Nỗi khổ của Thần đồng

… Thực ra ở nước ta từ xưa đã có những thần đồng như Lương Thế Vinh, Lê Qúy Đôn nổi tiếng trong sử sách và gần đây cũng đã phát hiện nhiều dấu hiệu của thần đồng như một bé 3 tuổi nào đó chưa học mà đã biết đọc báo, đọc sách, một bé 4 tuổi đã làm toán xuất sắc và có trí nhớ tuyệt vời… ! Nhiều bà mẹ bây giờ có khuynh hướng chọn ngày chọn giờ để mổ đẻ, mong cho con mình đựơc sinh vào ngày tốt, giờ tốt, nếu không đựơc là thần đồng, thiên tài thì ít ra sau này cũng đựơc hơn người, giàu sang phú quý… Đó chính là một trong những lý do đưa đến việc mổ đẻ ngày càng nhiều, gây nhiều tai biến cho trẻ do sinh non ngày tháng, dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng, thiếu dưỡng khí não! Chính vì thế mà ngành y tế đã có quyết định ngăn cấm sự lạm dụng sanh mổ!
Trên thế giới cũng không thiếu những thần đồng! Mozart, 250 năm trước, mới 3 tuổi học đàn, 5 tuổi sáng tác nhạc và 6 tuổi đã là một thiên tài âm nhạc nổi tiếng. Gần đây báo chí nhắc đến Sha Yano, được xem là một trong những thần đồng nhỏ tuổi nhất, người Mỹ mang trong mình hai dòng máu Nhật – Hàn với chỉ số thông minh (IQ) trên 200 (người bình thường là 85-115). Sho Yano phải học riêng tại nhà với bố mẹ do không có trường nào nhận cậu bé mới 7 tuổi vào học bậc trung học. Khi 8 tuổi, Sho Yano đậu trung học phổ thông và bước vào đại học lúc 9 tuổi. Đại học Loyola đã cấp học bổng cho Sho và chỉ mất 3 năm Sho đã hoàn thành chuyên ngành hóa sinh. Còn thần đồng Ấn độ William James Sidis 7 tuổi xuất sắc về tóan học; 8 tuổi, vượt qua môn thi Cơ thể học tại Đai học Y khoa Harvard, 9 tuổi biết cả chục ngoại ngữ và năm 11 tuổi đã là giảng viên toán tại Harvard. Cha cậu là nhà tâm lý học hàng đầu, giáo sư của Đại học Harvard. Chính ông đã chỉ trích mạnh mẽ cách dạy trẻ theo truyền thống – mà ông cho là cản trở sự phát triển của trẻ- để tự đề ra những phương pháp dạy mới mẻ. Giới truyền thông đặc biệt quan tâm từng bứơc phát triển của Sidis. Nhưng bất ngờ là chẳng bao lâu sau, Sidis rơi vào tình trạng khủng hoảng thần kinh, và chết vào tuổi 46.
Khi nghiên cứu não bộ của các thần đồng qua hình ảnh máy chụp cắt lớp cộng huởng từ (MRI), các nhà nghiên cứu ghi nhận có sự họat động mạnh của chuyển hoá tế bào não, khối lượng máu cung cấp tăng cao ở các vùng não tương ứng. Thần đồng rõ ràng có nguồn gốc từ gène di truyền nhưng rất cần có môi trường thuận lợi mới mong phát triển tốt đẹp. Một thần đồng có thể có IQ rất cao, vượt cả Einstein như Akrit Jasswal ở Nurpur – thần đồng y học- nhưng cũng lại rơi vào thất bại dù có đựơc cả một labo riêng để nghiên cứu điều trị ung thư và AIDS. Không có gì đảm bảo một người trẻ có IQ cao sẽ thành công khi trưởng thành bởi không thể chỉ dựa vào IQ. Có hai mối nguy cơ lớn cho thần đồng: một là sự kỳ vọng của cha mẹ, người thân, và hai là sự “giám sát, theo dõi” của giới truyền thông và dư luận. Để một trẻ phát triển đựơc hài hòa, cần có sự phát triển cân đối cả về trí tuệ, về cảm xúc, về xã hội và về thể chất. Bác sĩ Pralhjot Malhi, tiến sĩ tâm lý học, giáo sư Nhi khoa nói: cha mẹ những bé xuất chúng cần đựơc tham vấn. Những kỳ vọng không thực tế của họ có thể đẩy trẻ đến chân tường! Một bé 12 tuổi dù trí thông minh đến đâu thì về cảm xúc, về thể chất vẫn là một bé 12 tuổi. Sự “lệch pha” này tạo nên những khó khăn cho trẻ, nhất là khi phải hòa nhập với cộng đồng. Sự phát triển không hài hòa làm cho trẻ bị dồn nén, có những hành vi không phù hợp. Trong nhóm trẻ cùng lứa, các em không thể chơi chung, bởi trong khi các em say mê toán, say mê y học, văn chương thì các trẻ khác chỉ chơi trò chơi… con nít! Do đó, các em dễ trở nên cao ngạo, và bị kỳ thị, xa lánh. Chủ yếu là do trở ngại về truyền thông, ngôn từ sử dụng và hành vi không phù hợp. Bản thân các em cũng thường tự đòi hỏi ở mình quá cao, luôn luôn muốn tuyệt đối hoàn hảo, nên rất dễ rơi vào thất vọng, ngã lòng một khi thất bại. Và cũng vì quá thông minh, quá nhạy cảm, các em càng dễ bị sốc khi nhận thấy mọi sự không trơn tru, không tốt đẹp như mình nghĩ tưởng! Nghiên cứu còn cho thấy các bé gái thần đồng thường không chấp nhận giới tính của mình, không có đựơc hạnh phúc trong đời sống bình thường mai sau. Tóm lại, thần đồng rất cần đựơc sự chăm sóc đặc biệt để tránh những nguy cơ nói trên.
Tóm lại, các vấn nạn mà một “thần đồng” thường gặp phải là:

1. Phát triển không đồng đều:Trí thông minh của một người lớn – hơn cả người lớn- nhưng cảm xúc vẫn là của một đứa con nít nên hành vi không phù hợp, thể chất yếu đuối, thiếu kinh nghiệm giao tiếp xã hội, dễ bị phê phán…

2. Lúc nào cũng muốn hoàn hảo. Tự đặt mục tiêu cho mình quá cao. Tưởng tượng rất mạnh, quá mẩn cảm, trong khi tiếp cận thực tế thấy không phải vậy, mất kiên nhẫn, nản lòng, tự coi là thất bại. Đặc biệt khi có sự tâng bốc của dư luận và gia đình.

3. Kỳ vọng của gia đình quá lớn, dễ sinh thất vọng. Trẻ không có thì giờ vui chơi với bạn bè cùng lứa, không hòa mình đựơc với chúng bạn, bị cách ly, cô độc.

4. Quan niệm lệch lạc về mình: phát triển sớm trong một lãnh vực nào đó, cộng với kỳ vọng của người thân đưa đến khủng hoảng tâm lý, lẫn lộn mục tiêu trong nghề nghiệp, bị cái nhìn soi mói, dò xét của mọi người, dễ tự cô lập.

5. Khó kết bạn Trong nhóm bạn cùng lứa thì tỏ ra là một người lớn. Suy nghĩ nói năng như một người lớn. Trở ngại truyền thông: ngôn từ, hành vi, ý tưởng không phù hợp lứa tuổi. Dễ tự cao tự đại.

6. Môi trường học tập không phù hợp. IQ khác biệt dẫn đến học hành dễ chán nản.

7. Không chấp nhận giới tính/ Khó khăn trong hôn nhân gia đình, nghề nghiệp về sau.

8. Cha mẹ dễ “dán nhãn” cho con mình. Thầy cô sẵn sàng truyền đạt hết kiến thức của mình, ai cũng muốn học trò phải xuất sắc môn mình dạy khiến em bị “tẩu hỏa nhập ma”!

9. Giới truyền thông theo dõi giám sát từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói càng “làm khổ” thần đồng!

BS Đỗ Hồng Ngọc

Đề nghị các bạn tham khảo thêm:
http://en.wikipedia.org/…ement_of_Human_Potential,

Ghi chú: Gần đây nhiều bạn bè tôi vốn nay đã là “ông bà nội ngoại” băn khoăn hỏi thăm về chuyện có nên cho cháu theo học phương pháp giáo dục mới, giúp biết đọc, làm toán… rất sớm, mong trở thành một trẻ có tài năng phi thường, một “thần đồng”… như ba mẹ của bé mong muốn…. Đã có những cuộc tranh luận khá căng thẳng trong gia đình. Tôi nghĩ tốt nhất nên post lại bài viết này (năm 2009) và giới thiệu thêm tài liệu để các bạn tham khảo. Thân mến, ĐHN.