GIÁO SƯ NGƯỜI ÚC – DR. MARK ALLON và những cống hiến cho Phật Giáo

Trong vòng 15 năm qua, sau những biến động phá hoại của quân phiến loạn Taliban, tiếp đến lực lượng Soviet rút khỏi A Phú Hãn mang theo những chứng tích từ vùng đất này, người ta phát hiện có rất nhiều những cổ vật, báu vật… đang lưu thông trên “thị trường đồ cổ” tại Peshawar, Pakistan. Các tổ chức văn hóa thế giới cũng như nhóm chuyên gia nghiên cứu… đã không bỏ qua cơ hội ngàn năm một thuở, bằng mọi cách để thu gom, lưu trữ những bảo vật đó. Và, 3 bộ sưu tập Kinh điển cổ ngữ Phật Giáo sớm nhất trên thế giới đã được tìm thấy trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này.

Đây là những thủ bổn Kinh Phật Giáo cổ ngữ viết bằng ngôn ngữ Ghandhari, hệ chữ Kharosthi (tiền thân của tiếng Sanskrit). Theo các nhà khảo cổ xác minh, những bản Kinh này có niên đại từ những năm đầu thế kỷ thứ I. Và đó là những bản Kinh cổ ngữ Phật Giáo, thuộc di sản văn hóa thế giới, được tìm thấy sớm nhất hiện nay.
Trong 3 bộ sưu tập này, Thư viện Anh quốc hiện đang giữ một bộ. Một bộ nữa thuộc Bộ sưu tập Schoyen, có nguồn gốc tại vùng Bamiyan A Phú Hãn, hiện nay đang được giữ tại Na-uy. Bộ còn lại thuộc Bộ sưu tập Cao cấp (Senior Collection), nguồn gốc từ vùng Ghandhara cổ, ngày nay là A Phú Hãn và Tây Bắc Pakistan, hiện đang ở Hoa Kỳ.
Những thủ bổn Kinh cổ ngữ Ghandari này được viết trên vỏ cây bulô (birch bark), cuộn tròn trong những chai lọ bằng đất nung, chôn sâu dưới lòng đất, dưới chân những ngọn tháp. Những bản kinh này có độ dài từ 30cm đến 1m, bản kinh dài nhất đến 3m. Tất cả đều được cuốn theo chiều ngang.
Các nhà khảo cổ cho rằng, nơi chôn những bản Kinh này, ngày trước đã từng là trung tâm văn hóa Phật Giáo rộng lớn và nổi tiếng. Nhờ đặc tính khí hậu nóng, khô của vùng Trung Á, mà trãi qua thời gian gần 2000 năm, những bản Kinh vẫn còn khá nguyên vẹn, chưa bị hư hoại như những chứng tích khảo cổ ở các nơi khác. Cho đến ngày nay đầy đủ nhân duyên, những bản Kinh bí mật này tái xuất hiện với nhân loại, dưới ánh sáng văn minh khoa học thế kỷ 21.
Năm 1996, một Công trình phiên dịch Kinh điển cổ ngữ Phật Giáo đã chính thức được thành lập, do Thư viện quốc gia Anh Quốc (British library) và trường Đại học Washington, Seattle, Hoa Kỳ cùng tiến hành. Công trình này phải nhắc đến sự đóng góp hết sức to lớn của Giáo sư người Úc - Mark Allon, một trong những Giáo sư Phật học, cũng như chuyên gia cổ ngữ Phật Giáo hiếm có trên thế giới.
Giáo sư Tiến sĩ Mark Allon theo học ngành ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Tây Tạng và cổ ngữ Ghandari tại Đại học Quốc Gia Úc Châu (Canberra), sau đó hoàn tất học vị Tiến sĩ tại đại học Oxford, Ăng lê, chuyên ngành Phật học tiếng Pali.

Được hỏi vì sao Ông đặc biệt chuyên về tiếng Ghandhari, Ông trả lời rằng, từ thời còn là sinh viên tại Đại học Sydney, Ông đã có một cảm tình đặc biệt với Phật Giáo. Sau thời gian đeo đuổi tìm hiểu, quyết định lên Canberra để học ngôn ngữ Kinh điển. Nơi đây, Ông theo học hết Pali, đến Sanskrit, tiếng Tây Tạng, sơ đẳng tiếng Hoa, và cổ ngữ Ghandhari. Tiếp theo, sang Anh Quốc trình luận án Tiến sĩ Phật học chuyên ngành Pali. Trong thời gian lưu học tại Anh, nhân duyên trùng hợp thế nào, đó cũng là lúc biết tin khám phá những bản Kinh cổ ngữ Ghandhari này. Ông tìm cách liên lạc với Giáo sư Richard Salomon, trưởng ban tổ chức đoàn phiên dịch Kinh điển cổ ngữ thuộc đại học Washington, Hoa Kỳ. Giáo sư Salomon lập tức mời Ông vào ban phiên dịch. Tuy nhiên, thời gian đầu tại Seatle là dành để phát triển thêm ngôn ngữ Ghandhari, vốn chỉ được học sơ bộ tại Đại học Canberra; và cũng để làm quen với cách nghiên cứu những bản văn khảo cổ. Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, Ông đã thực sự bắt tay vào chính thức nghiên cứu, giải mã và phiên dịch. Từ đây Ông đã đóng góp một phần rất lớn cho công trình nghiên cứu Phật học hy hữu này. Tiếng tăm của Ông đã được các báo đài Hoa Kỳ, Âu Châu cũng như Úc châu thường phỏng vấn ca ngợi.
Tác phẩm phiên dịch đầu tiên của Ông đã xuất bản vào năm 2001, do nhà xuất bản Đại học Washington ấn hành. Đây là công trình giải mã, phiên dịch 3 bản Kinh thuộc bộ Tăng Nhất A Hàm; Kinh Phật thuyết cho Bà la môn Dhona, Kinh Phật ngôn và Kinh Phật thuyết cho loài người.


 Một mảng kinh viết trên lá bulô, tiếng Ghandhari

Dưới đây là sơ lược nội dung Kinh Dhona:

Ngày nọ có người Bà La Môn tên Dhona, nhân khi thấy dấu chân Đức Phật in dưới cát, dấu chân có hình bánh xe chuyển luân, thấy điều kỳ lạ bèn theo dấu đến gần Ngài. Lúc đó, Phật ngồi dưới gốc cây, thái độ an tỉnh, từ hòa… Dhona đến bên và hỏi:
- Phải chăng Ngài là một vị Trời (Deva)?
- Không, tôi không phải là một vị Trời.
- Vậy Ngài là phi nhân Yakka chăng?
- Không, tôi cũng không phải là phi nhân Yakka.….
- Như thế chắc Ngài là người?
- Không, quả thật tôi cũng không phải là người.
- Vậy Ngài là ai?
Đức Phật trả lời rằng, Ngài đã tận diệt phiền não, gốc rễ của sinh tử luân hồi, vốn tạo điều kiện để tái sanh vào những cảnh Trời, phi nhân Yakka hay cảnh người… Ngài là Phật, là bậc hoàn toàn giác ngộ và giải thoát.

**
Trong quá trình nghiên cứu, Giáo sư Allon cho biết một điều đáng lưu ý rằng, nội dung của 3 bản Kinh đều hiện có trong Hán tạng và Pali. Tuy khác nhau về ngôn ngữ và niên đại lưu hành, nhưng sự tương tự về chi tiết cũng như kết cấu đã đánh dấu một ý nghĩa quan trọng trong quá trình lưu thông và truyền thừa Kinh điển Phật Giáo.
Được biết, ngay sau lần đầu tiên những bản Kinh cổ này xuất hiện trên diễn đàn khoa học khảo cổ thế giới, đã gây một tiếng vang rất lớn, tạo một sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới khoa học hiện đại. Nhân đây đã mở ra thêm một lãnh vực nghiên cứu mới về nền văn hóa Phật Giáo, đặc biệt lịch sử Phật Giáo vùng Tây Bắc Ấn.
Hiện nay Giáo sư Allon là giảng viên chính kiêm Trưởng khoa Phật học tại Đại học Sydney. Ông vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, trợ giúp phiên dịch những Bản kinh cổ ngữ còn lại.
Xin chân thành cảm niệm công đức những nhà học giả Phật Giáo, những vị Giáo sư ưu việt như Mark Allon, Richard Salomon… đã phần nào giúp ánh sáng giác ngộ, giải thoát của Đức Phật soi rọi vào thế giới của khoa học hiện đại, thế giới mà nơi đó luôn đòi hỏi phải có chứng cứ xác thực, phải có luận lý logic… nhưng dường như ngày càng có nguy cơ đắm chìm sâu hơn trong biển khổ muôn trùng.



 Thích nữ Giác Anh

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen