Làm nhiều hơn, thu về ít hơn chính là cách mà chúng ta đang đối mặt với những công việc thường nhật. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng với một ngày làm việc của mình, thì đây chính là lúc cần phải thay đổi.
Và bài viết dưới đây sẽ giới thiệu với bạn cách làm việc hiệu quả từ chia sẻ của một vị thiền sư người Nhật Shunryu Suzuki – Tác giả cuốn sách Thiền Tâm, Tâm ban sơ.
Đã bao giờ bạn khép đôi mắt lại, ngẫm nghĩ về công việc mà mình làm ngày hôm trước, và chợt bàng hoàng khi nhận thấy kết quả của nó chẳng ra làm sao. Nhẩm tính lại thời gian biểu hôm qua, bạn không thể hiểu vì sao với bằng nấy thời gian mà mình chỉ viết được một nửa bài luận, nguyên một buổi sáng chỉ kịp trao đổi với vài người đồng nghiệp về cuộc họp trước đó… Thời gian còn lại bạn đã làm gì?
Đừng tự trách mình vì những điều trên, thực ra ai cũng sẽ rơi vào trạng thái này. Chúng ta cảm giác như mình đang quay cuồng với công việc thế nhưng, đến cuối ngày chẳng việc nào ra việc nào, thậm chí, mỗi công việc đều cần đến 2, 3 ngày mới hoàn thành mà hiệu quả thì không cao lắm. Câu hỏi đặt ra là: Nguyên nhân do đâu?
(Ảnh: old.aikyn.kz)
Nguyên nhân của sự thiếu hiệu quả
– Để một tab Facebook bên cạnh khung cửa sổ làm việc
– Vừa nấu ăn vừa xem truyền hình
– Vừa dùng điện thoại vừa viết báo cáo
– Cảm thấy bực dọc khi ai đó làm gián đoạn việc mình đang làm
– Đặt tay lên bàn phím máy tính với sự mệt mỏi và tẻ nhạt vì đó là chuyện hàng ngày bạn phải làm
– Mệt mỏi khi nhìn thấy những gương mặt quen thuộc trong văn phòng
Ngay lúc này đây, bạn có vướng vào một trong những điều trên hoặc những điều tương tự hay không? Nếu có, hãy dừng lại và tập trung tinh thần vào một việc duy nhất thôi, đó chính là đọc bài viết này! Vì nó sẽ giúp bạn có một ngày làm việc tuyệt vời và nhiều năng lượng hơn!
Hóa ra chúng ta hiếm khi tập trung vào một việc gì với toàn bộ tâm trí của mình, tay bạn gõ bàn phím nhưng trong đầu lại lo toan chuyện cãi vã với chồng ngày hôm qua, vừa viết bài luận lại nghĩ đến việc trưa nay sẽ ăn gì… Con người không phải là một chiếc máy tính, bạn không nên để quá nhiều “chương trình” chạy cùng một lúc trong não mình. Bởi vì nó chẳng những làm hại sức khỏe, khiến bạn mệt mỏi mà hiệu quả công việc cũng đi xuống trông thấy.
Giải pháp đến từ trong triết lý của thiền
(Ảnh: Dkn.tv)
Vậy, làm sao để có thể thư thái tâm hồn và cảm nhận tất cả hoàn cảnh với 100% sự chú ý. Phương pháp Ichigyo – zammai chính là điều mà bạn đang tìm kiếm. Ichigyo -zamai (Tập trung vào một việc tại một thời điểm) là phương pháp điều khiển tâm trí được thiền sư Sunryu Suzuki đề cập trong cuốn sách “Thiền Tâm, Tâm Ban Sơ”, với trọng tâm là giúp con người gỡ bỏ suy nghĩ “mình phải làm thật nhiều việc”.
Thiền sư Sunryu Suzuki (Ảnh: Alvin Alexander)
Những ai từng trải nghiệm phương pháp thiền định, bạn chắc hẳn sẽ cảm nhận được sự thư thái và tập trung trong từng hơi thở và trong từng suy nghĩ. Thực ra ngồi bất động và giữ cho tâm trí thanh tỉnh khó hơn rất nhiều việc tập trung viết một bài luận. Bởi nó yêu cầu bạn tập trung hoàn toàn tâm trí vào việc hít thở tại một thời điểm nhất định, kiên nhẫn đấu tranh với những cơn đau dưới chân và kiểm soát những suy nghĩ đang viển vông ở nơi phương trời xa xôi.
Phương pháp này được rất nhiều người nổi tiếng ưa chuộng, điển hình là Steve Jobs. Sức mạnh của sự đơn giản và tập trung đã khiến cho cuộc đời ông có những bước ngoặt lớn. Và giờ đây, nó đang được giới thiệu cho bạn.
Vận dụng nó như thế nào
(Ảnh: Thegioitre)
Để công việc có kết quả tốt bạn cần một sự tập trung cao độ. Kẻ thù của sự tập trung thì lại không đến từ những dụ dỗ bên ngoài như điện thoại, máy tính hay môi trường làm việc ồn ào. Nó đến từ chính bên trong nội tâm bạn. Bạn cho phép những cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ vẩn vơ và những thú vui tốn thời gian đan xen vào lịch làm việc của mình. Và để giải quyết nó, cách duy nhất là hướng vào chính bản thân mình, thay đổi nội tâm và môi trường sẽ theo đó mà thay đổi.
1. Hãy hãy hành động bằng tâm trí và cảm xúc Chân Thật nhất của bạn: Nếu bạn đi bộ thì là “đi bộ”, nếu bạn viết thì là “viết”, nếu bạn uống trà thì hãy là “uống trà”, đừng để những việc khác làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bản thân.
2. Thiện Tâm đối xử với tất cả mọi người và mọi vật: Nếu bạn để những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm tâm hồn, đó chính là lúc năng lực và sự tập trung đi xuống. Hãy chan hòa với người đồng nghiệp ngồi gần bạn, yêu thương từng cú click chuột và từng động tác gõ phím bởi vì chính những cảm xúc tích cực này sẽ vun đắp cho bạn năng lượng để hoàn thành công việc.
3. Nếu phát hiện tâm trí mình đang suy nghĩ hoặc chú ý vào một điều gì khác, bạn hãy dừng lại thông báo về việc đó với bản thân mình. Và sau đó, bạn hãy Kiên Nhẫn quay trở lại với điều cần quan tâm. Nếu bạn muốn mở một tab Facebook để kiểm tra thông tin, hãy dững lại, nhận định nó là kẻ gây xao lãng và quay trở lại. Có vẻ rất khó, nhưng sau một vài lần tâm trí của bạn sẽ làm quen và từ bỏ những điều khiến bạn xao lãng.
Hãy mở rộng tấm lòng với tất cả mọi sự việc. Bạn không thể quản lý hết tất cả mọi thứ và cũng đừng cố gắng vơ việc của người khác vào mình. Nếu ai đó làm bạn khó chịu, chính là bạn tự cho phép mình cảm thấy khó chịu. Vì vậy, hãy trao cho chính mình một cơ hội để chú ý đến những cảm xúc tốt đẹp. Khi bạn đánh giá cao từng người mà bạn gặp, từng việc mà bạn làm đó chính là cách bạn kiểm soát thời gian và không gian quanh mình để cho phép sự tập trung được vận hành tốt nhất.
Nguyên Trực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét