Quỷ-Cốc Tử Tiên-Sinh

Theo sách Đông Chu liệt quốc, Quỷ Cốc Tử tên là Vương Hủ, bạn thân của Tôn Vũ và Mặc Dịch. Từ khi ông về ẩn cư ở Quỷ Cốc, đất Dương Thành thuộc địa phận nhà Chu, được người đời xưng tụng là Quỷ Cốc tiên sinh. Ông tâm đắc " Âm Phù Kinh " ( tương tuyền do Hiên Viên hoàng đế trứ tác, được xếp vào kinh điển của Đạo gia ) và " Tôn Tử binh pháp ". Tư tưởng của ông thiên về âm đạo ( chú trọng đạo âm nhu ), có phần giống tư tưởng của Lão Tử. Tuy vậy ,cho tới ngày nay các học giả vẫn chưa khảo chứng được tiểu sử của ông một cách chính xác, lai lịch của ông huyền ảo như chính danh hiệu của ông. Có người còn cho rằng sách Quỷ Cốc Tử là ngụy thư, nhưng dù phải hay không thì sách Quỷ Cốc Tử vẫn có một ảnh hưởng rộng lớn trong thời Chiến quốc đối với các học phái Tung Hoành gia, Pháp gia và Binh Pháp gia về sau.
Trong số đồ đệ của ông có bốn người nổi tiếng là Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần và Trương Nghi.
Khi nhắc đến Quỷ Cốc Tử là người đời nghĩ ngay đến mưu kế của ông :
Số sáu theo Kinh Dịch là số Thái âm, tượng trưng cho âm, sự kín đáo, bí mật. Sáu lần của số sáu là ba mươi sáu, tượng trưng cho sự vận hành biến hóa muôn vàn, 36 chỉ là con số tượng trưng, vì kế sách cần phải bí mật thâm hiểm nên lấy Thái âm làm tượng trưng. Đó là Tam Thập lục kế , ba mươi sáu kế khởi đầu của Quỷ Cốc tiên sinh, về sau để diễn tả sự biến hóa của mưu kế người ta hệ thống sách Quỷ Cốc Tử ra thành 72 đấu pháp công tâm thuật. Con số 72, tức 36 x2 tượng trưng cho sự biến hóa vô cùng, trong kế có kế, kế phản kế, kế đối kế, vận dụng theo lý luận âm dương, căn cứ trên những quan hệ mâu thuẫn đối đãi như minh ám, hư thực, khúc trực, thuận nghịch, đại tiểu, cương nhu, cường nhược, viễn cận, tiến thoái v.v...
" Âm Phù kinh " là bản kinh cổ đại vô giá, chỉ gần năm trăm chữ, tương truyền do Hiên Viên Hoàng Đế trứ tác, lời văn súc tích uyên áo, về sau Quỷ Cốc Tử là người thâm đắc đem truyền lại cho Tô Tần, nhờ vào đó Tô Tần đưa ra kế sách " Hợp tung " làm Tướng Quốc cả sáu nước Triệu, Tề, Yên, Sở, Ngụy, Hàn. Lãnh đạo liên minh chống lại nước Tần cường bạo vào cuối thời Chiến quốc.

Bản dịch nguyên văn Hán Việt "Âm Phù Kinh " :

Thượng thiên
Quan thiên chi đạo, chấp thiên chi hành, tận hỷ

Xem xét đạo trời, cứ làm theo sự vận hành của trời ( như vậy là biết ) hết rồi vậy.

Thiên hữu ngũ tặc, kiến chi giả xương.

Trời có năm thứ giặc, thấy được nó là tốt.

Ngũ tặc tại tâm, thi hành ư thiên.

Năm thứ giặc ở trong tâm ( chúng ta ), mà thi hành là do trời.

Vũ trụ tại hồ thủ, vạn hóa sinh hồ thân.

Vũ trụ ở trong bàn tay, mà thân ( ta ) biến hóa sinh sôi vạn thứ.

Thiên tính nhân dã. Nhân tâm cơ dã. Lập thiên chi đạo, dĩ định nhân dã.

Tính trời là ( tính ) người vậy. ( Mà ) lòng người là máy móc. ( Cho nên ) lập ra đạo của trời là để định ( tính ) của người vậy.

Thiên phát sát cơ, tinh thần ẩn phục ( di tinh dịch tú ) ;

Trời phát ra sát cơ là ẩn phục trong tinh tú ( do tinh tú dời đổi );
Địa phát sát cơ, long xà khởi lục. Nhân phát sát cơ, thiên địa phản phúc.

Đất phát ra sát cơ thì rồng rắn nổi lên mặt đất. Người phát ra sát cơ thì trời đất tráo trở.

Thiên nhân hợp phát, vạn hóa định cơ.

Trời và người cùng hợp để phát ra ( sát cơ ) thì vạn thứ hóa sinh định được nền tảng.

Tính hữu xảo chuyết, khả dĩ phục tăng.

Tính ( người ) có khéo có vụng, có thể che dấu được.
Quân tử đắc chí cố cung, tiểu nhân đắc chí khinh mệnh.

Quân tử được nó thì thân vững bền, tiểu nhân được nó thì khinh rẻ mạng sống.

Hạ thiên

Cổ giả thiện thính, lung giả thiện thị ;

Người mù thì nghe giỏi, người điếc thì thấy hay ;

Tuyệt lợi nhất nguyên, dụng sư thập bội; tam phản trú dạ, dụng dự vạn bội.


Dứt bỏ bớt đi một nguồn tiện lợi thì việc quân ( mạnh ) hơn mười lần; ngày đêm quay lại ( xét mình ) thì việc quân ( mạnh ) hơn vạn lần .

Tâm sinh ư vật, tử ư vật, cơ tại mục.

Cái lòng ( của mình ) nảy sinh ra từ vật ( bên ngoài ), ( mà cũng ) chết vì vật ( bên ngoài ), động cơ là do mắt (nhìn sự vật ).

Thiên chi vô ân nhi đại ân sinh, tấn lôi liệt phong, mạc bất xuẩn nhiên.

( Điều tưởng như ) không có ân đức của trời chính là sinh ra cái ân đức lớn, sấm chớp dữ tợn, gió thổi vùn vụt cũng không phải là điều ngu xuẩn ( vô lý ) đâu.

Chí lạc tính dư, chí tĩnh tính liêm.

Vui sướng cực độ thì tính tình ( sẽ bộc lộ ) sự dư thừa ( phù phiếm ), yên tĩnh cực độ thì tính tình ( sẽ bộc lộ ) sự liêm khiết.

Thiên chi chí tư, dụng chi chí công,

Sự rất riêng tư của trời đem ra thực hiện ( chính ) là sự chí công,
Cầm chi chế tại khí, sinh giả tử chi căn, tử giả sinh chi căn. Ân sinh ư hại, hại sinh ư ân.

Khống chế cầm giữ là ở khí, sự sống là gốc của cái chết, cái chết là gốc của sự sống. Ân tình sinh ra từ sự tổn hại, sự tổn hại sinh ra từ sự ân tình.

Ngu nhân dĩ thiên địa văn lý thánh, ngã dĩ thời vật văn lý triết.

Người ngu thì lấy cái văn vẻ của trời đất để xem xét bậc thánh nhân, còn ta lấy cái văn vẻ theo thời mà xem xét sự sáng suốt.

Nhân dĩ ngu ngu thánh, ngã dĩ bất ngu ngu thánh.

Người ta lấy cái điều ngu muội để đo lường bậc thánh nhân, còn ta thì lấy cái điều không ngu muội để đo lường bậc thánh nhân.


Nhân dĩ kỳ kỳ ( kỳ ) thánh, ngã dĩ bất kỳ kỳ ( kỳ ) thánh.


Người ta trông chờ điều kỳ lạ ở thánh nhân, còn ta thì trông chờ điều không kỳ lạ ở thánh nhân.


Cố viết

Cho nên nói rằng :

Trầm thủy nhập hỏa, tự thủ diệt vong.

Trầm ( mình xuống ) nước, ( nhảy ) vào lửa là tự giành sự diệt vong.


Tự nhiên chi đạo tĩnh, cố thiên địa vạn vật sinh;


Cái đạo của tự nhiên thì yên tĩnh, cho nên trời đất vạn vật sinh sôi;

thiên địa chi đạo tẩm. Cố âm dương thắng
cái đạo của trời đất thì thấm nhuần ( khắp nơi ). Cho nên âm dương hơn thua ( với nhau )


Âm dương tương thôi, nhi biến hóa thuận hỹ.
Âm dương đẩy nhau ( nhờ vậy ) mà sự biến hóa được thuận vậy.

Thị cố thánh nhân tri tự nhiên chi đạo bất khả vi, nhân chi chế chi.
Cho nên thánh nhân biết không thể trái ngược với cái đạo của tự nhiên được, vì vậy ước chế theo nó.

Chí tĩnh chi đạo, luật lịch sở bất năng khế.
Sự cực yên tĩnh của đạo thì luật lịnh không thể khế hợp.

Viên hữu kỳ khí, thị sinh vạn tượng. Bát quái giáp tý, thần cơ quỷ tàng.
Do vậy mới có các khí cụ kỳ lạ sinh ra muôn tượng ( Như các môn tính toán ) 

bát quái giáp tý, quỷ thần ẩn chứa bên trong.

Âm dương tương thắng chi thuật, chiêu chiêu hồ tấn hồ tượng hỹ.
Cái học thuật âm dương sinh khắc bộc bạch ra ở các hình tượng và sự tiến triển

* * *

Quỷ Cốc Tử luận về " Thuận Nghịch " :


Thuận là thuận theo, là thích ứng với hoàn cảnh ; nghịch là chống lại , là phản đối không theo. Con người thông thường có lợi thì hòa hợp thân nhau, tổn hại thì gây gổ xa nhau. Trong khi thiết lập mưu kế hay trong các trường hợp giao tế thương thuyết cần phải hành xử hợp lý phạm trù mâu thuẩn này.
Quỷ Cốc Tử được xem như ông tổ của phái Tung Hoành gia ( học phái chuyên về du thuyết, bày mưu, lập kế thời chiến quốc ) có bàn về những động thái cần thiết về ngoại giao du thuyết rất rõ ràng ( tức thuật lượng nghi phát ngôn ).
Ngày nay các nguyên tắc này vẫn còn có một giá trị nhất định. Mục đích là đo lường đối tượng để thuyết phục đối phương. Phải biết cách nói, cách nghe, phân biệt lời nói, thái độ, tâm lý cá tính của đối phương.
Tâm lý người đời khá kỳ lạ, có khi cần nói thẳng không ngần ngại nhưng cũng có lúc phải quanh co; có khi phải nói xuôi theo, có khi phải nói nghịch lại, thật là phức tạp.
Bởi vậy trong khi nghe người khác thuyết phục hay tranh luận, cần phải bình tĩnh, đừng để các giác quan hỗn loạn thì nhận thức sẽ sai lầm dễ rơi vào mê lộ của đối phương.
Theo quy luật vật cùng loại thì hô ứng, không đồng loại thì không hô ứng với nhau ( Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu ). Tương tự, con người cũng vậy, thường chủ quan, cảm tính và thiên kiến. không đồng tình với ý của mình thì cho là trái. Không hợp với tâm lý tình cảm của mình thì cho là nghịch. Cho nên trong khi đối thoại thuyết phục, ai hiểu đạo này thì thành công, không nắm vững thì thất bại.

Quỷ Cốc Tử xét về thái độ của lời nói như sau :

1/ Nạn ngôn là lời nói khó, dùng lý luận đối lại, mục đích làm cho người đối thoại bộc lộ ý tưởng thật của họ.

2/ Nịnh ngôn là nói xuôi theo, xu nịnh nhằm biểu lộ sự đồng tình của mình cho người ta biết.

3/ Xảo ngôn là lời nói khéo léo hay ho, tự biểu lộ trí tuệ uyên bác hơn người của mình.

4/ Bình ngôn là lời nói bình ổn để biểu lộ sự dũng cảm, quyết đoán của mình.

5/ Uy ngôn là lời nói nghiêm nghị làm cho người đối thoại mình quan tâm đến thần thái của họ.

6/ Tĩnh ngôn là lời nói thản nhiên dù bị người đối thoại dùng lý luận, kích bác đến thất bại vẫn bình tĩnh ôn hòa.

Quỷ Cốc Tử xét về trạng thái tâm lý của lời nói như sau :

1/ Bệnh ngôn là lời nói không có khí lực, hư nhược.

2/ Oán ngôn là lời nói biểu lộ tự mình đã hỗn loạn, vô lý.

3/ Ưu ngôn là lời nói buồn rầu không vui, thiếu sức sống.

4/ Nộ ngôn là lời nói giận dữ, vọng động, giống như bị khống chế.

5/ Hỷ ngôn là lời nói vui mừng, đắc ý, tản mạn.

Quỷ Cốc Tử, xét về mặt cá tính của đối tượng đã đề ra mấy nguyên tắc đối thoại như sau :

1/ Đối với người ngu thì dùng thuật hùng biện để nói với họ.

2/ Đối với người hùng biện thì im lặng lắng nghe.

3/ Đối với người cao quý thì dùng điều cao thượng nói với họ.

4/ Đối với người đang thất bại khó khăn thì dùng sự khiêm cung để nói với họ.

5/ Đối với người giàu sang thì vận dụng uy thế để nói với họ.

6/ Đối với người bần cùng thì dùng điều lợi để nói với họ.

7/ Đối với người dũng cảm thì dùng đạo nghĩa mà nói với họ.

8/ Đối với người có chí tiến thủ thì dùng sự sắc bén để nói với họ.

9/ Gặp người cường mânh thì dùng sự nhu hòa để nói với họ.

10/ Gặp người có địa vị thì dùng thế mà nói với họ.

Mỗi một con người đều có một phong cách, một cá tính riêng, hiểu được đối phương và tìm phương pháp đối thoại thích hợp thì có thể thuyết phục và giành được ưu thế.
Trăm mưu ngàn kế cũng phải tùy theo đối tượng mà vận dụng, đều phải căn cứ vào tâm lý cá tính của con người. Nghề quý ở tinh thông, trí quý ở sáng suốt, cho nên điều quan trọng là tùy cơ ứng biến, vận dụng các nguyên tắc một cách thông minh.

Quỷ-Cốc Tử Tiên-Sinh


Theo ngocbao.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét