Một lập luận khác về vấn đề não trái, não phải, logic và sáng tạo

Mặc dù khoa học – công nghệ hiện đại đã cực kỳ phát triển, mặc dù chúng ta đã tạo ra được những loại phần mềm thậm chí là những con robot cực kỳ hiện đại. Tuy nhiên, cỗ máy mạnh nhất, bí hiểm nhất trên hành tinh này vẫn là bộ óc của chúng ta. Có lẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới có thể tạo ra các loại trí thông minh nhân tạo sánh ngang được với trình độ bộ não con người.



Những robot mô phỏng con người thế này sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian để thực sự đạt đến trình độ của chúng ta.

Não bộ hoạt động như thế nào? Tại sao con người lại có tính cách khác nhau? Có vô vàn những bí mật đang được các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới tìm hiểu để có thể bật mí cho chúng ta trong tương lai. Một trong những bí ẩn về bộ não chính là về cấu tạo của nó: 2 nửa bán cầu – Não trái và Não phải.
Trong một bài viết trước đây khi nói về việc thuận tay trái ở người, chúng ta đã nói đến việc những người thuận tay trái thường có đại não phải hoạt động mạnh, những người thuật tay trái thường có xu hướng sáng tạo, ngược lại, những người thuận tay phải với đại não trái phát triển mạnh lại có xu hướng tuân theo logic. Thực tế thì kiến thức về não phải sáng tạo và não trái logic đã được sử dụng rất nhiều và nó thực sự đã, đang và sẽ là khái niệm được những nhà khoa học sử dụng để giảng dạy và tìm hiểu về bộ não con người, ít ra là cho đến khi chúng ta tìm ra được những bằng chứng mạnh mẽ, xác thực nhất để phủ nhận điều này.




Ví dụ như vấn đề tôn giáo và khoa học luôn đi kèm với nhau - Đây là điều được không ít người công nhận. Chính Bí ẩn về Não trái – Não phải của con người đã được sử dụng để giải thích điều này. Ông Jonathan Sacks - người đứng đầu cộng đồng người Do Thái ở Anh - đã phát biểu về Đạo Cơ đốc ở châu Âu trên đài BBC Radio 4: “…Tôn giáo được tạo ra từ phần não phải sáng tạo. Nhưng lại được xuất phát, truyền thụ bằng ngôn ngữ của não trái. Đây là lý do qua rất nhiều thế kỷ, chúng ta luôn nhìn nhận tôn giáo và khoa học với những nét tương đồng như nhau”.


Ông Jonathan Sacks - người đứng đầu cộng đồng người Do Thái ở Anh.

Mặc dù nhìn giống nhau, hai nửa bán cầu não của chúng ta có chức năng hoạt động khác nhau. Kiến thức phổ thông nhất mà ai cũng biết là việc những người có não trái phát triển sẽ phát triển mạnh về khả năng ngôn ngữ, lập luận hay giao tiếp. Trong khi đó, những người có não phải phát triển sẽ thiên về xu hướng nghệ thuật, cảm xúc. Tuy nhiên, ranh giới này cũng thường không rõ ràng, bán cầu não phải quyết định tâm trạng, cảm xúc nên cũng góp phần không nhỏ trong việc diễn đạt ngôn ngữ ví dụ như ngữ điệu, cảm xúc trong lời nói. Tuy nhiên, những nhà khoa học vẫn thống nhất với chức năng logic của não trái và sáng tạo của não phải, kiến thức này cũng đã trở nên rất phổ thông, được nhiều người thừa nhận. Một trong những ứng dụng mới nhất của iPad là The Faces iMake được quảng cáo là để phát triển sự sáng tạo của não phải là một trong những ví dụ dễ thấy về sự phổ biến của kiến thức này.


Faces iMake - Một ứng dụng để giúp phát triển sự sáng tạo của não bộ.
Theo lời quảng cáo thì ứng dụng này nhằm phát triển phần bán cầu não phải.

Những kiến thức của chúng ta về 2 phần bán cầu não chủ yếu là từ những cuộc nghiên cứu về não bộ vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Những nhà nghiên cứu đã quan sát những người có 2 phần bán cầu não tách rời riêng biệt. Những người này là những bệnh nhân có bó mô nối giữa 2 bán cầu não bị cắt đi để chữa bệnh động kinh. Hai nhà tâm lý học Roger Sperry và Michael Gazzaniga đã có cơ hội để nghiên cứu những hoạt động trong não bộ của những bệnh nhân này và kết luận cuối cùng họ đưa ra là 2 phần bán cầu não của con người hoạt động như những cỗ máy biệt lập với nhau và có những nét tương phản với nhau.

Micheal Gazzaniga.


Roger Sperry.

Trong những thí nghiệm được Michael Gazzaniga thực hiện trên những bệnh nhân đã được cắt bỏ mô nối giữa 2 phần não, ông đã đưa ra một kết luận khá thú vị. Nửa phần thân bên trái ( Phần được não phải quản lý) sẽ được yêu cầu có những hoạt động nào đó, sau đó những câu hỏi nhanh sẽ được đặt ra cho bệnh nhân để trả lời về những hành động vừa được yêu cầu làm. Bản năng ngôn ngữ ( Được điều khiển bởi bán cầu não trái) đã khiến cho bệnh nhân trả lời những câu hỏi nhanh này với kết quả hoàn toàn khác với ban đầu. Mặc dù ở trên cùng một cơ thể, chứng kiến cùng một hành động, 2 bán cầu não lại phản ứng và nhận biết những thứ xung quanh ta theo những cách khác nhau.
Trong bài viết về việc thuận tay trái hay phải có nói đến việc những người sử dụng tay trái sẽ có bán cầu não phải phát triển mạnh hơn, họ sẽ có xu hướng sáng tạo hơn những người thuận tay phải. Tuy nhiên, sáng tạo không đồng nghĩa với việc phải trở thành những nhà soạn nhạc tài ba hay những nhà khoa học vĩ đại. Như đã nói, bộ não con người là cỗ máy mạnh mẽ và phức tạp nhất trên hành tinh này, do đó, bộ não hoạt động theo những cách mà chúng ta vẫn chưa thể hiểu rõ được. Những câu đố, những câu hỏi mẹo hay những bài kiểm tra IQ luôn được mọi người cho là những chuẩn mực tuyệt đối về khả năng sáng tạo của bộ não. Tuy nhiên, sự sáng tạo của phần não phải thể hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau. Rất nhiều người không thể trả lời nổi những câu đố do họ không giỏi trong việc nhìn nhận sự việc, họ không sáng suốt, tuy nhiên, những người này lại có khả năng kể chuyện hoặc một hình thái nghệ thuật nào đó.



Những cuộc tranh luận về cách mà những bán cầu não hoạt động còn lâu mới ngã ngũ. Trong một bài báo trên tạp chí Scientific American vào năm 2002, Gazzaniga đã đưa ra một kết luận trái ngược với điều mà nhiều người tin tưởng. Theo ông, đại não trái là phần điều khiển ngôn ngữ nhưng lại là bộ phận sáng tạo còn phần bán cầu não phải lại là trung tâm của sự logic, suy luận khoa học. Đấy là chưa kể đến những quan điểm về tôn giáo khuyên răn chúng ta rằng linh hồn mới là cái gốc của con người, linh hồn quyết định hành động của chúng ta, nó không hề liên quan đến thể xác. Cũng như rất nhiều vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống hiện tại, cho đến khi chúng ta tìm ra câu trả lời thực sự, có lẽ phải để cho mỗi người tùy ý tin vào những gì chúng ta muốn. Hãy cùng chờ sự phát triển của khoa học để đưa cho bạn câu trả lời cuối cùng.




Tham khảo: Lifehacker

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét