Làm Nguội Bằng Tha Thứ
Khi bị ai làm hại ta không cần phải trả đũa. Nếu là tông đồ của đạo Chúa, Hồi hay Do Thái, bạn tin rằng họ bị Đấng Thiêng Liêng phạt rồi. Nếu theo đạo Phật, Ấn hay Sikh, bạn biết rằng kẻ làm ác không sao tránh khỏi ác nghiệp. Còn nếu là người theo đạo “Tâm lý liệu pháp” hiện đại, bạn chắc rằng người ấy sẽ tốn một số tiền lớn hơn và nhiều năm dài để nhờ bác sĩ chữa trị tâm thần vì mặc cảm tội lỗi.
Do đó bạn đâu cần “dạy họ một bài học” làm chi. Sáng suốt mà nhìn chúng ta thấy mình không cần làm quan tòa. Bằng buông xả và tha thứ chúng ta vẫn làm đầy đủ trách nhiệm công dân như thường.
Tôi có hai bạn tu người Phương Tây. Một sư từng phục vụ trong binh chủng Thủy Quân lục chiến Hoa Kỳ bị thương trong một trận đụng độ tại Việt Nam. Sư kia là một cựu thương gia rất thành công và “về hưu” lúc tuổi mới 25 cả hai đều lanh lợi, thẳng tánh và “chì”.
Các sư được dạy không nên cãi cọ hay đánh đấm nhưng hai sư này đang tranh cãi xém thoi nhau. Họ rất phẫn nộ. Trong lúc họ đang lời qua tiếng lại, nhà sư gốc lính bỗng sụp quỳ xuống chân nhà sư gốc thương gia và ngẩng đầu lên nói: “Xin lỗi sư. Xin sư tha thứ cho tôi”
Cử chỉ và lời nói ông phát xuất tự đáy lòng - tự nhiên và thành thật - khiến sư kia không cầm được nước mắt sau phút ngẩn ngơ.
Sau đó hai sư cùng sánh bước, bước đi của bạn tâm giao. Sư phải là như vậy đó.
Tha Thứ Tích Cực
Tôi thường nghe nói tha thứ dễ thực hành trong chùa hơn ngoài đời. Ở đời tha thứ thường hay bị lợi dụng. Người ta có khuynh hướng “qua mặt” bạn vì nghĩ rằng bạn yếu đuối. Tôi đồng ý. Tha thứ vì nhu nhược không thể đem lại kết quả tốt. Có câu rằng, “Đưa má ra lần thứ hai, bạn phải đi nha sĩ hai lần, thay vì một!”
Trong câu chuyện “Làm sao chận đứng nội loạn” số 33 kể trên, chánh phủ Thái Lan làm hơn việc tha thứ đơn thuần qua chánh sách khoan hồng vô điều kiện: họ tìm nguồn cội của vấn đề - nghèo khó - để giải quyết một cách thỏa đáng. Nhờ vậy chánh sách khoan hồng mới thành công.
Tôi gọi hình thức đó là “tha thứ tích cực”, “tích cực” hàm nghĩa gia cố các lợi điểm để chúng hình thành mỹ mãn. Còn “tha thứ” có nghĩa buông bỏ các điều xấu xa của vấn đề - để chúng lại đằng sau và đi tới. Ví như tưới hoa kiểng trong vườn, nếu chỉ tưới cỏ dại ta gây phiền toái, nếu tưới cỏ lẫn bông ta làm việc tha thứ đơn thuần, nếu chỉ tưới bông ta áp dụng sự tha thứ tích cực.
Lần nọ cách nay trên mươi lăm năm, sau một thời pháp tôi nói tại Perth vào một chiều thứ sáu, có một nữ tín chủ lên cám ơn tôi và cũng nhờ tôi cám ơn tất cả quý sư từng cho bà nghe pháp bấy lâu nay. Tôi biết mặt bà vì thấy bà đi nghe pháp hằng tuần từ lâu lắm rồi, nhưng chưa có dịp tiếp chuyện với bà. Bà nói bà đến viện lần đầu tiên cách nay bảy năm. Bấy giờ bà đi chùa để có lý do ra khỏi nhà hầu tránh ông chồng vũ phu trong vài tiếng đồng hồ. Chồng bà rất hồ đồ và hay tay đánh chân đạp khiến bà khổ vô cùng, nhưng bà không biết nhờ vào ai (vì lúc đó chưa có biện pháp chế tài đối với các hành động vũ phu và bà không thể ly dị).
Nhưng pháp thoại đã thay đổi đời bà. Bà nghe được nhiều chuyện về “tha thứ tích cực” do các sư thuyết. Bà nhất định áp dụng. Bà nói mỗi lần chồng bà kiếm chuyện đánh chửi bà, bà tha thứ cho ông và bỏ qua mọi chuyện. Bà làm thế nào, không ai biết, chỉ mình bà thôi. Và mỗi lần ông có lời nói hay cử chỉ nhu hòa, dẫu rất nhỏ nhặt, bà đều đáp lại bằng lời nói hay cử chỉ để ông thấy bà trân quý việc ông làm đối với bà. Bà không bỏ lỡ dịp nào hết.
Bà thở ra và cho biết bà phải chờ những bảy năm dài. Bà ứa nước mắt, tôi cũng vậy.
“Bảy năm,” bà nhấn mạnh. Rồi bà tiếp, “Và bây giờ sư không thể tưởng tượng được đâu, ông nhà tôi hoàn toàn đổi khác. Chúng tôi rất thương yêu nhau và có hai mụn con kháu khỉnh.” Mặt bà sáng lên như có hào quang của bậc thánh khiến tâm tôi chùng xuống như muốn xá bà.
“Sư nhìn xem,” bà chỉ cho tôi xem chiếc ghế bà dùng để ngồi thiền và nói, “ông ấy mới đóng trong tuần để làm quà bất ngờ cho tôi đó.” “Bảy năm về trước chiếc ghế như vậy chỉ được dùng để phang tôi thôi” bà cười đùa. Tôi cười theo bà và cái nghẹn trong cổ tôi biến mất tự bao giờ.
Tôi rất quý trọng người đàn bà này. Bà đang tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời, tôi biết, biết qua gương mặt rạng rỡ của bà. Và, bà đã cải hóa một hung thần thành một ông chồng thương yêu đùm bọc gia đình. Bà đã giúp một người. Cao thượng thay!
Trên đây là một ví dụ quý hiếm về “sự tha thứ tích cực” mà những ai đang bước trên đường nhập dòng Thánh mới có thể ban bố. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy được các lợi lạc khi tha thứ với thiện tâm.
Mở rộng cửa tâm mình
Và những mẩu chuyện Phật Giáo nói về hạnh phúc
Tác giả: Ajahn Brahm
Dịch giả: Chơn Quán Trần Ngọc Lợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét