'Đại hiệp' Kim Dung và nỗi đau đáu về người con trai tự tử

Kim Dung đã tìm đến Kinh Phật để mong lý giải nguyên nhân cậu con trai Tra Truyền Hiệp tự tìm đến cái chết khi chưa tròn 20 tuổi.
Kim Dung, tên thật Tra Lương Dung, là nhà văn đương đại nổi tiếng Trung Quốc. Ông được đông đảo độc giả hâm mộ bởi hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ… Kim Dung được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp.

Nhà văn Kim Dung. Ảnh nhỏ: Kim Dung và vợ hiện tại, Lâm Nhạc Di.

Nhiều năm qua, Kim Dung hiếm khi công khai tham gia sự kiện mà dành phần lớn thời gian ở nhà. Theo Sina, sức khỏe nhà văn 92 tuổi vẫn ổn định. Hôm 27/3, ông tham gia buổi tọa đàm “Kim Dung võ hiệp và Giấc mơ Trung Quốc”, diễn ra ở Bắc Kinh. Đi cùng Kim Dung còn có các cháu của ông. Trong hoạt động, ban tổ chức chia sẻ ảnh Kim Dung và con trai thứ Tra Truyền Thích. Bức ảnh dấy lên tò mò của người hâm mộ về các con của nhà văn - họ làm nghề gì và có ai nối nghiệp bố?
Kim Dung có bốn con, hai trai hai gái. Con trai lớn Tra Truyền Hiệp, con trai thứ Tra Truyền Thích và hai con gái là Tra Truyền Thi, Tra Truyền Nột. Cả bốn người đều là con của Kim Dung với người vợ thứ hai Chu Mai (Kim Dung có ba đời vợ, lần lượt là Đỗ Dã Phân, Chu Mai và Lâm Nhạc Di).
Tra Truyền Hiệp là người thừa hưởng ở bố nhiều nhất khả năng văn chương. Kim Dung dạy Truyền Hiệp Tam Tự Kinh từ khi cậu bé còn bi bô học nói. Bốn tuổi, Truyền Hiệp đã thuộc lòng Tam Tự Kinh, sáu tuổi đã thuộc Tăng Quảng Hiền Văn. Mọi người đều gọi cậu là tiểu thần đồng. Được gia đình hun đúc, Tra Truyền Hiệp yêu thích tiểu thuyết từ thuở ấu thơ. Năm 1965, tiểu thuyết Hiệp khách hành đăng trên tờ Minh Báo của Hong Kong (tờ báo do Kim Dung sáng lập). Truyện có nhiều đoạn nói về tình yêu con của vợ chồng Thạch Thanh. Câu chuyện cảm động, gần gũi đó được viết từ chính lòng thương vô bờ của vợ chồng Kim Dung với Truyền Hiệp.

Nhà văn Kim Dung và hai con Tra Truyền Hiệp, Tra Truyền Thi.

Tra Truyền Hiệp say mê Hiệp khách hành, đến mức có một lần cậu đang đọc tiểu thuyết dưới mái hiên tí tách mưa rơi, cha mang món ngon đến trước mặt rồi gọi con nhưng cậu vẫn không rời mắt khỏi sách. Năm 14 tuổi, Truyền Hiệp viết một bài văn nói rằng đời người là bể khổ, chẳng có ý nghĩa gì và tỏ ý muốn được giải thoát. Có người sau khi đọc bài văn thì chột dạ, khuyên Kim Dung nên ngăn cản cậu bé khỏi những suy nghĩ này. Song nhà văn bảo con trai đúng. Ông khen Truyền Hiệp sớm nhận biết, tư tưởng sâu sắc.
Kim Dung không thể ngờ được rằng, cũng vì “sớm nhận biết”, Truyền Hiệp về cõi vĩnh hằng khi còn ở tuổi thanh xuân. Tháng 10/1976, Tra Truyền Hiệp tự tử, sau khi cãi vã với bạn gái qua điện thoại. Lúc đó, cậu chưa đầy 20 tuổi và đang là sinh viên năm nhất Đại học Columbia (Mỹ).
Lúc bấy giờ, có hai khả năng được đưa ra về lý do tự tử của Tra Truyền Hiệp.
Lý do thứ nhất liên quan tới việc Kim Dung và Chu Mai ly hôn. Ở Mỹ, Truyền Hiệp biết quan hệ giữa bố mẹ rạn nứt, sắp sửa chia tay nên rất buồn. Anh nhiều lần khuyên bố mẹ hàn gắn nhưng không thể. Gia đình tan vỡ là cú đòn mạnh giáng vào anh. Để rồi trong phút chán nản, cậu sinh viên nghĩ đến sự giải thoát.
Lý do thứ hai được đưa ra có liên quan tới tình cảm cá nhân của Tra Truyền Hiệp. Lúc đó, Truyền Hiệp yêu một cô gái sống ở San Francisco. Đôi tình nhân trẻ mâu thuẫn và Truyền Hiệp tự tử vì tình yêu không tốt đẹp.

Kim Dung và con gái Tra Truyền Nột.

Cái chết của con trai là nỗi đau không bao giờ bù đắp nổi đối với Kim Dung. Nhà văn từng hồi ức về quãng thời gian u ám sau khi con qua đời: “Sau khi nghe tin con mất ở Mỹ tôi đau đớn và u sầu. Nhưng hôm đó tôi có bài viết quan trọng cho báo. Vừa viết vừa rơi nước mắt. Lòng quặn thắt nhưng tôi vẫn phải viết”. Tiếp đến, ông đi Mỹ đưa thi thể con về Hong Kong mai táng.
Thời gian đó, Kim Dung từng muốn chết theo con. Một câu hỏi lớn xâm chiếm tâm hồn ông: “Tại sao con tự tử, tại sao con bỗng nhiên từ bỏ sinh mệnh. Tôi muốn tới cõi âm gặp Truyền Hiệp, muốn con giải đáp câu hỏi này”.
Con trai tự tử cũng là lý do trực tiếp khiến nhà văn theo tín ngưỡng Phật giáo. Sau khi con qua đời, ông bắt đầu nghiên cứu Kinh Phật, từ sách Phật giáo tìm câu trả lời cho cuộc đời.
Năm 1991, Kim Dung bán tờ Minh Báo cho Vu Phẩm Hải. Không ít người cho rằng ông trao đứa con tinh thần của mình cho Vu Phẩm Hải vì người này có ngoại hình giống Tra Truyền Hiệp. Kim Dung nói rằng: “Về lý tính, tôi không nghĩ như thế. Nhưng Vu Phẩm Hải sinh cùng năm với con trai lớn của tôi, đều tuổi Khỉ. Tướng mạo đúng là hơi giống nhau. Tình thân tự nhiên trỗi dậy trong tiềm thức. Cũng có thể là như vậy”.
Ba người con còn lại của Kim Dung nay đều đã là cha, là mẹ và không ai theo nghiệp văn chương. Con gái lớn Tra Truyền Thi tốt nghiệp Đại học York (Canada) với thành tích xuất sắc. Cô kết hôn năm 1988, cùng phó tổng biên tập một tờ báo của Hong Kong. Con gái thứ Tra Truyền Nột là một họa sĩ tài năng và rất tích cực làm từ thiện. Một số người thân cận với Kim Dung nói rằng, Tra Truyền Nột là cảm hứng để Kim Dung xây dựng hình tượng Tiểu Long Nữ.
Con trai thứ Tra Truyền Thích có vẻ ngoài rất giống Kim Dung. Hồi nhỏ anh không mấy nghe lời cha mẹ, học hành cũng không có thành tích gì nổi bật. Sau này, Kim Dung cho con du học ở Anh, cậu chọn ngành kế toán vì cho rằng “kế toán chỉ cần nhập dữ liệu vào các ô cố định là ra đáp số, thích hợp nhất cho những người lười”. Tốt nghiệp đại học trở về Hong Kong, Truyền Thích về làm phó giám đốc ở nhà xuất bản của Kim Dung, giúp cha quản lý công việc về xuất bản.

Hải Lan

Bảy nàng Tiểu Long Nữ 'đọ' chất 'thần tiên'

Trần Ngọc Liên, Lý Nhược Đồng được khen ngợi gần giống Cô Cô như mô tả trong tiểu thuyết; Trần Nghiên Hy bị chê không hợp để đóng Tiểu Long Nữ.
Phan Nghinh Tử

Phan Nghinh Tử đóng Thần điêu đại hiệp bản Đài Loan sản xuất năm 1984. Phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng bấy giờ là Mạnh Phi, Thẩm Hải Dung, Ứng Hiểu Vy… Tác phẩm từng gây sốt ở Đài Loan khi phát sóng tháng 6/1984.


Dương Quá Mạnh Phi và Tiểu Long Nữ Phan Nghinh Tử rất được lòng khán giả.

Trần Ngọc Liên

Trần Ngọc Liên đóng Thần điêu đại hiệp bản năm 1983. Khí chất thanh thoát, không vướng bụi trần của Tiểu Long Nữ Ngọc Liên lưu dấu ấn sâu đậm.



Đóng cặp với Trần Ngọc Liên là Lưu Đức Hoa. Sự kết đôi của cặp trai tài gái sắc mang lại nhiều thú vị cho khán giả. Phim từng phá vỡ kỷ lục tỷ lệ người xem khi phát sóng ở Hong Kong. Bản thân nhà văn Kim Dung không ít lần nói ông hài lòng nhất với bản Thần điêu của Lưu Đức Hoa - Trần Ngọc Liên, cho rằng tác phẩm phản ánh đúng linh hồn tiểu thuyết của ông.
Lưu Đức Hoa không chỉ yêu Ngọc Liên trong phim. Ngoài đời, anh cũng có tình cảm với người đẹp. Tài tử từng thổ lộ: "Ngọc Liên rất đẹp. Cảm giác mà cô ấy mang đến cho tôi thật sự rất Tiểu Long Nữ. Cô ấy tránh xa thị phi ở đời. Tôi từng tỏ tình với Trần Ngọc Liên nhưng bị từ chối”. Đức Hoa từ bỏ theo đuổi Trần Ngọc Liên sau khi biết cô là bạn gái của Châu Nhuận Phát - thần tượng của anh.

Lý Nhược Đồng

Tiểu Long Nữ của Lý Nhược Đồng chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả yêu phim võ hiệp. Rất nhiều người nhận xét Nhược Đồng là người tái hiện Cô Cô thành công nhất. “Nhược Đồng không chỉ đẹp mà còn có vẻ thoát tục. Tiểu Long Nữ của cô hư hư thực thực, có phong thái điềm tĩnh, thần tiên”, một khán giả nhận xét.


Cổ Thiên Lạc sánh đôi Lý Nhược Đồng trong bản Thần điêu 1995. Phim được xếp vào hàng tác phẩm truyền hình võ hiệp kinh điển.

Ngô Thanh Liên

Nhậm Hiền Tề, Ngô Thanh Liên đóng Thần điêu do Đài Loan sản xuất năm 1998. Tiểu Long Nữ Ngô Thanh Liên bị chê vì… mặc đồ đen.

Phạm Văn Phương

“Báu vật” điện ảnh Singapore Phạm Văn Phương hóa thân Tiểu Long Nữ trong phiên bản ra mắt năm 1998. Phim không để lại ấn tượng đặc biệt. Người đóng Dương Quá là Lý Minh Thuận. Văn Phương và Minh Thuận sau này nên duyên vợ chồng (hai diễn viên kết hôn năm 2009).

Lưu Diệc Phi

Lưu Diệc Phi đóng Tiểu Long Nữ khi chưa đầy 20 tuổi. Cô Cô của Diệc Phi có vẻ thoát tục nhưng vì diễn xuất còn khá non nớt, diễn viên chưa lột tả hết những trạng thái cảm xúc của nhân vật.


Huỳnh Hiểu Minh được chọn đóng cặp với Diệc Phi, anh hơn "Tiểu Long Nữ" 10 tuổi.

Trần Nghiên Hy




Trần Nghiên Hy vào vai Tiểu Long Nữ trong phiên bản mới nhất. Khi phim còn chưa bấm máy, diễn viên 30 tuổi đã hứng chịu nhiều lời chê. Cô bị nhận xét là không đủ chất "thần tiên" để hóa Cô Cô. Người đẹp cũng bị cho là quá tuổi để vào vai Tiểu Long Nữ.
Trần Nghiên Hy tỏ ra bình tĩnh trước các lời chê, cô mới đây viết trên trang cá nhân: "Có thể tôi không phải hình tượng Tiểu Long Nữ mà các bạn mong đợi. Nhưng tôi sẽ cố gắng mang tới một Tiểu Long Nữ mới mẻ hơn".

Tám chàng Lệnh Hồ Xung 'đọ' khí phách
Châu Nhuận Phát là Lệnh Hồ Xung ung dung tự tại nhất, còn Lữ Tụng Hiền được đánh giá lột tả thành công "Xung ca" nhất.
Châu Nhuận Phát

TVB là đơn vị đầu tiên thực hiện phim truyền hình dựa theo tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung. Trong sản phẩm truyền hình sản xuất năm 1984, Châu Nhuận Phát đảm nhiệm vai Lệnh Hồ Xung còn diễn viên Trần Tú Châu vào vai Nhiệm Doanh Doanh. Theo Sina, Nhuận Phát là chàng Lệnh Hồ Xung phóng khoáng, tự tại nhất.

Lữ Tụng Hiền

Năm 1996, TVB thực hiện bản Tiếu ngạo giang hồ mới. Nam diễn viên Lữ Tụng Hiền hóa thân thành Lệnh Hồ Xung. Đây được đánh giá là tác phẩm chuyển thể Tiếu ngạo giang hồ đạt nhất, trong khi đó Lữ Tụng Hiền được gọi là Lệnh Hồ Xung kinh điển nhất.

Lý Á Bằng

Năm 2001, Lý Á Bằng vao vai Hồ Xung trong phim cùng tên do Trung Quốc đại lục sản xuất. Đây là bản Tiếu ngạo giang hồ đầu tiên của đại lục.

Mã Cảnh Đào

Năm 2000, Mã Cảnh Đào vào vai Lệnh Hồ Xung, Phạm Văn Phương vào vai Nhiệm Doanh Doanh trong Tiếu ngạo giang hồ của Singapore. Tạo hình của Mã Cảnh Đào trong phim không được lòng các fan phim kiếm hiệp.

Lý Liên Kiệt

Lý Liên Kiệt và Lâm Thanh Hà đóng vai chính trong sản phẩm điện ảnh Tiếu ngạo giang hồ - Đông Phương Bất Bại. Lý Liên Kiệt được gọi là Lệnh Hồ Xung anh tuấn nhất.

Nhậm Hiền Tề

Năm 2000, Nhậm Hiền Tề vào vai “Xung ca”, bên cạnh "Nhiệm Doanh Doanh" Viên Vịnh Nghi, trong bản Tiếu ngạo giang hồ do Đài Loan sản xuất. Phim không chinh phục được phần lớn khán giả một phần do sự thay đổi nhiều về kịch bản so với nguyên tác.

Hứa Quán Kiệt

Bản Tiếu ngạo giang hồ của Hong Kong sản xuất năm 1990 quy tụ dàn diễn viên tài sắc Hứa Quán Kiệt, Diệp Đồng, Trương Mẫn, Trương Học Hữu... Đây được đánh giá là phim thành công nhất chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung.

Hoắc Kiến Hoa

Tài tử sinh năm 1979 Hoắc Kiến Hoa vào vai Lệnh Hồ Xung trong bản Tiếu ngạo giang hồ sản xuất năm 2012. Đầu năm 2013, đoàn làm phim công bố tạo hình các nhân vật trong phim. Vẻ ngoài thư sinh của “Lệnh Hồ Xung” khiến bộ phận khán giả không hài lòng. Một số ý kiến của độc giả VnExpresscho rằng Hồ Xung Hoắc Kiến Hoa thiếu khí chất ngang tàng ngạo nghễ, ung dung tự tại.

Sưu tầm