THƯ CHO BÉ SƠ SINH



Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cũng một cảnh ngộ nghe em



Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em dã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen

Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ


Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến


Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Nhớ đừng có hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu


Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang
Với những danh từ đao to búa lớn
Để lừa bịp đó em


Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người...


Đỗ Hồng Ngọc
( BV Từ Dũ, Saigon,1965)


Nhạc sĩ Võ Tá Hân vừa gởi về tôi bài hát Thư Cho Bé Sơ Sinh do anh phổ nhạc bài thơ cùng tên của tôi qua giọng ca của ca sĩ Hoàng Quân.
Xin được chia sẻ cùng các bạn.
Bài thơ tôi viết năm 1965, cách đây cũng đã… nửa thế kỷ, khi tôi còn là một sinh viên y khoa năm thứ 3, thực tập tại bệnh viện Từ Dũ, Saigon. Đây là ca đầu tiên tôi “đỡ đẻ” và trong nỗi cảm xúc lâng lâng, dạt dào, tôi đã viết ngay bài thơ trong khoảng 10 phút và… chép vào bản phúc trình thực tập của mình. Câu chuyện quanh bài thơ này khá là ngộ nghĩnh. GS Hoàng Ngọc Minh đọc bản phúc trình, rầy tôi: “đỡ đẻ không lo đỡ đẻ, lo làm thơ!”. Nhưng sáng hôm sau, đã thấy bài thơ được ai đó viết lên bảng và tức khắc lan truyền nhanh trong giới sinh viên và nữ hộ sinh thời đó…
Gọi là thư viết cho bé sơ sinh, thực ra cũng là viết cho… chính mình, ở vào một thời nhiễu nhương, chiến tranh tàn khốc trên đất nước! Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã phổ nhạc bài thơ này (1974), nhưng bài hát đã không phổ biến. Sau 1975, bài thơ được một bác sĩ ở miền Bắc cho biết hàng năm khi dạy học ở một trường Trung học Y tế anh đều đọc cho các Nữ hộ sinh nghe, và nói tác giả là “khuyết danh”, vì bài thơ do một anh bộ đội mang về không thấy ghi tên tác giả! Năm 2006, bài thơ được dịch sang tiếng Anh (Phát’blog) và gần đây Diệu Hạnh dịch sang tiếng Pháp. (có thể đọc thêm “Chuyện kể về một bài thơ” trên www.dohongngoc.com).
Thư cho bé sơ sinh… không dễ phổ nhạc! Nhạc sĩ Võ Tá Hân đã có cảm xúc để phổ nhạc bài này, lại giữ nguyên được lời thơ, quả là một điều đáng quý! Đây là một bài hát hay, đầy tâm trạng, khắc khoải, bâng khuâng, trong clip nhạc với nhiều hình ảnh minh họa rất dễ thương…
Trân trọng cảm ơn Ns Võ Tá Hân, cảm ơn Võ Giao Trinh, ca sĩ Hoàng Quân… và tất cả.

Mời các bạn thử nghe!
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
(18.10.2014)


POEM FOR A NEWBORN

When you saluted the world with a cry
‘Twas a smile I gave you from this world
When grown up, Baby, please don’t ask
Why one smiles when the other’s crying.

I dropped into your eyes some dark brown liquid
For their own good, it’s said
It was then no longer you see life through true eyes
Don’t ask why life‘s so dark. Remember.

When I cut your umbilical cord, Baby
I had said I’m sorry. Oh truly I am
For from then you’re all by your own
Parted from Eden-Mother.

I don’t mind whether you’re a boy or a girl
“Cause one day, you’ll still find that strange shyness
and those teardrops at nights
When love finds your heart.

I didn’t miss tieing that band on your wrist
You were labeled since those first moments
When grown wiser, don’t ask “who am I?”
Don’t be surprised of this world of labels!

When you opened your eyes and gave me that curious look
I found myself doing the same over the windows
A new day has waken up, to haste and bewilderment
To those rhetorical big words
For cheating for bloodshed, you know…

My salute to you, dear Baby
Welcome aboard
We’re both living…
The life
Of
a Human…

Do Hong Ngoc (Tu Du, Saigon 1965)
Phát (dịch tiếng Anh 11/2006)

Lời của người dịch (Yahoo! 360- Phat’ blog):
Điều khiến tôi xúc động nhất khi đọc bài thơ không phải là ý tứ và nội dung của nó. Mà là, tôi cảm nhận dường như tôi chia sẻ và hiểu những gì mà cậu sinh viên Y khoa Đỗ Hồng Ngọc đang trải qua lúc ấy. Tôi cảm thấy như mình như đang trải qua những gì mà tác giả trải qua, và cái cảm xúc ập đến trong tôi lúc đó khiến tôi đồng cảm phần nào tâm trạng tác giả khi cậu viết liền bài thơ ở ngay dưới phần bệnh án.
Tôi hình dung trước mặt tôi là một cậu sinh viên y khoa tuổi đầu 20. Một cái tuổi còn khá trẻ để hiểu đời. Nhưng cũng như hầu hết thanh niên khác, đối với cậu ta, cậu đã là một người trưởng thành, đã có thế giới quan và cái nhìn đời thấu suốt. Quá khứ học tập xuất sắc và vị trí hiện giờ của cậu càng thêm củng cố sự tự tin vào mình như là một bậc thức giả. Ở miền Nam vào những ngày tháng đó, học đến Tú tài đã không nhiều, học đến sinh viên Y khoa thưc tập như cậu đã đựơc các y tá gọi là “thầy”.
Và thực sự thì cậu có một cái nhìn về đời rất tinh tế và sâu sắc chứ không hời hợt như những thanh niên khác. Chỉ có điều, nó là cách nhìn đời bi quan. Tôi đoán là cậu bị ảnh hưởng bởi Trịnh trong câu hát “Trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, hoặc biết đâu là ngược lại. Dẫu sao thì cả hai đều nhìn thấy sự tối đen, sự dối trá chà đạp lên nhau, sự chụp mũ vu họa lẫn nhau của loài người.
Sài Gòn những năm 60. Có lẽ cậu ta đang chán ngán và bế tắc lắm khi nhận ra cảnh nồi da xáo thịt, anh em giết hại lẫn nhau nhân danh này nọ. Những mỹ từ mà người ta khoác lên nhau để rồi giết hại nhau, để rồi lừa lọc, thanh toán nhau.
Biết là biết vậy, nhưng cậu có thể làm được gì? Cuộc đời đối với cậu, vì vậy, mà tối tăm lắm, u ám lắm.
Và thật là thú vị, ngay cả chính tình yêu cũng không cứu rỗi được linh hồn, không làm tươi hơn cho cuộc đời. Bởi tình yêu cũng mang lại “nước mắt trong đêm”. Nó giống như là một tai họa mà cuộc đời sắp đặt sẳn, rình rập sẳn. Nó đợi ta trên con đường thời gian mà ta bước, đến quãng đường mà ta biết thẹn thùng, thì sẽ tìm đến tấn công ta, làm khổ ta. Tôi tủm tỉm cười, chắc cậu này vừa bị thất tình đây, hoặc nếu đẹp hơn, chắc cậu ta đang bị dày vò bởi một tình yêu đơn phương không được hồi đáp.
Đoạn về tình yêu này trong bài thơ làm cho con người cậu thanh niên này toàn vẹn hơn, thực hơn. Bài thơ không phải là một tình cảm nào đó của tác giả, không phải là một ý tứ nào đó, một triết lý, hay cảm xúc nào đó của tác giả như phần lớn những bài thơ khác. Nó dường như là toàn bộ những gì mà tác giả đang cảm nhận, đang ý thức, toàn bộ những gì đang ngự trị trong tâm trí cậu. Cho nên nó thật lắm, người lắm mà cũng riêng tư lắm.
Và bây giờ, cậu thanh niên trí thức ấy, người bác sỹ tương lai ấy đang chờ đợi một điểm mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình – lần đầu tiên tự tay đỡ đẻ chính cho một ca. Cái điểm mốc lần đầu tiên ấy chính là yếu tố làm tăng thêm, mạnh thêm một cảm xúc khác quan trọng hơn, lúc này đang xâm chiếm đầu óc cậu nhiều hơn – Đó là sự ý thức về tính thiêng liêng của việc mang ra đời một sinh linh.
Bạn có thấy không, rằng đối với cậu ta, chuyện mang đứa bé này ra đời là một cái gì đó thiêng liêng lắm? Người Mẹ, người mang nặng đẻ đau, người cưu mang đứa bé, giờ đang vật vả trên bàn sinh, đáng lẽ phải là 1 nhân vật chính. Vậy mà, bà ta bị gạt ra hoàn tòan khỏi bức tranh tâm ý này. Sự xuất hiện duy nhất của người mẹ trong bài thơ lại chính là khi đứa bé bị cắt lìa ra khỏi địa đàng lòng mẹ. Có cảm giác như là cậu thanh niên này đang giành đứa bé khỏi người mẹ của mình, và giành cả sự thiêng liêng của việc tạo thành một sinh linh về phía mình. Trong đầu cậu ta bây giờ chỉ còn có 1 ý nghĩ: một cuộc sống đang ra đời, và cậu ta đang tiếp nhận cuộc sống đó vào đời.
Cho nên cậu ta trân trọng nó lắm. Cậu ta làm từng thao tác bằng tất cả tâm và ý của mình, giống như là một nghi thức tôn giáo thiêng liêng, như một nghi thức đạo (hiểu đạo theo nghĩa trong trà đạo).
Trong sự thiêng liêng này, chỉ còn có cậu ta và em bé sơ sinh. Chỉ còn lại sự đối đãi của anh dành cho bé, và sự đối đãi giữa anh và bé. Bé khóc chào đời, anh chào lại. Bé mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh, anh thấy mình ngỡ ngàng nhìn lại cái đời mà mình vừa tiếp tay đưa bé nhập cuộc. Anh nhỏ mắt cho bé, cắt rún, buộc nhãn cho bé, mỗi động tác là một nghi thức anh làm với toàn bộ tâm và ý của mình.
(Chính vì vậy mà tôi hơi tiếc cho đoạn “Em là gái là trai anh chẳng quan tâm”. Đây là câu thơ đầu khổ duy nhất bị rớt khỏi cái khuôn khổ những cử chỉ/ hành động đối đãi giữa anh và bé. Lúc dịch tôi cố thử tìm cách thay thế nó bằng những ý đại loại như “Khi anh tuyên bố rằng em là bé gái hay bé trai” để giữ cái tứ những cử chỉ đối đãi nhau, những gì anh bác sỹ làm trong khi đỡ sinh. Tuy nhiên dịch ra khá khó và lủng củng vì còn phải nối ý với câu sau. Cuối cùng thì tạm dịch sát ý, nhưng vẫn làm giảm nhẹ từ I don’t care thành I don’t mind).
Tôi tưởng tượng tâm trạng của cậu bác sỹ lúc này chắc là lạ lắm. Cậu ta đang cảm giác tất cả sự thiêng liêng của sự chào đời là ở trong đôi tay mình. Và cùng lúc, cậu ta “thấu hiểu” rằng cuộc đời là tối đen, là khổ đau, là dối trá và dã man. Không biết cậu ta có thấy mình đang là tội phạm hay không? Cậu ta có cảm thấy mỗi bước, mỗi hành động mình đang làm là mang vào đời này thêm một sinh linh khổ đau, và mang khổ đau của kiếp người vào một sinh linh này? Cậu ta có cảm thấy tội lỗi, có thấy chán ngán ghê tởm những nghi thức thiêng liêng này? Tôi nghĩ rằng không. Tôi cảm nhận thấy cậu ta đang để hết tâm ý của mình khi cắt rún, khi nhỏ mắt, khi buộc nhãn cho bé, mỗi mỗi bước đều làm với một lòng thương xót của một người cùng cảnh ngộ. Nó đẹp lắm, có lẽ cũng gần với lòng thương xót từ bi của đức Phật chăng?
Trong sự đối đãi ấy, cậu bác sỹ có vẻ như đứng ở vai trò kẻ cả, người chủ động. Cậu ta làm, còn đứa bé bị làm. Cậu ta dặn dò, cảnh báo và xin lỗi mà vẫn làm cái vẻ lành lạnh : nhớ đừng hỏi, đừng ngạc nhiên, anh chẳng quan tâm,… Thế nhưng nó không che dấu được cái tình cảm của một người dành cho một người bạn khác đồng cảnh ngộ _ một tình cảm bình đẳng, xót xa cho nhau mà thương quý nhau. Bởi cả hai cùng chung số phận … con người.
Tôi có cảm giác những phân tích dài dòng ở trên chỉ làm cho việc cảm nhận bài thơ khó khăn hơn. Bởi gần như cùng lúc những suy nghĩ trên ùa đến, chứ nó không tuần tự, rành mạch như ở trên.
Những suy nghĩ về cuộc đời, những nếm trải về tình yêu, sự thiêng liêng của việc đứa bé chào đời, ca đỡ đầu tiên, một sinh linh mới, một ngày mới – tất cả những cái đó tương tác lẫn nhau, bồi đáp nhau mà ập vào xâm chiếm tâm trí cùng lúc. Nó mạnh mẽ, tràn ngập và ngộp thở.
Cho nên cậu ta phải phát tiết ra ngoài bằng thơ.
Cho nên cậu ta viết ngay ở dưới phần bệnh án.
Cho nên bài thơ đó chứa tất cả những cảm nhận ở trên. Cho nên bài thơ đó rất xúc cảm, chân thành mà thô mộc. Không có nhiều sự lả lướt của vần điệu, không có sự hoa mỹ và múa may của từ ngữ, không có những nghiêm cẩn của luật lệ. Nó tức thời (spontaneous), đơn giản, đôi khi gãy khúc, không gò bó. Nó không phải là thơ tự do. Nó là thơ tự nhiên.
Cho nên nó thật hơn và người hơn.
Lúc dịch thơ, tôi muốn lưu lại cái tự nhiên, cái không nhiều tính thơ này, cái tâm thực này. Bởi tôi sợ cái lưu loát, cái lả lướt, uyển chuyển sẽ làm mất đi cái đẹp của nó. Biết đâu một bài thơ lả lướt kia sẽ làm cho người đọc chỉ thấy được thơ mà không thấy con người đằng sau thơ, không thấy cái cảm giác ngộp thở trong lúc làm thơ.

Saturday November 11, 2006

Ghi chú của Đỗ Hồng Ngọc: Tôi tình cờ tìm thấy bản dịch bài thơ “Thư cho bé sơ sinh” trên Yahoo! 360- Phat’ blog. Người dịch có những nhận xét sâu sắc, bất ngờ đối với tôi, người đã viết bài thơ này 43 năm về trứơc (1965). Y như người dịch đã sống trong tâm trạng của chính tác giả lúc đó, thời đó. Không biết Phát là ai, tôi đoán có lẽ là một bạn trẻ đang sống ở nứơc ngoài. Và điều này càng khiến tôi kinh ngạc với sự cảm nhận về Thơ của Phát Chỉ có một chi tiết: Khi viết “Em là gái là trai anh chẳng quan tâm” thì tôi nghĩ dù em là gái hay là trai, một ngày kia tình yêu cũng sẽ đến, và nứơc mắt cũng sẽ đến… cùng em thôi! Cho nên Phát dịch “don’t mind” là đúng hơn “don’t care” đó Phát ạ.

Cám ơn bạn.
Đỗ Hồng Ngọc
(10.2008)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét