Người thông minh và chính trực trong mắt của Thần khác xa điều con người nghĩ

Lúc bình thường chúng ta vẫn tự cho rằng bản thân mình là người thông minh chính trực, tuy nhiên trong con mắt của Thần thì lại là một khái niệm khác.

Trước đây có một thầy nho họ Hàn, tính tình cương trực, làm việc gì cũng đều tuân thủ lễ nghĩa, vậy nên mọi người trong làng đều tôn sùng ông là người đức cao vọng trọng.
Một ngày kia, họ Hàn bị cảm nặng, trong lúc mơ mơ màng màng nhìn thấy một quỷ sai đứng ngay trước mặt nói: “Thành Hoàng cho gọi ông đấy.” Họ Hàn nghĩ, khí vận đã hết rồi thì phải chết thôi, dẫu có kháng cự cũng vô ích. Nghĩ vậy, ông liền đi theo sau quỷ sai.
Quỷ sai dẫn họ Hàn đi đến một công đường, thần Thành Hoàng kiểm tra danh sách, nói với quỷ sai: “Bởi trùng tên trùng họ, nhà ngươi đã bắt nhầm rồi.” Thành Hoàng lệnh đánh quỷ sai hai mươi trượng, rồi muốn trả họ Hàn trở về dương gian. Họ Hàn trong lòng bất bình, bước lên phía trước hỏi rằng: “Mạng người quan trọng, ngài sao lại có thể sai một tên quỷ tốt hồ đồ như vậy, để rồi bắt nhầm người ta. Nếu chẳng may không tra ra được thì tôi chẳng phải là đã chết oan rồi sao? Còn nói gì đến thông minh chính trực nữa chứ?”
Thành Hoàng cười nói: “Nghe nói nhà người bản tính ngay thẳng, hôm nay được gặp quả nhiên không sai. Ngươi nên biết rằng khí hậu vận hành, giữa các năm còn không thể không xảy ra sai sót, huống hồ là quỷ thần đây? Có sai lập tức có thể nhận ra được, đây chính gọi là thông minh; sau khi nhận ra rồi thì không bao che, đây gọi là chính trực. Nhà ngươi làm sao mà biết được những đạo lý này. Niệm tình ngươi ăn ngay nói thẳng, tạm thời bỏ qua cho ngươi, sau này đừng có nóng nảy mà làm loạn như vậy nữa.” Lát sau, họ Hàn liền tỉnh lại.
Thì ra, thông minh và chính trực trong con mắt của Thần là như vậy, thật khác với những quan niệm của con người, đặc biệt là con người hiện đại ngày nay.
Suy nghĩ của con người là vô cùng nông cạn. Ngày nay, con người gần như biến “thông minh” cùng nghĩa với “gian xảo,” “khôn khéo,” sao cho chiếm được thật nhiều lợi ích vật chất về phía mình. Người nào càng tranh giành, càng chiếm được nhiều thì người đó mới gọi là càng “thông minh” trong cái xã hội này. Thật là suy nghĩ quá biến dị, lệch lạc.
Còn “chính trực” thì sao? Ngày nay, người ta vẫn tung hô nhau rằng, đó là một vị quan, một nhà lãnh đạo “thanh liêm,” “chính trực.” Tuy nhiên, trong số đó có mấy ai khi sai lầm mà dám đứng ra nhận những thiếu sót của mình trước công chúng, trước bàn dân thiên hạ? Con số ấy quả là vô cùng ít ỏi. Phần lớn, khi mắc sai lầm chúng ta đều cố gắng che che đậy đậy, giấu giếm đi để bảo vệ cho bề ngoài hào nhoáng của bản thân mình.
Hy vọng rằng, lời nhắc nhở trên của Thành Hoàng cũng sẽ là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung, (tinhhoa.net)
Tiểu Thiện biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét