm qua, hãy làm cho xong”.
Cậu Ghosaka vâng lời cha ra đi, vừa ra khỏi nhà, gặp đứa em trai (con ruột của ông phú hộ) đang chơi bắn bi với tính cách ăn thua với nhóm trẻ con. Người em thấy anh Ghosaka đến vui mừng nói rằng:
─   Này anh Ghosaka, em chơi bị thua bọn trẻ này rất nhiều bi, bây giờ nhờ anh chơi hộ, bắn thắng lại số bi ấy cho em.
Cậu Ghosaka bảo với em rằng:
─   Anh phải đem tin của cha đến chỗ lò gốm đất nung, ở đây chơi trò bắn bi sẽ bị cha rầy la, anh sợ cha lắm!
Biết cậu Ghosaka có tài chơi trò bắn bi rất giỏi, lúc nào cũng thắng bọn trẻ, nên người em năn nỉ rằng:
─   Thôi anh đừng sợ, để em đem tin của cha đến chỗ lò gốm đất nung thay anh, còn anh ở đây chơi trò bắn bi với nhóm trẻ, thắng lại số bi cho em; anh chờ em trở lại.
Cậu Ghosaka nói với em rằng:
─   Nếu như vậy, em đến chỗ lò gốm, gặp người thợ đồ gốm nói rằngCha tôi sai bảo tôi đến hỏi ông, công việc cha tôi nhờ ông làm hôm qua, hãy làm cho xong”.
Người em là người con ruột của ông phú hộ đến gặp người thợ đồ gốm nói như vậy. Khi ấy, người thợ đồ gốm liền giết đứa con của ông phú hộ theo lời yêu cầu của ông, chặt đứa con từng đoạn bỏ vào hũ đặt vào lò nung thiêu cháy.
Cậu Ghosaka chơi trò bắn bi đợi cho đến chiều không thấy em trở lại, nên trở về nhà. Ông phú hộ nhìn thấy Ghosaka liền hỏi:
─   Con không đi hay sao?
Cậu Ghosaka thưa với cha (ông phú hộ) rằng:
─   Kính thưa cha, khi con đi ragặp em trai chơi trò bắn bi bị thua bọn trẻ, nên nó nhờ con chơi để gỡ lại, còn nó thay con đi đến nhà bác thợ nung lò gốm.
Khi nghe như vậy, ông phú hộ liền kêu la rằng:
─   Đừng có giết con tôi.
Ông phú hộ đầu óc choáng váng, bước đi khệnh khạng, đến chỗ người thợ đồ gốm, hai tay ôm đầu kêu la:
─   Hỡi anh thợ thân yêu! Xin đừng làm cho tôi thiệt hại.
Người thợ đồ gốm thấy ông phú hộ đến kêu la như vậy, bèn thưa với ông phú hộ rằng:
─   Thưa ông phú hộ, ông đừng lớn tiếng kêu la như vậy, công việc ông yêu cầu tôi đã hoàn thành xong rồi.
Ông phú hộ khổ tâm sầu não tột cùng, như bị quả núi lớn đè lên ngực của ông.
*   Người này mưu hại người kia, mà người kia không có tâm mưu hại trở lại; hoặc người này mưu làm khổ người kia, mà người kia không có tâm mưu làm khổ trở lại, thì người mưu làm hại này sẽ phải chịu 10 điều khổ não, như Đức Phật đã dạy:
1-    Chịu khổ tâm cùng cực.
2-    Bị thiệt hại lớn.
3-    Bị đau đầu, đứt mạch máu (vì sự nóng nảy quá độ).
4-    Bị bệnh trầm trọng.
5-    Bị phóng tâm, loạn trí, điên cuồng.
6-    Bị tai hại do từ Đức vua.
7-    Bị chê trách dữ dội.
8-    Bà con, bè bạn bị tai nạn.
9-    Của cải, sự nghiệp bị thiệt hại.
10-      Sau khi chết sa vào địa ngục.

7-   Mưu kế sát hại Ghosaka lần cuối cùng

Mặc dù vậy, vẫn chưa từ bỏ ý định sát hại cậu Ghosaka, ông phú hộ nghĩ ra được mưu kế:
Ta sẽ sai Ghosaka đi đến nhà bác thâu thuế 100 gia đình của ta, nhờ bác thâu thuế giết nó”.
Nghĩ xong, ông phú hộ liền viết một lá thư gửi cho bác thâu thuế ấy rằng:
Người cầm thư này là đứa con ngỗ nghịch vong ơn của tôi, tôi nhờ bác giết nó chết rồi ném xuống hầm phân. Khi giết chết nó xong rồi, tôi sẽ ban thưởng cho bác trọng hậu”.
Ông phú hộ gọi cậu Ghosaka rồi bảo rằng:
─   Này Ghosaka, con mang thư này đưa đến cho bác thâu thuế của nhà ta.
Ông phú hộ đem lá thư cột vào chéo áo của Ghosaka. Cậu Ghosaka không biết đọc chữ, vì từ nhỏ đến lớn cậu không được học hành chữ nghĩa, cho nên cậu Ghosaka đem thư giết mình, nhưng vẫn không biết, cậu thưa với người cha rằng:
-   Thưa cha, trên đường đi con sẽ ở trọ nơi nào?.
Ông phú hộ bảo rằng:
-   Con đừng lo, trên đường đi sang tỉnh bên ấy, có một phú hộ là bạn thân của cha, con đến nhà ông phú hộ ăn và nghỉ lại đêm nơi ấy, rồi sáng mai đi tiếp.
Ghosaka đảnh lễ cha rồi từ giã ra đi, đến tỉnh bên hỏi thăm nhà phú hộ, gặp phu nhân của phú hộ, cậu tự giới thiệu tên là Ghosaka, con trai của phú hộ xứ Kosambi. Được biết như vậy, bà phú hộ vô cùng hoan hỷ, bởi vì phú hộ xứ Kosambi với gia đình bà vốn là bạn thân thiết với nhau. Phu nhân phú hộ nhìn thấy Ghosaka đem lòng thương yêu như con của mình.

*   Tình thương yêu phát sinh do hai nguyên nhân

Gia đình phú hộ tỉnh này có một đứa con gái 16 tuổi rất xinh đẹp đáng yêu. Cô ở trong một căn phòng sang trọng đặc biệt trên tầng lầu thứ 7, với một người tớ gái lo phục vụ cho cô.. Khi ấy, cô sai bảo đứa tớ gái đi chợ. Phu nhân phú hộ nhìn thấy đứa tớ gái, gọi lại hỏi rằng:
─   Con đi đâu?
Người tớ gái thưa rằng:
─   Thưa bà, tiểu thư sai con đi chợ mua sắm đồ.
Phu nhân phú hộ sai bảo người tớ gái rằng:
─   Con hãy lo nước tắm, nước rửa chân, sắp đặt chỗ nghỉ cho cậu Ghosaka, con của phú hộ xứ Kosambi, rồi đi chợ sau.
Người tớ gái đi chợ về trễ, bị tiểu thư quở trách. Người tớ gái thưa chuyện với tiểu thư rằng:
Sở dĩ em về trễ là vì phải lo phục vụ chỗ ở cho công tử phú hộ xứ Kosambi tên Ghosaka xong, rồi mới đi chợ, xin tiểu thư đừng trách em.
Nghe đến tên Ghosaka, con trai phú hộ Kosambi, con gái phú hộ rung động con tim, lòng yêu thương dạt dào trong lòng, khiến nàng không thể ngồi yên.
Thật ra, cô con gái phú hộ này vốn là vợ yêu quý của cậu Ghosaka trong tiền kiếp. Tiền kiếp Ghosaka tên là Kotuhalika, người chồng yêu quý nhất của nàng, hai vợ chồng bồng đứa con nhỏ đi sang xứ khác sinh sống, người vợ hết mực thương yêu chồng. Khi người chồng chết, trở thành góa phụ, người vợ làm công được ít gạo, nấu cơm để bát dâng cúng dường Đức Phật Độc Giác rồi hồi hướng đến cho người chồng quá cố. Do phước thiện bố thí ấy, nay kiếp này được sinh làm con gái của phú hộ. Cho nên, tình yêu thương trong kiếp trước đã phát sinh trở lại với nàng, khi nghe đến tên, liền cảm thấy thân thương gần gủi lắm.
Do đó, Đức Phật dạy rằng:
“Tình yêu phát sinh do hai nguyên nhân:
-     Do tình yêu vợ chồng sống chung trong kiếp trước.
-     Do tình nghĩa giúp đỡ lẫn nhau ở kiếp hiện tại”.
Cô gái phú hộ hỏi người tớ gái rằng:
─   Bây giờ công tử Ghosaka đang ở đâu?
Người tớ gái:
─   Thưa tiểu thư, công tử đang nghỉ ở trong phòng khách.
Cô gái phú hộ hỏi:
─   Công tử có mang gì theo không?
Người tớ gái:
─   Thưa tiểu thư, công tử có mang theo lá thư đeo ở chéo áo.
Cô gái phú hộ nôn nao muốn biết nội dung của lá thư.
Cô gái phú hộ từ tầng lầu thứ 7 vội vàng đi xuống. Trong nhà, cả người làm lẫn cha mẹ đều không hay biết, nàng lén vào phòng ngủ của công tử Ghosaka, thấy cậu Ghosaka đang nằm ngủ say, tình yêu thương vô hạn phát sinh, nàng muốn biết lá thư nói gì, nên lấy lá thư trở về phòng đọc, nàng giật mình nghĩ rằng:
Người gì mà khờ khạo đến thế! Mang thư giết mình, mà không hay biết, nếu ta không đọc thư này, thì chắc anh ta chết mất thôi!
Nàng xé bỏ lá thư ấy viết lại lá thư khác, dựa theo lời của ông phú hộ, nhưng đổi ý nghĩa lại rằng: “Thưa bác, con của tôi tên Ghosaka, mang thư này đến bác, nhờ bác thâu thuế 100 nhà, rồi làm một nhà lầu 2 tầng, có hàng rào xung quanh chắc chắn, có người canh gác cửa ngày đêm. Nhờ bác thay mặt tôi đứng làm lễ thành hôn con trai của tôi Ghosaka với con gái phú hộ ở tỉnh ấy. Khi công việc xong rồi, bác báo tin cho tôi biết, tôi sẽ hậu tạ bác”.
Viết xong nàng gấp lại như cũ, xuống lầu đến phòng ngủ công tử Ghosaka, cột vào chéo áo của cậu ta như trước.
Cậu Ghosaka nghỉ một đêm, sáng dậy ăn uống no đủ, từ giã ông bà phú hộ đi đến nhà bác thâu thuế. Bác thâu thuế nhìn thấy cậu Ghosaka hỏi:
─   Này công tử, công tử đến có công việc gì?
Cậu Ghosaka thưa rằng:
─   Thân phụ của con gửi thư cho bác đây!
Ghosaka đưa thư cho bác thâu thuế xem, đọc xong thư bác thâu thuế vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng ông phú hộ đã giao cho ông công việc quan trọng, một vinh dự quá lớn lao. Ông tuyên bố với 100 gia đình thâu thuế rằng:
─   Thưa quý bà con, con trai của ông phú hộ mang thư đến cho tôi, giao phận sự cho tôi lo công việc thành hôn đứa con trai lớn của phú hộ với đứa con gái phú hộ tỉnh ấy. Chúng ta hãy mang vật liệu v.v… để xây cất một căn nhà lầu 2 tầng thật xinh đẹp, rồi làm lễ thành hôn cho con trai phú hộ.
Tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, chung lo xây cất nhà, rồi làm lễ thành hôn con trai lớn của phú hộ với con gái của phú hộ tỉnh ấy xong, cho người báo tin cho ông phú hộ xứ Kosambi biết rằng:
Công việc ông phú hộ giao cho tôi, bây giờ tôi đã làm xong”.
Ông phú hộ nghe người đem tin thuật lại sự việc ngoài ý muốn của mình, ông than thở rằng:
Ta muốn làm điều nào, thì điều ấy không thành tựu, ta không muốn làm điều nào, thì điều ấy lại thành tựu”.
Ông phú hộ khổ tâm buồn phiền lâm bệnh nặng, một phần vì thương tiếc đứa con ruột, một phần uất ức đứa con nuôi, bao nhiêu lần giết nó mà vẫn không thành; căn bệnh của phú hộ càng ngày càng trầm trọng, không có thuốc men nào điều trị cho khỏi được.
Về phần con gái phú hộ, sau khi làm lễ thành hôn với cậu Ghosaka rồi, nàng điều khiển nhóm gia nhân, bảo rằng:
─   Nếu có người nhà ông phú hộ xứ Kosambi đến đây, mang tin tức gì, các người hãy cho ta biết trước, không được cho cậu Ghosaka biết trước.
Ông phú hộ lâm bệnh nặng, nhưng nghĩ rằng:
Ta sẽ không cho đứa con nuôi xấu số này thừa hưởng của cải sự nghiệp của ta”.
Ông phú hộ sai người đem thư đến gọi đứa con nuôi Ghosaka về gặp ông hai lần mà phu nhân của Ghosaka vẫn giấu kín tin, không cho công tử Ghosaka biết; mãi đến lần thứ ba, người nhà phú hộ đem tin đến, bảo công tử Ghosaka trở về nhà cho ông phú hộ gặp mặt. Lần này phu nhân của Ghosaka hỏi thăm tình hình và biết ông phú hộ lâm bệnh nặng trầm trọng, không thể sống lâu được nữa, nàng mới báo tin cho chồng biết:
─   Cha của anh bị bệnh nặng trầm trọng, hai vợ chồng chúng ta nên sắp đặt trở về thăm cha.
Nàng muốn kéo dài thời gian, nên nàng tính đem xe chở của cải hàng hóa thâu thuế 100 nhà về nhà chồng. Khi cậu Ghosaka về đến nhà, thì ông phú hộ đã quá yếu rồi, người nhà báo tin cho ông phú hộ biết cậu Ghosaka về đến. Cậu Ghosaka đứng phía dưới chân của người cha, vợ của Ghosaka đứng ở phía trên đầu. Ông phú hộ gọi người thủ kho báo cáo tất cả của cải vàng bạc trong kho của ông và của cải bên ngoài. Người thủ kho báo cáo: “Của cải có 400.000.000 (bốn trăm triệu), còn ruộng đất, đàn gia súc: trâu, bò, ngựa,  xe cộ, v.v… có chừng ấy, chừng ấy,…”. Ông phú hộ nghĩ không muốn cho cậu Ghosaka số của cải, tài sản ấy, nhưng miệng lại nói cho, ngược lại với điều ông đã nghĩ. Bởi vì, do phước thiện của cậu Ghosaka khiến ông phú hộ nói trái với điều ông suy nghĩ; sau đó, ông phú hộ chết, tất cả của cải, tài sản sự nghiệp của ông ta đều thuộc về cậu Ghosaka.
*   Cuộc đời Ghosaka trở thành phú hộ
Sau khi ông phú hộ xứ Kosambi chết, các quan tâu lên Đức vua Udena xứ Kosambi.
Đức vua hỏi:
─   Ông phú hộ có đứa con nào không?
Các quan tâu:
─   Thưa có một đứa con tên là Ghosaka.
Đức vua truyền lệnh gọi cậu Ghosaka đến, rồi ban cho Ghosaka thừa kế chức tước phú hộ của người cha để lại. Từ đó Ghosaka trở thành phú hộ xứ Kosambi.
Một hôm, phu nhân phú hộ nhìn Ghosaka mỉm cười, phú hộ hỏi phu nhân cười việc gì, nàng nói cho Ghosaka biết, ngày nay chàng trở thành phú hộ như thế này là nhờ nàng giúp một phần.
Phú hộ Ghosaka không thể tin lời phu nhân, phú hộ Ghosaka tin rằng:
“Ta là người con thừa kế của cải và chức tước của người cha để lại”.
Phú hộ Ghosaka không hề hay biết gì về thân phận của mình, và những sự việc mà ông phú hộ đã đối xử với mình. Do đó, phú hộ Ghosaka không thể tin lời phu nhân. Nàng kể lại việc cậu Ghosaka đem lá thư đến bác thâu thuế, nhờ bác ấy giết cậu, chính nàng đã xé bỏ thư ấy, rồi viết lại thư khác, nhờ bác ấy làm lễ thành hôn với con gái phú hộ, v.v…
Phú hộ Ghosaka vẫn chưa tin, nàng cho người gọi bà tớ gái Kāḷi đứng ra làm chứng. Bà tớ gái thân tín đứng ra làm chứng thuật lại, kể từ khi Ghosaka còn là đứa trẻ sơ sinh, ông phú hộ đã tốn nhiều tiền, với cố tâm giết chết Ghosaka, nhưng không thể nào giết được.
Ghosaka thoát chết 7 lần, nay trở thành phú hộ ở xứ Kosambi này. Phú hộ Ghosaka nghe qua tiểu sử cuộc đời của mình như vậy, nên suy nghĩ rằng:
Ta đã làm nghiệp gì nặng mà ta bị tai nạn như thế ấy, ta đã làm phước thiện gì, mới được thoát chết như vậy, từ nay ta không nên dể duôi, cố gắng tạo mọi phước thiện”.
Từ đó, phú hộ Ghosaka mỗi ngày đem của cải ra làm phước bố thí, cho mọi người đói khát đi đường, v.v…
Về sau, khi nghe tin Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng xuất hiện trên thế gian, phú hộ Ghosaka cùng với hai người bạn cũng là phú hộ tên Kukkuṭa và Pāvārika cùng nhau đến hầu Đức Phật tại xứ Sāvatthi, nghe pháp xong, cả ba phú hộ đều chứng đắc bậc Thánh Nhập Lưu. Cả 3 phú hộ thỉnh Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng ngự đến xứ Kosambi, rồi mỗi người xây cất một ngôi chùa dâng cúng dường đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tăng.
-     Phú hộ Ghosaka xây cất ngôi chùa đặt tên Ghositārāma.
-     Phú hộ Kukkuṭa xây cất ngôi chùa đặt tên Kukkuṭārāma.
-     Phú hộ Pāvārika xây cất ngôi chùa đặt tên Pāvāritārāma.
3 ông hộ độ Tam Bảo cho đến trọn đời, trọn kiếp.

Trích: Nền tảng Phát Giáo
Sư Hộ Pháp biên soạn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét