Bí ẩn về chuyện 'đầu thai' ở Việt Nam

Trong truyền thuyết và thực tế cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp khó lí giải khi những đứa trẻ kể rành mạch "cuộc sống kiếp trước" của bản thân mình.
Việt Nam cũng đã có trường hợp này. Thậm chí đến nay, nhiều tư liệu lịch sử thể hiện những bậc thiền sư "biết rành mạch kiếp sau" của mình và dặn đệ tử trước khi viên tịch, để họ tìm cách ứng phó.

Từ giai thoại “đầu thai” làm vua để trả ơn cứu mạng

Câu chuyện mang màu sắc tâm linh này gắn liền với vị thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116). Đến nay người dân xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội nơi có danh lam chùa Thầy, nơi vị thiền sư này tu hành vẫn còn kể cho nhau nghe về câu chuyện kì lạ này. Đương thời, thiền sư Đạo Hạnh nổi tiếng là người có thể khiến cho các giống sơn cầm, dã thú vây quanh. Chúng thật hiền lành thuần phục, thiền sư bấm đốt ngón tay cầu đảo mưa rơi, phun nước trị bệnh, không lúc nào không ứng nghiệm.
Tương truyền, vua Lý Nhân Tông (1066 - 1127) không có con nối ngôi đành nhận một đứa bé 3 tuổi, người ở phủ Thanh Hoa (Ninh Bình) thông minh, lại tự xưng là con vua. Triều thần can ngăn cho rằng, nếu đứa trẻ kia quả thực là linh dị, tất phải thác thai ở nơi cung cấm thì sau mới lập được. Nhà vua nghe theo, bèn mở đại hội 7 ngày đêm để làm phép thác thai.
Từ Đạo Hạnh nghe tin, cho rằng, đứa trẻ kia là yêu ma quái dị bèn tìm cách phá hỏng. Nhân có chị gái là Từ Nương làm thị nữ trong triều, cũng là người túc trực ở thai đàn, ông bí mật đưa cho Từ Nương mấy viên ấn phù và tấm bùa chú bảo đặt ở trên rèm. Hội đã qua 3 ngày đêm, nhưng đứa trẻ kia không thể đầu thai được bèn tâu lên rằng: Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, cửa khóa mấy tầng, cẩn mật kiên cố, mọi lối đi đều bị chẹn kín, tuy muốn thác thai mà sợ không được vậy. Lời tâu chưa hết thì bỗng nhiên ngã lăn ra chết.
Vua Lý Nhân Tông rơi lệ thương tiếc, sai người kiểm soát trong ngoài đạo tràng, quả nhiên tìm được một dải mấy viên ấn phù ở trên rèm. Tra hỏi thì Từ Nương nói rằng, có em trai Đạo Hạnh bảo đặt lên. Nhà vua lệnh cho gọi Đạo Hạnh đến rồi hội họp các bá quan văn võ cùng bàn bạc định tội chết cho thiền sư Đạo Hạnh.
Duy chỉ có hoàng thân Sùng Hiền hầu, vốn biết Đạo Hạnh là người đắc đạo chân nhân, tâu rằng: "Đạo Hạnh lục trí thần thông, thiên hạ đã biết từ lâu. Thiết nghĩ Giác Hoàng nếu có thần lực thì Đạo Hạnh làm sao có thể tiêu trừ được. Nay, vì Giác Hoàng mà luận tội Đạo Hạnh thì có ích gì với quốc gia?". Nhà vua bằng lòng và Đạo Hạnh được tha về.

Chùa Thầy, nơi có động Thánh Hoá, được cho là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đập đầu vào đá chết để đi đầu thai sang kiếp sau.


Bất ngờ với trường hợp "đứa con lạc" ở Hoà Bình

Hiện nay, viện Nghiên cứu Tiềm năng Con người có ghi nhận trường hợp cháu Bùi Văn Bình ở bản Cọi, xã Yên Phú, Lạc Sơn, Hoà Bình là trường hợp kì lạ. Cháu là con đẻ của cặp vợ chồng anh Bùi Văn Hoan và chị Bùi Thị Dự, người Mường nhưng lại cho rằng mình có tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến con vợ chồng ông Nguyễn Phú Tân, bà Thuận ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn. Cháu bé này đã chỉ cho mẹ đẻ của mình về nơi mình từng "sống kiếp trước" và còn kể rành mạch nơi mình bị chết đuối trước đây!?
Sùng Hiền hầu mời thiền sư về nhà chúc mừng. Đạo Hạnh nói: "May được quan nhân cứu giúp mà mỗ tôi được bảo toàn. Một tấm chân tâm ngang tàng, thân này không biết lấy gì để báo đáp, nguyện xin được thác thai cung để cảm tạ ân đức lớn, hầu nghe lời nói hợp ý liền gật đầu đồng ý". Chỉ trong phút chốc, phu nhân của Sùng Hiền hầu ở trong buồng tự nhiên cảm thấy thân mình động đậy như có thai. Đạo Hạnh lại nói với Sùng Hiền hầu rằng: "Nhân duyên kiếp trước được làm nghĩa cha con, nay nguyện đầu thai làm con nối dõi của hầu", sau đó xin từ biệt trở về. Trước khi về ông có dặn, đến kì sinh nở, phải đến báo cho biết trước! Đến tháng, phu nhân Sùng Hiền hầu động sản sai người cấp báo cho Đạo Hạnh. Đạo Hạnh nghe tin, liền nói với môn đồ là thiền sư Minh Không: "Nhân duyên kiếp trước chưa hết, còn phải thác sinh làm vua". Dặn Minh Không rằng, 20 năm sau có tin vua bị bệnh thì đích thân mang thuốc này vào chữa trị (chuyện rằng, trước lúc thiền sư Đạo Hạnh đi đầu thai, ông đang mang bệnh và uống thuốc). Sau đó, thiền sư Đạo Hạnh bèn leo lên động, đập đầu vào tường đá, rồi giậm chân lên bàn đá nghiễm nhiên mà hóa (tức nay là động Thánh Hóa trên núi Sài Sơn, hiện dấu vết vẫn còn). Đạo Hạnh nhập vào cõi niết bàn và hóa, ra đời làm con của Sùng Hiền hầu, không dưỡng dục mà ngày càng lớn; không giáo huấn mà thông minh, dung nhan tuấn tú đẹp đẽ, tài hùng biện không ai sánh bằng. Vua Lý Nhân Tông chưa có con nối ngôi, khi tuổi đã cao, bèn ban chiếu thư xuống cho con trai của các em ruột nhà vua là Sùng Hiền hầu, Thành Khánh hầu, Thành Chiêu hầu, Thành Quảng hầu và Thành Hưng hầu vào cung để chọn người tài giỏi lập làm Hoàng Thái tử. Con của Sùng Hiền hầu mới lên ba tuổi, thông tuệ minh mẫn, nghe một biết mười, ứng đối tiến thoái không gì không hợp lòng thánh thượng. Vua Nhân Tông vô cùng yêu quý, đặt tên là Dương Hoán và lập làm Hoàng Thái tử, sau khi vua Nhân Tông băng hà, Dương Hoán được lên ngôi (13 tuổi), đổi niên hiệu là Thiên Thuận tức vua Lý Thần Tông. Đến năm vua Lý Thần Tông 20 tuổi, lâm bệnh, không có ai có thể trị được. Quần thần liền đi thông báo khắp thiên hạ cầu người tài đến giúp. Thiền sư Minh Không liền vào cung, vì nhớ lời thầy dặn trước đây, đưa thuốc ra chữa trị. Quả đúng, ứng nghiệm, vua Lý Thần Tông uống vào đột nhiên người khoẻ mạnh hẳn.

Đến những dòng chữ kỳ lạ trên lưng vua Minh Thần Tông

Cũng như câu chuyện về việc thiền sư Từ Đạo Hạnh chủ động đi đầu thai làm vua, để trả ơn cứu mạng thì chuyện về kiếp trước của Minh Thần Tông, hoàng đế thứ 13 của triều Minh (Trung Quốc) cũng liên quan đến một vị thiền sư và họ "biết trước được kiếp sau" của mình sẽ được đầu thai làm vua.
Câu chuyện này được người dân ở xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, Hải Dương vẫn còn lưu truyền, gắn liền với vị thiền sư Huyền Chân, tu tại chùa Quang Minh, làng Bóng.
Tương truyền, khi đã về già, một hôm, thiền sư Huyền Chân nằm mơ thấy Phật A Di Đà đến nói: "Ngươi dày công với Phật đã lâu, lòng từ bi của ngươi đã được Phật Tổ thấu hiểu, vì thế, đến kiếp sau, ngươi sẽ được làm Đại đế ở phương Bắc". Tỉnh dậy, Thiền sư Huyền Chân liền kể lại giấc mơ với đệ tử của mình và dặn: "Sau này, lúc ta viên tịch, các con hãy lấy son viết lên vai ta mấy chữ sau: An Nam quốc, Quang Minh tự, Sa Việt Tì khưu, sau đó mới đem nhục thân của ta đi hỏa thiêu". Các đệ tử ghi nhớ, làm theo đúng ý của thiền sư Huyền Chân.
Càng kì lạ hơn, trong nhiều câu chuyện truyền kì đến nay vẫn được người dân nơi đây lưu truyền cho biết “kiếp sau” của vị thiền sư này chính là vua Minh Thần Tông.
Theo truyền thuyết, thì đời vua Lê Kính Tông (1599-1619), triều đình cử một đoàn sứ bộ sang nước Minh do Nguyễn Tự Cường, tiến sĩ khoa thi Giáp Thìn (1604) làm Chánh sứ.
Đến Bắc Kinh, sứ thần Nguyễn Tự Cường bất ngờ vì vua Minh Thần Tông bỗng hỏi sứ thần Nguyễn Tự Cường rằng: "Người ở nước Nam, vậy có biết chùa Quang Minh của nước Nam ở đâu không?". Sau đó, Nguyễn Tự Cường được nghe kể lại: "Lúc mới sinh ra, trên vai ta đã có hàng chữ son, nói rõ kiếp trước của ta chính là vị thiền sư ở chùa Quang Minh. Nay, ta muốn xóa dòng chữ ấy đi mà chưa biết phải làm như thế nào". Nguyễn Tự Cường thưa: "Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần. Nếu Bệ hạ là "kiếp sau" của thiền sư trụ trì chùa Quang Minh thì phải lấy nước giếng của chính chùa Quang Minh mới có thể rửa được".
Về nước, Nguyễn Tự Cường đem việc này tâu với triều đình. Triều đình bèn cử người đi tìm ngôi chùa mà Minh Thần Tông đã nói tới. Ngôi chùa đó chính là chùa Bóng tên chữ là Quang Minh Tự nay thuộc xã Quang Minh, huyện Gia Lộc.
Sau khi tìm được ngôi chùa, vua Lê Kính Tông sai người múc nước giếng của ngôi chùa này, sau đó cử Nguyễn Tự Cường đích thân dẫn đoàn người sang trao cho vua Minh Thần Tông. Điều kì lạ, sau khi vua Minh Thần Tông tắm nước đó, thì chữ ở
 trên người mất hết. Vua Minh rất vui mừng và ban thưởng cho Nguyễn Tự Cường 300 lượng vàng.


Chuyện “hoán đổi linh hồn” của thiếu nữ 19 tuổi

Mặc dù vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể về hiện tượng “đầu thai” nhưng những câu chuyện rất khó tin nhưng có thật trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã khiến các nhà khoa học phải đau đầu.
Báo Bưu điện Việt Nam ngày 5/12/2010 từng dẫn câu chuyện “đầu thai” lạ lùng tại Cà Mau. Câu chuyện này xảy ra vào khoảng năm 1990 tại gia đình ông Cả Hiêu ở làng Tân Việt, Đầm Dơi, Cà Mau. Nhà ông Cả Hiêu có cô con gái được ông rất yêu thương, nhưng không may bị bệnh và qua đời lúc mới 19 tuổi.
Tuy nhiên, sau cái chết của cô con gái ông Cả Hiêu đã xuất hiện một câu chuyện kì lạ. Cách làng Tân Việt khoảng 100 cây số là làng Vĩnh Mỹ, Bạc Liêu cũng có một cô gái bị bệnh (cùng thời gian với cô con gái ông Cả Hiêu) và qua đời.
Vào lúc người nhà đau đớn chuẩn bị lo việc khâm liệm cho cô gái xấu số thì bất ngờ cô gái sống lại. Điều lạ lùng là từ khi sống lại, cô gái này cứ một mực đòi người trong gia đình đưa cô đến nhà ông Cả Hiêu ở làng Tân Việt. Kì lạ hơn cô còn khẳng định ông Cả Hiêu chính là cha đẻ của cô. Người nhà hết sức lo lắng nghĩ rằng cô có bệnh. Nhưng cô gái vẫn khăng khăng đòi đi gặp cha mình. Cuối cùng cha mẹ cô gái buộc lòng phải đến làng Tân Việt để tìm hiểu thực hư. Khi đến bến xe, mọi người xuống xe còn đang bỡ ngỡ không biết đi theo hướng nào thì cô gái nhanh chóng dẫn đường trong sự ngỡ ngàng của đoàn người. Đến nhà ông Cả Hiêu, cô gái chạy lại ôm chầm lấy ông Cả Hiêu vừa khóc vừa nói: "Ba ơi, con đây ba ơi!".
Hai vợ chồng ông Cả Hiêu còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì vừa lúc cha mẹ cô gái bước vào nhà kể lại chi tiết câu chuyện cho vợ chồng ông Cả Hiêu nghe. Trong khi đó cô gái mới đến cứ đi lại trong nhà tự nhiên như là người đã ở đó lâu lắm rồi.

Chuyện “đầu thai” gây xôn xao ở Hòa Bình


Hiện tượng “hoán đổi linh hồn” trên không phải là duy nhất tại Việt Nam. Trước đó, câu chuyện “đầu thai” kì lạ của một cậu bé ở Hòa Bình cũng đã gây xôn xao dư luận. Báo TS tháng 12/2010 cũng đăng tải câu chuyện “đầu thai” đầy kì lạ này.
Anh Tân và chị Thuận đều là cán bộ công tác tại thị trấn Vụ Bản, Lạc Sơn, Hòa Bình. Anh chị kết hôn năm 1987, đến năm 1992 chị Thuận sinh cháu trai đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến. Tuy nhiên, Tiến chẳng may chết đuối, khi ấy cháu 5 tuồi. Bỗng nhiên, vào một ngày đầu năm 2006, có một cháu bé tự khẳng định cháu chính là cháu Tiến, người đã bị chết đuối năm 1997!
Cháu Bình – trường hợp được cho là “đầu thai” rất kì lạ ở Hòa Bình (Nguồn: TS)



Cháu bé đó tên Bình con anh Hoan, chị Dự, người trong bản. Cháu Bình sinh ngày 06/10/2002. Một ngày đi học, Bình bỗng dưng nói với cô giáo của mình rằng: “Nhà cháu ở ngoài đó, nhà cháu gần nhà ông Lai”. Nghe Bình nói đến đây, cô giáo của cháu thấy rùng mình bởi cạnh nhà ông Lai là nhà anh Tân và chị Thuận! Thời gian tiếp theo, có một lần chị Dự có đánh Bình, cháu lại bảo: “Con đã chết một lần rồi, mẹ đừng đánh con lại chết lần nữa đấy”. Sau mỗi lần bị mắng, cháu lại đòi được về nhà. Một lần cháu Bình đòi chị đưa về nhà, chị Dự bực mình bảo: "Thích thì ngồi lên xe tao chở đi". Điều kì lạ là Bình chỉ chính xác đến địa chỉ của nhà anh Tân. Sau đó, anh Tân đã cùng với chị Thuận cũng tìm đến nhà vợ chồng anh Hoan, chị Dự. Anh xin phép bố mẹ đẻ của Bình, đưa cháu về nhà mình chơi. Vừa mở cửa nhà, Bình lập tức xuống xe và chạy tót vào trong và mở tủ bới đồ đạc. Anh Tân hỏi: “Cháu đang tìm gì?” “Tìm cái máy bay và cần cẩu”. Nghe Bình nói, anh Tân giật mình vì đây là hai món đồ chơi anh đã mua cho cháu Tiến trước đây.
Điều ngạc nhiên hơn, trước đó, chính bà Thỉn, bà nội cháu Bình cũng từng cho biết: “Từ ngày thằng Bình bắt đầu bi bô tập nói tôi đã biết nó không phải người Mường mà là người Kinh. Nó nói tiếng Kinh rành rọt, điều mà chưa một đứa bé người Mường nào giống thế”. Chính Bình cũng đã có lần nói với mẹ: “con là người Kinh, con không phải người Mường. Mẹ không đưa con về con sẽ chết”.
Từ cuối năm 2006 bố mẹ đẻ của Bình đã cho cháu về ở hẳn với nhà anh Tân, chị Thuận.

Những chuyện lạ lùng ở bản Cọi

Hiện tượng “đầu thai” ở bản Cọi làm dư luận cả nước xôn xao vì ngoài trường hợp cháu Bình, tại đây, còn xuất hiện hai trường hợp “đầu thai” khác. Câu chuyện “con lộn” của Bùi Thị Hồng Thắm ở bản Cọi, Lạc Sơn, Hòa Bình được đăng tải trên báo Thể thao & văn hóa cũng là một trường hợp tương tự. Thắm sinh năm 1991, chị Bùi Thị Toàn, mẹ Thắm cho biết, từ bé cháu đã có những biểu hiện rất lạ lùng.
Theo lời chị Toàn, khi Thắm bi bô biết nói, một lần hai mẹ con đang chơi đùa bỗng cháu “xị” mặt rồi nằng nặc đòi: “mẹ đưa con về nhà” dù lúc đó cháu đang ở trong nhà mình. Một hôm, đang chơi đùa, Thắm nói với bà nội: “mẹ cháu kia kìa”. Người Thắm chỉ là bà Nguyễn Thị Nghe, người ở đầu làng. Lúc Thắm được 5 tuổi, hôm đó, cháu được bố mẹ cho ra đồng. Khi trở về đi qua nhà bà Nghe cháu chỉ tay rồi bảo với bố mẹ “nhà con đây này”. Chị Toàn bảo lại con “con thích thì mẹ đưa vào nhà con”, thế nhưng khi vừa bước vào công Thắm đột nhiên dừng lại: “Con không vào nữa đâu, chị Hằng đang ở trong đó, con ghét chị ấy vì chị đã xui con trèo cây làm con ngã chết”.
Từ hôm đó chị Toàn mới “xâu chuỗi” lại toàn bộ những biểu hiện lạ thường từ ngày con bé cứ đòi chị “đưa về nhà con”. Chị bắt đầu nghĩ đến chuyện cháu Ly (con bà Nghe) nó đã “lộn” về con Thắm nhà mình.
Ly là con trai bà Nghe. Năm Ly được 7 tuổi, một hôm Ly được chị gái tên Hằng dẫn đi hái ổi ở bên triền núi. Trong lúc Ly trèo ra hái ổi, em bị ngã rơi xuống đất. Ly bị chấn thương sọ não và mất ngay sau đó.
Ông Bùi Văn Tỉnh, xóm trưởng xóm Cọi cho biết: “Ở xóm Cọi đã ghi nhận ba trường hợp con lộn. Người Mường quan niệm, những đứa trẻ dưới 12 tuổi bị chết bất đắc kỳ tử có khả năng “lộn” về và vào một người nào đó”.
Những trường hợp “đầu thai” đầy kì lạ này không chỉ khiến dư luận xôn xao mà còn làm gia đình hai bên đều rất bối rối, khó xử khi cháu bé “đầu thai” nhất quyết đòi về nhà bố mẹ trước đây để ở mà không chịu ở với bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, theo thời gian, hầu hết các gia đình hai bên đều thông cảm, hiểu cho nỗi đau của nhau và giải quyết vấn đề hợp lí, hợp tình. Nhiều gia đình là “bố mẹ kiếp trước” đã nhận cháu bé làm con nuôi hay như trường hợp cháu Bình (ở Lạc Sơn, Hòa Bình) thì bố mẹ đẻ đã đồng ý để cháu về nhà ở với bố mẹ trước theo ý nguyện của cậu bé này.

“Kiếp trước cháu là con trai”

Hà Thị Mai Anh (SN 1995, hiện đang học lớp 9, trường phổ thông cơ sở thị trấn Mai Châu), con gái duy nhất của anh Hà Văn Bái và chị Hà Thị Tý là một trường hợp như thế. Anh Bái cho biết, vợ chồng anh lấy nhau từ năm 1990 nhưng hiếm muộn, mãi 5 năm sau mới sinh được Mai Anh. Từ lúc mới sinh cho tới khi cháu 4 tuổi, mọi biểu hiện cũng bình thường như những đứa trẻ khác và vì chỉ có một mình con nên đi đâu vợ chồng cũng cho con đi cùng.
Trong một lần đi dự đám cưới một người quen tại bản Nhót (xã Nà Mèo là xã kế bên), vợ chồng anh bận giúp chủ nhà làm cỗ nên gửi cháu cho mọi người trông giúp. Khi công việc đã xong, anh quay ra tìm thì thấy cô con gái của anh đang lẵng nhẵng theo một phụ nữ tầm tuổi vợ anh khóc mếu “Mẹ ơi”.
Lạ lùng ở điểm nhìn thấy cha mẹ đẻ thì cô bé cứ “bơ” đi mà bám chặt lấy người phụ nữ lạ mặt liên rục gọi “mẹ”. “Lúc đầu vợ chồng tôi nghĩ chắc con mình tưởng nhầm. Thấy lạ, mọi người trong đám cưới xúm vào hỏi thử: “Vậy bố mẹ cháu tên là gì, nhà ở đâu?”. Chúng tôi chết điếng người khi rõ ràng mình đẻ ra nó mà nó không nhắc đến, lại nhận là con của ông bà Lường Văn Tuấn - Hà Thị Ân lạ hoắc nào đó. Nó còn nói “Cháu có anh trai tên Lường Văn Tú còn cháu tên là Lường Văn Hải nhà ở bản Nhót, trước nhà có cây muỗng to, nhà được làm bằng đất 2 tầng (ý nói nhà sàn - PV)”. Đến lúc này mọi người trong đám cưới mới ồ lên kinh ngạc”, anh Bái thuật lại.
Nghĩ con mình bị… dở hơi nhưng anh vẫn phải chiều theo ý con, đưa cháu theo người phụ nữ lạ về nhà thì càng ngạc nghiên hơn khi mọi điều cháu nói đều chính xác. Ông bà, cô bác tới chơi cháu đều gọi tên chính xác từng người, cháu còn nhận ra quần áo, nơi “con là Lường Văn Hải thường ngủ”. Cả làng xôn xao: “Đúng là nhà này trước đây 4 năm có đứa con trai tên Lường Văn Hải đã mất, đúng vào dịp sinh con bé này”.
Lòng dạ của anh Bái rối bời, đợi đến gần tối thì con gái anh mới chịu theo về nhà. Trên đường đạp xe trở về, vừa sợ chuyện lạ kỳ vừa sợ mất con, anh ngã dúi dụi mấy lần. Người mẹ đẻ của cháu gái lúc về đến nhà ngồi trấn tĩnh lại mới nhớ lại đúng là có lần chị đi qua bản Nhót mua hàng và đó cũng chính là thời điểm chị có mang cháu.
Mấy hôm sau, bé gái liên tục bị ốm sốt cao, chẳng chịu ăn uống, miệng luôn đòi về “nhà ở kiếp trước”. Cuối cùng anh chị cũng phải chở cháu về nơi cháu đòi và vừa đến “nhà kiếp trước”, dù vừa ốm lăn lóc nhưng nay đã không còn biểu hiện gì của ốm sốt nữa, sắc mặt tươi tỉnh hẳn lên.
Anh Bái trầm ngâm: “Tôi phải mổ lợn làm 10 mâm cỗ để xin vía cháu về dưới này, tôi cũng chỉ có duy nhất mình cháu là con. Từ đó hai gia đình từ chỗ không quen biết nay trở thành thân thiết như hai anh em. Con bé khi nào thấy nhớ “bố mẹ” trên ấy là lại lên với bố mẹ, với anh, chán thì lại về đây. Những dịp lễ Tết, nghỉ hè có khi nó lên ở cả tuần, nếu lâu không lên là lại lăn ra ốm”.
Khách lạ lấm lét, len lén nhìn mặt cô bé “người Trời đầu thai” Mai Anh thì cô bé chợt khanh khách cười khiến khách đến chơi giật thót mình: “Kiếp trước cháu là con trai đấy. Cháu có tới hai bố, hai mẹ và một anh trai, mọi người đều yêu thương cháu”.
Bỗng dưng con mình thành… con người khác
Trường hợp “người Trời đầu thai” trong nhà anh Hà Văn Tuốt và chị Hà Thị Tuỗn thì xảy ra cách đây đã hơn 20 năm. Anh chị năm nay đã ngoài 40 tuổi, có cậu con duy nhất là Hà Văn Dược (21 tuổi) hiện đang theo bố làm nghề dựng nhà sàn. Mọi người cho biết chàng trai này cũng là “con truyền kiếp”.
Mẹ đẻ của Dược cho biết vợ chồng chị lấy nhau từ năm 1990, một năm sau đó thì sinh con trai. Năm lên 3 tuổi, đang chơi với các bạn ngoài sân, thấy một người thu mua sắn là anh trai của một người trong làng đi qua, Dược nói với các mọi người:
“Đấy là bác của em đấy”.
“Nghe bọn bạn nó nói lại nhưng vợ chồng tôi nghĩ là trẻ con nói nhảm nên cũng không để ý đến. Chuyện lạ xảy ra tới khi đi học mẫu giáo, mỗi lần bố mẹ đưa Dược đi học qua nhà một người tên Vì Văn Xiêm thì cậu bé đều nhắc đi nhắc lại: “Nhà của con đây này””.
Thấy con nói liên thiên, cha mẹ đẻ thậm chí còn khi phát con đến đỏ mông nhưng sau đó, cậu bé bỗng lăn ra ốm và ngày ngày đều đòi bố mẹ đưa ra “nhà bố Xiêm”. Anh chị cũng đánh liều bế con đến nhà lạ và kỳ lạ thay, mọi bệnh tình của cậu bé đều biến mất. Cậu bé không chỉ biết hết mọi người trong gia đình lạ mà còn nói rõ mình chết từ lúc mới được 5 tháng tuổi và bố mẹ chưa kịp đặt tên con.
Vợ chồng ông hàng xóm tên Xiêm cũng ngã ngửa người ngạc nhiên bởi những điều bí mật sâu kín đó chỉ có ông bà mới biết. Vậy là ông hàng xóm cũng làm lễ xin được nhận bé Dược làm con nuôi.
Cậu bé Dược nay đã thành người trưởng thành vẫn khăng khăng mình là người “đầu thai”. Khi được hỏi: “Em có cảm giác gì khi nhận gia đình nhà lạ hươ lạ hoắc làm bố mẹ, các em”, cậu trả lời: “Em cũng chẳng biết vì sao nữa, nhưng khi gặp bố mẹ em ở “kiếp trước” thì em nhận ra một cảm giác gần gũi, thân thiết và sau đó em cứ nhớ dần đấy từng là bố mẹ và các em mình.
Khi lớn một chút, nhiều lúc đi học các bạn cũng trêu chọc: “Không phải bố mẹ đẻ mà cứ nhận vơ như thế” nhưng em cũng chẳng ngại ngùng gì vì em biết đó là bố mẹ em. Những lần bố mẹ bên ấy đau ốm em cũng đều có linh cảm báo trước”.
Bà mẹ “kiếp trước” của Dược cũng khăng khăng: “Nó chính là đứa con đầu của tôi đã chết. Vợ chồng tôi sinh cháu đầu năm 1982 được 5 tháng thì cháu bị bệnh vàng da, dù đã đi bệnh viện, nhờ nhiều thầy lang nhưng cháu không qua khỏi. Thật bất ngờ là cháu lại lộn vào làm con gia đình nhà hàng xóm. Với linh cảm của người mẹ, tôi nhận thấy Dược cũng giống như hai đứa con đẻ của tôi.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh của gia đình bên ấy cũng rất neo người, cho nên gia đình tôi cũng chỉ nhận cháu làm con nuôi, khi nào nhà có công việc thì cháu mới tới”. 


Con nhiều tuổi hơn… bố mẹ


Thế nhưng hàng chục năm qua, trường hợp “đầu thai” rùng rợn nhất mà mọi người thường nhắc đến là trường hợp xảy ra tại gia đình anh Khà Văn Ôn (bản Nà Sài). Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về trường hợp bất thường trong gia đình, anh Ôn xúc động thắp nén nhang, thì thầm đến trước di ảnh cô con gái Khà Thị Dịu Hiền (SN 2007) khấn con bằng tiếng dân tộc Thái. Trong di ảnh trước bàn thờ là một bé gái kháu khỉnh, được anh giới thiệu là “con đầu thai” của mình.
Anh Ôn nhẩm tính, nếu con mình còn sống thì đến nay đã được khoảng 5 tuổi 1 tháng. “Khi mới sinh ra cháu hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác trong bản. Lạ là lúc lên 3 tuổi, ai hỏi “Cháu con nhà ai, ở đâu?” thì cháu lại chẳng nói tên vợ chồng tôi mà nói: “Tên bố là Lò Văn Chún, mẹ là Hà Thị Nguyên, anh chị là Lò Văn Ngọc, nhà ở xóm Vãng, trên thị trấn Mai Châu” (cách đó gần chục cây số). “Thực sự trước đó đến tôi cũng chẳng biết những người này là ai, chứ nói gì đến nhà người ta như thế nào”, vẫn lời anh Ôn buồn rầu thuật lại.
Dù trước đó ở địa phương đã có những trường hợp “con đầu thai” nhưng anh chị vẫn không tin và chỉ nghĩ cháu còn nhỏ nên nói vu vơ. Thế nhưng thấy cháu nhắc nhiều quá thì buộc họ phải lần theo địa chỉ cháu “hướng dẫn” để tìm hiểu.
Cặp vợ chồng vô cùng kinh ngạc vì cháu bé mới hơn 3 tuổi nhưng cháu kể chính xác tên những người trong gia đình này, còn còn nói rõ trước nhà có cây dừa, nhà rộng 3 gian và tả cụ thể đường vào nhà như thế nào, phải qua bao nhiêu khúc quẹo. Anh Ôn khi đó ướm hỏi con: “Vì sao con lại theo bố mẹ về đây?”. “Con đã ở nhà cũ nhiều năm thì bị đuổi đánh nên chạy ra khỏi nhà. Lúc ấy gặp mẹ đang nấu cơm bên đường nên con theo mẹ về”.
Nghe con nói, anh chị giật mình, ngồi xâu chuỗi lại thời gian thì đúng là vào thời điểm đó anh chị đi công nhân làm đường trên địa bàn xóm đó và chị chuyên nấu cơm cho tổ công nhân. Đó cũng chính là thời điểm vợ anh mang thai.
Anh kể tiếp, khi con gái mình được 4 tuổi thì cháu có những hành động rất lạ như lục tìm và cắt nát hết những tấm ảnh của mình. Thời gian sau cháu kên đau đầu gối, anh chị đưa cháu lên bệnh viện khám, qua chụp X quang, theo kết luận của bệnh viện cháu bị khuyết xương đầu gối và viêm khớp. Bệnh viện khuyên anh chị nên đưa cháu về Hà Nội chữa trị.
Tại bệnh viện Nhi trung ương, các bác sỹ đã điều trị và bó bột rồi cho về, hẹn gia đình sau hai tuần cho cháu lên kiểm tra lại. Tuy nhiên, đến ngày 5/6/2010, thấy cháu bệnh tình không giảm lại kèm theo sốt cao, anh chị đưa cháu xuống khám ở bệnh viện K. Qua khám bệnh kết luận, các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa cháu về nhà chăm sóc, vì cháu bị bệnh bạch cầu cấp (ung thư máu) hiện y học trên thế giới vẫn đang bó tay trước căn bệnh nan y này.
"Có điều lạ là dù cháu đau thế nào nhưng cháu đều mím môi chịu đựng không để bố mẹ và mọi người trong gia đình biết. Ông ngoại đến làm vía (cúng vía theo phong tục địa phương - PV) cho cháu thì cháu bảo: “Con không khỏi bệnh đâu, ông cho con đi chơi nhà các cô, các bác”. Đến hôm sau thì cháu mất”, anh Ôn thuật lại.
Thế nhưng điều kinh hoàng nhất với vợ chồng anh Ôn xảy ra khi gia đình mời ông thầy mo trong bản đến làm lễ cúng ma cho con theo phong tục địa phương. “Ông thầy mo ban đầu gọi “hồn” là cháu thì kiểu gì cũng cúng không thành, phải đến khi gọi cháu là… chị thì mới ngồi làm lễ được. Thầy mo bấm tuổi rồi bảo chúng tôi: “”Người trời”” này hơn 40 tuổi, là con chúng mày nhưng còn… nhiều tuổi hơn cả chúng mày”, anh Ôn sợ hãi.
Anh Ôn hiện đang là cán bộ UBND xã Chiềng Châu, anh buồn rầu: “Vợ chồng mình làm cán bộ nên cũng không tin vào những chuyện ma quái. Nhưng thật sự chuyện con mình là như vậy. Nó là đứa con đầu thai, nó chê nhà mình nghèo, nó không ở thì mình cũng đành phải chịu”.
Để kiểm chứng câu chuyện của anh Ôn, chúng tôi cũng đã vượt quãng đường hơn 10 cây số tìm đến nhà anh Lò Văn Ngọc tại xóm Vãng được cho là người có cô em gái đã “đầu thai” làm con anh Ôn. Đúng như lời anh Ôn kể, đó là một căn nhà sàn 3 gian, phía trước nhà có cây dừa. Anh Ngọc cho biết: “Bố mẹ tôi chỉ sinh được hai anh em. Tôi sinh năm 1964, còn cô em gái sinh năm 1966 nhưng nó bị bạo bệnh mất sớm. Đêm con anh Ôn mất, chẳng hiểu vì sao mà cả gia đình tôi không ai ngủ được, cứ lục sục xuốt đêm. Về sau mới biết tin em gái mình đã “đầu thai” vào nhà dưới ấy”.

Cơ quan chức năng cũng chưa thế giải thích

Những “nghi án đầu thai” không phải là chuyện mới, và cũng đã từng có ý kiến cho rằng người ta dựng chuyện “đầu thai” để lợi dụng việc cho nhận con nuôi hay mục đích vụ lợi gì khác. Đem ý kiến này đến những người cao tuổi trong bản Chiềng Châu để hỏi, chúng tôi được cụ Hà Văn Thẩm (80 tuổi) cho biết: “Chuyện con đầu thai ở đây không phải giờ mới có, mà trước đây cũng đã có nhiều trường hợp như vậy.
Trước năm 1954, thời lang đạo và thực dân Pháp cai trị, có những người vì nhận nhà lang làm nhà mình nên cả gia đình bị nhà lang hãm hại vì sợ tranh giành quyền thế, nhiều gia đình phải bỏ đi biệt xứ hoặc bị đánh đến chết. Còn bây giờ muốn nhận con nuôi thì Nhà nước mình có cấm đoán gì đâu mà họ phải bịa chuyện để lách luật?”.
Một thầy lang cao tuổi khác trong xã cho biết: “Tôi đi chữa bệnh nhiều, gặp trường hợp như vậy nếu các cháu muốn nhận bố mẹ mà lại hay đau ốm luôn thì tôi cũng khuyên gia đình nên cho các cháu nhận. Điều lạ là hầu như các trường hợp con đầu thai đều rơi vào trường hợp con một và những bệnh các cháu mắc phải đều khó tìm ra nguyên nhân, nhưng khi nhận bố mẹ, anh em “kiếp trước” thì bệnh tình đều qua khỏi”.
Ông Hà Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết: “Con luân hồi, đầu thai ở địa phương không phải là trường hợp cá biệt. Trong xã đã có nhiều trường hợp xảy ra trường hợp như thế và hai bên gia đình đều nhận anh em hoặc con nuôi. Tôi cũng nghe có nơi người ta nhận như thế cho hợp lý hóa việc nhận con. Nhưng ở Chiềng Châu, tôi khẳng định không có một trường hợp nào mang tính vật chất hay đánh đổi. Gần như những gia đình có con “truyền kiếp” đều có kinh tế khá hơn những gia đình các cháu nhận là gia đình “kiếp trước””.
Cũng theo Chủ tịch xã Hà Trọng Lưu, việc nhận con nuôi như thế đã diễn ra nhiều năm nay ở địa phương, dù xôn xao dư luận nhưng không gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, phong tục tập quán của người Thái ở đây.
“Vì vậy chúng tôi coi đó cũng là những câu chuyện hết sức bình thường giống như chuyện cây lúa trên nương, con thú trên rừng vậy. Có chăng bà con trong bản cũng chỉ nói: “Thì ra con nhà ấy lại là con ông bà ở bản này, bản kia lộn về”. Các gia đình sau đó đều nhận bố mẹ, anh em, con cái và coi nhau như người một nhà, quây quần đù bộc nhau qua sợi dây luân hồi – tiền kiếp”, nguyên văn lời ông Lưu.
Trưởng phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Hoà Bình), ông Nguyễn Trường Sơn cũng xác nhận: “Những trường hợp người dân gọi là “đầu thai” ở huyện Mai Châu là có thật. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn một vài trường hợp ở huyện Lương Sơn và Lạc Sơn. Tôi cũng đã từng đến tận nơi tìm hiểu nhưng kết quả chỉ là ngạc nhiên và không giải thích nổi. Có những đứa trẻ khi sinh ra chẳng đi đâu mà biết rõ gia đình nhà người khác cách hàng chục cây số như trong lòng bàn tay, như việc mình đã trải qua”.
Theo ông Sơn, trong những trường hợp này dân gian sẽ dựa vào quan điểm Phật giáo để giải nghĩa. “Phật giáo không cho rằng con người chết là hết mà có linh hồn bất tử tiếp tục đầu thai vào kiếp khác. Cứ như thế con người vào vòng luân hồi không ngừng từ đời này qua đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác. Con người của quá khứ là nhân của con người hiện tại, con người hiện tại là nhân của con người tương lai. Dù khoa học chưa chứng minh được quan niệm này là đúng hay sai, nhưng những người tin theo quan điểm Phật giáo thì vẫn cho rằng có kiếp trước – kiếp sau”, ông Sơn cho biết.

Sưu tầm