PHƯỚC THIỆN NGHE PHÁP..(Dhammassavana)

Những người nghe chánh pháp do đó gọi là dham-massavana, đó là tác ý tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm có yonisomanasikāra: sự hiểu biết trong tâm đúng theo thực tánh pháp.
Có 2 hạng người nghe chánh pháp:
1- Hạng người nào nghe chánh pháp với ý nghĩ rằng: “Nếu ta thường nghe pháp, hiểu được pháp, nói pháp thì mọi người đều tán dương ca tụng ta là người có đức tin trong sạch trong chánh pháp. Như vậy, hạng người nghe pháp ấy được phước thiện nghe pháp không nhiều, có quả báu không nhiều.”

2- Hạng người nào nghe chánh pháp với ý nghĩ rằng: “ Ta thường nghe pháp, để học hỏi hiểu biết rõ chánh pháp, biết phân biệt phước thiện với tội lỗi, thiện pháp với ác pháp, thiện nghiệp với ác nghiệp, tà kiến với chánh kiến, pháp nên thực hành với pháp không nên thực hành, v.v… nên từ bỏ tà pháp, rồi thực hành theo chánh pháp, để được sự tiến hóa trong mọi thiện pháp từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp, để đem lại sự an lạc lâu dài trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai.
Như vậy, hạng người nghe pháp ấy được nhiều phước thiện nghe pháp (dhammassavanakusala) thật sự, có nhiều quả báu của phước thiện nghe chánh pháp vô cùng phong phú như vậy.”

Nghe chánh pháp là 1 trong 5 điều khó mà Đức Phật hằng ngày thường nhắc nhở các hàng Thanh Văn đệ tử rằng: “Saddhammassavanaṃ dullabhaṃ.”
“Được nghe chánh pháp là điều khó.”
Thật vậy, khi nào Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, Đức Phật thuyết dạy chánh pháp, khi ấy, chúng sinh mới có cơ hội được nghe chánh pháp.
Chánh pháp đó là Bodhipakkhiyadhamma gồm có 37 Pháp chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, Đức Phật thuyết trong bài kinh Mahāparinibbāna-sutta ([1]) (kinh Đại Niết Bàn) có một đoạn rằng:
- Này chư tỳ khưu! Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn đó là:

*4 Pháp niệm xứ (Satipatthāna): 1) Niệm thân, 2) Niệm thọ, 3) Niệm tâm, 4) Niệm pháp.
* 4 Pháp tinh tấn (Samappadhāna): 1)Tinh tấn ngăn các ác pháp chưa phát sinh, không cho phát sinh, 2) Tinh tấn diệt ác pháp đã phát sinh, 3) Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sinh, 4) Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.
* 4 Pháp thành tựu (Idhipāda):1)Thành tựu do hài lòng, 2) Thành tựu do tinh tấn, 3) Thành tựu do quyết tâm, 4) Thành tựu do trí tuệ
* 5 Pháp chủ (Indriya): 1) Tín pháp chủ, 2) Tấn pháp chủ, 3) Niệm pháp chủ, 4) Định pháp chủ, 5) Tuệ pháp chủ.
* 5 Pháp lực (Bala):1) Tín pháp lực, 2) Tấn pháp lực, 3) Niệm pháp lực, 4) Định pháp lực, 5) Tuệ pháp lực.
* 7 Pháp giác chi (Bojjhanga): 1) Niệm giác chi,2) Phân tích giác chi, 3) Tinh tấn giác chi, 4) Hỷ giác chi, 5) Tịnh giác chi, 6) Định giác chi, 7) Xả giác chi.
* 8 Pháp chánh đạo (Magga): 1) Chánh kiến, 2) Chánh tư duy, 3) Chánh ngữ, 4) Chánh nghiệp, 5) Chánh mạng,6) Chánh tinh tấn, 7) Chánh niệm, 8) Chánh định.
- Này chư tỳ khưu! Các chánh pháp ấy Như Lai đã thuyết giảng đến các con, để chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.
- Này chư tỳ khưu! Bây giờ Như Lai nhắc nhở các con rằng:
“Tất cả các pháp hữu vi (danh pháp - sắc pháp) có sự hoại là thường, các con nên cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh Đế bằng pháp không dể duôi, thực hành pháp hành Tứ niệm xứ.”
Thời gian còn không lâu, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn. Kể từ hôm nay chỉ còn lại 3 tháng nữa mà thôi, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn.
Nếu chúng sinh không có cơ hội nghe chánh pháp thì chắc chắn không thể chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, không chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả và Niết Bàn được.
Thật vậy, tiền kiếp của Ngài Đại Đức Sāriputta đã từng phát nguyện muốn trở thành Đệ Nhất Tối Thượng Thanh văn giác bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất, và đã được Đức Phật Anomadassī ([2]) thọ ký Ngài sẽ trở thành vị Đệ Nhất Tối Thượng Thanh văn giác bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh văn đệ tử của Đức Phật Gotama.
Tiền kiếp của Ngài Đại Đức Sāriputta đã tạo 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ từ thời kỳ Đức Phật Anomadassī cho đến thời kỳ Đức Phật Gotama trải qua 19 Đức Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế gian, đó là Đức Phật Anomadassī, Đức Phật Paduma, Đức Phật Nārada, Đức Phật Padumuttara, Đức Phật Sumedha, Đức Phật Sujāta, Đức Phật Piyadassī, Đức Phật Atthadassī, Đức Phật Dhammadassī, Đức Phật Siddhattha, Đức Phật Tissa, Đức Phật Phussa, Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana, Đức Phật Kassapa và Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, có khoảng thời gian suốt 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, đã được trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, để trở thành Đệ Nhất Tối Thượng Thanh văn giác bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh văn đệ tử của Đức Phật Gotama.
Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, khi ấy, kiếp chót của Ngài Đại Đức Sāriputta là vị Bồ Tát Đệ Nhất Tối Thượng Thanh Văn bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất sinh làm con của bà Sārī (con gái của ông trưởng giả) trong xóm nhà Upatissa gần kinh thành Rājagaha. Bà Sārī đặt tên con là Upatissa,
Công tử Upatissa có người bạn hữu là công tử Kolita cùng nhau đi chơi hội mà không cảm thấy vui, phát sinh động tâm về cuộc đời là khổ, nên hai người bạn bàn bạc với nhau cùng nhau xuất gia tìm con đường giải thoát khổ tử sinh luân hồi.
Thời ấy, trong kinh thành Rājagaha, vị đạo sư nổi tiếng Sañcaya là đạo trưởng phái ngoại đạo lớn có nhiều đệ tử, công tử Upatissa và công tử Kolita cùng nhóm thuộc hạ đến xin xuất gia trở thành đệ tử của vị đạo sư Sañcaya.
Sau khi xuất gia được 2 - 3 ngày, hai vị tu sĩ Upatissa và Kolita đã học thông hiểu phần lý thuyết của vị đạo sư Sañcaya, không còn gì để học nữa.
Hai vị tu sĩ Upatissa và Kolita bàn luận với nhau về phần lý thuyết của vị đạo sư Sañcaya chỉ là rỗng tuếch mà thôi, chắc chắn không phải là con đường giải thoát khổ tử sinh luân hồi.
Hai vị tu sĩ nhận thức đúng đắn rằng: “Lời dạy của vị đạo sư Sañcaya không phải là pháp dẫn đến giải thoát khổ tử sinh luân hồi.” Còn pháp thực hành dẫn đến giải thoát khổ tử sinh luân hồi thì 2 vị tu sĩ hoàn toàn không biết, nên 2 vị tu sĩ giao ước với nhau rằng: “Hai chúng ta nếu người nào tìm được vị thầy chỉ dạy Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trước tiên, thì người ấy cho người kia biết”. Sau khi giao ước xong, mỗi người chọn một con đường đi tìm Thầy.
Khi ấy, Đức Phật ngự đến kinh thành Rājagaha cùng nhóm chư Thánh Thanh Văn đệ tử vào ngày mồng một tháng giêng. Tu sĩ Upatissa đi vào kinh thành Rājagaha, nhìn thấy Ngài Đại đức Assaji là bậc Thánh A-ra-hán còn trẻ đang đi khất thực với cử chỉ thu thúc lục căn thanh tịnh, tu sĩ Upatissa phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài Đại đức Assaji, nên đi theo hộ độ Ngài.
Sau khi Ngài độ vật thực xong, tu sĩ Upatissa cung kính đảnh lễ, chắp tay bạch rằng:
- Kính bạch Ngài, lục căn của Ngài thanh tịnh, gương mặt của Ngài trong sáng thật đáng tôn kính.
- Kính bạch Ngài, Ngài xuất gia với Đức Tôn Sư nào?
Đức Tôn Sư của Ngài là Bậc nào?
Ngài hài lòng hoan hỷ chánh pháp Đức Tôn Sư nào?
Ngài Đại đức Assaji đáp rằng:
- Này hiền giả, tôi xuất gia với Đức Phật Gotama, xuất thân từ dòng dõi Sakya. Vị Tôn Sư của tôi là Đức Phật Gotma. Tôi hài lòng hoan hỷ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Tu sĩ Upatissa bạch hỏi tiếp rằng:
- Kính bạch Ngài, giáo pháp của Đức Phật Gotama, Đức Tôn Sư của Ngài thuyết dạy như thế nào? Kính xin Ngài thuyết dạy cho con nghe chánh pháp ấy.
Ngài Đại Đức Assaji thuyết dạy rằng:
- Này hiền giả! Giáo pháp của Đức Phật Gotama rộng lớn mênh mông, vô cùng sâu sắc và tế nhị, tôi là vị tỳ khưu trẻ mới xuất gia chưa hiểu biết nhiều, tôi chỉ có thể chỉ dạy tóm tắt ngắn gọn mà thôi.
- Kính bạch Ngài, con là tu sĩ Upatissa, kính xin Ngài thuyết pháp chỉ dạy dù nhiều dù ít cũng tốt đối với con.
Ngài Đại đức Assaji thuyết bài kệ rằng:
“Ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ Tathāgato āha.
Tesañca yo nirodho, evaṃ vādī mahāsamaṇo” ([3])
Ý nghĩa:
- Này hiền giả! Những pháp ngũ uẩn nào là pháp khổ đế đều sinh từ tham ái, nhân sinh khổ đế ấy.
Đức Phật thuyết dạy tham ái, nhân sinh khổ đế ấy và thuyết dạy Niết Bàn diệt tham ái.
Đức Phật Gotama bậc Đại Sa-môn thường thuyết dạy chân lý tứ Thánh đế như vậy.
Trong khi lắng nghe Ngài Đại đức Assaji thuyết bài kệ tóm tắt về chân lý tứ Thánh Đế gồm có 4 câu. Vốn là vị Bồ Tát Đệ Nhất Tối Thượng Thanh Văn bên phải có trí tuệ xuất sắc bậc nhất, nên vừa nghe hai câu đầu của bài kệ, tu sĩ Upatissa đã chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama ngay tại nơi ấy.
Sau khi trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, tu sĩ Upatissa cung kính đảnh lễ Ngài Đại Đức Assaji, rồi xin phép trở về tìm bạn hữu là tu sĩ Kolita.
Tu sĩ Upatissa thuyết lại bài kệ này cho tu sĩ Kolita nghe, sau khi nghe xong, tu sĩ Kolita cũng liền chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Sau đó, tu sĩ Upatissa và tu sĩ Kolita dẫn nhóm học trò 250 vị tu sĩ của vị đạo sư Sañcaya đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin xuất gia trở thành tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Đức Phật cho phép xuất gia bằng cách gọi “Etha bhikkhavo!”
Tu sĩ Upatissa và tu sĩ Kolita cùng nhóm học trò đều trở thành tỳ khưu. Từ đó, tỳ khưu Upatissa được gọi là vị Trưởng Lão Sāriputta và tỳ khưu Kolita được gọi là vị Trưởng Lão Mahāmoggallāna.
Đức Phật thuyết pháp tế độ nhóm tỳ khưu ấy, tất cả 250 vị tỳ khưu đều chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, chỉ trừ 2 vị Trưởng Lão Sāriputta và Trưởng Lão Mahāmoggallāna chưa chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán.
Sau khi trở thành tỳ khưu được 7 ngày, vị Trưởng Lão Mahāmoggallāna chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán cùng các phép thần thông xuất sắc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama.
Và sau khi trở thành tỳ khưu được 15 ngày, vị Trưởng Lão Sāriputta chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán có trí tuệ sâu sắc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama..."

(Trích NỀN TẢNG PHẬT GIÁO _ Q V. PHƯỚC THIỆN _ TK .Hộ Pháp)

http://www.trungtamhotong.org/thuvien/index.php?module=mucluc&function=detail&id=368

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét