Học để biết hay để làm gì?


...Ở bậc phổ thông về toán là dạy các em biết cách tư duy kiểu toán học, nếu có điều đó các em sẽ tư duy tốt và sẽ học tốt các môn tự nhiên khác, còn văn cớ gì bắt các em phải trở thành những nhà phân tích, bình luận văn học? Có những tác phẩm người lớn còn bối rối nói gì các em! Nên chăng học văn là để các em biết cách hành văn, biết ứng xử với gia đình, với xã hội! Có nhất thiết phải bắt tất cả các em hiểu Lý Bạch, Nguyễn Du hay các đại thi hào khác nói gì không?
Sao không mượn văn chương để thổi vào các em một tình yêu quê hương đất nước, tình yêu giữa con người với con người, thổi vào các em lòng tự hào dân tộc, khát khao được vươn lên, khát khao được đóng góp xây dựng đất nước. Hay sát thực nhất là tình yêu thương, tính trách nhiệm với gia đình của mình!

Còn bậc đại học, thật buồn cười khi một sinh viên ngành kế toán năm cuối không đủ tự tin đặt bút ghi vào tờ hóa đơn GTGT, không biết chứng từ gồm những gì? Cớ gì khi học môn thị trường chứng khoán phải bắt sinh viên ngồi tính toán xem trong một phiên giao dịch mã chứng khoán này khớp được bao nhiêu và ở các mức giá nào? Làm thế để làm gì khi toàn bộ những thứ đó máy móc đã thực hiện hết, con người dù muốn cũng không phải làm.
Trong khi không biết cái bảng điện tử nó thế nào? Tờ ghi lệnh mua, bán, hủy, sửa nó làm sao? Mở một tài khoản giao dịch chứng khoán thế nào? Sinh viên học gì để lúc ra trường một tờ đơn xin việc viết không ra hồn, đến công ty rồi một công văn đơn giản nhất không biết viết. Có bạn còn tự tin uỵch chữ “Công văn” to tướng làm tiêu đề như “Hợp đồng” hay các loại đơn từ khác!!! Nói ra thì còn nhiều điều buồn lắm với sinh viên nhà ta khi ra trường…


Học không đơn giản chỉ để biết mà điều quan trọng là để làm. Tôi cũng như nhiều người khác không quan tâm trong đầu bạn biết nhường nào thứ, cái đó là của bạn! Điều mỗi nhà tuyển dụng nói riêng và xã hội nói chung quan tâm là chúng ta biến những kiến thức trong đầu ấy thành sản phẩm có thể sử dụng được, áp dụng những kiến thức ấy vào công việc và cuộc sống, làm cho năng suất lao động cao hơn, tạo ra nhiều lợi ích, nhiều giá trị hơn! Còn bạn biết nhiều đấy, nhưng nếu nó cứ nằm ỳ trong đầu bạn phỏng có ích gì?
Doanh nghiệp nào cũng biết họ cần gì ở người lao động để phục vụ tốt nhất cho công việc, nhưng oái oăm họ lại không được yêu cầu nhà trường phải đào tạo như thế nào để phù hợp với nhu cầu công việc! Xưa nay chúng ta mặc định đó là phần việc của các nhà quản lý, của những người làm công tác giáo dục nước nhà. Mà chính xác phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì đây đâu phải là việc của riêng ai? Nhưng trước khi sự nghiệp cải cách của chúng ta đạt chuẩn, có lẽ người học nên tự thay đổi tư duy, không phải học để biết, học để thi nữa mà là học để làm.
Xác định rằng, học để làm sẽ giúp chúng ta biết phải học những gì, cái gì cần trau dồi, cái gì đúng nghĩa chỉ để biết, giúp người học quan tâm tới việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn công việc hơn thay vì chỉ để ứng phó với kiểm tra hay đơn thuần chỉ là biết. Từ đó giúp chúng ta sau khi ra trường thích ứng nhanh hơn với môi trường làm việc, hòa nhập nhanh hơn với thế giới. Như vậy chúng ta sẽ thành công hơn.


Sưu tầm