Người Nhật nổi tiếng thế giới về lòng biết ơn

Người Nhật không đi giảng đạo đức suông cho người khác, tôi nghĩ cái cốt lõi của họ là kết hợp đạo đức với lợi ích vật chất trong một tầm nhìn dài hạn và biết ơn người khác không chỉ là vấn đề đạo đức mà chính là một tầm nhìn dài hạn.


Ông Ito Junichi, CEO của World Link Japan từng nhận xét thế này về người Việt: “Một điều có thể thấy là người Việt Nam thường coi thường những người lao động chân tay như thợ hàn, công nhân lao động, công nhân xí nghiệp. Nhiều người trẻ chỉ thích làm trong những văn phòng tiện lợi, nhà có điều hòa.”
Về người Nhật, ông cho rằng: “Ở Tokyo, trường đại học nổi tiếng nhất là Đại học Tokyo. Nhưng các sinh viên ở trường này nếu có đến làm cho công ty tàu hỏa của thành phố thì việc đầu tiên họ phải làm là dọn dẹp nhà vệ sinh, cắt vé. Họ phải học lao động bằng chân tay. Họ phải trải qua mọi việc từ dưới lên trên trước khi muốn trở thành sếp. Theo tôi, việc người trẻ không tôn trọng những người lao động chân tay là khuyết điểm rất lớn của xã hội”.
Ý của ông, người trẻ trong xã hội Việt Nam không biết trân trọng đóng góp cho xã hội của những người lao động chân tay.
Tôi còn nhớ người sáng lập Toyota cũng từng nói "Bí quyết của tôi là Hardwork (làm việc hết mình), Lòng biết ơn và Tinh thần phục vụ". Hardwork và tinh thần phục vụ thì ai cũng biết là nó có ích cho người làm doanh nghiệp, nhất là có ích cho khách hàng. Còn tại sao lại là lòng biết ơn khi mà nhiều người vẫn giàu nhờ bản chất trở mặt, bản chất chạy theo lợi nhuận mà quên đi rất nhiều thứ, thì có lẽ không phải ai cũng hiểu.
Trong cuộc vận động đăng cai Olympic vừa rồi, nước Nhật đã thắng. Họ thắng vì đã làm an tâm IOC về việc có thể kiểm soát được tình hình nhà máy điện Fukushima, vì họ có đủ tiềm năng tài chính tổ chức Olympic, vì họ có nền thể thao sạch (chưa từng một lần có vận động viên bị phát hiện dính Doping). Bên cạnh đó họ muốn Olympic sẽ mang lại niềm tin, giấc mơ cho những đứa trẻ vượt qua thảm họa sóng thần khủng khiếp hai năm trước…
Nhưng với tôi, điều ý nghĩa nhất cho dù không phải quan trọng nhất với IOC là họ muốn tổ chức một sự kiện đặc biệt để tri ân thế giới, tri ân những nước đã giúp đỡ họ trong lúc khó khăn. Tôi còn nhớ hình ảnh các cô gái Nhật giơ cao tấm biển “To our friend around the world, thank you for your support” (Xin cảm ơn tất cả sự ủng hộ của các bạn khắp nơi trên thế giới dành cho chúng tôi) và chạy quanh sân vận động sau khi vô địch World Cup bóng đá nữ để cảm ơn thế giới đã giúp đỡ họ trong những năm thiên tai. Trong lúc vinh quang, họ không quên hai tiếng cảm ơn.
Điều cốt lõi mà Larry Senn nhắc đến trong cuốn sách best seller “Up the Mood Elevator” không phải là sự vui vẻ hay sự thông thái... mà là yếu tố tinh thần giúp con người sống tốt nhất, hạnh phúc nhất và lòng biết ơn (grateful). Theo từ điển Oxford, lòng biết ơn (hay sự trân trọng) là cảm giác chịu ơn ai đó khi người ta đối xử tốt với mình hoặc làm những gì mình nhờ vả.
Còn nhớ năm ngoái, một năm sau thảm họa động đất, 500 em nhỏ từ vùng đất bị sóng thần tàn phá đã cùng nhau hát bài “Arigato” để tri ân thế giới, một hình ảnh giàu tính giáo dục và nhân văn.

Người Nhật không đi giảng đạo đức suông cho người khác, tôi nghĩ cái cốt lõi của họ là kết hợp đạo đức với lợi ích vật chất trong một tầm nhìn dài hạn và biết ơn người khác không chỉ là vấn đề đạo đức mà chính là một tầm nhìn dài hạn.

Vysa (Osaka, Nhật Bản)