Cổ nhân có câu nói: “Tướng tùy tâm sinh”, một người lương thiện, sẽ luôn khiến người khác có cảm giác thân thiết, tường hòa. Vẻ bề ngoài dù có mỹ diệu đến đâu, nhưng khí chất mới là thứ đưa người ta tới nơi cao quý.
Vẻ bề ngoài dù có tuyệt mỹ đến đâu, nhưng khí chất mới là thứ đưa người ta tới nơi cao quý. (Ảnh: Phongcachsao)
1. Khí chất là “hàng hiệu” tốt nhất trên đời
Ai cũng biết rằng, cuộc đời chúng ta được tạo ra bởi những gì chúng ta quan tâm. Ấy vậy mà, thay vì quan tâm những thứ thật sự ý nghĩa, chúng ta lại để tâm những chuyện đâu đâu rồi trách than tại sao đời mình không có gì ý nghĩa.
Chẳng hạn nói về hàng hiệu, nó quả thực rất đẹp, đắt, bền và giúp người ta thể hiện sự sành điệu và sang chảnh. Đôi khi giúp thể hiện cả đẳng cấp của người ấy nữa. Điều ấy không có gì xấu, nhưng thử nghĩ, những người tự định nghĩa bản thân họ bằng những món hàng ấy, khi gỡ món hàng ra khỏi cơ thể thì họ còn lại gì?
Họ có cảm thấy hạnh phúc không? Có còn thấy bản thân mình sành điệu và sang chảnh đẳng cấp nữa không? Giá trị thực của con người có phụ thuộc vào những thứ bề ngoài đó?
Nhiều người có lẽ đã từng nghe qua câu chuyện này. Một lần, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln phỏng vấn một ứng viên nam đến làm nhân viên cho chính phủ. Mặc dù người đàn ông này rất có tài năng nhưng vị Tổng thống vẫn không tuyển dụng.
Người phụ tá thấy vậy liền hỏi Tổng thống nguyên nhân vì sao. Tổng thống nói: “Tôi không thích tướng mạo của người này”.
Người phụ tá không hiểu nên hỏi lại: “Chẳng lẽ một người khi sinh ra đã không được ưa nhìn thì cũng là lỗi của họ sao?”
Tổng thống Lincoln trả lời: “Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình!”.
“Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình!” – Abraham Lincoln. (Ảnh: Pinerest)
Điều này quả thật rất đúng, nó cũng giống như cách nói “tướng tùy tâm sinh” của cổ nhân. Con người thường bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc đi mua sắm quần áo, trang sức hàng hiệu, nhưng lại rất ít người sẵn lòng tập trung tinh lực đi tu thân dưỡng tính. Không biết rằng, khí chất mới thực sự là thứ “hàng hiệu” mà người ta muốn chiêm ngưỡng nhất.
Một người có mang khí chất, còn đẹp hơn nhiều là mang hàng hiệu, cũng được rất nhiều người tán thưởng. Mà muốn có điều đó cũng rất đơn giản, thậm chí không cần phải tốn một đồng xu cắc bạc nào, chỉ cần chú ý đến tính tình của mình, đoan chính trong phẩm cách của mình, thanh lọc tư tưởng của mình, làm phong phú nội tâm của mình. Trong lúc vô hình, từ cách ăn nói, thái độ cử chỉ đều toát lên một vẻ đẹp thanh tao thoát tục. Vậy mới nói, khí chất, mới chính là thứ “hàng hiệu” tốt nhất trên đời này.
2. Một con dao gỉ sét
Một con dao gỉ sét bị quăng ở một xó nhà, trước đây nó đã từng rất sắc bén, thường được người chủ mỗi ngày sử dụng. Nhưng bây giờ, trên thân nó gỉ sét loang lổ, liền bị đối xử lạnh nhạt. Có lẽ chủ nhân của nó đã có một con dao mới, hoặc có lẽ chính bản thân nó đã không còn dùng được tốt nữa. Ngày qua ngày, con dao không được đả động tới, cuối cùng nó ngày một gỉ sét.
Con dao liệu có cảm thấy rằng mình được về hưu nhàn nhã, không cần phải chịu khổ chịu cực như trước nữa? Trông thấy con dao khác được sủng ái, liệu nó có cảm thấy đau xót, hay ghen ghét hay không?
Có lẽ lúc mới đầu khi cây dao không còn được sử dụng, nó sẽ cảm thấy một thân nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng mà, sinh ra vốn mang mệnh gian khổ, như vậy nhàn hạ lâu dần sẽ khiến nó rầu rĩ không vui. Đắm chìm với quá khứ, một mình bi thương, vết gỉ của con dao có lẽ chính là nước mắt của chính nó.
Ai cũng biết, dao càng dùng càng sắc bén, đây chính là phẩm cách của dao, quá trình sử dụng chính là quá trình ma luyện. (Ảnh: Bachhoaxanh)
Ai cũng biết, dao càng dùng càng sắc bén, đây chính là phẩm cách của dao, quá trình sử dụng chính là quá trình ma luyện. Bất luận là xương cốt rắn chắc, hay rau củ mềm mại, khi ở dưới lưỡi dao đều bị cắt đôi không trở ngại.
Con dao một khi đã cùn rồi, thì mọi người đều không muốn dùng tới nó. Bất kể năm đó nó từng huy hoàng ra sao, thì bây giờ chỉ là một cục sắt vụn không hơn không kém.
Người ta thường nói, gươm quý sẽ không bao giờ cùn, cũng nói “hộ xu bất đố, lưu thủy bất hủ”, ý rằng chốt cửa không bị mối mọt, nước chảy không hôi thối. Một người làm sao mới không bị đào thải? Chính là cần phải lao động, cần phải suy nghĩ. Không lao động sẽ sinh ra bệnh, không suy nghĩ dễ dàng dẫn đến trì độn, cũng giống như con dao gỉ sét kia vậy.
Nếu là một con dao, bạn sẽ là con dao như thế nào? Là một con dao quý hay con dao gỉ sét? Nếu như bạn tự tin là một con dao quý, dù cho gỉ sét, cũng không nản chí. Hoàn toàn không cam chịu, chỉ cần ma luyện, thì nhất định có thể tỏa sáng như trước. Điều đáng sợ chính là mất đi ý chí chiến đấu, mất đi niềm tin, như con dao gỉ mới thật sự là một đống phế liệu.
Tuệ Tâm
HH chuyển tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét