"Nghiệp là gì"

Môn đồ hỏi "Nghiệp là gì", Đức Phật trả lời bằng 1 câu chuyện khiến bao người thức tỉnh
Câu chuyện mà Đức Phật kể cho các môn đồ đã khiến nhiều người nhận ra, dù chưa làm điều gì có hại cho người khác, nhưng họ đã vô tình tạo nghiệp cho chính bản thân mà không biết.

Một hôm, Đức Phật đang ngồi cùng các môn đồ thì bỗng có 1 người hỏi Ngài rằng, "Nghiệp là gì?".
Đức Phật trả lời: "Để ta kể cho các ngươi một câu chuyện.
Một vị vua đang cưỡi voi đi thăm thú vương quốc của mình. Đột nhiên ông ta dừng lại trước một cửa hàng ở trong chợ và nói với cận thần của mình: "Không biết tại sao, nhưng ta muốn treo cổ chủ cửa hàng này".
Người cận thần bị sốc. Nhưng trước khi ông ta có thể hỏi rõ lý do tại sao thì nhà vua đã đi tiếp. 
Hôm sau, người cận thần này tới cửa hàng hôm trước, ăn mặc như một người dân địa phương để tìm gặp chủ cửa hàng. 
Ông ta gợi chuyện rồi hỏi xem tình hình buôn bán của cửa hàng ra sao. Chủ cửa hàng là một thương nhân buôn bán gỗ đàn hương, trả lời một cách buồn bã rằng anh ta hầu như chẳng có khách hàng nào.
Người ta cứ đến cửa hàng, ngửi mùi gỗ đàn hương rồi lại bỏ đi. Thậm chí họ còn khen ngợi chất lượng của gỗ đàn hương, nhưng hiếm khi mua thứ gì. Hy vọng duy nhất của anh ta là việc nhà vua sớm qua đời.  
Có như thế thì người ta mới có nhu cầu mua thật nhiều gỗ đàn hương để phục vụ cho các công đoạn tang lễ. Và vì là người bán gỗ đàn hương duy nhất ở đây nên hẳn cái chết của nhà vua sẽ mang lại cơ hội làm giàu rất lớn cho anh ta. 
Đến lúc này, vị quan cận thần mới hiểu lý do tại sao nhà vua dừng lại trước cửa hàng của ông ta và bày tỏ ý muốn giết người chủ cửa hàng. Có lẽ, ý nghĩ tiêu cực của người chủ cửa hàng, bằng 1 cách siêu nhiên nào đó, đã tác động tới nhà vua, và rồi, khiến nhà vua cũng lại có ý nghĩ tiêu cực với anh ta như vậy. 
Vị quan cận thần vốn là một người có trí tuệ thâm sâu, đã ngẫm nghĩ một hồi rồi mới đưa ra quyết định. Ông không nói cho người chủ cửa hàng biết mình là ai, cũng không tiết lộ ý muốn của nhà vua. Ngược lại, ông chỉ nói rằng mình muốn mua một ít gỗ đàn hương.
Nghe thấy vậy, người chủ cửa hàng vô cùng vui mừng. Anh ta gói ghém món hàng rồi giao cho vị quan cận thần. 
Khi trở về cung điện, vị quan cận thần đi thẳng đến chỗ của nhà vua và nói rằng người thương nhân có một món quà cho bệ hạ. Nhà vua hết sức ngạc nhiên. Khi mở gói quà, nhà vua đã thấy vô cùng thích thú và ấn tượng trước màu vàng tinh tế của miếng gỗ và hương thơm kỳ diệu tuyệt vời của nó. 
Đang trong tâm trạng vui vẻ, nhà vua ra lệnh thưởng cho người thương nhân vài đồng tiền vàng. Trong thâm tâm, ông thầm tự trách mình rằng đã có ý nghĩ xấu khi muốn giết anh ta.
Còn khi người bán hàng nhận được những đồng tiền vàng do nhà vua thưởng cho, anh ta cũng hết sức sửng sốt. Anh ta bắt đầu nhận ra nhà vua là một đấng quân vương hào phóng, tốt bụng và đã cứu anh ta thoát khỏi cảnh phá sản.
Anh ta cũng rất hối hận khi đã trót có ý nghĩ độc ác là mong cho nhà vua băng hà sớm chỉ để có thể bán được nhiều gỗ đàn hương.""Vậy Nghiệp là gì?", Đức Phật hỏi lại các môn đồ sau khi kết thúc câu chuyện. 
Nhiều người đã đưa ra các câu trả lời khác nhau, rằng đó là lời nói, là hành động, là cảm xúc của chúng ta. 
Nhưng Đức Phật đã lắc đầu và nói rằng, "Suy nghĩ của các ngươi chính là Nghiệp đó". 
Lời bàn: Hãy nhớ rằng, khi bạn có những suy nghĩ thiện lành, tốt đẹp về người khác, thì những suy nghĩ tích cực ấy cũng sẽ quay trở lại với bạn theo cách tương tự.  
Còn khi chúng ta để cho những ý nghĩ độc ác, xấu xa xâm chiếm tâm trí mình, thì bằng một cách nào đó, chúng sẽ quay lại đáp trả, và nạn nhân phải nhận những hậu quả ấy, không ai khác, chính là bạn.
Câu chuyện còn cho thấy, qua lăng kính của một người lương thiện, mọi mâu thuẫn đều có thể được hóa giải, điều dữ trở thành chuyện lành, và ai trong chúng ta cũng nên là vị quan cận thần, hãy dùng suy nghĩ thiện lành của mình để giúp đỡ người khác, cũng là giúp chính mình.

*** Nhưng có khi: "Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng".  thì sao? 

(ST)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét