Trí tuệ ở ghế bên cạnh

Đối với mọi người, đời sống là một cuộc phấn đấu. Buồn phiền dường như vô tận, nhưng vẫn có chỗ cho bình an. Lòng từ có thể là một phương thuốc, còn chuỗi tương quan vô tận và phức tạp của nhân với quả để đưa đến sự hiển lộ của một biến cố thì trùng trùng. Đức Phật nói rằng nghiệp là một trong “những cái vô lượng”. Tôi nghĩ đến sự kết nối bí mật giữa một người học sinh trẻ ở Guadalcanal đi đến trường với số tiền học bổng có nguyên do từ một người trẻ tên Jim chọn gia nhập Hải quân thay vì Lục quân sáu mươi năm về trước.
Khi còn nhỏ, tôi thường lắng nghe mẹ tôi gợi chuyện với người xa lạ trên xe điện và để ý thấy rằng họ luôn sẵn sang trò chuyện . Bà nói chuyện cả với các bạn tôi khi họ đến thăm tôi. Tôi nhớ những người trong gia đình khen bà: ” Gladys là một người biết nói chuyện”. Tôi cũng nhớ khi tôi rời nhà để vào đại học, bà khuyên tôi: ”Sylvia à, con hãy quan tâm đến người khác. Khi gặp người nào, con hãy hỏi thăm điều gì đó về họ, hỏi họ đang học gì chẳng hạn. Việc này rất quan trọng. Hãy lưu tâm đến họ. Đừng ra vẻ ta đây. Hãy thực sự quan tâm. Người ta sẽ quý mến con”.
Phần quan trọng nhất trong lời khuyên đó, tôi nghĩ là ” hãy thật sự quan tâm”. Việc kết nối bằng sự quan tâm ấm áp làm cho tôi có cảm giác về một sự trao đổi tình thương. ” Chào bạn” chỉ có nghĩa là tôi biết bạn hiện diện ở nơi này. Nhưng”Bạn có khỏe không?” là bước đầu của sự kết nối. Thật sự là bất cứ người nào ngồi bên cạnh tôi trên máy bay trên xe buýt hay bất cứ chỗ nào khác, khi có thời gian trò chuyện, đều biết một vài điều gì đó về cách sống một cuộc sống có đầy thách thức- vì đời sống của mỗi người đều là một cuộc phấn đấu.
Từ kinh nghiệm, tôi thấy rằng hầu hết mọi người đều yêu mến tình bạn và trân trọng những phút giây chia sẻ, kết nối. Trong những câu chuyện xưa kể về những hành giả tâm linh, thường có một người du hành trên một con đường dài và đầy khó khăn để tìm một vị hiền triết có câu trả lời có thể giải quyết mọi sự. Tôi cảm thấy như có tấm phao để nổi khi được nghe một người nói chuyện về họ. Phải chăng những điều được nghe làm cho tâm hồn tôi thăng hoa, hay phút giây kết nối trong việc tìm thấy nhau nâng tâm hồn tôi lên.
Kinh nghiệm cho tôi biết rằng nói chuyện với một người trên xe điện, xe buýt, trên máy bay hay ngay cả khi xếp hàng ở siêu thị thường cho tôi một bài học quý giá, và tôi luôn sẵn sàng để đón nhận những cơ hội như vậy.
Như khi tôi có mặt trên chuyến bay từ San Francisco đi New York. Một giờ sau khi tôi vào ngồi trên một chiếc ghế cạnh cửa sổ gần hang ghế đầu, một người phụ nữ đến đứng trong lối đi giữa hai hàng ghế đưa mắt nhìn tôi, hỏi: ” Thưa bà, tôi có thể đến ngồi trên chiếc ghế trống ở giữa trong nửa tiếng cuối của chuyến bay không? Tôi ngồi tận phía sau kia”.
“Vâng, thưa được,” tôi trả lời và nhìn sang người đàn ông ngồi ở chiếc ghế sát lối đi. Ông ta cũng tỏ vẻ bằng lòng.
“Cám ơn bà”, bà nói.”Tôi sẽ quay trở lại”.
Bốn giờ sau, người phụ nữ quay trở lại. Bà đặt chiếc áo choàng vào hộc hành lý phía trên đầu rồi ngồi vào chiếc ghế giữa. Bà nói lời cảm ơn lần nữa.
“Không có gì, thưa bà”, tôi nói.”Tại sao giờ này bà lại muốn chuyển đến ngồi ở đây, máy bay sắp đến nơi rồi?”.
“Tôi mắc chứng bịnh sợ bị bỏ rơi trong không gian chật hẹp ( claustrophobia) “, bà trả lời.” Ở trên máy bay dù ngồi tận phía sau tôi cũng không sao khi mọi người đều ngồi yên. Nhưng khi mọi người dừng lạị ở cửa và đứng đợi để xuống, không di chuyển được, tôi cảm thấy sao xuyến không yên . Vì vậy tôi muốn bước ra ngoài càng sớm càng tốt”.
“Cám ơn được nghe bà nói”, tôi cười.
“Tôi luôn luôn như vậy”, bà trả lời.” Tôi không có gì phải ngượng. Mỗi người đều có vấn đề của họ. Tôi thì sợ bị bỏ rơi”.
“Bà sống ở New York hay chỉ viếng thăm?”tôi hỏi. “Tôi sống ở San Francisco. Tôi đến tham dự tang lễ của người anh rể. Anh ấy qua đời ngày hôm kia.Anh ấy và chị tôi sống ở New York. Tôi có ba người anh trai cũng sống ở đó. Còn hai chị gái thì sống ở California, gần tôi. Họ ngồi ở phía sau”.
“Chúc mừng bà có một gia đình đông đúc”, tôi nói.” Những lúc như thế này rất là quan trọng”.
“ Hiện tại chúng tôi có cả thảy bảy anh chị em nruột”, bà nói,” nhưng mẹ tôi có tám người con. Người anh cả của tôi Jim chết trong chiến tranh ở Thái Bình Dương khi mới mười bảy tuổi. Anh biết rằng nếu đợi đến mười tám tuổi, anh sẽ bị động viên đi quân dịch, anh lại thích đi hải quân vì anh muốn nghủ trên giường ấm áp. thật là đẹp đẽ khi nhớ lại việc đó sau nhiều năm. Lúc đó tôi được năm tuổi”.
“Khi anh bà mất, người nào đau khổ hơn, mẹ hay cha của bà? “
“Cả hai đều rất đau khổ. Tôi nghĩ việc đó không bao giờ có thể xóa nhòa trong tâm khảm họ”.Im lặng một lúc, bà tiếp tục:”Khi chúng tôi trưởng thành, các anh chị tôi và tôi lập một tổ chức giúp đỡ những học sinh giỏi trong một số vùng ở Solomon lslands để họ có thể tiếp tục học lên trung học ở Guadalcanal. nếu không có sự giúp đỡ, họ không thể nào tiếp tục đến trường. Chúng tôi đã giúp nhiều học sinh học hết chương trình trung học”.
“Chỉ gia đình bà thôi?”Tôi hỏi.”Thật là một việc làm đáng trân trọng”.
“Nhưng mà”bà cười, “gia đình chúng tôi không phải là một gia đình nhỏ. Hiện giờ chúng tôi có đến chín mươi sáu người, tính luôn con và cháu. Chúng tôi có khả năng thực hiện việc đó. Chúng ta phải làm việc gì đó khi có một biến cố khủng khiếp sảy ra cho chúng ta. Vài người trong chúng tôi cứ vài năm đến đó một lần để thăm những đứa trẻ của chúng tôi”.
Phi cơ hạ cánh và tiến vào lối ra. Ngay khi đèn báo hiệu nịt dây an toàn tắt, bà liền đứng lên, cảm ơn tôi một lần nữa, vội với tay lấy áo khoác, rồi chen vào trước người đàn ông đang đứng ở lối đi. Bà là một trong những người sẽ xuống trước.
Tôi vui cho bà cũng như cho tôi.
Với người phụ nữ này, cũng như những người xa lạ khác mà tôi đã gặp, tôi kinh nghiệm thấy rằng nếu hỏi một câu hỏi thích hợp, thế giới sẽ mở ra cho tôi những bài học quan trọng.
Đối với mọi người, đời sống là một cuộc phấn đấu. Buồn phiền dường như vô tận, nhưng vẫn có chỗ cho sự bình an. Lòng từ có thể là một phương thuốc, còn chuỗi tương quan vô tận và phức tạp của nhân với quả để đưa đến sự hiển lộ của một biến cố thì trùng phùng. Đức Phật nói rằng nghiệp là một trong” những cái vô lượng”. Tôi nghĩ đến sự kết nối bí mật giữa một người học sinh trẻ ở Guadalcanal đi đến trường với số tiền học bổng có nguyên do từ một người trẻ có tên Jim chọn gia nhập hải quân thay vì lục quân sáu mươi năm về trước.

SYLVIA BOORTEIN

 THỊ GIỚI dịch 
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 120