Sau đây là một tình huống người mẹ đăng ảnh con lên Facebook và phát hiện ra con có nguy cơ mù mắt. Các mẹ cùng xem và rút kinh nghiệm nhé.
Một ngày nọ, Tara Taylor đăng một bức ảnh của cô gái 3 tuổi lên trang Facebook cá nhân của mình. Tara đã làm tóc cho Rylee giống như một nàng công chúa và muốn thể hiện phong cách thời trang cho con gái trên Facebook.Sau đó, hai người bạn của cô để ý thấy một chi tiết rất đáng sợ: mắt trái Rylee đã phát sáng. Tara cho rằng đó chỉ là đèn flash của máy ảnh, nhưng bạn bè của cô muốn Rylee được an toàn, nên khuyên cô nên đưa con bé đến bác sĩ mắt để kiểm tra.
“Họ nói: Này, có thể mình bị nhầm nhưng bạn nên cho con gái đi kiểm tra mắt. Nhìn xem, hai mắt bé hơi bất thường. Đó có lẽ là do ánh sáng đèn flash, nhưng một bên mắt của bé đang thật sự đang phát sáng và tốt nhất bạn nên kiểm tra, bởi vì theo kinh nghiệm của mình thì có thể đó là một dấu hiệu cho thấy mắt của bé đang gặp vấn đề.” - người mẹ nhớ lại.
Tara ngay lập tức đưa Ryle đến gặp bác sĩ nhi khoa và sau đó đến gặp một chuyên gia võng mạc. Rylee đã được kịp thời chẩn đoán bệnh Coats, một bệnh hiếm gặp nhưng thường hay gặp ở trẻ em, nhất là bé trai và thường là bị trên một mắt. Nếu không phát hiện kịp thời sẽ làm giảm thị lực của mắt, hoặc nặng thì trở nên mù hoàn toàn.
"Bạn biết không, đôi mắt phát sáng không chỉ là biểu hiện tiềm năng của bệnh mù; mà còn có khả năng gây ung thư cho mắt. Thế mà tôi đã gần như bỏ qua dấu hiệu này của con mình", Tara xúc động nói.
Tiến sĩ Jorge Calzada của Viện Retina Charles và Baptist Eye Clinic cho biết: bệnh Coats nên được chữa trị càng sớm càng tốt. Vì Rylee chỉ mới 3 tuổi, khả năng chữa trị thành công là rất cao. "Vấn đề quan trọng là một đứa trẻ sẽ không thể nói: 'Mẹ ơi, con cảm thấy một bên mắt của con có vấn đề'. Thường thì các dấu hiệu của bệnh Coats chỉ được phát hiện khi bố mẹ chú ý quan sát." - ông nói.
Tara không hề thấy con gái của mình có biểu hiện đang gặp khó khăn khi nhìn. "Bé không ngồi gần khi xem tivi. Bé thực sự còn hay chơi thể dục dụng cụ và còn có thể đi bộ trên cây thăng bằng." - cô nói.
Chụp ảnh thấy chấm trắng ở mắt con, đó là gì?
Khi nhìn vào mắt trẻ, nếu thấy có một khối màu trắng hoặc sau đồng tử có ánh màu trắng, chứng tỏ trẻ đã bị một bệnh nặng như đục thủy tinh thể, nhiễm ký sinh trùng, bong võng mạc, bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, viêm mủ nội nhãn, bệnh Coats và khối u nội nhãn (trong đó có bệnh ung thư nguyên bào võng mạc). Nếu không được điều trị sớm, trẻ có thể bị hỏng mắt.
Nên đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra ngay, nếu phát hiện mắt trẻ có gì bất thường. Ảnh: Internet
Hầu hết các bệnh gây đồng tử trắng đều không có triệu chứng rõ rệt (không đau, không nhức, nhìn vào không thấy có gì đặc biệt…). Trẻ lại không diễn đạt được tình trạng của mình nên bệnh chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám một bệnh khác. Những bệnh này đều có thể gây mù, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của trẻ (như bệnh ung thư nguyên bào võng mạc), nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý theo dõi đôi mắt của con; nếu thấy đồng tử có màu trắng, cần đưa trẻ đi khám ngay.
Cách phát hiện mắt có ánh đồng tử trắng
- Với những mắt đã rõ thì người nhà của trẻ có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Nhưng có những trường hợp ánh trắng chỉ xuất hiện trong những điều kiện nhất định như trong ánh sáng mờ làm đồng tử giãn to ra khi đó mới thấy được ánh trắng đó.
- Có những lúc ánh đồng tử trắng được phát hiện tình cờ khi bé được chụp ảnh (thường là bằng máy ảnh có đèn flash sát với ống kính), bố mẹ thấy 2 mắt của con khác nhau, 1 mắt có ánh trắng trong khi mắt kia có ánh đỏ.
- Ngày nay hầu như bố mẹ nào cũng dùng điện thoại smartphone có chức năng chụp ảnh và kèm theo đèn flash nên rất tiện cho việc tự phát hiện ra dấu hiện bất thường ở mắt của con.
- Ngoài ra bố mẹ có thể tự kiểm tra tình trạng mắt của con mình ở nhà bằng cách che mắt từng bên của con để cho con nhìn 1 bảng chữ hoặc vật ở xa. Khác với trẻ lớn có thể nói được thì ở trẻ bé, khi che mắt nhìn kém thì trẻ sẽ không phản ứng lại, nhưng che mắt nhìn tốt thì trẻ sẽ gạt miếng giấy che hoặc tay bố/ mẹ ra hoặc khóc khó chịu.
- Trong trường hợp không có dấu hiệu ánh đồng tử trắng nhưng trẻ có dấu hiệu như lác, đỏ mắt thì người nhà cũng không nên tự ý mua thuốc về tra mà cần đưa trẻ đến chuyên khoa mắt trẻ em để khám và điều trị kịp thời.
- Việc chiếu đèn vào mắt con sẽ không phát hiện được bệnh vì lỗ đồng tử bị co nhỏ lại khi có ánh sáng chiếu vào (trừ khi bệnh đã tiến triển, đồng tử giãn không co lại được), đồng thời làm cho trẻ bị khó chịu vì lóa mắt.
Khác với tất cả các bệnh ung thư khác, ung thư nguyên bào võng mạc là bệnh ung thư mắt ở trẻ em có thể cứu sống được, thậm chí có thể bảo tồn được mắt có khối u và cứu được thị lực nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, đưa đến khám và điều trị kịp thời tại đúng cơ sở chuyên khoa.
Theo http://www.littlethings.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét