Có một năm xứ Đại Hàn tuyết phủ suốt mùa Đông. Trăng không mọc, tuyết không tan sau thành lũy mây trắng chập chùng trên đỉnh núi. Vầng trăng nội chiếu trong lòng sơn tăng phai dần và sắp lặn. Sơn Tăng ôm bình xuống núi tìm một vầng trăng. Trăng soi đáy giếng – Tĩnh Trung Nguyệt – là vầng trăng thường hằng mọc và lặn trong lòng người nhận ra tâm mình cũng là trăng một thể; thật mà ảo như bóng trăng đáy giếng. Bất chấp mây che, tuyết phủ, vầng trăng nguyên thủy có bao giờ mọc hay lặn nơi đâu trong lòng nhân thế. Lên núi, trăng lại về như hoa đạo bừng nở trong cõi tĩnh lặng muôn đời. Sơn Tăng dùng nội nhiệt dâng trào như điện chớp tuôn trào ra đầu ngón tay để viết bài thơ trên tuyết. Nắng ấm lên. Tuyết tan. Nhưng bài thơ đã hằn sâu trên đá nay vẫn còn in dấu trên Hàn Sơn Vọng Nguyệt.
Tĩnh trung nguyệt
Sơn tăng bần nguyệt sắc
Tịnh cấp nhất bình trung
Đáo tự phương ứng giác
Bình khuynh nguyệt diệc không
I Gyu Bo (Lý Khuê Báo 1168-1241 )
Ánh trăng dưới giếng
Nhà sư xuống núi tìm trăng
Múc trăng đáy nước cất trăng vào bình
Về chùa một lúc chợt quên
Bình nghiêng còn biết đâu tìm dấu trăng
Quỳnh Chi phỏng dịch ( 24/9/2010)
*****
Kẻ hậu thế nghìn năm sau…
Nhắn với sơn tăng
Bụi trần in dấu sơn tăng,
Cất công xuống núi tìm trăng là mình.
Dấu trăng vẫn ở trong bình,
Soi gương thì lại thấy mình trong gương.
Trần Kiêm Đoàn (Trung Thu 2010)