Nói chung, khi người ta lớn lên, người ta yêu… bố mẹ, yêu anh chị em, yêu ông bà, yêu thầy cô, yêu bè bạn… và cuối cùng là yêu… một người đáng yêu. Thiếu người đó thì chịu không nổi! Gặp người đó cũng chịu không nổi! Trời đất cỏ cây gì cũng đẹp hơn lên. Chuyện gì cũng hóa linh thiêng ra! Người ta dễ trở thành những anh chàng “ngọng nghịu đứng làm thơ” như Đỗ Trung Quân. Do vậy, nó hoàn toàn xa lạ với kiểu yêu mà la toáng lên, yêu mà bày tỏ ồn ào như đi… biểu tình, yêu mà quyết liệt… chiếm đọat rồi quất ngựa truy phong!
Một nhà văn ngày trước đã tả một “mối tình chân” thú vị: chàng và nàng không quen biết nhau, tình cờ cùng đi coi hát đình, chen chúc chỗ đông người, chẳng may chàng dẫm phải chân nàng đau điếng, nàng quắt mắt nhìn chàng thì bỗng cả hai rụng rời như “hẹn nhau từ muôn kiếp trước”.
Theo các chuyên gia … yêu thì mối tình chân có những đặc điểm như sau:
Nó giúp ta thêm năng lực, thấy cuộc đời là đẹp, là đáng quý; nó thúc đẩy ta học giỏi hơn lên, hăng say làm việc để xây dựng sự nghiệp; nó giúp cho tình gia đình, tình bạn bè thêm tốt đẹp, nó mở rộng thêm những sở thích của ta. Một người không ưa đọc sách, có một mối tình…chân, dễ trở thành người mê sách!
Nó giúp ta có khả năng chấp nhận, tấm lòng rộng mở, chớ không phải muốn chiếm hữu hay chuyển hóa người mình yêu; không chỉ trích những khác biệt mà tìm cách hỗ trợ, bổ sung cho nhau;
Nó giúp ta gia tăng lòng tự trọng, tin cậy lẫn nhau, đối xử với nhau một cách chân thành, có trách nhiệm, chia sẻ buồn vui, sẵn sàng hy sinh cho nhau;
Nó giúp ta tăng mối quan hệ ngày càng khắng khít với nhau, phát hiện ra ngày càng nhiều nét đẹp của nhau chứ không phải bị cuốn hút nhất thời bởi một “cú sét” hay vì một chút hào nháng bên ngoài.
Nó giúp ta luôn là bạn tốt của nhau, cho nên đòi hỏi thời gian thử thách lâu dài, không phải là thứ lửa rơm, vụt cháy để rồi vụt tắt.
Nếu cần hỏi gì thêm thì biên thơ cho anh Bồ Câu vậy!
Đỗ Hồng Ngọc