Ấm áp tình người - Ông Mỹ tình nguyện phục vụ quán cơm 2000 đồng
Quán cơm 2.000 đồng vào giữa trưa đông nghẹt khách. Len lỏi giữa hơn 100 thực khách nghèo, một ông Mỹ cao lêu nghêu đến từng bàn “châm” cơm thêm cho khách.
Ông Tây đó là John William Kelly, nhưng những người trong quán thường gọi là “Chon”, một người Mỹ đang là tình nguyện viên phục vụ không công (6 ngày/tuần) tại quán cơm 2.000 đồng Nụ Cười 1 (số 6 Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM).
Năm 1970, khi chiến sự ở VN còn căng thẳng, John nhập ngũ làm ở bộ phận kỹ thuật, đóng tại Alaska (Mỹ).
Đến năm 2004, khi có dịp đến thăm VN, vào bảo tàng trưng bày chứng tích chiến tranh, John mới thật sự cảm nhận được những mất mát mà chiến tranh để lại và “Tôi biết mình cần phải làm một điều gì đó cho con người ở đất nước này để phần nào bù đắp lại”.
Ông “Chon” đang châm cơm thêm cho người nghèo tại quán cơm 2.000 đồng Nụ Cười 1
- Ảnh: Nguyễn Tập
John làm Giám đốc bưu điện của TP.Palo Alto (bang California, Mỹ), nhân viên dưới tay ông lên đến 300 người nên công việc cực kỳ bận rộn. Vì thế, mãi đến năm 2011, khi nghỉ hưu John mới có cơ hội để thực hiện mong ước của mình. John liên lạc với nhóm Helping Hand Saigon (một nhóm từ thiện ở TP.HCM), mua vé máy bay đến VN để tham gia đi tặng quà, giúp đỡ người nghèo khổ, trẻ mồ côi, khuyết tật… Đều đặn như thế, 3 năm nay năm nào John cũng đến VN “để làm một điều gì đó có ý nghĩa”.
Biết đến quán cơm 2.000 đồng Nụ Cười 1 qua một người bạn VN, John đến quán, đóng góp một số tiền và đề nghị: “Tôi muốn làm tình nguyện viên không lương. Tôi ở VN chỉ 3 tháng, nên muốn tận dụng tối đa thời gian. Hãy giao việc và làm tôi bận rộn”.
Sài Gòn những ngày nắng gắt, John vẫn đi làm đều đặn, nghiêm túc. Tôi đến quán từ sớm đã thấy John mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ gay đang hì hục vật lộn với đống thịt cá, rau củ cùng những tình nguyện viên khác. Anh Phan Bình Ái, đầu bếp chính của quán cơm Nụ Cười 1, cho biết: “Ông Chon siêng lắm. Ngày nào cũng có mặt lúc 8 giờ sáng và làm liên tục đến khi hết khách mới về”.
Ngoài việc phụ bếp, nhiệm vụ của John là “châm” cơm thêm cho khách. “Không biết tiếng Việt, làm sao ông nói họ hiểu?”, tôi hỏi. John nháy mắt: “Tôi có “bảo bối”. Nói rồi ông lấy từ cái tạp dề trước bụng ra… một mẩu giấy nhỏ và… một trái chuối. Thì ra, John nhờ cô tiếp tân ở khách sạn đang cư trú viết giùm dòng chữ bằng tiếng Việt: “Bạn có muốn cơm thêm không?”. Thế là mỗi lúc đi tiếp cơm, ông lại chìa mẩu giấy đó ra. “Bây giờ tôi biết nói chút chút rồi đấy. Ít khi phải chìa “thẻ” ra nữa”, nói rồi John cố gắng tròn miệng ra nói: “Com them khong?”. Còn quả chuối? Đó cũng là một bí mật nho nhỏ của John. Mỗi khi có đứa bé nào vào ăn ngoan, bên cạnh phần chuối tráng miệng, ông cho thêm trái chuối mang về.
11 giờ trưa, khách bắt đầu đến ăn. John cáo lỗi chúng tôi để trở lại làm việc. Ông Tây 61 tuổi lại thoăn thoắt bới cơm, mang đến từng bàn tiếp cơm thêm cho khách, miệng luôn nở nụ cười.
Nguyễn Tập