Ngày xưa khi Phật còn thì những cái đặc điểm của giáo pháp như là trí tuệ, giới luật, tri kiến, thiền định được xem trọng. Đến đời của chúng ta thì pháp môn hành trì chỉ còn lại đức tin thôi, rồi thì chỉ còn bái sám, cúng dường, hành hương vậy thôi. Ngày xưa tu Phật người ta cầu trí tuệ, cầu giải thoát, cầu đạo hạnh; mình bây giờ thì cầu buôn mua may bán đắt. Cái gì cũng có chu kỳ hết. Ông sư bây giờ đi tu mong có được cái chùa, có được đệ tử đông đông, có đồng ra đồng vô, đi nước này nước nọ, sống sung sướng vui vẻ, đó là mục đích của đời tu bây giờ.
Nói qua Miến Điện, Thái Lan; Miến Điện còn khá hơn một chút chứ Thái Lan thì thấy toàn là bái sám. Một trong những cái đáng buồn là không thấy người ta nhắc nhở gì tới mấy vị mà cao đồ đệ tử số một của Đức Phật như ngài Ānanda, ngài Ca Diếp, ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài Ca Chiên Diên, ngài Câu-Hy-La v.v... mà chỉ toàn nhắc nhiều đến ngài Sivali. Tại sao vậy? Vì mình nghèo lâu rồi. Do chiến tranh, do cơ chế chính trị xã hội từ đó dẫn tới cơ chế kinh tế, nên trong khu vực mình nghèo và đất nước mình cũng nghèo. Vì nghèo cho nên khi biết đạo rồi vẫn thấy ngài Xá Lợi Phất, ngài Ānanda, ngài Mục Kiền Liên không quan trọng, mà cứ ngài Sivali là quan trọng. Chùa chùa, nhà nhà, sư sư, người người, ai cũng thờ ngài Sivali. Thật ra thì mình thờ theo cái máu thương mại. Bữa hổm tôi có nói rồi, mỗi cái biệt hạnh của các vị đệ tử Phật là một góc nhỏ của vườn hoa chánh pháp. Hành trì đúng đắn chỉn chu rốt ráo lời Phật thì ta sẽ có trí tuệ, có thiền định, có thần thông, có phước lộc, có sức khỏe, có trí nhớ; ta sẽ có khả năng tinh tấn, kham nhẫn, ly dục, tri túc, đầu đà. Nếu một người tu tập hoàn chỉnh lời dạy của chư Phật thì đều có khả năng đó hết.
Đức Phật Chánh Đẳng Giác khác Thinh Văn chỗ nào? Đó là tất cả các hạnh lành của Ngài đều đạt đến chỗ tận cùng hết nên nên khi Ngài thành rồi cái gì Ngài cũng tròn trịa hết. Thinh Văn thì không, lý tưởng cầu giải thoát thì đúng rồi đó nhưng cái hướng để nghiêng nặng, để xem trọng thì mỗi vị mỗi khác.
Hôm nay Phật pháp đã đến giai đoạn của hậu kỳ rồi, mình không còn màng nữa chuyện tu tập giải thoát, trí tuệ, giáo lý, mà mình chỉ màng một góc nhỏ nhỏ của kinh điển. Ví dụ như vị nào có tài lộc, vị nào có học trò đệ tử thì mình thấy thờ vị đó ngó bộ có lý hơn mấy vị khác. Thật ra cái hạnh của ngài Sivali không có tệ. Vì sao, vì một người học đạo hiểu đạo và hành đạo thì tự nhiên có tâm hồn hào sảng, đó là chuyện tự nhiên thôi. Học đạo, hiểu đạo mà còn bón rít bủn xỉn thì đó là chưa có hiểu. Người học đạo hiểu đạo và hành đạo đúng mức thì tự nhiên lòng hào sảng; mà hễ có lòng hào sảng thì tự nhiên nó sẽ tạo ra cái phước tài lộc. Chỉ là chuyện tự nhiên thôi. Còn mình thì lại hiểu lầm, mình cứ tưởng cắm đầu thờ ngài Sivali là sẽ giàu có trong khi đó lại quên bố thí, quên trau dồi cái tâm hào sảng. Hôm nay mình học về cuộc đời của ngài Sivali, mình cứ cắm đầu lạy mà không hiểu gì hết.
Mỗi đời Phật Chánh Đẳng Giác có mấy chục đệ tử có những biệt hạnh khác nhau, đệ nhất này đệ nhất kia. Đức Phật của mình cũng vậy, Ngài cũng có các vị đệ tử cao đồ đệ nhất này đệ nhất kia, ngài Xá Lợi Phất là biểu tượng cho Tuệ học, ngài Mục Kiền Liên là biểu tượng cho Định học, ngài Ca Diếp là biểu tượng cho tinh thần ly dục tri túc, mỗi vị là một biểu tượng, riêng ngài Sivali (đệ nhất tài lộc) là biểu tượng cho tinh thần xả tài. Chuyện đời ngài Sivali là tấm gương xả tài chứ không phải là hình tượng thần tài. Chúng ta phải xem lại mình thờ có đúng không, thờ thần tài hay thờ tinh thần xả tài. Xả tài không phải là cúng tám tỷ mười lăm tỷ, mà xả tài ở đây là tâm hồn xả tài, coi tình người, lòng hào sảng quan trọng hơn chuyện tích lũy, nắm bắt.
Đời xửa đời xưa ngài thấy một Đức Phật quá khứ tuyên dương một vị tỳ kheo là Đệ nhất tài lộc, ngài thích lắm. Thích ở đây là thích tinh thần xả tài, giống như nhiều người thờ Quán Âm là thờ tinh thần từ bi, lắng tai nghe cuộc đời xem ai cần thì giúp chứ không phải thờ để réo. Tây có câu: Cầu nguyện lúc nguy cơ không phải để thoát nạn mà để có thêm bình tĩnh lúc nguy cấp. Tất cả các chuyên gia cứu hộ trên thế giới đều có chung nhận định như nhau là trong tất cả tình huống nguy hiểm khẩn cấp, đường tơ kẽ tóc, chỉ mành treo chuông, khả năng thoát nạn của người bình tĩnh cao hơn nhiều so với người hoảng loạn. Cầu nguyện thông minh là cầu nguyện trong nhận thức là cầu để có bình tĩnh, và trong sự bình tĩnh đó thì mới thoát nạn, và nếu có ra đi thì cũng ra đi bằng sự bình tĩnh và thanh thản. (Chứ đừng ra đi mặt tái mét, lúc người ta liệm nhìn xấu lắm nghen.)
Ngài Sivali thấy vị tỳ kheo có hạnh xả tài đó, ngài thích quá mới nguyện đời sau sanh ra có dịp nào đó sẽ là một vị tỳ kheo Đệ nhất xả tài. VN mình thờ lộn! Từ xả tài quẹo qua thần tài. Người ta tu buông còn mình thì tu nắm. Khi mình nguyện cái gì thì kể từ ấy trở đi ta bèn có kiểu sống, kiểu suy tư, kiểu hành động, và khi ta có một sinh phong, sinh thức tương ứng với cái hạnh nguyện đó thì ta được gọi là Bồ Tát. Ví dụ khi nguyện hạnh trí tuệ thì từ đó mình phải thiết tha học hỏi cầu đạo, thiết tha tham vấn. Cầu thần thông thì phải thiết tha đến định học, không sống phóng dật thất niệm nữa. Nguyện rồi phải hành. Bồ đề tín, bồ đề nguyện, bồ đề hạnh phải ăn khớp với nhau. Khi bắt đầu nguyện Đệ nhất xả tài, đời đời sanh ra thấy hễ người ta thiếu thốn khố khó là ngài giúp liền.
Người có nhiều phước bố thí thì đời đời sinh ra giàu có nhưng không phải là luôn luôn. Bởi vì đôi lúc trên đường sinh tử cũng có lúc mình có tâm bủn xỉn. Mỗi lần có một tâm bủn xỉn xuất hiện trong vòng 3 giây, 6 giây, tâm đó sẽ gieo mầm nghèo khó cho mình trong một kiếp nào đó. Ví dụ như ba ngàn kiếp liên tục tôi là người hào sảng nhưng có một đôi lần tôi kẹo, thấy cho uổng quá hoặc cho là tiếc. Ba ngàn kiếp hào sảng giúp cho tôi sanh ra trên đống bạc đống vàng nhưng chính đôi lần có cái uổng tiếc này mà có những kiếp sanh ra tôi nghèo le lưỡi luôn. Ngài Sivali cũng vậy, kể từ phát nguyện đệ nhất tài lộc là có hạnh xả tài. Có hạnh xả tài thì hưởng không hết. Tuy nhiên, dù có hạnh xả tài nhưng cũng có lúc nghèo. Đi địa ngục, làm thú còn có nữa huống chi là làm con nhà nghèo. Lúc đó, nhằm kiếp Phật Tỳ Bà Thi ra đời, ngài nghèo quá đi làm công cho người ta, thấy thiên hạ cúng dường trai tăng còn mình thì không có gì để cúng, chỉ có cái tà lỏn mà rách tùm lum như cái rổ. Ngài đi làm thuê làm mướn được trả công một hũ mật ong. Ngài đem về cúng cho Đức Phật và chư tăng trong lễ trai tăng của người ta, và nguyện: “Xin cho con mai mốt đừng nghèo nữa, nghèo quá cái khó bó cái khôn con không tính gì được hết. Gia tài con chỉ có một hũ mật ong, vì hôm nay con dốc túi xả tài nên đời đời con đừng gặp cảnh dốc túi nữa.” Vì cái câu con dốc túi mà con cúng nên đời sau đừng bao giờ con bị cảnh dốc túi nữa. Làm phước khôn như vậy đó. Luân hồi nhiều kiếp, đến đời Phật Ca Diếp ngài là một tỳ kheo chuyên tu tinh tấn, đạo hạnh kiêm ưu. Bữa đó ngài đi trai tăng ở nhà Phật tử, người ta cúng dường bữa ăn thật ngon lành, trên đường về ngài gặp một con chó cái gầy trơ bộ xương cách trí, cả bầy chó con bu lại rúc bú nhưng làm gì có sữa. Tôi nhớ hồi nhỏ ở chùa, sư cả - sư phụ của tôi, lâu lâu về, mấy ông sư chúng tôi bu lại hỏi: “Sư ơi có sữa không sư.” Chúng tôi hồi xưa giấc chiều đói dữ lắm. Sư cả đi Sài Gòn về thế nào cũng có sữa. Là sữa Ông Thọ đó, nhưng tụi tôi nói tắt. Bữa đó Sư mệt quá Sư nói: Trời đất ơi, tui ốm dzầy mà sữa đâu, khổ quá! Tôi nhớ chuyện đó tới bây giờ. Nói vậy thôi, lần nào về không có là Sư móc túi đưa tiền cho người ra mua sữa về cho mấy ông thầy chùa con uống. Ngài Sivali thấy con chó mẹ như vậy, thương quá, ngài nghĩ bụng, bây giờ mình không có gì, thôi móc cổ mửa ra cho nó. Gia tài của ông thầy chùa một ngày có một bữa ăn đó thôi, lâu lâu mới có được bữa ăn ngon bổ dưỡng, vậy mà không cầm lòng khi thấy con chó đói. Móc họng mửa ra hết cho con chó mẹ ăn có sức nuôi bầy con. Trong room này, biết bao nhiêu người giàu có, nghe chuyện thấy gớm chết. Nhưng bố thí đó mới là xả tài, bán mạng mà bố thí, tận tuyệt, dốc lòng, bố thí không cầu danh không cầu lợi, không cần thiên hạ hay biết. Khi con người sống hết tình như vậy, đời đời sanh ra tràn trề no đủ. Đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài sanh ra là một hoàng tử (sanh vào bụng một bà hoàng – công chúa Suppavasa). Tuy nhiên, có một chuyện lấn cấn, trong đời quá khứ một lần đó ngài là vua và bà mẹ hiện tại là thái hậu. Khi cất quân đi đánh xứ người, dân xứ đó ở trong thành lũy kiên cố, đánh hoài không được. Thái hậu bàn với vua, công thành không được, bỏ đi thì mất mặt, thôi cứ bao vây, bên trong đói thế nào cũng đầu hàng. Thế là bao vây 7 ngày, dân trong thành người lớn con nít kiệt sức dần dần. Thám báo về báo tin như vậy, hai mẹ con bà động lòng thấy tội nghiệp và rút quân. Người dân bị nhốt 7 ngày trong thành thì biết bao nhiêu là vấn đề, đói không có ăn, bệnh hoạn không có thầy thuốc… Thế là hai mẹ con chết rồi đọa địa ngục. Từ đó trở lên, kiếp nào cũng cứ bị cầm tù, kẹt đò kẹt phà, bị giam bị nhốt nhiều đời. Đời cuối cùng, bà mẹ là công chúa tên là Suppavasa, lấy chồng có mang bảy năm bảy tháng. Chửa trâu thì mười một mười hai tháng, còn ở đây chửa bảy năm bảy tháng. Thầy thuốc bắt mạch thấy thai ok, không phải thai lưu. Đủ 7 năm 7 tháng thì công chúa Suppavasa chuyển dạ, nhưng ngài không chịu chui ra, cứ ra đến cửa là nằm ngay đó. Công chúa Suppavasa đau thấu trời, nói chồng vô lạy Phật và thưa rằng Suppavasa đau quá không vô đảnh lễ Thế Tôn được. Ông chồng vô thưa với Thế Tôn, Suppavasa đau quá không vào đảnh lễ Phật được. Đức Phật nói: “Mong cho Suppavasa mẹ tròn con vuông.” Ngay khi Thế Tôn nói câu đó lập tức ở nhà Suppavasa lâm bồn và sinh ra cậu bé cực kỳ thông minh đĩnh ngộ, tóc tai đầy đủ. Hôm sau gia đình quyết định thỉnh chư tăng về nhà cúng dường. Xui một chỗ là khi đến thỉnh Phật hôm sau trai tăng thì Phật từ chối, Ngài nói có một đệ tử của ngài Mục Kiền Liên thỉnh một tuần lễ rồi. Họ nói: “Bạch Thế Tôn, duyên sự đặc biệt quá, chúng con xin thương lượng không biết được hay không.” Đức Phật bảo hãy đi đến gặp ngài Mục Kiền Liên. Họ đến gặp ngài Mục Kiền Liên và ngài Mục Kiền Liên nói với đệ tử: “Cái duyên sự của người ta như vậy, mang thai lâu như vậy, đứa bé là đại Thinh Văn chứ không phải thường, nhường người ta được không.” Người đệ tử nói: “Sư phụ kêu con nhường thì con nhường. Nhưng con nhường lỡ sau 7 ngày con không có cơ hội làm phước thì sao, thôi con sẽ nhường nhưng xin ngài bảo đảm cho con ba chuyện: Thứ nhất, con có sống hơn bảy ngày nữa không.” Ngài Mục Kiền Liên nhíu mày nhập định và xuất định biết ngay: “Được, chuyện đó ta bảo đảm, ngươi sẽ sống trăm tuổi chứ không phải là bảy ngày, đến lúc Phật tịch rồi ngươi cũng còn”. “Thứ hai, tôn giả bảo đảm sau bảy ngày tài sản của con cũng còn nguyên, không bị chiến tranh, táng gia bại sản không?”. Ngài Mục Kiền Liên nhíu mày một cái: “Rồi, ta bảo đảm tài sản của ngươi ăn ba kiếp không hết.” “Thứ ba, ngài bảo đảm bảy ngày nữa đức tin của con cũng ok, lỡ lúc đó con không tin Tam bảo nữa, đoạn kiến vô thần, phỉ báng Phật pháp thì sao.” Tới đây thì ngài Mục Kiền Liên không còn nhíu mày nữa. Đọc chỗ này mình mới thấy đặc biệt, chỗ này gặp mấy ông phàm tăng dùng thần thông thì ok, nhưng chỗ này ngài không muốn dùng, ngài muốn dạy cho ông một bài học. Ngài nói: “Không, ta chỉ bảo đảm cho con sống trăm tuổi, tánh mạng ok, tài sản ok, nhưng đạo tâm tín tâm của con thì con phải tự liệu lấy. Không có thầy nào liệu cho con hết. Trên đời này mà có chuyện người này bảo đảm đạo tâm của người kia thì thế giới này đâu như con thấy.” Nghe như vậy, người đệ tử quỳ sụp xuống: “Dạ con hiểu, điều thứ ba này con xin bảo đảm, bảy ngày nữa con vẫn ok.”
Sau đó ngài Mục Kiền Liên về báo lại cho vợ chồng Suppavasa biết. Suppavasa bắt đầu tổ chức lễ trai tăng, thiết lễ trai viên cúng dường Thế Tôn và tăng chúng suốt bảy hôm. Cậu bé Sivali chạy lăng xăng. Ngày Xá Lợi Phất hỏi: “Bảy năm trong đó con có thấy ngán lắm không, con có thấy sợ luân hồi không, con có muốn đi xuất gia không?”. Cậu bé Sivali gật đầu liền: “Bảy năm trong đó con sợ lắm con không muốn tái diễn chuyện đó nữa.” Suppavasa đứng hầu cơm chư tăng thắc mắc không biết con mình nói gì với tướng quân chánh pháp. Chưa quen biết ngày nào mà líu lo líu lo. Suppavasa lại gần hỏi ngài Xá Lợi Phất: “Nó nói gì vậy, bạch ngài?” Ngài Xá Lợi Phất nói nó sợ quá không muốn đầu thai nữa, nó muốn đi tu. Suppavasa nói, “Dạ nếu nó muốn xin ngài cho nó đi tu.” Suppavasa là Phật tử đắc Tu-đà-hoàn mà. Thế là cậu bé Sivali đi tu và trở thành vị Đệ nhất tài lộc. Đi tu rồi thì bất cứ nơi đâu mà có ngài thì thức ăn, y áo, chỗ ở, thuốc men được cúng dường tấp nập. Nhân sự kiện Đức Phật và chư tăng đến khu rừng keo thăm ngài Revata (mình vừa học ngày hôm qua), sau chuyến đi, Đức Thế Tôn trở về chùa Kỳ Viên và long trọng tuyên bố trước mặt bốn chúng rằng: “Trong các đệ tử của ta, Đệ nhất tài lộc là Sivali. Trong những hoàn cảnh đệ nhất ngặt nghèo, ai cũng buông xuôi niềm tin, hễ có Sivali là mọi việc suôn sẻ, đặc biệt là về vật chất là không có gì phải lo. Dù sa mạc, hoang đảo, rừng sâu núi cao, ở đâu có Sivali thì ở đó có tài lộc.”
Một lần đó ngài Sivali muốn thử. Ngài nói, “Bạch Thế Tôn, con muốn biết trên đỉnh núi cao hoang vắng không người con có thể lo liệu đời sống của năm trăm tỳ kheo được hay không, xin Thế Tôn cho phép.” Đức Phật nói: “Được, muốn thì cứ làm.” Với ngài Mục Kiền Liên có thần thông thì đi chỗ này chỗ kia, còn ngài Sivali thì muốn thử một lần, ngài đem 500 tỳ kheo lên núi cao, cao đến nỗi vắng bóng chim bay, mây xám mù mịt, nơi đệ nhất ma thiêng nước độc. Vậy mà khi ngài đem 500 tỳ kheo lên đó thì một thị trấn bỗng dưng thình lình xuất hiện trên đó với nhà cao cửa rộng. Chư thiên, long vương, Càn-thát-bà, Dạ Xoa, các chúng thiên long bát bộ đều xuất hiện để cúng dường cho ngài và năm trăm tỳ kheo y như dưới phố. Lúc đó ngài mới xác định mình đúng là Đệ nhất tài lộc.
Cũng giống như chuyện ngài Xá Lợi Phất, buổi chiều đó ngài nhập thiền Quả, rồi ngài xuất định; rồi ngài suy tư về Phật pháp, ngược xuôi, xuôi ngược, suy tư mấy chục ngàn vấn đề trong một buổi chiều đó. Rồi ngài xác định: Đây đúng là đỉnh cao của trí tuệ Thinh Văn mà ta đã đạt được trong Tam thiên đại thiên thế giới. Ngoài Thế Tôn không ai có thể làm được việc như ta vừa làm, tuy nhiên ta vẫn chỉ là một đệ tử của Thế Tôn. Rồi ngài suy nghĩ thêm. Một bậc đạo sư như Thế Tôn thì chắc chắn chư Phật quá khứ cũng chỉ bằng chứ không hơn và chư Phật vị lai cũng chỉ bằng chứ không hơn. Nghĩ như vậy, ngài vào lạy Phật, ngài nói: “Bạch Thế Tôn, chiều nay trong lúc xả thiền con đã suy tư về giáo pháp của Thế Tôn theo các chiều thuận nghịch, ngược xuôi. Bữa nay là bữa mà con sống hết mình với trí Thinh Văn của con và con mới nhận ra là con đã có một bậc đạo sư là Thế Tôn. Một bậc đạo sư mà con nghĩ chư Phật ba đời mười phương chỉ bằng chứ không hơn.” Bằng cái tâm tình cái suy nghĩ của một người như chúng ta nghe vậy thì một là gật đầu, hai là rất là vui, vui ra mặt, vui kín đáo. Nhưng Đức Phật thì không. Ngài hỏi ngài Xá Lợi Phất: “Xá Lợi Phất biết gì về chư Phật quá khứ, vị lai, Xá Lợi Phất có hiểu gì về sở hành và công hạnh của chư Phật ba đời mười phương mà Xá Lợi Phất nói như vậy. Xá Lợi Phất có bao giờ thử tìm hiểu về cảnh giới của các đấng Như Lai Toàn giác hay không?”. Ngài Xá Lợi Phất trả lời “Dạ không, con không có khả năng đó.” Đức Phật nói, “Ngươi không có khả năng đó vậy mà ngươi nghĩ rằng không ai hơn ta thì đó là bạo ngôn.” Ngài không nói là ngài Xá Lợi Phất nói sai, mà đó là tiếng gầm của sư tử. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Dạ, con nghĩ là con đại ngôn nhưng không sai, tất cả chư Phật ba đời mười phương đều phải đoạn trừ năm triền cái mới đắc được tận cùng thiền Chỉ. Tất cả chư Phật ba đời mười phương đều phải thấy rõ Bốn Đế, 12 Duyên khởi thì mới đắc thành Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tất cả chư Phật ba đời mười phương đều phải hoàn mãn 37 phẩm Trợ đạo mới trở thành Chánh Đẳng Chánh Giác, con nghĩ rằng đó là con đường tất cả chư Phật đã đi, không có khác nữa. Nếu không có gì khác, thì con dựa vào đó mà nói không ai hơn Thế Tôn.” Tôi vừa giảng theo chú giải của Kinh Tự Hoan Hỉ.
(Sư Giác Nguyên giảng)
Nguồn: Facebook
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét