Ngủ chung với thú nuôi, sức khỏe gia đình bạn sẽ gặp nguy hiểm

Hầu như các gia đình ở thành phố đều rất cưng chó/mèo; thường cho cún cưng được nằm ngủ trên sofa hay trên giường của họ.
Bây giờ không chỉ những gia đình ở tỉnh, ở quê mới có thú nuôi trong nhà; những gia đình ở thành phố cũng nuôi thú cưng rất nhiều. Của đáng tội, nuôi thì thương, mà thương thì chúng ta không nỡ lòng nào nhìn thú cưng phải… nằm ngủ dưới đất. Lý do là vì không ai có thể cưỡng lại ánh mắt buồn bã thê thảm của thú cưng.
Thật ra ngủ với thú cung không phải là một hành động nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của con người, có cả tỷ người ngày ngày vẫn ôm ấp thú cưng như là đồng loại mà có sao đâu? Sẽ chẳng là vấn đề gì nếu như bạn biết về mối nguy hiểm mà hành vi ngủ với thú cưng có thể mang lại cho bạn và gia đình mình.
Vấn đề là ở đây mọi người ạ: Cho chó hay mèo ngủ trên giường ngủ hoặc trong phòng ngủ hay trên ghế sofa có thể để lại một số hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe con người. Chuyện này đặc biệt nguy hiểm với những ai có hệ miễn dịch bị suy yếu, vì họ không thể đối phó với các vi sinh vật cũng như, cơ thể khó đối chọi lại với bất cứ hiểm nguy tiềm tàng nào cho sức khỏe. Mà vật nuôi thì bạn biết rồi đấy, chúng là một ổ ký sinh trùng nhiều loại khác nhau có thể xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra những rắc rối không mong muốn. Chính vì vậy, chúng ta cần phải học cách nhận biết các triệu chứng sớm của bệnh, để áp dụng điều trị thích hợp.
Năm 2014, một bé trai 12 tuổi, quê huyện Quảng Trạch, Quảng Bình nhập viện vì mắt bỗng dưng bị lác hoàn toàn không còn nhìn thấy lòng đen. Ca bệnh hiếm gặp khiến cả Viện Mắt Trung ương và bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đều “bó tay”. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó. Nhưng vấn đề là “tôi đã thăm khám và điều trị nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó nhưng đây là trường hợp đặc biệt đáng ngại. Mắt bệnh nhân bị lác hoàn toàn, lòng đen gần như không nhìn thấy”, giáo sư Đề nói.
Giun đũa chó (Toxocara canis) ký sinh ở chó. Theo ghi nhận 80% chó ở vùng nhiệt đới bị nhiễm bệnh, con số này là 17 - 20% ở vùng ôn đới. Khi chó bị nhiễm loại giun này, giun sống và trưởng thành trong ruột non của chó rồi đẻ trứng. Trứng giun được đào thải cùng phân, từ đó tìm cách xâm nhập vào con người. Giun đũa chó có thể xâm nhập vào cơ thể bằng đường tiêu hóa. Ngoài ra chúng có thể vào cơ thể qua da non khi tiếp xúc trực tiếp với phân nhiễm ấu trùng, nhất là da của trẻ em. Sau khi trưởng thành trong cơ thể người, giun đũa chó có thể chui qua thành ruột non, theo đường máu đi đến các cơ quan khác như gan, tim, phổi, mắt… gây ra một số hội chứng tăng bạch cầu, sốt, gan to, viêm cơ tim, động kinh, viêm não, võng mạc, viêm nhãn cầu... Thậm chí một số trường hợp giun còn xâm nhập vào tủy, não.
Bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người và là gánh nặng bệnh tật cho xã hội, cho dù một số bệnh có thể được điều trị và phòng bệnh một cách dễ dàng.Trẻ em lại là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo. Không chỉ chó, mèo thả rông mà cả chó, mèo cảnh đã được tắm rửa sạch sẽ cũng không loại trừ các loại ký sinh trùng gây bệnh. Trên cơ thể của các thú nuôi thường có bọ, ve, ghẻ cư trú nên việc ôm ấp sẽ khiến những con bọ nhảy sang người và gây bệnh. Lông chó, mèo còn là thủ phạm kích thích các cơn hen ở trẻ nhỏ.
Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng 60% chủ sở hữu mèo và 55% chủ sở hữu chó ở Mỹ ngủ với vật nuôi mỗi ngày. Kết quả tương tự cũng được báo cáo sau các nghiên cứu tại Đức, Nhật Bản, Úc, Hà Lan, Anh và Pháp… Kết quả này chỉ ra rằng ngủ với vật nuôi đã trở thành một xu hướng trên toàn thế giới và chắc chắn sẽ không dừng lại.
Nếu bạn thực sự thích được ôm ấp, vuốt ve thú cưng; thì bạn nên thận trọng với sức khỏe của chính mình, đồng thời nên kiểm tra sức khỏe thú cưng thường xuyên. Cẩn tắc vô áy náy.
Những ai nuôi chó, mèo cần lưu ý:
*Nên
- Tắm rửa thú nuôi thường xuyên, từ 1-2 lần/tuần, bằng loại dầu tắm riêng để loại bỏ trứng giun bám vào lông.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine từ khi chúng được 2 tháng tuổi.
- Tẩy giun sán định kỳ 3-6 tháng/lần, tiêm ngừa bệnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên ở các phòng khám thú y.
- Nơi ngủ của chó cần phải cách ly với người và phải được dọn sạch sẽ hằng ngày.
- Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống, thậm chí phải thay quần áo sau khi chơi đùa, chăm sóc vật nuôi.
- Khi vật nuôi có các biểu hiện bệnh như lông rụng vung vãi, con vật ngứa ngáy, dụi người vào tường để gãi hoặc có những dấu hiệu bất thường như bỏ ăn, ủ rũ… cần đưa đến phòng khám thú y.

*Không nên:
- Cho thú nuôi ăn thịt sống.
- Cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.
- Ôm hôn, âu yếm hay ngủ, ăn uống chung với thú nuôi vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Cho trẻ em chơi bò dưới đất, mút tay khi trong nhà có nuôi chó, mèo. Tốt nhất nên cho trẻ chơi nơi không có chó, mèo lui tới.
- Rửa thật kỹ trái cây, rau sống trước khi ăn.
- Người già, trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, ung thư, ghép tạng… dễ mắc bệnh từ thú nuôi và khi mắc bệnh thường nặng thì không nên tiếp xúc với chó, mèo nhiều.
- Dùng các hóa chất tẩy rửa mạnh khi tắm cho thú nuôi vì trên lông chúng có chất gây mượt lông phòng vệ tự nhiên cho vật nuôi.



Hình ảnh một chú chó nhà được đưa đến phòng khám thú y để giải quyết ổ ký sinh trùng dưới da



Nếu không thận trọng, sức khỏe của gia đình (nhất là trẻ nhỏ) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ký sinh trùng ở vật nuôi

Theo /BÁO MỚI

1 nhận xét: