Non tuần qua, tôi vừa đọc mấy trang báo Online thiệt buồn. Trời ạ, tôi không thể tưởng nổi việc người ta lại có thể đem từng ấy lời lẽ dè bỉu cay độc đến vậy để nói về nhau, về những người mà chính mình cách đây không lâu, khi ngỡ cùng chung một chiếu, đã không tiếc lời ngợi ca xưng tụng. Sao mà tình đời buồn quá vậy, đã trót thương nhau thì nếu chẳng đồng tịch đồng sàng cũng nên đồng quan đồng quách chứ. Đến như những khách giang hồ ngày trước chỉ cần một chén rượu thề nhỏ xíu còn dám khấn nguyền sẽ cùng chết cùng ngày cùng tháng với nhau. Ô hay, hình như đó lại cũng là một trong những bi kịch máu lệ nhất của tục khách trầm luân khi mà An Dương Vương không ngờ được Mỵ Châu đã làm gì, khi thiếu phụ Nam Xương bị chồng ngờ vực, khi Mị Nương khinh bạc Trương Chi, cho A Châu phải hứng trọn một chưởng đoạt mệnh từ Kiều Phong đại ca!
Kinh ghi đêm kia cán quạt của một vị lão tăng đã ngẫu nhiên thọc sâu vào mắt của người học trò hầu cận vốn là một vị Sa-di đã chứng quả La-hán. Vết thương quá nặng, không thể cứu chữa, nhưng vị La-hán học trò lặng lẽ chịu đựng. Sáng ngày, biết ra cớ sự, vị lão tăng hết lời xin lỗi người đệ tử và nhận được một lời thưa nhẹ như gió thoảng. Thưa đó đâu phải lỗi của thầy, mà là tội khổ trầm luân, hữu thân hữu nạn. Một câu nói không thể đơn giản hơn, nhưng đã gói tròn tất cả vấn nạn thiên cổ của trần gian.
Tôi đã không ít lần bàng hoàng khi đọc thấy trong kinh điển Nam Truyền những trường đoạn thê thảm kiểu đó trong cái tạm gọi là bộ phim luân hồi nhiều tập. Trên sóng nước trầm luân của phàm tâm chuyện gì cũng có thể xảy ra. Từ những mối thương hận vô lý nhất, đến những sự đời nói ra khiến ai cũng thấy khó tin. Một tôn giả Mục-liên tu hành vô số kiếp dưới chân bao nhiêu vị Phật vậy mà cũng có khi đang tâm đánh đập tàn nhẫn hai đấng sinh thành mù lòa chỉ vì mấy lời thỏ thẻ của cô vợ chẳng ra chi. Cũng chính tôn giả vào thời Phật Cù-lưu-tôn (Kakusandha) đã mang thân ác ma nhiễu hại hiền thánh, phá hoại chánh pháp bằng lắm đòn độc. Rồi thì một thiên chủ Tự Tại Cung từng thí mạng cúng dường Thế Tôn Ca-diếp để cầu Phật đạo lại bằng mọi giá quấy nhiễu đức Phật Cồ Đàm, trước sau chỉ mong Ngài sớm viên tịch. Và đã hết đâu, có ai ngờ được một Bồ-tát Tất Đạt trong tiền kiếp từng buông lời bất kính gọi Thế Tôn Ca-diếp là Gã Trọc. Để rồi một tỷ kheo Đề-bà-đạt-đa với đạo hạnh huân tu suốt hai Tăng-kỳ Kiếp (gần gấp đôi thời gian tu hành của hai ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên) lại tranh thủ cơ hội hãm hại vị Bồ-tát tiền thân Thế Tôn Cồ-đàm trong suốt nhiều kiếp sống, và mãi đến khi Ngài thành đạo ông cũng chẳng buông tha, từng tìm mọi cách để sát hại. Kinh Nam Truyền nói ông rồi cũng chứng ngộ quả vị Độc Giác Phật trong một kiếp lai sinh, nhưng đọc kỹ hành trạng của ông xưa giờ ai cũng phải rùng mình. Đó là cái ác nghiệt của dòng sinh tử, kể cả hàng đại sĩ cũng không nằm ngoài được những cuộc chơi khốc liệt gay cấn của cõi trầm luân.
Đắp áo Nam Truyền nhưng tôi cứ một lòng yêu kính một vài hình tượng độc đáo bên Phật giáo Bắc Truyền là Thường Đề Bồ-tát và Thường Bất Khinh Bồ-tát. Một vị cứ khóc hoài suốt đời, ngực áo chẳng bao giờ khô nổi, chỉ vì cảm thương sâu sắc toàn bộ khổ đau mà muôn loài chúng sinh vẫn gánh chịu. Nhìn đâu Ngài cũng thấy toàn những nổi đời bi thương, trái khoáy, nghịch lý và muốn dùng tiếng khóc của mình để cảnh tỉnh nhắc nhớ nhân gian. Vị thứ hai là ngài Thường Bất Khinh cả đời chấp tay vái chào hết thảy những ai đối diện chỉ vì tin rằng ai cũng có thể là một đấng Phật Đà trong mai hậu cho dù hôm nay có trời ơi đất hỡi đến mức nào đi nữa. Tôi thiệt lòng kính quý hai hình tượng đó với tất cả chân thành chỉ vì trộm nghĩ mật hạnh của hai vị đã là những mô tả sâu thẳm nhất về tinh thần Phật giáo, bất kể Nam Truyền hay Bắc Phái.
Tôi người Nam Truyền nên chẳng mặn mà lắm với khái niệm Phật Tánh của Phật giáo Bắc Phương, nhưng tự thâm tâm luôn tin tưởng vào sự tồn tại của cái tạm gọi là khả năng giác ngộ trong mỗi con người. Trong cuộc sinh tử vô thủy có cảnh giới nào ta chưa từng ghé lại, điều đó có nghĩa rằng ai cũng từng là bâc đại hiền và không ít lần làm kẻ đại ác. Hai khả năng đó theo đuổi phàm phu suốt cuộc trầm luân để trong trời đất có đủ thiên đường, địa ngục. Thiện ác là hai nguồn năng lượng đối lập nhưng không phải lúc nào cũng tương khắc. A-tỳ-đàm bảo chúng có lúc cũng tương sinh. Như Âm với Dương, như nóng với lạnh, sáng với tối, sướng với khổ. Chúng quy định lẫn nhau. Và đó cũng là lý do vị La-hán luôn nằm ngoài cả hai thái cực đó. Còn một ngày là phàm phu, ai cũng phải gồng gánh hai món đó trên vai để mà đi qua những nhịp cầu khổ nạn. Lúc quá nặng vai thường thì người ta phải buông bớt một thứ. Cái thiện rớt xuống, người ta thành kẻ ác. Cái ác bị bỏ lại, người ta ra bậc hiền nhân. Mốt mai tái sinh, cứ mỗi tình huống hành xử trong đời thì lại một lần qua cầu kiểu đó, cứ vậy nghìn đời muôn kiếp cho đến bao giờ nên thánh thì thôi.
Mấy hôm nay thiệt tình tôi có nhớ tới ngài Thường Bất Khinh để tiếp tục yêu thương tất cả thiên hạ, nhưng rồi chốc chốc lại cứ muốn bắt chước ngài Thường Đề. Đời gì mà khổ thế này chứ, nhìn đâu cũng chỉ thêm chán chường, rồi lại tiếc nhớ cái gì đó thật vu vơ, mơ hồ, không tên gọi. Đúng là nhớ em buồn muốn khóc, chỉ vì em ca Điệu Lý Qua Cầu!
Chẳng mê lắm cái khoản vọng cổ hắt hiu, vậy mà mấy ngày qua tôi bỗng thèm được ghé thăm lại một địa chỉ tình cờ tìm thấy và chẳng ngờ được một ngày nghe ra thấm thía quá chừng. Ai chẳng yêu màu tím-khoái cải luơng thì có thể làm ngơ địa chỉ link này:http://www.nhacso.net/Music/Song/Dan-Toc/Cai-Luong/2007/03/05F626D8/
Oct/6/07
Trích: Chuyện phiếm thầy tu – Toại Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét