Tại sao cần phải xuất gia?

Ảnh minh họa
Hỏi: Con kính đảnh lễ Thầy.
Lâu nay con được nghe Thầy giảng Pháp và hiện giờ con đang thực hành theo cách dạy của Thầy. Con cảm nhận có nhiều thay đổi trong tâm thức và cuộc sống giữa đời thường bỗng nhẹ nhàng cởi mở hơn. Con xin phép được hỏi, nếu như sự tu tập chỉ đơn giản là vậy thì sao phải cần xuất gia? Trong các Kinh Nikaya, đức Phật vẫn ngợi khen đời sống ẩn dật trong rừng, nhà vắng, cội cây và các vị đã giải thoát vẫn ở nơi thanh vắng không ra tiếp xúc với đời như các Bồ tát bên giáo lý Bắc Tông?
Kính mong Thầy từ bi giảng dạy cho con. Con kính chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Với lòng tôn kính. Con.

TS Viên Minh: Xuất gia là một trong những cách sống đạo phù hợp cho những người không bị ràng buộc trong đời sống gia đình, nhưng đó không phải là cách duy nhất để giác ngộ, vì có rất nhiều cư sĩ tại gia vẫn đắc quả Thánh. Sở dĩ đời sống xuất gia được đề cao vì đó là cách nhìn của quần chúng thời bấy giờ khi mà giai cấp Bà-la-môn là cao nhất và được trọng vọng nhất trong xã hội. Xuất gia và tu trong rừng không phải là nguyên lý cốt lõi của Đạo Phật. 
Việc ở trong rừng và nơi thanh vắng không phải là quy luật chung hay nguyên lý cốt lõi, mà chỉ dành cho một số Tăng sĩ cần môi trường đó, ngược lại nhiều vị xin vào rừng tu đức Phật lại không cho phép. Không phải ai đức Phật cũng khuyên vào rừng để tu giải thoát, Ngài còn khuyến khích chư Tăng đi đến những nơi dân chúng hung dữđể cải hóa họ, như trường hợp xứ Sunāparanta mà Punna đã tình nguyện dẫn chư Tăng đến đó hành đạo dù phải xả thân.
Nàng Patacara nhờ trải nghiệm một cuộc sống gia đình đầy đau thương mất mát mà khi nghe Phật dạy một bài kệ đã tỉnh ngộ, và khi đi khất thực về múc nước rửa chân thấy nước chảy xuống đất mà đắc quả Alahán. Ông Yassa chán cảnh vui chơi hưởng thụ vật chất đi lang thang gặp Phật nghe giảng liền đắc quả Tu-đà-hoàn... như vậy là nhờ thấy ra nguyên lý cốt lõi của Pháp. Do vậy, Giáo Pháp có 2 phần: Phần nguyên lý cốt lõi phù hợp cho mọi nơi, mọi thời, và phần tùy căn tính riêng của mỗi người, phong tục của mỗi xứ... mà vận dụng thì chỉ phù hợp cho từng căn tính, địa phương và thời gian đó mà thôi. Con cần lưu ý điểm này mới có thể hiểu đúng Phật Pháp, nếu không sẽ nhầm lẫn giữa cốt lõi và nhánh ngọn trong giáo pháp của Đức Phật.

Hỏi đáp: Trung Tâm Hộ Tông