Tổ chức bất vụ lợi giúp trẻ em ngoài đường phố tự lập

Trong đời sống của con người, một chuyện tình cờ hay một biến cố nào đó có thể làm thay đổi quan niệm hay tư duy của một người. Trong câu chuyện nước Mỹ tuần này mời quý thính giả theo dõi câu chuyện của hai tổ chức từ thiện giúp trẻ em được thành lập do những người sáng lập ngẫu nhiên chứng kiến những cảnh tượng làm thay đổi cuộc sống của họ qua bài viết của Thông tín viên Faiza Elmasry và Jan Sluizer.Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, trên toàn thế giới có khoảng 210 triệu trẻ em mồ côi hay sống trên đường phố, bị đẩy vào một cuộc sống bấp bênh do chiến tranh, nghèo đói hay bệnh tật. Trong số các tổ chức hoạt động để giúp các em này có một tổ chức được thành lập do một cuộc gặp gỡ tình cờ trên một đường phố ở New Delhi. Thông tín viên Faiza Elmasry tường trình về tổ chức Giúp trẻ Mồ côi và trọng tâm của tổ chức là dạy các em sống trên đường phố những kỹ năng cần thiết để có một tương lai tốt đẹp hơn.

image
Vào năm 2004, bà Sarah Ehrlich đến thăm Ấn Độ với chồng là một người buôn bán các tác phẩm nghệ thuật. Một ngày kia trong khi bà đang ngồi trong xe chờ chồng mua một tác phẩm nghệ thuật trong một cửa hàng, một bé trai đến gần bà.
“Em khoảng 8 tuổi và đang bồng một trẻ sơ sinh chưa đến một tuần lễ. Em đứng cạnh cửa xe tôi. Em tiếp tục đưa đầu em bé về phía xe tôi và nói xin giúp nuôi đứa bé. Mỗi lần em tiến tới thì đầu em bé đụng vào cửa sau xe tôi.”

Khoảnh khắc này đã làm thay đổi cuộc đời của bà.

“Vào thời điểm đó tôi chỉ muốn dành toàn bộ cuộc đời của tôi giúp các trẻ em sống trên đường phố, và các trẻ mồ côi. Tôi không thể nào nhìn thấy các trẻ em sống như vậy.”
Bà Sarah Ehrlich bắt đầu tặng tiền cho các tổ chức từ thiện làm việc với các viện mồ côi tại Ấn Độ. Một năm sau đó, vào năm 2005, bà thành lập tổ chức “Giúp trẻ Mồ côi.” Tổ chức bất vụ lợi này áp dụng một lối làm việc toàn diện để giúp các trẻ em sống trên đường phố.

image
“Tổ chức dạy các em kỹ năng làm việc, giúp các em tự túc và trở thành những công dân giúp lại cộng đồng của các em.”

Tổ chức “Giúp trẻ Mồ côi” hiện làm việc với các tổ chức tại Châu Mỹ La Tinh, châu Á và châu Phi. Tại Kisii, Kenya, tổ chức giúp xây một trường học. Trong số 150 học sinh theo học có 45 em mồ côi.

“Chúng tôi giúp các em có được sự hiểu biết-từ tiểu học đến trung học. Sau đó chúng tôi giúp các em theo học đại học.”
Ông Peter Mageri là hiệu trưởng trường Kisii. Ông nói chương trình học bao gồm việc dạy nghề.

“…như làm nghề nông, trong phạm vi nhỏ, trồng một số cây lương thực địa phương. Chúng tôi cũng dạy các em nghề mộc, xây nhà và dạy các em về máy vi tính.”

image
Bà Sarah Erhlich nói chương trình dạy nghề thay đổi tùy theo quốc gia.

“Chẳng hạn như, chúng tôi đã làm một cuộc thăm dò tại Honduras. Và những kỹ năng chúng tôi biết các em sẽ có việc làm, như là thợ điện hay thợ sửa chữa ôtô đối với các em trai, và đối với các em gái là thợ may hay y tá.”

Tại Haiti chẳng hạn, tổ chức Giúp trẻ Mồ côi chú trọng đến việc nuôi gà vịt, hợp tác với Làng Trẻ em Quốc tế SOS. Phát ngôn viên của tổ chức tại Port-au-Prince Laguerre Reynald, hy vọng sẽ có khoảng 40 em tham dự các lớp dạy nghề bắt đầu vào tháng 9.

“Các em sẽ được học cách cho gà ăn, chăm sóc gà, lấy trứng. Các em cũng được học cách nấu nướng và tự chăm sóc.”

image
Bà Sarah Ehrlich rất phấn khởi về dự án này.

“Trên căn bản là lắp đặt khoảng 8.000 chuồng gà cho ra 7.500 trứng mỗi ngày. Do đó tạo ra nhiều việc làm.”

Bà Erhlich nói chương trình này có thể trở thành kiểu mẫu cho những nơi khác, giúp cho nhiều trẻ mồ côi và cộng đồng của các em.

---------------------------------------------------

Suy dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu giết hại những trẻ em dưới 5 tuổi. Khoảng 6 triệu trẻ em thiệt mạng mỗi năm vì suy dinh dưỡng trên toàn thế giới. Thông tín viên Jan Sluizer tường trình về một công ty tại San Francisco, California làm một số công việc để giải quyết vấn đề sức khoẻ khẩn cấp toàn cầu này.

image
Ở vào tuổi mà hầu hết người Mỹ nghĩ đến chuyện về hưu, ông Lauren Walters, một nhà hoạt động chính trị lâu năm và là một doanh nhân, đến Rwanda với một sứ mạng. Ông đã trao tặng một số tiền đáng kể cho một tổ chức chăm sóc sức khỏe và muốn thấy tận mắt sự đóng góp của ông đi về đâu. Ông Walters nói chuyến đi thăm một bệnh viện tại Đông Phi vào năm 2007 thay đổi ông.
“Điều tôi học được là đối với việc suy dinh dưỡng của trẻ em chúng ta cần phải làm gì. Chúng tôi biết được làm cách nào để đưa các em tránh xa bờ vực thẳm.”
Ông biết được là để làm việc này chỉ cần một gói kẹo giàu chất dinh dưỡng protein.
“Đây là những gói—những gói nhỏ-được sản xuất theo những công thức y học tạo ra 500 calo. Căn bản là bơ đậu phộng ngọt với nhiều vitamin. Những gói này được phát một ngày vài gói trong vòng từ 4 đến 6 tuần lễ có thể mang một em bé khỏi bờ vực thẳm và có thể cho các em cơ hội, nếu các em có đủ dinh dưỡng, sẽ phát triển bình thường.”

image
Cứ mỗi thanh Two Degrees được bán, công ty sẽ ủng hộ một gói thức ăn cho các cộng đồng nghèo trên khắp thế giới
Tuy nhiên ông Walters lo ngại là những cơ quan cứu trợ và những tổ chức nhân đạo không có khả năng phân phối đủ những gói nhỏ để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của các em. Do đó ông nghĩ ra một phương cách giúp đáp ứng được nhu cầu: thành lập một công ty thực phẩm căn cứ trên kiểu mẫu một-bù-một. Đối với mỗi món hàng bán được, một bữa ăn bổ dưỡng sẽ được tặng cho một em suy dinh dưỡng.
image
“Ý kiến một-bù-một là phương cách duy nhất để thu hút hàng triệu người Mỹ, người châu Âu và những người khác một ngày nào đó sẽ là người mua với ý niệm là họ có thể làm điều gì đó cho họ và điều gì đó tốt cho người khác và họ có thể kết nối theo một phương cách thực sự tích cực đối với những người nghèo và những trẻ em đang đói. Đó là một cách nghĩ về các sự việc. Nếu chúng ta có thể tạo ra những cách dễ dàng để giúp người khác thì tôi nghĩ việc này có thể thực sự thay đổi thế giới.”
Vào thời điểm đó, anh Will Hauser cũng sẵn sàng thay đổi thế giới. Cha mẹ anh và ông Lauren Walters là bạn cũ, và anh Hauser cũng thường gọi ông Walters để hỏi ý kiến về công việc doanh thương.
Là một người tốt nghiệp trường đại học Harvard và đang làm việc trong ngành tài chính tại New York, anh Hauser nói với ông Walters là anh không hài lòng với công việc hiện tại và đang tìm một con đường khác. Khi ông Walters giải thích điều ông muốn làm, anh Hauser liền chộp ngay lấy dịp may này để trở thành một phần trong công ty Two Degrees Food Bar Company.

image
“Đối với tôi công ty Two Degrees Food Bar Company là một sự kết hợp hoàn hảo giữa lòng yêu thích kinh doanh và lòng mong muốn lâu nay của tôi là muốn làm một điều gì tốt.”
Tên của công ty phản ánh hai bước liên hệ đến việc giúp một em suy dinh dưỡng. Đối với mỗi thanh tăng lực Hai Mức Độ được bán ra, công ty tặng một gói thực phẩm làm sẵn cho các cộng đồng nghèo khó trên toàn thế giới.
Những gói này được Liên Hiệp Quốc và những cơ quan cứu trợ khác phân phối, được sản xuất tại châu Âu và Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Walters nói ông muốn mua những gói được sản xuất tại những nơi cần đến những gói này.
“Chúng tôi quyết định là theo giá trị của chúng tôi, chúng tôi không muốn mua Thực phẩm Chữa bệnh Sẵn sàng Sử dụng làm tại Pháp hay Hoa Kỳ và chở sang châu Phi hay Haiti. Chúng tôi muốn thực phẩm này được chế tạo tại địa phương, vì chúng tôi nghĩ đây là mô hình phát triển tốt nhất. Mọi người cần việc làm. Và ngay cả theo phương cách nhỏ bé của chúng tôi, nếu chúng tôi có thể góp phần thỏa mãn cho nhu cầu theo cách địa phương, chúng tôi có thể giúp phá vỡ chu kỳ thường dẫn đến việc suy dinh dưỡng ở trẻ em.”
Công ty Two Degrees Food Bar Company ký hợp đồng với công ty Valid Nutrition, có trụ sở tại Malawi để làm những gói này. Vào tháng Hai năm 2011, một năm sau khi công ty Hai Mức Độ được thành lập, ông Will Hauser đi thăm Malawi để chứng kiến 11 ngàn gói bổ dưỡng do công ty ông trao tặng được phân phối cho các trẻ em đói.

image
Ông Hauser nói chuyến đi đã thay đổi ông.

“Đây thực sự là một kinh nghiệm làm thức tỉnh khi thấy một em suy dinh dưỡng trầm trọng. Đây thực sự là một kinh nghiệm gây xúc động. Thấy tận mắt điều này khiến tôi tự hỏi làm thế nào chuyện này lại có thể xảy ra.”

image
Hai năm sau đó, ông Walters và Hauser có kế hoạch lớn hơn nữa đối với công ty của hai ông. Họ hy vọng trao tặng hàng triệu gói thức ăn bổ dưỡng mỗi năm bằng cách mở rộng việc trao tặng của họ. Hai ông đang làm việc để sản xuất ra nhiều sản phẩm ăn vặt giàu chất dinh dưỡng, gồm có món ăn sáng bằng ngũ cốc, cà phê và có thể là sữa chua. Tất cả đều được đóng gói với nhãn hiệu Two Degrees Food Bar Company.


Faiza Elmasry,  Jan Sluizer