– Triết gia Plato.
Chúng ta có xu hướng tin rằng vận mệnh có thể thay đổi và tất cả thời gian một khi đã đi qua đều sẽ trôi vào quên lãng, nhưng liệu sự vận động, sự thay đổi có thể chỉ đơn thuần là một ảo giác không? Một nhà vật lý nổi tiếng người Anh đã giải thích rằng trong một chiều không gian đặc thù, thời gian đơn giản là không tồn tại.
“Nếu bạn cố gắng dùng tay để đỡ lấy thời gian, nó sẽ luôn luôn trôi qua các ngón tay của bạn”, nhà vật lý người Anh Julian Barbour nói trong một cuộc phỏng vấn với Quỹ Edge Foundation. Trong khi câu nói này vẫn còn vang vọng trong phòng phỏng vấn, Barbour và người phóng viên có thể đã không còn bất kỳ mối liên quan nào với chính bản thân họ của một giây trước đó. Barbour cũng là tác giả cuốn “Tận cùng của thời gian: Cuộc cách mạng tiếp theo trong Vật lý học”.
Barbour tin rằng con người không thể nắm giữ được thời gian bởi vì nó không tồn tại. Mặc dù đây không phải là một lý thuyết mới, nhưng nó chưa từng được biết rộng rãi như thuyết tương đối của Einstein hay lý thuyết dây.
Quan niệm về vũ trụ không có thời gian không chỉ vô cùng hấp dẫn đối với một nhóm các nhà khoa học, mà nó còn có thể giúp giải đáp nhiều nghịch lý mà vật lý học hiện đại phải đối mặt trong khi giải thích về vũ trụ.
Chúng ta có xu hướng suy nghĩ và nhận thức rằng thời gian có bản chất tuyến tính, tiến trình của nó chắc chắn là đi từ quá khứ tới tương lai. Đây không chỉ là một nhận thức cá nhân của toàn nhân loại, mà còn là bối cảnh mà ở đó ngành cơ học kinh điển phân tích tất cả các hàm toán học trong phạm vi vũ trụ. Nếu không có nhận thức như thế, những ý tưởng như là quy luật nhân quả và việc chúng ta không thể tồn tại đồng thời ở hai sự kiện, sẽ được xem xét từ một cấp độ hoàn toàn khác.
Ý tưởng về thời gian không liên tục của Barbour đã cố gắng giải thích trong phạm vi lý thuyết rằng một vũ trụ được tạo ra bởi nhiều điểm mà ông gọi chung là “hiện tại”.
Nhưng “những hiện tại” đó sẽ không được hiểu như là những thời điểm thoáng qua, đến sau “quá khứ” và sẽ mất trong “tương lai”; một “hiện tại” chỉ là một trong hàng triệu “hiện tại” đang tồn tại trong khảm đồ vô tận của vũ trụ trong một chiều không gian đặc thù không thể xác định, mỗi “hiện tại” lại có liên quan với những “hiện tại” khác theo một cách tinh vi, nhưng không có cái nào nổi bật hơn những cái xung quanh. Chúng đều tồn tại cùng một thời điểm.
Ý tưởng vừa phức tạp vừa đơn giản này của Barbour hứa hẹn sẽ thay đổi những người chấp nhận lý thuyết cho rằng thời gian chỉ tồn tại từ sau vụ nổ Big Bang.
Ông Barbour nghĩ rằng khái niệm thời gian có thể tương tự như khái niệm số nguyên. Tất cả các con số kiểu số nguyên đều tồn tại đồng thời, và không thể cho rằng số 1 tồn tại trước số 20.
Ngay lúc này, chắc chắn sẽ có độc giả có thể hỏi:
“Có phải ông đang cố thuyết phục tôi rằng động tác mà tôi đang làm hiện giờ với cánh tay của mình là không tồn tại? Nếu những phần “hiện tại” vô cùng nhỏ không có kết nối với nhau, thì bằng cách nào mà tôi nhớ được những ý tưởng đầu tiên trong bài báo này? Làm sao mà tôi nhớ được đồ ăn trưa của mình là gì? Tại sao tôi phải thức dậy và đi làm nếu công việc thuộc về một “tôi” khác không có can hệ gì tới tôi? Nếu tương lai đã có sẵn ở đó rồi, thì tại sao phải phấn đấu?”
Những câu hỏi như vậy bắt nguồn từ nhận thức bị đánh lừa khi cho rằng thời gian là đang trôi đi, từ quá khứ tới tương lai như nước chảy trên một dòng sông. Chúng ta có thể xem vũ trụ không có thời gian như là một cái bánh kem vani dài, ở trong lấp đầy sô-cô-la. Nếu cắt một lát bánh, chúng ta sẽ có được cái mà chúng ta gọi là một “hiện tại”.
Giả sử rằng phần nhân sôcôla ở giữa tượng trưng cho chúng ta, thì chúng ta sẽ tin rằng lát bánh của chúng ta là lát bánh duy nhất tồn tại trong vũ trụ, và rằng những lát bánh đằng trước và đằng sau tồn tại chỉ như những khái niệm. Ý tưởng này nghe có vẻ buồn cười đối với người quan sát cái bánh, khi họ biết rằng tất cả các lát bánh đều đồng thời tồn tại.
Lấy một ví dụ, bạn có thể nói rằng “tôi” không phải là cùng một người với “tôi” mà đã bắt đầu viết câu văn này. Tôi là độc nhất, có thể là độc nhất trong liên hệ rõ ràng với mỗi cái “tôi” đã viết những từ ngữ trước đó trong đoạn văn này. Thế nhưng, thậm chí vô hạn những cái “hiện tại” độc lập với nhau ấy cũng sẽ không bị phân tán. Chúng vẫn là một cấu trúc. Chúng là một khối, một cái bánh hoàn chỉnh không có mảnh vụn nào rời ra.
Và Barbour đưa ra giả thuyết rằng: Trong một không gian vũ trụ, tương lai (tương lai của chúng ta) đã có ở đó, đã được sắp đặt, và mỗi giây trong quá khứ của chúng ta cũng đang hiện hữu, không phải là ký ức mà là một sự hiện hữu sống động. Điều đau đớn nhất đối với nhân loại, như các triết gia phương Đông đã nhận định, là cố gắng phá vỡ cái khuôn cố định này.
Một người khôn ngoan, đi theo tiến trình đã được định trước, sẽ là một khuôn mặt vui vẻ ở giữa cái bánh sô-cô-la vũ trụ và cố gắng sống với cái “hiện tại” độc nhất và cực kỳ bé nhỏ của chúng ta.
Hầu hết chúng ta đều tin rằng ở một mức độ vô thức, một chiếc đồng hồ vũ trụ vĩ đại đang quay tích tắc mỗi giây của không gian khổng lồ được gọi là vũ trụ này. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ trước, Albert Einstein đã giải thích rằng thực tại thời gian có liên quan tới mỗi vật thể trong vũ trụ, và rằng thời gian là một “chủ thể” không tách biệt với không gian. Ngay cả các chuyên gia đồng bộ thời gian trên thế giới cũng biết rằng thế giới này được vận hành bởi một tích tắc được quy định ngẫu nhiên, do đồng hồ hoàn toàn không có khả năng đo được thời gian.
Rõ ràng, lựa chọn duy nhất là hãy chìm vào một “ảo giác tạm thời” của sự vô tận này, biết rằng có một không gian mà ở đó quá khứ của chúng ta vẫn tồn tại và những gì chúng ta làm sẽ không hề thay đổi. Hoặc như chính Einstein nói:
“Những người như chúng ta, những kẻ tin vào vật lý học, biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai chỉ là một ảo tưởng cố chấp dai dẳng”.
Tác giả: Leonardo Vintini, Epoch Times.
Dịch giả: chanhkien.org
13 Tháng Bảy , 2016
The Epoch Times được xuất bản trên 35 Quốc gia và 21 ngôn ngữ.
Tìm chúng tôi trên Facebook: _https://www.facebook.com/VietDaiKyNguyen/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét