Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa

Thấm thoát mà thêm một năm mới nữa đã về, năm Giáp Ngọ. Và những chú ngựa sẽ là là đề tài hấp dẫn cho câu chuyện đầu năm.
Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về lai lịch cũng như những gì mà loài ngựa đã gắn bó cùng loài người chúng ta.
Ngựa thuộc bộ Guốc Lẻ, một trong 8 phân loài còn tồn tại cho đến ngày nay của họ Equidae. Từ dạng một giống thú nhỏ với chân nhiều ngón, loài ngựa đã trải qua khoảng 50 -55 triệu năm tiến hóa để trở thành một động vật cao lớn với chân một ngón như ngày nay.


Theo các nghiên cứu mới nhất cho biết, ngựa từ một động vật hoang dã đã được con người đem về thuần dưỡng sớm nhất cách đây khoảng 5.500 năm ở Kazakhstan để giúp con người trong việc lao động mang, chở, kéo xe và sau đó đã được sử dụng vào chiến trận nhất là vào thời cổ khi chưa có máy móc vì sự nhanh nhẹn, thông minh, mạnh mẽ và tính cơ động linh hoạt của chúng. Tuy vậy, cho đến nay loài ngựa vằn chưa được thuần hóa.
Tuổi thọ của ngựa không cao, trung bình từ 25 đến 30 năm. Cho đến nay con ngựa được biết có tuổi thọ cao nhất là con Old Billy ở thế kỉ 19, sống được 62 tuổi. Ngựa cái mang thai khoảng 340 ngày và thường sinh một con. Từ 4 đến 6 tuổi ngựa được xem là đã trưởng thành.
Ngựa đã gắn bó với người trong cuộc sống hằng ngày nên ngựa không thể vắng bóng trong kho tàng ca dao tục ngữ của nhân dân ta.
Nói về sự thương yêu, đồng cam cọng khổ có câu “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, về sự lợi dụng rồi vất bỏ là “thay ngựa giữa dòng”, muốn biết tài người thì phải qua thử thách là “trường đồ tri mã lực”, về lòng tham thì có câu “được đầu voi, đòi đầu ngựa”, không bỏ được thói hư tật xấu là “ngựa quen đường cũ”, những người cùng loại, cùng sở thích đến với nhau là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, xem tướng ngựa thì có “chữ tốt xem tay, ngựa hay xem xoáy”. Còn “đầu trâu, mặt ngựa” để chỉ bọn bất lương, hung ác. Chúc mừng mọi điều viên mãn thì có “Mã đáo thành công”. Chỉ việc không thể có là “mã giác, ô bạch” (ngựa sừng, quạ trắng). Người anh hùng đi chiến trận nếu chết chỉ “Mã cách quả thi” (da ngựa bọc thây). Người có uy tín thì luôn luôn trọng lời hứa vì “nhất ngôn kí xuất, tứ mã nan truy”, người ăn ngay nói thẳng là người “thẳng như ruột ngựa”. Người càng già càng kinh nghiệm thì có “thức đồ lão mã” (ngựa già quen đường). Suy cái này mà biết cái kia là “vấn ngưu tri mã”, việc làm đáng sợ, rất nguy hiểm ấy là “hủ sách ngự mã” (dây mục cầm cương). Tâm người luôn lăng xăng, thay đổi, năm nóng năm lạnh là “Tâm viên ý mã”, nhiều người trẻ tuổi nhưng đã coi trời bằng vung được gọi là “ngựa non háu đá”. Học hành qua quýt, làm việc lấy rồi khác chi “cưỡi ngựa xem hoa”, thì làm sao mà thành công để giàu sang mà “lên xe xuống ngựa”, suốt đời nghèo khổ phải “làm thân trâu ngựa” cho kẻ khác. Khen ngợi người nào đã giỏi, đã giàu có, đã nổi tiếng rồi thì có câu “khen phò mã tốt áo”.
Nhân đây cũng xin nói thêm nhiều người vẫn thắc mắc rằng chồng công chúa tại sao gọi là Phò Mã, chẳng lẽ là chức quan giữ ngựa (giống Bật Mã Ôn của Tề Thiên) sao? Xin trích lời giải thích của học giả An Chi trong CĐCT (q.1): “Từ đời Ngụy, đời Tấn rể của vua được phong làm Phụ Mã Đô Úy, gọi tắt là Phụ Mã, âm xưa là Phò Mã, là chức quan chuyên trách ngựa xe cho vua. Anh chàng hoàng tế (rể vua) được cái tên Phò Mã là nhờ ở chức này”.
Ngày xưa có hình phạt “tứ mã phân thây” (bốn ngựa xé xác) rất dã man. Lại có loại trà gọi là “trảm mã trà” tại Trung quốc. Buổi sáng người ta cho ngựa nhịn đói dẫn lên núi Vân Vu ăn thật no các đọt trà non. Sau đó giết ngựa, xẻ dạ dày lấy trà và dịch vị trong dạ dày ngựa để ướp trà. Đây là một loại trà quý, nhưng cách chế biến thật bất nhân.
Các giống ngựa Châu Âu thường cao lớn và vạm vỡ hơn ngựa châu Á. Tuy nhiên giống ngựa tại các vùng thảo nguyên bao la của Mông Cổ từ xưa nay đã nổi tiếng như là một trong những giống ngựa đẹp và mạnh nhất thế giới. Lịch sử còn ghi lại vó ngựa của đế quốc Mông Cổ đã tung hoành trên một vùng lãnh thổ mênh mông từ Á sang Âu vào thế kỉ 13, đến nổi sử sách đã ví von nơi nào vó ngựa Mông Cổ đi qua, cỏ ở đấy 3 năm chưa mọc lại nổi.
Một số ngựa nổi tiếng luôn gắn liền với những chiến tích của chủ nhân nó hoặc trong các trận đánh lừng danh.
Trong thần thoại La Mã có một quái nhân đầu ngựa mình người gọi là “Nhân Mã”. Khoa Thiên Văn Tây Phương cũng đặt tên cho một chòm sao là Nhân Mã. “Con ngựa gỗ thành Trois” là câu chuyện nổi tiếng về cuộc chiến tranh xảy ra trên vùng đất mà bây giờ là Hy Lạp vào thế kỉ XII trước công nguyên.
Có lẽ trong lịch sử Trung Quốc có nhiều ngựa nổi tiếng nhất. Trước hết phải kể đến ngựa Ô Truy của Sở Bá Vương Hạng Võ. Nguyên nó là một con ngựa hoang đến núi Đồ Sơn phá hoại mùa màng không ai trị nổi. Hạng Võ nghe tiếng bèn tìm đến. Sau một hồi quần thảo giữa người và vật, Hạng Võ đã dùng thần lực “bạt sơn cử đỉnh” khuất phục được nó. Từ đó con ngựa ấy đã theo Hạng Võ xông pha trăm trận, bách chiến bách thắng suốt trong cuộc Hán Sở Tranh Hùng, xây dựng nghiệp bá trong 5 năm. Cuối cùng lầm mưu Hàn Tín và Trương Lương, Hạng Võ bị vây khốn ở Cửu Lí Sơn và tự vẫn ở bến Ô giang. Ngựa Ô Truy trung thành không chịu phục ai nên đã lao xuống sông chết theo với chủ ..
Đời Tam Quốc có ngựa Đích Lư đã cứu Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) nhảy qua Đàn Khê thoát khỏi cuộc truy sát của vợ Lưu Biểu và Thái Mạo. Nhưng Xích Thố của Quan Vân Trường (Quan Công) mới đích thị là Thần Mã. Nó đã theo Quan Vân Trường tạo nên nhiều chiến công oanh liệt để giúp Lưu Bị giữ vững Tây Thục, chia ba thiên hạ cùng với Bắc Ngụy và Đông Ngô. Sau khi Quan Công do khinh suất làm mất Kinh Châu, lấy cái chết để đền ơn Chúa thì Xích Thố cũng nhịn ăn chết theo.
Sử Trung Quốc còn chép, vua nước Lương có ngựa rất quý, ngày chạy ngàn dặm, tên là Tiêu Sương. Khi con ngựa này bị vua Tống đánh cắp đem về, nó nhớ chủ cũ, bỏ ăn rồi chết. Hoàng đế Đường Huyền Tông cũng nổi danh là ông vua mê ngựa vì trong tàu ngựa của ông có đến bốn vạn con ngựa quý.



Và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến con Bạch Long Mã đã theo Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh. Nguyên trước đây nó là Tiểu Bạch Long, phạm thiên quy nên bị giam cầm dưới suối, ăn thịt ngựa của Đường Tăng. Sau Quan Âm Bồ Tát chế phục hóa thành Bạch Long Mã để đưa Đường Tăng đến Tây Thiên, trải qua không biết bao nhiêu gian truân khổ ải trong tác phẩm bất hủ của tác giả Ngô Thừa Ân.
Trong lịch sử nước ta ngựa cũng đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh chống giặc xâm lược, nổi tiếng nhất là Ngựa Sắt của Thánh Gióng. Truyện kể vào đời Hùng Vương thứ 6, nước ta bị giặc Ân xâm chiếm. Vua Hùng sai sứ đi tìm người tài cứu nước. Lúc ấy tại làng Phù Đổng, có một em bé đã 3 tuổi mà chưa biết nói, biết đi. Khi nghe sứ giả rao truyền em bé bảo mẹ cho vời sứ giả vào, bảo sứ giả về xin vua đúc một con ngựa sắt và một cây roi sắt để đánh giặc. Khi ngựa và roi đúc xong, em bé vươn vai biến thành một thanh niên cao lớn, phóng ngựa cầm roi ra trận trong chớp nhoáng đã đánh tan tành lũ giặc, ngựa khạc ra lửa đốt cháy tất cả doanh trại địch. Dẹp xong giặc Ân, chàng thanh niên cùng ngựa lên ngọn núi Sóc Sơn và bay lên trời. Tương truyền các ao hồ từ Vùng Kim Anh, Đa Phúc đến Sóc Sơn đều do vó ngựa sắt để lại, còn khu đất đốt tan giặc Ân ngày nay gọi là làng Cháy. Vua Hùng nhớ ơn lập đền thờ và phong là Phù Đổng Thiên Vương.



Thời nhà Trần sau khi phá tan quân Mông Cổ lần thứ ba (thế kỷ13), Trần Hưng Ðạo rước xa giá tới Long Hưng để làm lễ bái yết Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông). Khi ấy, vua Trần Nhân Tôn (1279-1298) trông thấy lăng tẩm khác xưa, những con ngựa đá ở trước lăng chân đều dính bùn. Nhà vua nghĩ rằng trong khi chinh chiến chống quân xâm lăng, Tiên Ðế hẳn cũng đã cưỡi ngựa đi giúp. Ngài bèn cảm khái vịnh hai câu thơ sau:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
( Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông muôn thuở vững âu vàng- Trần Trọng Kim dịch)

Thời Đông Châu Liệt Quốc có vua Định Công nước Lỗ hỏi thầy Nhan Hồi (học trò Khổng Tử) về thuật rèn luyện ngựa của Đông Dã Tất Chi. Nhan Hồi thưa: Người ấy giỏi thì giỏi thật, nhưng ngựa của hắn có lúc bứt cương mà chạy. Định Công nghe nói không được hài lòng. Ba hôm sau có người chăn ngựa vào báo là có hai con ngựa của Tất Chi đã bứt cương chạy mất. Định Công vội mời Nhan Hồi tới hỏi vì sao có thể biết trước điều ấy. Nhan Hồi thưa:
-Ngày xưa vua Thuấn giỏi về mặt trị dân, nhưng không dùng hết sức của dân nên không dân nào bỏ trốn,Tạo Phủ giỏi về mặt rèn ngựa, nhưng không dùng hết sức của ngựa nên không con nào bứt cương tháo chạy. Nay Đông Dã Tất Chi rèn cho ngựa thật khuôn phép, trải hết chỗ hiểm trở, xa xôi khiến ngựa kiệt sức mà vẫn cứ bắt ngựa chạy mãi không thôi. Do đó có thể đoán biết ngay được.
Cũng thời Đông Châu, một vị vua có một con ngựa rất đẹp. Vua rất yêu quý nó sai chăm sóc cẩn thận. Bất ngờ một hôm ngựa lăn đùng ra chết. Vua tức giận sai chém người giữ ngựa, bá quan văn võ không ai dám can. Người giữ ngựa khóc xin thế nào cũng không được. Lúc ấy có quan tướng quốc đứng lên chỉ tên giữ ngựa nói:
- Chúa công giết mày vì mày có hai tội đáng chết:
Một là, không làm tròn trách nhiệm, làm chết ngựa quý của chúa công Hai là, vì mày mà chúa công phải mang tiếng bất nhân, coi con ngựa lớn hơn mạng người.
Vua nghe hiểu ý, bèn ra lệnh tha người giữ ngựa.
Chuyện “Tái ông thất mã” cũng thật hay mang tính triết lí: Một ông già sống nơi biên giới hai nước, có con ngựa rất đẹp, nhưng một hôm sổng chuồng chạy mất. Mọi người đến chia buồn. Ông nói:
- Mất ngựa chưa hẳn chuyện buồn.
Quả nhiên vài hôm sau con ngựa trở về dẫn theo một bầy ngựa rừng nữa. Mọi người lại đến chúc mừng. Ông nói:
- Được ngựa chưa hẳn chuyện vui.
Tháng sau, cậu con trai của ông cưỡi ngựa đẹp đi chơi bị té ngã và gãy chân. Mọi người lại đến chia buồn. Ông nói:
- Gãy chân chưa phải chuyện rủi
Năm sau loạn lạc xảy ra, vua bắt thanh niên đi lính. Nhiều người bị chết trận. Con ông bị tật vì gãy chân nên được miễn đi lính.
Còn nhiều câu chuyện về ngựa rất hay, tuy nhiên do khuôn khổ tờ báo nên không thể kể thêm.
Trong kho tàng tiếu lâm dân gian cũng có nhiều câu chuyện về ngựa làm người nghe cười muốn “bể bụng”. Xin kể vài chuyện:
Một vị quan vốn thích thơ ca nên thông báo sẽ tổ chức một kì thi thơ ứng khẩu tại chỗ. Ai làm thơ cũng có thưởng, nếu được chấm giải nhất thì được trọng thưởng. Thế là các “sĩ tử” khắp nơi kéo về tham dự. Một anh đến báo danh xin thi. Vị quan có một con ngựa trắng rất đẹp. Ông rất tự hào về nó nên bảo chàng dự thi làm ngay một bài thơ vịnh con ngựa ấy. Sau một cái đằng hắng, chàng xuất khẩu ngay:
Bạch mã mao như tuyết (Ngựa trắng lông như tuyết)
Tứ túc cương như thiết (Bốn chân cứng như sắt)
Tướng công kỵ bạch mã (Ông tướng cưỡi ngựa trắng)
Bạch mã tẩu như phi. (Ngựa trắng chạy như bay)
Quan hài lòng, trọng thưởng. Một anh chàng khác dốt đặc cán mai, chẳng biết gì thơ văn, nghe lóm bài thơ cố gắng nhớ rồi hăng hái xin vào ứng thí. Vị quan nhìn quanh thấy bà lão đang chống gậy quét sân bảo anh ta vịnh bà lão ấy. Không cần nghĩ ngợi lâu, thi sĩ ta lớn giọng ngâm nga cho thêm phần hấp dẫn:

Bà lão mao như tuyết
Tứ túc cương như thiết
Tướng công kỵ bà lão
Bà lão tẩu như phi

Tiếng “phi” chưa kịp dứt anh đã ăn luôn mấy hèo suýt gãy xương sống, co giò “tẩu như phi” mất hút.
Lại chuyện khác. Cũng xin thưa trước, chuyện tiếu lâm dân gian lời lẽ thường rất dung dị, tả chân, bình dân theo khẩu ngữ, nhưng chính vì vậy nó mới ấn tượng. Chuyện rằng:
Ngày xưa có một phú ông rất tự hào và yêu quý con ngựa rất đẹp và chạy nhanh như tên bắn của mình. Vì thế khi con gái ông đến tuổi cập kê, ông tuyên bố sẽ gả con cho anh chàng nào làm thơ hay nhất để ca tụng tài chạy nhanh như gió của ngựa ông. Hôm sau đã có 3 chàng “nhà thơ, lều thơ, chòi thơ” đến tranh tài cầu may được làm chồng người đẹp. Tiếng kẽng vừa đánh lên, các “sĩ tử” thi nhau trổ tài. Không đầy ít khắc sau, phút giây đọc bài để phú ông và phú bà cùng chấm chọn mới hồi hộp làm sao. Ứng cử viên thứ nhất hắng giọng ngân nga:

- Cửa sổ lá vàng rơi
Ngựa ông chạy như chơi
Chạy đi rồi chạy lại
Chiếc lá vẫn còn rơi!


Ôi, ngựa chạy nhanh đến như gió thật! Phú ông vuốt râu gật gù.
Đến chàng thứ hai. Sau khi lấy giọng cho đúng tông, chàng ngâm nga:

- Mặt nước thả cây kim
Ngựa ông chạy hơn chim
Chạy đi rồi chạy lại
Cây kim vẫn chưa chìm

Ngựa mà chạy nhanh đến thế thì đúng là thần mã, nhanh hơn con ngựa chàng thứ nhất đến trăm lần đi chứ! Phú ông cười ha hả hài lòng, khen ngợi hết lời rồi gọi tên chàng thứ ba lên đọc. Vừa lúc ấy phú bà bị đau bụng nên mọi người chung quanh đều nghe một tiếng “i..ít..” phát ra từ ghế phú bà. Chàng thứ ba chộp ngay cơ hội, bịt mũi đọc to:

- Quan bà đánh cái “ít”
Ngựa ông chạy xa tít
Chạy đi rồi chạy lại
Lỗ đ…vẫn chưa khít!

Chạy đến mức đó thì chỉ có …siêu thần mã, trên đời này chỉ có mình ngựa của phú ông thôi! Thế là anh chàng được chấm giải nhất, và phú ông gả con gái cho.
Sau hết xin chép tặng quý bạn đọc vài câu đối về ngựa để ngâm nga bên tách trà xuân mừng tân niên thắng lợi:

-Kỳ khai đắc thắng (cờ tung đắc thắng)
Mã đáo thành công (Ngựa đến thành công)
– Bách hoa hiến tuế (Trăm hoa dâng tuổi)
Vạn mã tranh xuân ( Muôn ngựa giành xuân)
- Nhân hoa mã khiếu (Người vui, ngựa hí)
Điểu ngữ hoa hương ( Chim hót, hoa thơm)
- Thái vân truy nguyệt (Mây đẹp đuổi trăng)
Tuấn mã nghênh xuân (Ngựa hay đón tết)

Chuyện về ngựa còn nhiều nhưng giới hạn bài viết nên xin hẹn quý độc giả 12 năm nữa kể tiếp. Hy vọng đã mang lại cho quý vị vài tiếng cười vui trong những ngày mừng xuân mới Giáp Ngọ./

**
Thy Vũ Thư
Theo Banmaihong