Sau đây là câu chuyện minh chứng điều này: Một học giả có tánh kiêu ngạo, thỉnh thoảng đón đò qua sông, thường nhìn người lái đò nghèo với cặp mắt khinh miệt và hỏi những câu hỏi đại khái như:
- Anh có nghiên cứu khí tượng học không?
- Anh có nghiên cứu hải dương học không?
Khi người lái đò trả lời rằng ông ta không biết gì về các môn đó cả, và đúng ra, thì ông ta chẳng bao giờ đến trường học; nhà học giả nhìn người lái đò với vẻ kinh hoàng nói rằng:
- Anh đã phung phí đời sống của mình để chỉ làm cái việc đưa người qua sông.
Người lái đò im lặng.
Nhưng ít lâu sau đó, nhà học giả lại đi đò qua sông. Lúc đến giữa dòng, người lái đò bỗng hỏi nhà học giả:
- Ông có nghiên cứu về khoa bơi lội không?
- Không, tại sao? Nhà học giả hốt hoảng hỏi.
- Tại vì có một cơn bão sắp xảy ra. Thường những cơn bão vùng này rất mãnh liệt và nếu ghe bị lật thì chúng ta phải biết lội để vào bờ.
Sự phân tích và suy diễn bằng tri thức không đưa đến giải thoát mà chỉ làm rối ren thêm.
J.Krishnamurti đã viết:
“Không thể dùng sự suy tư của mình để tìm kiếm sự vô hạn bởi vì suy tư tự nó là hữu hạn. Sự siêu việt không nằm trong cơ cấu của suy tư và luận lý, cũng không phải là sản phẩm của xúc động và tình cảm. Nếu bạn đi tìm sự tối thượng thì bạn sẽ không thấy nó đâu, nó chỉ đến với bạn khi bạn mở rộng con tim của mình chứ không phải do sự suy tư của bạn”.
Chúng ta phải thật sự mở rộng con tim của chúng ta, và điều này chỉ có được nếu chúng ta biết sống một cách an bình, hài hòa và không gay gắt. Nếu không có niềm vui trong cuộc đời thì tim ta sẽ không bao giờ mở rộng. Vì vậy, phải nhiệt tình yêu thích cuộc sống, có niềm vui trong cuộc sống, có ước muốn hòa điệu và khiêm nhường với mọi người (chúng ta sẵn sàng cúi sát xuống mặt đất, mặc dầu mặt đất không được sạch lắm).
Chân lý giống như gió, không thể bị nhốt trong lọ hay cất giữ làm của riêng để ngắm nhìn thỏa thích một cách ích kỷ, cho là ta hay của ta. Chân lý cũng không thể được lưu trữ trong chất thuốc ướp xác. Chân lý cũng không phải thuộc về quá khứ như xương của loài khủng long mà chân lý là ở đây, ngay bây giờ, và phải được chứng nghiệm liên tục như thế.
Cố gắng tìm kiếm chân lý trong màn lưới ngôn từ như bao nhiêu người đã say mê làm thì cũng vô ích như lấy dây xích để cột biển cả, không cho nước biển dâng lên hay hạ xuống.
Có hai vị thầy nổi tiếng, một người thu thập kiến thức qua đường học vấn, học từ các giáo sư hay qua sách vở. Còn vị kia phát triển kiến thức mình bằng cách quan sát đời sống chung quanh ông ta, và bằng những kinh nghiệm trực tiếp của bản thân.
Ngày nọ, một người đàn ông quyết định thử hai vị thầy, xem thử các vị có thực sự hiểu những gì mà họ đã dạy cho người khác hay không? Người đó đến với vị thầy thứ nhất và nói với ông ta rằng:
“Thưa thầy, thầy có thể chỉ trong vài câu giải thích cho tôi nghe những điều thầy đã dạy được không?”
Vị thầy rất tức giận trước thái độ vô lễ của người này nên la mắng anh ta:
“Làm sao anh có thể đòi hỏi ta, chỉ trong vài câu, giải thích những gì mà ta phải học suốt đời người? Cút đi! Ðừng làm mất thì giờ của ta.”
Người ấy bèn đi đến vị thầy thứ hai, và cũng hỏi cùng câu hỏi đó. Vị thầy thứ hai mỉm cười và nói:
“Ðược! hãy nghe ta nói đây:
“Ðừng làm cho người khác những gì mà ta không thích người khác làm cho mình." (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân)”.
Tất cả những lời dạy dỗ khác chẳng qua cũng chỉ là những điều giải thích cho câu này thôi.
Ðây là quy luật mẫu mực được tìm thấy trong mọi tôn giáo, không độc quyền cho một tôn giáo nào cả.
Ðức Khổng tử đã giải thích điều đó, Ðức Phật Thích Ca cũng đã dạy điều đó hơn 500 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Ðiều đó đã đúng trong quá khứ khi người ta áp dụng nó. Ðiều đó cũng đúng trong hiện tại nếu người ta để ý thực hành. Ðó là một chìa khóa vĩ đại. Không có gì bí ẩn trong cách thức sử dụng chìa khóa này cả. Thật ra, lời dạy ấy cũng rất đơn giản khi đem ra áp dụng trong việc giao tiếp với người khác.
Hôm nọ, một người nông phu đến gặp người láng giềng của mình và than phiền rằng: Con bò tót của người láng giềng đã húc bị thương con bò của anh ta và đòi người láng giềng này phải bồi thường.
Người láng giềng bảo rằng:
- Ồ! Tôi rất buồn khi nghe tin con bò của bạn bị thương. Nhưng anh bạn nên biết, nó là súc vật nên không gánh vác trách nhiệm gì về việc chúng làm cả. Do đó, tôi cũng chẳng có trách nhiệm gì về con bò của tôi.
Người nông dân bèn nói:
- Ồ! Tôi hiểu rồi. Xin lỗi, tôi đã nói lộn, thật ra thì con bò tót của tôi đã húc, và làm bị thương con bò của anh.
Thế là, người láng giềng la lớn:
- Cái gì? Nếu vậy thì tôi cần mở sách luật ra để biết phải làm gì đây. Chắc tôi sẽ được bồi thường.
Công lý không phải chỉ một chiều. Nếu chúng ta muốn người khác công bằng với chúng ta thì chúng ta phải công bằng với người khác trước. Vấn đề là: người ta thường muốn kẻ khác tôn trọng quyền lợi và tự do của mình nhưng họ không tôn trọng quyền lợi và tự do của người khác. Họ nghĩ rằng luật pháp chỉ đúng, khi luật pháp bảo vệ quyền lợi của họ, và luật pháp sẽ sai nếu luật pháp ngăn cản điều gì họ muốn làm.
Nếu muốn tìm thấy chân lý thì điều quan trọng nhất là phải thành thật
Trang tử đã nói:
“Nơi nào không có người chân thật thì không có chân lý.”
Ðiều này có nghĩa là: Muốn tìm kiếm chân lý thì phải thành thật trước đã nếu không thì chỉ là làm một chuyện vô ích thôi.
Nếu muốn có kết quả tốt, ta phải đem ra áp dụng những điều mình đã học. Những điều học hỏi sẽ trở thành vô ích nếu chúng chỉ thuần là sự tin tưởng suông hay chỉ là trò chơi của trí thức. Một số người thu hoạch thật nhiều kiến thức nhưng không đem ra áp dụng. Họ trở thành những người bị bệnh “bón trí thức”. Trong trường hợp này, kiến thức sẽ trở thành một gánh nặng.
Hòa thượng Abhiññana
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Sư Khánh Hỷ