Mặc Hội: sự kết hợp giữa Thiền và Hội hoạ


Thiền đến Nhật Bản vào thế kỷ XII và suốt hơn tám trăm năm lịch sử vừa qua , nó đã ảnh hưởng một cách sâu sắc đến đời sống của đất nước này , trong nhiều phương diện , đặc biệt là tầng lớp có học thức và có văn hóa , một trong những biểu hiện của ảnh hưởng đó là sự ra đời của Trà đạo, Hoa đạo, Kiếm đạo … và Mặc hội (sumlye , vẽ mực ) sự tinh tế và nghiêm khắc mang dấu ấn Nhật Bản một cách đặc thù . Thiền đã đem đến một đời sống tâm linh cho văn hoá trong những lĩnh vực này . Ở đây chỉ nói đôi chút về nghệ thuật Mặc hội .Mặc hội là một lối vẽ không theo nguyên tắc hội họa thông thường , nó là môt lối vẽ phác đen trắng , nguyên sơ , mực được làm bằng bồ hóng , cây cọ làm bằng lông dê hoặc lông thỏ ( nhưng phổ biến là lông thỏ , vì nó hút được nhiều mực ) Giấy vẽ là loại giấy mỏng dễ thấm mực , khác với các loại giấy vẽ khác . Sự khác biệt này rất có ý nghĩa đối với một nghệ sĩ mặc hội và một họa sĩ sơn dầu …
Nghệ thuật mặc hội đòi hỏi sự hoàn nhập dứt khoát ở tâm và hành động , tác phẩm được thực hiện trong khoảnh khắc , nét cọ được phóng tiên tục trong vô niệm , bởi nếu không dứt khoát , nếu tâm nghệ sĩ ngập ngừng chỉ môt sát na thôi , nét cọ thấm đầy mực nước sẽ làm hỏng giấy . Nét vẽ trong mặc hội là những đường nét tuyệt đối cần thiết , không gò bó , tuyệt đối không có sự tẩy xóa , chỉnh sửa và không bố cục về ý thức . Có một mô tả thế này , khi nghệ sĩ mặc hội vung tay , tác phẩm thành ! Cánh tay nét cọ tuân thủ theo cảm hứng nghệ thuật của nghệ sĩ . Trong khoảnh khắc sáng tác , tất cả những gì có thể thấy được ở nghệ sĩ , kể cả con người của anh ta đếu như những phương tiện , nét cọ dường như thực hiện theo một năng lực không cần đến những nỗ lực và ý thức của anh ta . Mọi suy nghĩ và lý luận về tác phẩm nếu xuất hiện giữa cây cọ và mảnh giấy , tác phẩm sẽ không thành ! Đó là mặc hội , nghệ thuật đặc thù của phương Đông , xuất phát từ Nhật Bản , một sự hài hòa kỳ diệu giữa Thiền và văn hóa ở đất nước Phù Tang vốn nhiều tinh tế .
Mặc Hội nhìn thì đơn giản , nhưng không phải thế . Nó biến ảo vô cùng . Tranh mặc hội không có sáng tối , không có cận viễn , mặc hội không mô tả , không sao chép thực tế , mà là hiện thân của tinh thần , một sự vận chuyển không ngừng , như dòng suối . Do thế tác phẩm mặc hội hàm ẩn sự sống động tuyệt vời .
Một cành bách hợp lẻ loi đang nở nụ trong nghệ thuật mặc hội , với người xem , là một trinh nữ với tinh thần sống động , nồng nhiệt và thơ ngây được che chở qua cơn giông bão của cuộc đời . Môt chiếc thuyền được chấm phá bằng màu mực đen trên giấy trắng tưởng như đơn điệu , nhưng khi ngắm kỹ , một cảnh bao la của đại dương không biết đâu là bờ bến hiện diện , truyền cho người xem một ấn tượng diệu kỳ về sức sống vĩnh cửu , về thân phận cô đơn tột cùng của con người giữa cõi nhân sinh , giữa vũ trụ này …
Một khoảnh khắc phóng cọ , nét cọ dừng ,thế là hoàn thánh tác phẩm . Khoảnh khắc đó vô tâm , siêu việt ý thức , vượt lên trên mọi sắp đặt . Một nét phóng cọ Đạt Ma cửu niên diên bích thành ! Khoảnh khắc ấy là đỉnh , là sự bùng vỡ , là giọt nước cuối cùng làm nước tràn ra khỏi miệng ly . Đó cũng là kết quả của một quá trình rèn luyện tâm và thân , tâm và thân là một ! Thế nên người Nhật mới gọi đó là “đạo”, mặc hội là đạo vậy .

( Tham khảo : DT . Suzukhi , Thiền luận )

NGUYỄN ĐỨC ( Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 11 )