VÀI ĐIỀU THÚ VỊ VỀ TRÍ NHỚ

Nói không sợ quá đáng, một phần đóng góp quan trọng cho nền văn minh nhân loại xưa giờ chính là trí nhớ của các kỳ nhân. Từ kinh Tân Ước của Cơ Đốc Giáo, Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho Giáo, Tam Tạng thánh điển của Phật giáo,… đều được lưu giữ bằng trí nhớ của các thiên tài trước khi được phổ biến và bảo lưu bằng văn bản. Trong lịch sử cận đại của Trung Quốc, hơn hai trăm ngôi tháp tổ độc đáo ở hậu viên chùa Thiếu Lâm sau khi bị đám Hồng Vệ Binh phá hủy đã được một nhà sư trong chùa ngồi nhớ lại và vẽ mẫu cho thợ xây mới, chính xác đến từng viên gạch. Chưa hết, ngay sau cuộc di tản năm 1959 từ đất Tàu, hàng ngàn bức bích hoạ khổng lồ trong các tự viện Tây Tạng đã được các Lạt-ma chụp lại bằng trí nhớ và tái hiện ngon lành trên xứ Ấn ngay sau đó. Tương truyền trước lúc ra đi, các Lạt-ma có trí nhớ siêu việt này đã ngồi im lặng trước các bức bích họa đó trong mấy ngày trời để copy chúng vào óc mình. Người Việt ta xưa giờ cũng thỉnh thoảng xuất hiện vài tay có sức cường ký kinh thiên kiểu đó, thấyqua một lần thì suốt đời không quên, như xưa có ông Lê Quý Đôn và trước 1975 có nhà văn Đàm Quang Thiện (theo cụ Lãng Nhân). Nhưng có cơ hội sử dụng trí nhớ trác việt đó một cách hữu ích thì có lẽ chưa nhiều.
Nhiều người hôm nay đã có bụng nghi ngờ trí nhớ của tôn giả Ànanda khi họ đọc thấy trong suốt 25 năm theo hầu Phật, ngài đã “nhớ không sót một lời Phật nói và đã nghe qua thì không cần hỏi lại”. Tôi vốn người kém cõi, nhưng tin chuyện đó. Lý do đơn giản thôi: Chịu khó để ý một chút ta sẽ thấy khoảng cách của thiên hạ với nhau nhiều khi lớn không tả được, từ khả năng trí óc đến chuyện may rủi. Không thể đem cái hạn chế của bản thân làm thước đo vạn vật. Chuyện đó xưa nay đã hại không biết bao nhiêu người rồi. Tôi chỉ biết nói chừng đó thôi, những gì ngoài ra xin mời thiên hạ đọc chơi mấy bài báo vớ vẩn dưới đây.


10 thần đồng "siêu" nhất thế giới


  1. Kim Ung-Yong: Vào đại học năm 4 tuổi, có bằng tiến sỹ năm 15 tuổi, có chỉ số IQ cao nhất thế giới 


  1. Gregory Smith: Được đề cử giải Nobel Hòa bình ở tuổi 12 

  1. Akrit Jaswal: Bác sỹ phẫu thuật 7 tuổi 

  1. Cleopatra Stratan, ca sỹ 3 tuổi được trả 1.000 euro cho một bài hát 

  1. Aelita Andre: Nghệ sỹ 2 tuổi có tác phẩm trưng bày ở phòng tranh nổi tiếng 


Người phụ nữ khốn khổ vì trí nhớ phi thường

Jill Price đang là một câu đố cho các nhà nghiên cứu về trí nhớ, bởi bà không thể quên tất cả sự kiện xảy ra từng ngày trong cuộc đời kể từ khi 14 tuổi.
Jill Price trong ngôi nhà của bà tại thành phố
Jill Price trong ngôi nhà của bà tại thành phố. Ảnh: Der Spiegel.
Jill Price, 42 tuổi, sống ở ngoại ô thành phố Los Angesles của Mỹ, có một trí nhớ gần như hoàn hảo. Bà thường tới nhà hàng The Grill ở thành phố Beverly Hills trong suốt 23 năm qua. "Tôi tới đây lần đầu tiên vào ngày 20/9/1985. Hôm ấy là thứ sáu. Tôi ngồi với bố tôi ở bàn bên kia và ăn thịt gà có tỏi. Tôi đội một cái mũ rất to", Jill nhớ lại.
Sau khi người ta đưa ra một ngày bất kỳ trong quá khứ, Jill Price sẽ nói ngay những sự kiện mà bà đã trải qua, nhìn thấy hay nghe được trong ngày đó. Bà nhớ rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ, phần lớn những ngày từ lúc 9 đến 15 tuổi, và sau đó ký ức của bà không hề có một chỗ trống. "Từ ngày 5/2/1980 tôi nhớ được tất cả. Đó là một ngày thứ ba."
Jill nhớ cả những sự kiện được giới truyền thông tường thuật lại nếu bà từng nghe được chúng trong quá khứ. Bà có thể trả lời mà không cần suy nghĩ, từ ngày tháng, con số đến cả một câu chuyện về các sự kiện như chiếc máy bay Concorde của Pháp rơi lúc nào và ở đâu, O.J. Simpson bị bắt vào ngày nào hay chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ lúc nào.
"Người ta nói với tôi rằng, cô thật là tuyệt vời, có một trí nhớ hoàn hảo thật là tuyệt. Nhưng nó cũng đáng sợ lắm, vì mỗi từ xấu, lỗi lầm, thất vọng, tất cả sợ hãi và đau đớn vẫn hiện diện ở hiện tại một cách tàn nhẫn", bà cười.
Với Jill, thời gian không làm lành được những vết thương. "Tôi không nhìn lại quá khứ qua một khoảng cách. Nó có thể gợi lên cùng những xúc cảm giống nhau vào mọi thời điểm, giống như một bộ phim lẫn lộn lung tung không bao giờ chấm dứt, có thể xâm chiếm tôi hoàn toàn. Và nó không có một nút tắt."
Những mảnh vỡ ký ức cứ trào dâng không ngừng, tự động và không thể kiểm soát được, giống như một vòng vô hạn trong đầu. Thỉnh thoảng nó được một cái gì đó khởi động, như mùi vị, bài hát, từ ngữ. Nhưng ký ức cũng thường tự ập đến. Vô số hình ảnh từ quá khứ - từ tươi đẹp tới đáng sợ, từ quan trọng tới tầm thường - đuổi bắt nhau một cách lộn xộn trong "màn hình nội tâm" của bà và thỉnh thoảng còn xua đuổi hoàn toàn hiện tại.
"Tất cả những cái đó gây mệt mỏi đến mức không thể tưởng tượng được", bà tâm sự. Trong cuộc đời Jill cũng có nhiều tai họa như xung đột gia đình, căn bệnh ung thư của người mẹ hay cái chết đột ngột của người chồng. Những ký ức buồn thảm cứ theo đuổi bà liên tục.
Jill không thể tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn nên mắc bệnh trầm cảm. Lo ngại rằng mình sẽ phát điên nên vào ngày 5/ 6/2000 (một ngày thứ hai) bà đã ngồi trước máy tính và tìm trong Google. Bà đã tìm được cái tên James McGaugh và trở thành một trường hợp nghiên cứu cho khoa học.
James McGaugh, 76 tuổi, là nhà nghiên cứu về trí nhớ hàng đầu của Mỹ. Ông đã thành lập Trung tâm sinh học thần kinh dành cho học tập và ghi nhớ (Center for the Neurobiology of Learning and Memory) tại Đại học California. Ông cũng là tác giả của hơn 500 bài báo chuyên môn và nhiều quyển sách.

Người có trí nhớ phi thường tiết lộ bí quyết

TPO -“Tôi sinh ra không có năng khiếu gì đặc biệt. Khả năng nhớ của tôi đều do tập luyện từ nhỏ mà có”. Đó chính là bí quyết mà Eran Katz - người lập kỷ lục Guinness về trí nhớ - tiết lộ vào sáng nay 9/3 tại Hà Nội.


Eran Katz trong buổi nói chuyện tại Hà Nội. Ảnh: L.A

Kỹ năng được rèn luyện theo thời gian
Chúng ta thường không tự tin vào trí nhớ của mình và thường cho rằng mình sinh ra đã có một trí nhớ không hoàn hảo và tự chung sống với nó suốt đời. Theo Eran Katz, đó là quan niệm sai lầm. Anh đã lấy ví dụ về sự việc hay diễn ra hàng ngày như việc tìm chìa khoá.
Khi ở nhà, chúng ta thường xuyên phải đi tìm chìa khoá. Muốn ghi nhớ được việc này, trước đó ta phải tạo thói quen ra lệnh cho não bộ là mình đã để nó ở đâu.
Tương tự, chúng ta thường hay mắc hội chứng khoá cửa. Đó là khi đã ra khỏi nhà nhưng vẫn luôn băn khoăn là không biết đã khoá cửa chưa. Để tránh những băn khoăn không đáng có, trước khi ra khỏi nhà,  hãy ấn tay nắm cửa hai lần và tự nói “mình đã khoá cửa”. Eran Kat cười nói: “Tất nhiên, nhiều người sẽ tưởng rằng mình bị tâm thần. Nhưng ít nhất khi ở viện tâm thần, ta vẫn nhớ rằng là mình đã khoá cửa.”
Luyện trí nhớ bằng cách gắn nó với liên tưởng
Một hiện tượng phổ biến, nghe nhưng không biết mình nghe gì, nhìn nhưng không biết mình nhìn gì. Chẳng hạn khi nhìn bức tranh nàng Mona Lisa của danh hoạ Leonardo de Vinci,  ít người để ý rằng bên trái bức tranh còn có đồi, suối.
Khi chú ý đến việc gì đó, thường gắn kết nó với những gì ta quan tâm. Chẳng hạn khi yêu cầu vẽ bản đồ Nhật Bản, Hàn Quốc, ít người có thể vẽ được, nhưng khi yêu cầu vẽ bản đồ Italia, nhiều người vẽ được vì nó giống hình chiếc ủng. Điều đó không có gì ngạc nhiên.
Cách đây cả ngàn năm, người La Mã cổ đại đã biết luyện trí nhớ bằng cách gắn nó với liên tưởng. Làm thế nào để gắn với một sự việc ngẫu nhiên? Eran đưa ra một danh sách các sự  vật ngẫu nhiên: giường, thảm, cá, váy, chó, ô tô… Không ai có thể nhớ được hết một danh sách dài.
Hãy phát huy trí tưởng tượng của mình vì trong đầu sẽ hình dung một bức tranh lộn xộn. Chẳng hạn, một con cá ươn nằm trên giường quấn chiếc thảm làm váy, một con chó lái ô tô…  Khi liên hệ, nên liên hệ với cái mới nhất.

Bộ não chỉ nhớ những gì ta quan tâm

Eran tiết lộ bí quyết mà ông có thể nhớ được dãy số 24 con số trên bảng.

 Eran Katz đã từng làm phép thử bằng cách mời 2-3 cặp lên sân khấu. Người  đàn ông đứng đằng trước và không được nhìn vào người đàn bà. Khi yêu cầu người đàn ông mô tả những gì mà người phụ nữ đang mặc trên người. Hầu như không ai nhớ nổi vì đàn ông đâu có quan tâm tới quần áo, đồ nữ trang…
Anh nói vui: “Điều đó cho thấy chị em phụ nữ đang tốn rất nhiều tiền bạc vào những việc vô ích.”
Ngược lại, phụ nữ thường hay phàn nàn về trí nhớ của mình, nhưng cô ta có thể nhớ chính xác những bộ quần áo, những bữa tiệc cách đây 5 năm…
Những ví dụ này đã một lần nữa khẳng định cho kết luận của Eran, bộ não chỉ nhớ những gì chúng ta quan tâm.
Vì thế, theo Eran, đối với những người có khả năng nhớ tên hay nhớ mặt của người khác, chính tỏ người đó rất quan tâm tới người khác. Người có khả năng nhớ chuỗi số, chính tỏ người đó rất quan tâm tới tính toán. Người thông thái nói chung là người  quan tâm tới nhiều thứ hơn. Điều đó cho thấy, nếu muốn có trí nhớ tốt, cần quan tâm tới nhiều thứ hơn.
Một hiện tượng nữa, những người cao tuổi thường cho rằng họ có thể nhớ những sự việc diễn ra cách đó 30-40 năm, nhưng không nhớ sự việc xảy ra ngày hôm qua. Thực ra, việc đó không liên quan tới tuổi tác. Vì cách đây 30- 40 năm, họ còn trẻ, mọi thứ đều mới lạ, thú vị và dễ dàng nhập vào bộ nhớ. Còn khi lớn hơn, nghe nhiều, biết nhiều, sự tác động đến não bộ không nhiều.
Vì thế, muốn có trí nhớ tốt, hãy nhận thức lại cuộc sống, yêu lại cuộc sống để thấy nó hấp dẫn. Hãy luôn nhiệt tình và yêu lấy cuộc sống từng phút giây để có trí nhớ tốt.
Mỗi tháng có thể học được một... ngoại ngữ
Người Nhật Bản, Thái Lan hay người châu Á nói chung rất sợ nói tiếng Anh vì luôn sợ nói sai. Cách học ngoại ngữ tốt nhất là sống trong môi trường ngôn ngữ đấy , kể cả nói sai.
Theo Viện nghiên cứu ngôn ngữ Washington, để giao tiếp được chỉ cần học thuộc  600 từ thông dụng nhất của mỗi ngôn ngữ. Với vốn từ này,  bạn có thể viết được bài đăng trên tờ New York Times đối với tiếng Anh và trên tờ Le Monde bằng tiếng Pháp.
Để tránh những hiểu lầm đáng tiếc trong ngôn ngữ, hãy coi ngôn ngữ như âm nhạc. Trước khi học ngoại ngữ, hãy học cách phát âm cho thật chuẩn. Eran đã lấy ví dụ bằng từ  Cảm ơn trong tiếng Việt, nếu người nước ngoài không phát âm chuẩn sẽ thành Come on trong tiếng Anh.
Eran cho biết, với 600 từ có thể làm chủ một ngôn ngữ, như vậy nếu mỗi ngày học 20 từ thì trong vòng 1 tháng có thể học được 1 ngôn ngữ.
Có sự quên hệ thống?
Bên cạnh việc luyện trí nhớ, tất nhiên cũng tồn tại việc quên hệ thống. Điều này do một số yếu tố tác động đến như sự căng thẳng (stress), mệt mỏi, làm việc quá nhiều, mất tập trung…
Eran lấy ví dụ khi một nhà báo đang viết bài mà có một cú điện thoại gọi đến. Mặc dù chỉ dừng lại để nghe 20 giây, nhưng người đó phải mất ít nhất 20 phút để bắt nhịp với công việc. Hay như việc kiểm tra hòm thư điện thư (check email) nhiều lần trong ngày sẽ gây mất tập trung. Lời khuyên của Eran là không nên kiểm tra hòm thư quá 4 lần trong một ngày.
Còn đối với những việc cần phải quên, theo Eran, cách tốt nhất là hãy tha thứ. Nếu tha thứ được thì sẽ quên được.

Mọi người được kiểm chứng trí nhớ đặc biệt của Eran khi anh yêu cầu mọi người đọc lên các con số bất kỳ để tạo nên dãy số... 24 con số. Eran không nhìn lên bảng mà có thể đọc lại chính xác dãy số đó theo chiều xuôi và ngược.
Anh cho biết, bí quyết này chính là anh học từ người Do Thái cổ. Đó là gắn 2 chữ số với một con chữ. Như vậy, thay vì nhớ 24 số, anh chỉ phải nhớ 12 chữ. Điều này sẽ dễ nhớ hơn. Bí quyết này cũng đã được anh ghi lại trong cuốn sách của mình đã từng được bán chạy nhất thế giới, nó đã được dịch ra 10 thứ tiếng như Thái Lan,  Nhật Bản, Hàn Quốc… sắp tới cuốn sách này mới được xuất bản bằng tiếng Anh.
Eran hy vọng cuốn sách này sẽ được dịch ra tiếng Việt vì chắc chắn nó sẽ rất có lợi cho các sinh viên, các doanh nhân…
Mọi người được kiểm chứng trí nhớ đặc biệt của Eran khi anh yêu cầu mọi người đọc lên các con số bất kỳ để tạo nên dãy số... 24 con số. Eran không nhìn lên bảng mà có thể đọc lại chính xác dãy số đó theo chiều xuôi và ngược.
Anh cho biết, bí quyết này chính là anh học từ người Do Thái cổ. Đó là gắn 2 chữ số với một con chữ. Như vậy, thay vì nhớ 24 số, anh chỉ phải nhớ 12 chữ. Điều này sẽ dễ nhớ hơn. Bí quyết này cũng đã được anh ghi lại trong cuốn sách của mình đã từng được bán chạy nhất thế giới, nó đã được dịch ra 10 thứ tiếng như Thái Lan,  Nhật Bản, Hàn Quốc… sắp tới cuốn sách này mới được xuất bản bằng tiếng Anh.
Eran hy vọng cuốn sách này sẽ được dịch ra tiếng Việt vì chắc chắn nó sẽ rất có lợi cho các sinh viên, các doanh nhân…

Lan Anh

Phương pháp tăng cường trí nhớ

Trong số muôn vàn câu hỏi mà chúng ta vẫn thường đặt ra cho bản thân, dường như "Sao tôi lại không nhớ được nhỉ?" là câu xuất hiện nhiều nhất. Tại sao vậy? Chắc hẳn vì trí nhớ là một trong những vấn đề bí ẩn nhất đối với con người. Có những người có trí nhớ cực tốt, chẳng hạn như anh chàng người Anh Andi Bell.
Trước mặt Andi Bell là 10 cỗ bài (tổng cộng 520 lá bài) đã xáo kỹ, và anh có 20 phút để ghi nhớ thứ tự từng lá. Hết 20 phút, Andi có thể trả lời vanh vách từng vị trí và giá trị của bất kỳ lá bài nào. Nhờ khả năng kỳ diệu này, anh đã giành chức vô địch trong cuộc thi trí nhớ thế giới năm 2002. Làm thế nào mà anh có thể thực hiện được điều đó?
Thực ra câu trả lời rất đơn giản. Trước khi tham gia thử trí nhớ, anh đã từng đi qua nhiều cột mốc ở London, và tuyến đường đã hình thành rồi bám rễ trong đầu anh: Nếu khởi hành tại Toà nhà Quốc hội, anh phải qua cầu Westminster rồi mới đến được London Eye. Nhưng đấy chỉ là bước khởi đầu, bước thứ hai đòi hỏi phải có trí tưởng tượng tốt.
Andi giải thích: "Khi phải nhớ một cỗ bài, tôi cứ hình dung mỗi lá bài là một bức tranh đầy màu sắc về con vật hay đồ vật nào đấy có liên quan đến lá bài". Ví dụ, cây J nhép là con gấu, cây 9 rô là cái cưa, và cây 2 pích là quả dứa. Sau đấy, Andi kết hợp 2 bước lại với nhau, tạo thành một "lộ trình" đầy những hình ảnh và ký tự. Anh tưởng tượng rằng mình đang đi trên đường phố London, tại mỗi cột mốc anh đặt một nhóm 3 đồ vật hoặc con vật. Chẳng hạn, tại Toà nhà Quốc hội có 1 chú gấu nhỏ, 1 cái cưa và 1 quả dứa. Khi phải nhớ vị trí từng lá bài, Andi chỉ việc lần theo lộ trình riêng trong não, ghé thăm từng cột mốc và nhớ lại xem mình đã đặt gì tại đấy.
Có vẻ như hơi cường điệu, nhưng Andi tuyên bố rằng bất kỳ ai cũng có thể dùng phương pháp này để nhớ một lượng thông tin cực lớn. Anh nói: "Khi còn bé, tôi đã có trí nhớ tốt rồi. Nhưng khi học được kỹ thuật sắp đặt, mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhiều".
Trên thực tế, phương pháp của Andi không hề mới. Nó là biến thể của "Phương pháp quỹ tích" do nhà thơ Hy Lạp Simonides phát minh năm 500 trước CN. Anh chỉ là người đầu tiên nhận ra rằng, một người có thể nâng khả năng nhớ của mình lên nhiều lần nhờ sử dụng phương pháp định vị để đặt những thứ mình muốn nhớ vào những vị trí quen thuộc.
Truyền thuyết kể lại rằng, khi Simonides đang ăn tối với các chức sắc nhà thờ thì xảy ra một trận động đất, phá huỷ toàn bộ căn nhà họ đang ngồi. Simonides may mắn thoát chết. Nhưng tai hoạ đã giết chết nhiều người, trong đó có những người không thể nhận dạng được nữa. Simonides dựa vào hình ảnh căn nhà trong não mà ông đã nhiều lần tưởng tượng ra để xác định vị trí từng nạn nhân, nhờ đó đọc tên được từng người.
Có thể giải thích cho phương pháp này như sau: Trong não có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, nối với nhau thành một mạng lưới khổng lồ. Khi cần nhớ một việc gì, chúng ta lập một đường mòn chạy xuyên qua mạng lưới, dẫn tới nơi ký ức đang được lưu trong não. Nhưng vấn đề là nếu đường mòn này bị vỡ, vì bất kỳ lý do gì, ký ức sẽ không khôi phục được nữa.
Và đây chính là lý do tại sao phương pháp quỹ tích lại thành công. Nó tạo ra không chỉ một, mà là nhiều đường mòn qua mạng lưới tế bào thần kinh. Nếu một đường bị phá vỡ, luôn luôn có đường khác thay thế. Phương pháp định vị bằng hình ảnh là một ví dụ - nó dẫn chúng ta tới ký ức về những gì chúng ta nhìn thấy. Ngoài ra, chúng ta còn có đường mòn dẫn tới mùi vị hoặc trải nghiệm. Nếu chúng ta bổ sung thêm thông tin mới vào não qua những đường mòn như thế, hầu như chẳng bao giờ chúng ta có thể quên một thứ gì cả.
(Khánh Hà - Theo BBC)


Kiếp luân hồi
 
Bạn nghĩ sao nếu một ngày tỉnh dậy bạn có thể nói tiếng Ai Cập cổ đại, hay sử dụng thành thạo ngôn ngữ của người La Mã.

Năm 20 tuổi, cô gái Elina Markand (người Đức) bị tai nạn giao thông. Khi tỉnh dậy, Elina bỗng nói tiếng Italy rất thông thạo, mặc dù trước đó cô chưa từng học một ngoại ngữ nào. Cô còn tự nhận mình là Rozetta Caste Liani, công dân Italy, và yêu cầu được trở về thăm quê hương của mình. Về tới "nhà", Elina mới biết rằng người có tên Rozetta Caste đã mất từ năm 1917 cũng do tai nạn giao thông. Đón cô là một bà già lụ khụ, xưng là con gái của Rozetta Caste. Elina chỉ tay vào bà già, nói: “Đây là Fransa, con gái tôi!”. Lúc ấy, tất cả mọi người đều giật mình, vì người đàn bà này quả thực tên là Fransa, đúng như Elina gọi.
 

 
Câu chuyện của Elina Markand đã trở thành đề tài đầy hấp dẫn cho giới khoa học. Thực tế, trong lịch sử từng có không ít trường hợp tương tự, và hiện tượng “nhớ về quá khứ” không nhất thiết phải bắt đầu từ một chấn thương nào đó, như trường hợp của Elina Markand.

Vào thập niên trước, một cô gái nhỏ người Anh đã biến thành "một người xa lạ" sau khi tỉnh dậy một buổi sáng. Em không nhận ra mẹ và người thân của mình, không nói được tiếng mẹ đẻ trong khi lại thông thạo tiếng Tây Ban Nha, và lúc nào cũng tỏ ra sợ sệt.
 

 
Các bác sĩ đều có kết luận giống nhau: Em bé 10 tuổi này không có biểu hiện gì về bệnh lý hoặc tâm thần, sức khoẻ tốt. Em nhận mình là người Tây Ban Nha và sống ở thành phố Toledo. Em kể lại rằng một người cùng phố do ghen ghét và đố kỵ đã đâm chết em năm em 22 tuổi. Cảnh sát Tây Ban Nha đã thẩm tra lại câu chuyện kỳ quặc về “tiền kiếp” của em, và kết luận, đúng như lời em kể. Ở số nhà đó trong thành phố Toledo từng có một cô gái 22 tuổi bị hãm hại. Những người hàng xóm đã tìm thấy xác cô ngay trong nhà. Câu chuyện càng sáng tỏ hơn khi hung thủ (lúc này đã già) tự đến gặp cảnh sát để thú tội.
Các nhà khoa học còn tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn có người đột nhiên "biến" thành công dân La Mã cổ đại, và bằng chứng khó chối cãi là anh ta biết sử dụng được thứ ngôn ngữ “nguyên thủy” của mình, không còn ai hiểu nữa. Tương tự như vậy, có người châu Âu bỗng nói tiếng Ai Cập, mất hẳn khả năng dùng tiếng mẹ đẻ. Rồi anh ta mô tả chính xác cảnh vật ở vùng sông Nile, và tự nhận có nguồn gốc Ai Cập.

Trí nhớ gene
Một số nhà khoa học đã thử đưa ra một lý thuyết giải thích hiện tượng trên với khái niệm "trí nhớ gene": Nếu các vùng "ngủ" trong ADN bị kích thích, con người có thể "trở về tiền kiếp". Họ bỗng nhớ lại gốc gác La Mã hoặc Ai Cập từ xa xưa. Cũng do ảnh hưởng bởi tiền kiếp mà nhiều người có thói quen xoa râu quai nón, mặc dù trên mặt không hề có râu. Người khác lại có thói quen nhấc vạt áo vét, y như động tác vén váy dài đang mặc khi vượt qua vũng nước.
 

 
Nhưng ở cô Elina người Đức và bé gái người Anh thì rõ ràng không hề có quan hệ nào về “gene di truyền” với người mà mình hoá thân, có nghĩa là trường hợp của họ không thể giải thích bằng “trí nhớ gene”. Vậy nó là thế nào? Ở châu Á, người ta rất quen thuộc với thuyết luân hồi của Phật Giáo, cho rằng thể xác con người – tức là cái “bề ngoài” - luôn thay đổi. Còn cái “bên trong thể xác” - tức linh hồn - là vĩnh cửu. Theo thuyết luân hồi, cuộc sống không khởi đầu bằng sự sinh ra, và cũng không kết thúc bằng cái chết. Cuộc sống cứ trôi vô tận. Linh hồn ở mỗi "kiếp" lại nhập vào một thân xác mới. Vì thế, sẽ không lạ khi cô Elina và bé gái người Anh đột nhiên nhớ lại kiếp trước của mình

Thuyết về kết cấu "phách"
 
Lại có một số nhà vật lý và sinh học đưa ra cách giải thích vấn đề trên bằng “kết cấu phách”. "Phách" ở đây tất nhiên không phải là "phách" trong âm nhạc, mà là một khái niệm chỉ "phần bất biến" của con người, còn được hiểu là "phần năng lượng tách ra dưới dạng sóng". Khi người chết, “phách” liền tan vào vũ trụ. Vì thế, “phách” có thể hiểu là một loại “trường sóng hạt cơ bản nhẹ”, hoặc là “tập hợp những năng lượng thông tin cá thể”.

 
Theo các nhà khoa học này, thuyết về phách có thể lý giải được đa phần hiện tượng thần đồng (trong âm nhạc, thi ca, khoa học…). Ở tuổi rất trẻ, những thần đồng này đã tích tụ được lượng kiến thức khổng lồ mà người bình thường cả đời cũng khó có được. Theo thuyết này, “phách” của các thiên tài là sản phẩm của hàng vạn kiếp trong quá khứ dồn lại trong một cơ thể hiện hữu. Nói cách khác, "trường sóng hạt cơ bản nhẹ" hay những "tập hợp thông tin cá thể" đã tập trung vào cơ thể họ theo một quy luật nào đó.

 
Nhiều nhà khoa học đã mạnh dạn đề cập tới những khái niệm rất mới về hiện tượng "nhớ về quá khứ". Họ đã lập ra một "quy trình công nghệ" cho phép bằng thực nghiệm đưa con người vào trạng thái giữa mơ và thực. Ở trạng thái lơ lửng kỳ ảo này, người tham gia thực nghiệm vẫn nhìn thấy những gì quanh mình, nhưng trong tiềm thức, họ lại thấy cả quá khứ. Phương pháp thực nghiệm này đã được áp dụng để chữa một số bệnh tâm thần và đem lại kết quả.
Mặc dù đã có những thành tựu nhất định, nhưng đến nay, những chuyện về "siêu trí nhớ" gần như vẫn nằm ngoài vòng nghiên cứu của khoa học chính thống. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là nhân loại chịu bó tay để tự rơi vào vòng "bất khả tri", các nhà khoa học vẫn đang tìm cách để giải thích những điều khó giải thích nhất.
 
Nguyễn Thành Huy
 
Phiên dịch viên "siêu hạng" nói 32 thứ tiếng

Ioannis Ikonomou, người Hy Lạp là một trong số 1.750 phiên dịch viên được Ủy ban châu Âu thuê làm việc, nhưng là người duy nhất nói được 32 ngôn ngữ khác nhau.


Ioannis Ikonomou
 
Dường như Ikonomou sinh ra để học tiếng và làm việc bằng tiếng nước ngoài. Có lần anh được thưởng thức món ăn Ethiopia và cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, anh không chỉ đến tiệm ăn, mà còn bắt tay vào học tiếng Amharic, và chỉ sau ba ngày đã đạt trình độ khá.

Tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Thuỵ Điển, Italy, Đan Mạch, Ba Lan, Hungari, Thổ Nhĩ Kỳ, Séc và Slovak là 14 ngôn ngữ làm việc của Ikonomou, Hy Lạp là tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, Ikonomou còn cảm thấy rất thoải mái khi nói bằng tiếng Nga, tiếng Bulgaria, Arập, Hebrew, Tiếng Trung, tiếng Kurd, Armenia, Ba Tư, tiếng Croatia, Hindu, Romania, Na Uy, Lítva hay tiếng Phần Lan.
Ngoài ra anh còn có thể sử dụng thành thạo một số ngôn ngữ chết. Anh nói: "Tôi thích học tiếng nước ngoài, những mối liên hệ của chúng với nhau. Đối với tôi, giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác là không đủ, mà tôi còn muốn biết cả về lịch sử ngôn ngữ đó nữa".
Lớn lên ở vùng đảo Creta, Ikonomou nhớ lại: Hồi nhỏ tôi thường theo dõi các khách du lịch nước ngoài, tìm cách bắt chước giọng nói của họ, và cảm thấy vô cùng thú vị. Khi đã nói thạo tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Ý, anh bắt đầu học tiếng Thổ. Anh nói: Tôi không thích quan hệ thù địch giữa người Hy Lạp và người Thổ. Tôi là một người theo chủ nghĩa hòa bình, và tôi quyết định học để hiểu rõ hơn về những người láng giềng của mình.
Công việc cũng không mấy dễ dàng: Không một trường nào ở Athens dạy môn tiếng Thổ, không có sách dạy tiếng Thổ, và hồi ấy Internet cũng chưa có. Rốt cục Ikonomou đành phải chọn cách tham gia một cuộc biểu tình chống Mỹ để tiếp xúc với những người tị nạn, và làm quen được một nữ kỹ sư người Síp đồng ý hướng dẫn anh học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Ikonomou học tiếng Nga vì "tôi là người cánh tả, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ." Anh học tiếng Trung "như một trò chơi". Ikonomou đến Bắc Kinh học tiếng Trung và đọc nghiến ngấu những cuốn sách "như một thằng điên, đến mức không thèm bước ra đường".
Anh kể: Hồi ở Bắc Kinh, có một giáo sư ngôn ngữ người xứ Vasco đang dạy tiếng Euskara ở đó, và thế là tôi đến lớp học của ông ta cùng với một cô gái người Nam Tư. "Bạn thử hình dung xem có điên không: Một lớp học tiếng Euskara ở Bắc Kinh, và chỉ có hai học trò là người Hy Lạp và người Nam Tư!"
Kết quả thật tệ hại, và Ikonomou chỉ còn nhớ được hai ba từ. Anh tâm sự: Tôi thích tiếng Catalan, nhưng mọi cố gắng của tôi để học thứ tiếng này đều vô ích: Tôi cố tìm cách tập nói thứ tiếng này ở Barcelona, nhưng người dân Calatan bao giờ cũng đáp lại tôi bằng tiếng Tây Ban Nha để giúp tôi".
"Nếu bạn muốn học một tiếng nước ngoài, điều tốt nhất là bạn phải yêu nền văn hóa của nước đó, từ lịch sử đến các món ăn, phim ảnh hay âm nhạc, thậm chí các món rau của họ," anh nói.
Khác với LHQ, nơi chỉ có 6 thứ tiếng được coi là ngôn ngữ chính thức, tại Ủy ban châu Âu, chính sách ngôn ngữ là trách nhiệm của các nước thành viên chứ EU không qui định ngôn ngữ chính thức. Chính vì vậy ngôn ngữ được sử dụng trong các cuộc họp của Ủy ban bao gồm toàn bộ 23 ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu. Các phiên dịch viên như Ikonomou thường chỉ dịch sang tiếng mẹ đẻ.
Ủy ban châu Âu vẫn gặp khó khăn trong việc tìm người phiên dịch nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Ikonomou nhận xét: người Anh học tiếng các nước EU rất tồi. Anh kể lại câu chuyện vui bên lề cuộc họp của cơ quan này khi có lần tại một hội nghị thượng đỉnh, Thủ tường Tây ban nha Felipe González định nói bằng tiếng Pháp: "Je suis devant vous" (Tôi đứng trước các vị) thì ông lại bảo: Je suis de bambou (Tôi là cây tre), mặc dù các phiên dịch viên đều nhận ra sự nhầm lẫn và dịch lại một cách chính xác, "bởi vì chúng tổi đều là những phiên dịch viên chuyên nghiệp".

Theo B.N.H/New York

Thuốc xóa ký ức

Ảnh: wired.com.
Ảnh: wired.com.
Các nhà khoa học Hà Lan vừa phát hiện ra một số loại dược phẩm có thể giúp con người loại bỏ nỗi sợ hãi và những ký ức đáng quên.
Một nghiên cứu trước đây cho thấy những ký ức tiêu cực bám trụ trong não của chúng ta tốt hơn các ký ức tích cực.
Nhiều thử nghiệm ở động vật chứng minh rằng đôi khi ký ức đáng sợ thay đổi khi ta nhớ lại chúng. Người ta gọi đó là quá trình củng cố ký ức. Tuy nhiên, một số loại thuốc giảm huyết áp lại có thể khống chế quá trình đó. Nhóm thuốc này phong tỏa hệ thần kinh giao cảm trên tim bằng cách ngăn chặn các thụ thể beta-adrenergic.
Trong một nghiên cứu đối với người, một nhóm nhà khoa học Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho 60 tình nguyện viên xem một số ảnh về nhện. Cứ mỗi khi tình nguyện viên xem một ảnh, các chuyên gia lại tiến hành gây sốc điện nhẹ trên cơ thể họ. Mục đích là tạo ra mối liên hệ giữa hình ảnh về nhện và sốc điện trong não tình nguyện viên. Tiếp theo nhóm nghiên cứu yêu cầu mỗi tình nguyện viên uống một viên propranolol (thuộc nhóm phong tỏa hệ thần kinh giao cảm) hoặc giả dược rồi kiểm tra phản ứng của họ đối với nhện sau 24 giờ.
Kết quả cho thấy cảm giác sợ hãi ở nhóm uống propranolol giảm mạnh khi họ xem lại các ảnh về nhện. Sau đó cảm giác sợ hãi biến mất. Điều này cho thấy ký ức sợ hãi của họ đã bị xóa.
Một số nhà khoa học cho rằng phát hiện trên có ý nghĩa đối với những người từng trải qua một sự kiện khủng khiếp – như bị hãm hiếp hay mưu sát – bởi họ có thể loại bỏ ký ức đáng sợ. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng nếu xóa bỏ được ký ức xấu, nạn nhân sẽ không thể đưa ra bằng chứng để tòa án kết tội hung thủ.
“Một số tên tội phạm có thể nói trước tòa rằng nhân chứng chống lại chúng đã uống thuốc xóa trí nhớ nên những bằng chứng mà họ đưa ra không đáng tin cậy”, giáo sư John Harris, một giáo sư bộ môn đạo đức sinh học của Đại học Manchester (Anh), nhận định.
Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ nỗi sợ hãi nói riêng và ký ức xấu nói chung bám trụ trong não bằng cách nào. Năm 2005, một số chuyên gia tìm ra một loại gene liên quan tới cảm giác sợ hãi. Loại gene này giúp họ nhận ra những người chẳng bao giờ sợ hãi và những người luôn sợ mọi thứ. Vào năm ngoái, một nhóm chuyên gia phát hiện ra rằng beta-catenin (một loại protein) chính là chất keo gắn chặt ký ức tiêu cực trong não.
Người ta cũng tìm ra một số cách tự nhiên để loại bỏ ký ức xấu. Một thử nghiệm vào năm 2007 cho thấy con người hoàn toàn có thể khống chế sự tái hiện của một số ký ức bằng cách luyện tập thường xuyên.
Minh Long (theo Livescience)


Bắt đầu thử nghiệm thuốc lưu giữ trí nhớ

Các nhà khoa học Mỹ đã bước vào giai đoạn cuối trong nỗ lực chế tạo loại thuốc có khả năng ngăn chặn sự biến mất của ký ức. Nó sẽ là vũ khí lợi hại trong cuộc chiến chống các bệnh liên quan tới suy giảm chức năng não.
Với thuốc chống xói mòn ký ức, việc học tập của con người sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ảnh:
Với thuốc chống xói mòn ký ức, việc học tập của con người sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ảnh: wagner.edu.
Trong quá trình tìm hiểu bệnh béo phì, các nhà khoa học của Đại học California (Mỹ) vô tình phát hiện ra rằng những thức ăn giàu chất béo có thể củng cố trí nhớ dài hạn. Vì thế họ quyết tâm phát triển loại thuốc có tác dụng giống như chất béo.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, axit oleic trong thực phẩm giàu chất béo được chuyển hóa thành một hợp chất có tên oleoylethanolamide (OEA) ở phần trên của ruột non. OEA không chỉ gửi tín hiệu "no" và "ngấy" tới não, mà còn tạo nên quá trình củng cố trí nhớ (trong đó ký ức ngắn hạn được chuyển thành ký ức dài hạn).
Giáo sư Daniele Piomelli, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết OEA kích hoạt quá trình củng cố trí nhớ ở vùng amygdala (chịu trách nhiệm củng cố những ký ức mang tính cảm xúc). Đây là vùng có hình dạng giống quả hạnh thuộc thùy điều khiển thời gian trong não.
"Nói một cách đơn giản thì OEA giống như một chất keo có khả năng giữ chặt trí nhớ trong não", Piomelli giải thích. Ông cho rằng chính OEA đã giúp người tiền sử ghi nhớ những nơi có nhiều thức ăn và nước. Xét về mặt tiến hóa, nó là công cụ quan trọng của người tiền sử và các loài động vật có vú khác.
Mặc dù chất béo chiếm tỷ lệ khá lớn trong khẩu phần ăn của người hiện đại, song điều tương tự không xảy ra ở thời nguyên thủy. Trên thực tế, tổ tiên của chúng ta hiếm khi được ăn những thứ giàu chất béo. "Nhớ vị trí có thức ăn ngon là một việc cần thiết đối với nỗ lực sinh tồn của người tiền sử. Chẳng có gì lạ khi động vật có vú cũng sở hữu khả năng này", Piomelli nói.
Giáo sư Piomelli cho biết, thuốc có tác dụng giống như OEA đang được thử nghiệm với người. Trước đó, ông và cộng sự đã thử nghiệm trên chuột. Kết quả cho thấy khả năng ghi nhớ dài hạn của chuột tăng lên rõ rệt. Nếu thử nghiệm trên người thành công, nhân loại sẽ có vũ khí mới trong cuộc chiến chống lại các bệnh suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như Alzheimer.
Minh Long (theo Telegraph)


Sẽ có thuốc xóa trí nhớ?

Trong lúc tìm hiểu về lĩnh vực trí nhớ, các nhà khoa học xem xét khả năng bào chế một loại thuốc giúp xóa những gì chúng ta không muốn nhớ lại nữa trong quá khứ.
Các nhà nghiên cứu thuộc công ty Helicon Therapeutics, chuyên trị liệu các bệnh có liên quan đến thần kinh đã xác định được một chất trong não chịu trách nhiệm ghi nhớ. Vấn đề là làm sao hủy bỏ chức năng của chất này đi, khi ấy vấn đề thuốc xóa trí nhớ không còn là chuyện "viễn vong" nữa.
Theo nhà khoa học Steven Rose thuộc Open University ở Anh - chuyện xóa một số trí nhớ nhất định - trên lý thuyết có thể làm được. Vấn đề là, làm sao hiểu được mối liên hệ phức tạp giữa các tế bào trong não mỗi khi nó ghi nhớ một sự kiện nào đó.
Trí nhớ hình thành bao gồm một dãy các phản ứng sinh hóa để dẫn đến những liên kết mới giữa các tế bào não. Những mối liên kết này chính là trí nhớ và chúng ta cũng đã hiểu một ít các phản ứng sinh hóa này. Một trong những thành phần đóng vai trò quan trọng trong dãy phản ứng sinh hóa trên não gọi là KREP.
Chất này kiểm soát tiến trình chuyển những trí nhớ mới có trong một hai ngày qua, trở thành trí nhớ lâu dài (có một nhà khoa học ở Hoa Kỳ, đã làm thí nghiệm với chất KREP ở chuột và ruồi dấm).
Bác sĩ Tim Tully thành viên sáng lập công ty Helicon Therapeutics chuyên nghiên cứu bào chế thuốc can thiệp đến trí nhớ. Ông sử dụng kỹ thuật sinh hóa để biến đổi gene sản xuất chất KREP ở ruồi dấm với kết quả đáng chú ý.
"Chúng tôi đã có thể vô hiệu hóa gene này của ruồi dấm đi và chứng tỏ được là khả năng ghi nhớ ngắn hạn của chúng vẫn bình thường, nhưng tiến trình chuyển thành trí nhớ dài hạn đã bị chặn lại". Dr Tully cho biết họ cũng tìm được các loại thuốc có khả năng tác động đến các chức năng của KREP.
Các nhà nghiên cứu hy vọng một tương lai không xa sẽ có thuốc xóa trí nhớ, để có thể giúp điều trị cho những người trải qua những chuyện kinh hoàng trong quá khứ.
(Theo BBC)
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
Nguồn: namtong.org